Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Đường cong Phillips – Sự đánh đổi trong ngắn hạn

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Đường cong Phillips thể hiện mối quan hệ giữa hai biến số kinh tế vĩ mô: tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát.

    - Trong ngắn hạn, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát có mối quan hệ nghịch biến, còn trong dài hạn chúng độc lập với nhau.  

    Đường cong Phillips là gì?

    Đường cong Phillips là một lý thuyết kinh tế cho rằng, lạm phát và thất nghiệp có mối quan hệ ngược chiều nhau. Theo lý thuyết này, tăng trưởng kinh tế sẽ dẫn đến lạm phát, do đó sẽ dẫn đến nhiều việc làm hơn và ít thất nghiệp hơn, và ngược lại.

    Chính vì điều này, các nhà hoạch định chính sách sẽ sử dụng lý thuyết đường cong Phillips để cân bằng giữa lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp.  

    Đường cong Phillips hoạt động như thế nào?

    Đường cong Phillips ngắn hạn

    Đường cong Phillips là đồ thị biểu thị tỷ lệ thất nghiệp theo lạm phát, được phát triển bởi William Phillips, một nhà kinh tế học đã xem xét dữ liệu về tỷ lệ thất nghiệp và tiền lương ở Anh được thu thập từ năm 1861 đến năm 1957. Nghiên cứu chỉ ra rằng, xuất hiện mối quan hệ ngược chiều giữa lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp. Theo đó, khi lạm phát cao thì tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng thấp và ngược lại, khi lạm phát thấp thì thất nghiệp sẽ tăng. Lý thuyết đường cong Phillips sau đó được áp dụng rộng rãi như một khuôn khổ cho các nghiên cứu kinh tế học và các chính sách của ngân hàng trung ương.

    Tỷ lệ thất nghiệp giảm báo hiệu nhu cầu lao động tăng lên, gây áp lực lên tiền lương. Theo đó, các công ty tối đa hóa lợi nhuận sau đó sẽ tăng giá sản phẩm của họ để đáp ứng với chi phi phí lao động tăng cao. Các nhà kinh tế học của trường phái kinh tế học vĩ mô đã sử dụng kết quả nghiên cứu của William Phillips để vẽ đường cong Phillips.

    Hình 1: Đường cong Phillips ngắn hạn

    Nguồn: Tititada

    Đường cong ngắn hạn Phillips sẽ có hướng dốc xuống từ trái qua phải, thể hiện mối quan hệ nghịch biến giữa tỷ lệ lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp. Từ mô hình đường cong Phillips ngắn hạn cho thấy, nhà hoạch định chính sách tiền tệ sẽ phải lựa chọn giữa tỷ lệ lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp ở một mức độ nhất định cho tối ưu nhất. Vì trong ngắn hạn, chúng có mối quan hệ nghịch biến, nên một nền kinh tế với (i) tỷ lệ lạm phát vừa phải, kiểm soát được và (ii) tỷ lệ thất nghiệp thấp, sẽ là mục tiêu tối ưu của chính sách tiền tệ. Do đó, đường cong Phillips ngắn hạn sẽ hữu ích trong việc hoạch định chính sách kinh tế của Chính phủ cũng như chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương.

    Đường cong Phillips dài hạn

    Tuy vậy, một số cho rằng, quan điểm trên chỉ đúng trong ngắn hạn. Điển hình như theo hai nhà kinh tế Edmund Phelps và Milton Friedman, trong dài hạn, đường cong Phillips sẽ có dạng thẳng đứng, ngụ ý rằng không có mối quan hệ dài hạn giữa tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lạm phát.

    Hình 2: Đường cong Phillips dài hạn

    Nguồn: Tititada

    Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard từng thảo luận về việc làm phẳng đường cong Phillips. Ông giải thích: “Fed đã quan tâm nhiều hơn đến việc hướng đến mục tiêu lạm phát trong 20 năm qua. Ông nói, điều này dẫn đến lạm phát thấp hơn, ổn định hơn ở Mỹ” và còn nói thêm “không còn nhiều mối quan hệ giữa hiệu quả của thị trường lao động và tỷ lệ lạm phát”.

