Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Cách chế độ tài phiệt chi phối chính trị và xã hội

Nội dung

    Điểm nhấn chính 

    - Chế độ tài phiệt đề cập đến một xã hội được thống trị hay kiểm soát bởi một thiểu số những công dân giàu có.

    - Họ có thể thúc đẩy đầu tư và đổi mới nhưng sự tập trung của cải và quyền lực có thể tạo ra sự chênh lệch lớn giữa người giàu và người nghèo. 

    Chế độ tài phiệt là gì? 

    Chế độ tài phiệt (Plutocracy) là chế độ mà quyền lực kinh tế và chính trị tập trung vào tay một nhóm nhỏ các cá nhân hoặc doanh nghiệp giàu có. Từ này có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, ghép từ "ploutos" nghĩa là giàu có và "kratos" nghĩa là quyền lực, cầm quyền. Trong chế độ này, những người giàu có không chỉ nắm giữ phần lớn của cải mà còn có khả năng kiểm soát và ảnh hưởng đến các quyết định chính trị và kinh tế của quốc gia. Chế độ này chỉ cho phép những người giàu có nắm quyền cai trị, một cách công khai hoặc theo tuỳ hoàn cảnh, dẫn đến việc áp dụng các chính sách được thiếp lập đặc biệt có lợi cho người giàu.

    Đế chế La Mã được coi là một ví dụ điểm hình cho chế độ tài phiệt, khi mà toàn bộ thành viên Thượng viện đều là quý tộc giàu có. Trong đế chế này, việc bầu cử quan chức và đề xuất các chính sách mới cũng hoàn toàn rơi vào tay người giàu. Hiện nay, thể chế ở Mỹ cũng được cho là mang một số yếu tố của chế độ tài phiệt, bởi những ảnh hưởng khá sâu rộng của người giàu lên quá trình bầu cử và hoạch định chính sách của nước này.

    Những tác động của chế độ tài phiệt 

    1. Ảnh hưởng đến sự phân phối của cải và thu nhập 

    Chế độ tài phiệt dẫn đến sự phân phối tài sản không đồng đều, khi mà phần lớn của cải tập trung vào tay một nhóm nhỏ các cá nhân hoặc doanh nghiệp giàu có. Việc những người giàu có kiểm soát hầu hết tài sản và cơ hội kinh tế có thể tạo ra một khoảng cách lớn giữa người giàu và người nghèo, dẫn đến sự gia tăng bất bình đẳng thu nhập trong xã hội. Điều này có thể diễn ra thông qua việc cắt giảm thuế cho các tập đoàn và cá nhân giàu có, giảm bớt các quy định đối với doanh nghiệp lớn, hạn chế sự can thiệp của nhà nước vào thị trường tự do…

    2. Tác động đến tăng trưởng và phát triển kinh tế

    Một chế độ tài phiệt có thể có cả tác động tích cực và tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Mặt tích cực là các cá nhân và doanh nghiệp giàu có có thể đầu tư vào các dự án lớn, thúc đẩy sự đổi mới và tạo ra việc làm. Tuy nhiên, nó có thể hạn chế tính cạnh tranh và đổi mới trong kinh tế. Khi các doanh nghiệp lớn sử dụng quyền lực của mình để duy trì vị thế và hạn chế sự cạnh tranh, các doanh nghiệp nhỏ và mới có thể gặp khó khăn trong việc phát triển và đổi mới. Điều này có thể làm suy yếu sự phát triển kinh tế toàn diện và giảm đi cơ hội cho các ý tưởng mới. 

    3. Sự chi phối lên các chính sách công 

    Trong một chế độ tài phiệt, các tài phiệt có khả năng sử dụng quyền lực kinh tế của mình để chi phối các quyết định chính sách công. Họ có thể tài trợ cho các chiến dịch chính trị, vận động hành lang và thậm chí mua chuộc các quan chức chính phủ để bảo vệ lợi ích của mình. Điều này dẫn đến các chính sách công không còn phục vụ lợi ích chung của xã hội mà chủ yếu phục vụ lợi ích của một nhóm nhỏ các cá nhân hoặc doanh nghiệp giàu có.

    4. Tham nhũng và thao túng truyền thông

    Chế độ tài phiệt thường đi kèm với tham nhũng và xung đột lợi ích. Các tài phiệt có thể sử dụng tài sản của mình để ảnh hưởng đến các quan chức chính phủ, dẫn đến các quyết định chính sách không minh bạch và không công bằng. Hơn nữa, mối quan hệ giữa các tập đoàn lớn và chính phủ thường rất chặt chẽ. Các cựu quan chức chính phủ còn thường  được tuyển dụng vào các vị trí cao cấp trong các tập đoàn sau khi họ rời khỏi chức vụ công. Sự chi phối này tạo ra một môi trường kinh doanh thiếu công bằng, làm suy giảm lòng tin của công chúng và các doanh nghiệp nhỏ lẻ vào hệ thống chính trị và kinh tế.

    Những người giàu có trong chế độ tài phiệt thường kiểm soát các phương tiện truyền thông hoặc có khả năng ảnh hưởng lớn đến báo chí, nhằm kiểm soát thông tin, định hình dư luận và bảo vệ lợi ích của mình. Điều này có thể làm suy yếu nền dân chủ, khi công chúng không được tiếp cận với thông tin chính xác và toàn diện.

    Ví dụ về các Chaebol tại Hàn Quốc 

    Chaebol là các tập đoàn kinh tế đa quốc gia  lớn, thường do các gia đình quản lý và kiểm soát, tại Hàn Quốc. Tuy chaebol được xem là một cấu trúc kinh tế, không phải là một chế độ plutocracy, nhưng tại Hàn Quốc, hai khái niệm này có một số điểm tương đồng nhất định.

    Các chaebol không chỉ hoạt động trong các ngành công nghiệp chủ chốt như sản xuất, điện tử, hóa chất, ô tô, mà còn mở rộng ra các lĩnh vực dịch vụ, tài chính, và viễn thông. Vai trò của các chaebol trong nền kinh tế Hàn Quốc rất quan trọng, vì họ đóng góp một phần lớn vào GDP của quốc gia và tạo ra nhiều việc làm cho người dân. Theo một số ước tính và báo cáo, các chaebol có thể đóng góp đến khoảng 60-70% GDP của Hàn Quốc. Một số chaebol nổi bật có thể kể đến là Samsung (hiện là tập đoàn gia đình lớn nhất tại Hàn Quốc), LG, Hyundai...

    Tác động đến chính trị và nền kinh tế Hàn Quốc 

    Các chaebol là những nhâ tố  đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc. Các chính sách ưu đãi về thuế, giãn nợ cho các khoản vay, cấp vốn và các dự án đặc biệt dành cho chaebol đã giúp Hàn Quốc hóa rồng chỉ trong chưa đầy nửa thế kỷ với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đều trên 10%. Năm 1961, xuất khẩu của Hàn Quốc chỉ chiếm 4% GDP nhưng năm 2016 đã tăng lên hơn 40%, một trong những tỷ lệ cao nhất trên toàn cầu. Cũng trong giai đoạn đó, thu nhập bình quân hàng năm của người Hàn Quốc đã tăng từ 120 USD lên đến 30,000 USD. 

    Theo dữ liệu năm 2017, tổng doanh thu của 10 Chaebol lớn nhất Hàn Quốc lên đến 677.8 nghìn tỷ USD, tương đương 44.2% tổng GDP cả nước. Đến năm 2020, con số này tăng lên  84.3% tổng GDP toàn quốc, riêng Samsung ghi nhận 314 nghìn tỷ Won, chiếm 19.4% GDP cả nước. Để so sánh, cùng thời điểm đó thì công ty có doanh thu hàng đầu ở Mỹ, Walmart Inc có doanh thu chỉ chiếm 2.6% tổng GDP. Công ty có đóng góp lớn nhất vào GDP Nhật Bản năm 2017 là Toyota Motor Corp với 5.7%.

    Về mặt chính trị, vì sụ đóng góp lớn của họ vào nên kinh tế, các chaebol thường có ảnh hưởng đáng kể đến các quyết định chính sách của chính phủ Hàn Quốc. Thậm chí, từ khi chưa nhậm chức, các chính trị gia đã xây dựng mối quan hệ với các tập đoàn này để nhận được sự hỗ trợ về tài chính lẫn chính trị trong các cuộc tranh cử. Cũng vì lí do này, hệ thống Chaebol đã và đang ngày càng có nhiều quyền lực hơn.

    Ở mặt trái, các chaebol từng vướng vào nhiều vụ bê bối và tham nhũng gây rúng động. Các vụ bê bối thường liên quan đến việc các nhà lãnh đạo chaebol hối lộ các quan chức chính phủ để nhận được các ưu đãi kinh tế hoặc tránh bị truy cứu trách nhiệm. Ví dụ điển hình là vụ bê bối liên quan đến Samsung và cựu Tổng thống Park Geun-hye vào năm 2017. Bà Park Geun-hye bị phế truất và bị bắt vào tháng 3/2017 vì tội tham nhũng, lạm dụng quyền lực để lấy khoảng 43 tỷ won (37 triệu USD) từ các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc trong đó có Samsung và để các tập đoàn này can thiệp vào các vấn đề của nhà nước.

    Hiện tượng "cửa quay" (Revolving door) cũng thường diễn ra, là khi các quan chức chính phủ sau khi phục vụ công chúng sẽ chuyển sang nắm giữ các vị trí cao trong các chaebol, làm tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa doanh nghiệp và chính trị. Điều này cho các chaebol có quyền lực chính trị đáng kể và những đóng góp của họ vào nền kinh tế từ đó tiếp tục mang lại cho họ đòn bẩy để ảnh hưởng đến các quyết định chính sách có lợi cho lợi ích kinh doanh của họ.

    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

      Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

      Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

      Tích lũy

      Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

      Tìm hiểu thêm
      Tích lũy

      Cố vấn Robo AI

      Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

      Tìm hiểu thêm
      Cố vấn Robo AI

      Đầu tư chứng khoán

      Với số tiền bất kỳ

      Tìm hiểu thêm
      Đầu tư chứng khoán