    Do vậy, lý thuyết đường cong Phillips được tóm tắt như sau: trong ngắn hạn, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát có mối quan hệ nghịch biến, còn trong dài hạn chúng độc lập và không có mối quan hệ với nhau.

    Đường cong Phillips ý nghĩa gì với chính sách tiền tệ?

    Tính hữu ích của đường cong Phillips vẫn luôn là vấn đề thu hút được nhiều sự tranh luận từ các nhà hoạch định chính sách.

    Đường cong Phillips thể hiện mối quan hệ giữa hai biến số kinh tế vĩ mô quan trọng đối với chính sách tiền tệ: lạm phát và chênh lệch sản lượng (output gap). Chênh lệch sản lượng được định nghĩa là sự chênh lệch giữa sản lượng thực tế và sản lượng tiềm năng, trong đó sản lượng tiềm năng được ước tính là mức sản lượng khi tất cả các nguồn lực được sử dụng tối đa công suất. Mối quan hệ này hữu ích vì, sản lượng tăng trên mức tiềm năng có xu hướng tạo ra áp lực lạm phát.

    Điều này có thể được giải thích như sau: Khi tổng cầu cao, doanh nghiệp sẽ bán được nhiều hàng hóa, dịch vụ hơn. Điều này có nghĩa là họ sẽ phải tăng sản lượng và do đó sẽ thuê thêm công nhân (giảm tỷ lệ thất nghiệp) và mua thêm hàng hóa và nguyên vật liệu. Nhu cầu cao so với năng lực sản xuất của nền kinh tế sẽ có xu hướng đẩy chi phí sản xuất của các công ty lên cao, điều này sẽ chuyển một phần chi phí tăng lên này sang giá sản phẩm của họ, từ đó tạo ra lạm phát. Mối quan hệ trên được phản ánh lên đường cong Phillips.

    Trên thực tế, Phillips ban đầu nghĩ ra đường cong dựa trên mối quan hệ giữa tỷ lệ thất nghiệp (như một thước đo hoạt động kinh tế) và lạm phát tiền lương.

    Thông qua chính sách tiền tệ, ngân hàng trung ương có thể tác động đến các quyết định đầu tư, tiêu dùng và tiết kiệm của người dân và doanh nghiệp bằng cách thay đổi lãi suất điều hành và sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ khác. Những quyết định này sẽ xác định tăng trưởng kinh tế, việc làm và lạm phát.

    Một ví dụ thực tế có thể thấy với thịtrường tài chính Mỹ. Tháng 10/2008, khi bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ được ghi nhận ở mức là 6.5%, và lạm phát được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là 3.73%. Một năm sau, tháng 10/2009, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 10% trong khi tỷ lệ lạm phát là -0.22%. Trong khi đó, tháng 4/2021, tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 6.0% thì lạm phát tăng lên mức 4.15%. Đến tháng 4/2022, khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3.6% thì tỷ lệ lạm phát đã tăng lên 8.22%.

    Tại Việt Nam, tỷ lệ lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cũng có mối quan hệ ngược chiều, lạm phát giảm sẽ khiến cho tỷ lệ thất nghiệp tăng cao hơn. Điều này có thể được minh chứng rõ hơn bằng đồ thị sau đây, đồ thị thể hiện tỷ lệ lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam từ năm 2010 đến năm 2023.

    Nguồn: Tổng Cục Thống kê, Tititada


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

      Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

      Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

      Tích lũy

      Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

      Tìm hiểu thêm
      Tích lũy

      Cố vấn Robo AI

      Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

      Tìm hiểu thêm
      Cố vấn Robo AI

      Đầu tư chứng khoán

      Với số tiền bất kỳ

      Tìm hiểu thêm
      Đầu tư chứng khoán