Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Chuyển giao từ VAS sang IFRS trong hệ thống kế toán Việt Nam

Nội dung

    Điểm nhấn chính: 

    - IFRS là bộ quy tắc kế toán đối với BCTC được sử dụng rộng rãi bởi các công ty đại chúng trên toàn cầu.

    - Các công ty Việt Nam hiện vẫn sử dụng VAS và gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi sang IFRS. Tuy nhiên, chuyển đổi sang IFRS là tiền đề cho các công ty Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới.

    Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế là gì?

    Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (gọi tắt là IFRS) là bộ quy tắc kế toán đối với báo cáo tài chính mà các công ty đại chúng có thể tuân theo để giúp báo cáo tài chính của họ nhất quán, minh bạch và dễ dàng so sánh trên phạm vi toàn câu. Hiện IFRS đã hoàn thành bộ hồ sơ cho 168 khu vực pháp lý, bao gồm cả Liên minh Châu Âu. Hoa Kỳ sử dụng một hệ thống khác, được gọi là Các nguyên tắc kế toán chung (GAAP).

    IFRS được ban hành bởi Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IASB) và thường bị nhầm lẫn với Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IAS) - phiên bản cũ hơn được thay thế bởi IFRS vào năm 2001. Cả hai Chuẩn mực này hiện tại vẫn đang được sử dụng song song, các nguyên tắc IAS sau khi được thay đổi, bổ sung sẽ trở thành nguyên tắc IFRS.

    IFRS quy định chi tiết cách các doanh nghiệp phải trình bày hồ sơ và báo cáo chi phí - thu nhập của mình, qua đó tạo ra một “ngôn ngữ chung” trong kế toán mà nhà đầu tư, kiểm toán viên, cơ quan chính phủ hay các bên liên quan khác trên toàn cầu đều có thể hiểu được. Các tiêu chuẩn này được thiết kế để mang lại sự nhất quán trong ngôn ngữ, thông lệ và báo cáo kiểm toán, đồng thời giúp các doanh nghiệp và nhà đầu tư đưa ra các phân tích và quyết định tài chính chính xác, có cơ sở.

    Nguyên tắc chính của IFRS

    IFRS bao gồm 19 nguyên tắc trong đó có 16 nguyên tắc đang có hiệu lực được sử dụng song song với 25 nguyên tắc IAS còn hiệu lực.

    IFRS 1 — Lần đầu áp dụng các Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế

    IFRS 2 — Thanh toán trên cơ sở cổ phiếu

    IFRS 3 — Hợp nhất kinh doanh

    IFRS 4 — Hợp đồng bảo hiểm (Không còn hiệu lực và đã được thay thế bởi IFRS 17 vào năm 2023)

    IFRS 5 — Tài sản dài hạn nắm giữ để bán và các hoạt động ngừng hoạt động

    IFRS 6 — Thăm dò và đánh giá tài nguyên khoáng sản

    IFRS 7 — Công cụ tài chính: Công bố thông tin

    IFRS 8 — Bộ phận hoạt động

    IFRS 9 — Công cụ tài chính

    IFRS 10 — Báo cáo tài chính hợp nhất

    IFRS 11 — Thỏa thuận chung

    IFRS 12 — Công bố lợi ích trong các đơn vị khác

    IFRS 13 — Đo lường giá trị hợp lý

    IFRS 14 — Tài khoản hoãn lại theo quy định

    IFRS 15 — Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng

    IFRS 16 — Hợp đồng thuê

    IFRS 17 — Hợp đồng bảo hiểm

    IFRS 18 — Trình bày và thuyết minh trong báo cáo tài chính (Có hiệu lực từ 01/01/2027)

    IFRS 19 — Công ty con không có trách nhiệm giải trình trước công chúng: Công bố thông tin (Có hiệu lực từ 1/1/2027)  

    Sự cấp thiết trong việc chuyển đổi, áp dụng IFRS tại Việt Nam

    Ra mắt và áp dụng từ 2001, Nguyên tắc Kế toán Việt Nam (VAS) dựa trên cơ sở của Nguyên tắc Kế toán Quốc tế (IAS/IFRS), được ban hành bởi Bộ Tài chính.

    Mặc dù tại thời điểm ban hành, VAS được xây dựng dựa trên khung của IFRS nhưng không phải IAS/IFRS nào cũng được áp dụng, thậm chí còn được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp tình hình thực tiễn Việt Nam. Một số hướng dẫn, thông từ và/hoặc diễn giai được ban hành dựa trên quan điểm của cơ quan có thẩm quyền khác với cách diễn giải của IFRS.

    Hơn nữa, cho đến nay, VAS không có sự cập nhật, thay đổi, bổ sung nào đáng kể trong khi IFRS liên tục được cập nhật theo tình hình phát triển của kinh tế thế giới. Hiện nay, IFRS bao gồm 41 chuẩn mực, trong khi VAS vẫn chỉ có 26 chuẩn mực như thời điểm ban hành.

    Chính vì vậy có nhiều điểm thiếu sót, khác biệt đáng kể của VAS so với IFRS như: các quy định về công cụ tài chính (IFRS 7, IFRS 9), suy giảm giá trị tài sản (IAS 36), thanh toán bằng cổ phiếu (IFRS 2). Đặc biệt, VAS và IFRS khác biệt trong việc xác định giá trị tài sản, trong khi IFRS quy định xác định giá trị tài sản dựa trên giá trị hợp lý (IFRS 13) - phản ảnh đúng giá trị của tài sản theo giá trị thị trường tại từng thời điểm khác nhau; VAS vẫn áp dụng giá trị gốc - giá trị của tài sản tại thời điểm ban đầu - đây là vấn đề vô cùng bất cập. Cuối cùng, VAS thiếu các chuẩn mực cho một số khía cạnh sau mà IFRS đã áp dụng: Trợ cấp của chính phủ (IAS 20), nông nghiệp (IAS 41), tài sản dài hạn nắm giữ chờ để bán và ngừng hoạt động (IFRS 5), Kế toán và Báo cáo lợi ích hưu trí  (IAS 26), thăm dò và đánh giá lại tài nguyên khoáng sản (IFRS 6), thuyết minh lợi ích trong các đơn vị khác (IFRS 12), ...

    Những bất cập tồn tại khi có sự khác biệt giữa VAS và IAS/IFRS ảnh hưởng đến sự phát triển của TTCK, sự hội nhập của các doanh nghiệp Việt Nam với thị trường tài chính toàn cầu cũng như đón nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, đã đặt ra nhu cầu cấp thiết cho việc chuyển đổi, áp dụng IFRS tại Việt Nam. Nhận thấy vấn đề này, ngày 16/03/2020, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt đề án áp dụng IFRS tại Việt Nam.

    Quá trình áp dụng IFRS tại Việt Nam bao gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn chuẩn bị kéo dài từ 2020 đến hết năm 2021. Giai đoạn từ 2022 – 2025, các doanh nghiệp được tạo điều kiện để áp dụng IFRS tự nguyện. Sau năm 2025 là giai đoạn bắt buộc lập báo cáo tài chính theo IFRS đối với các đối tượng bao gồm Công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước, có quy mô lớn hoặc có các khoản vay được tài trợ bởi các định chế tài chính quốc tế, Công ty mẹ là công ty niêm yết, Công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết.

    Thực trạng áp dụng IFRS tại Việt Nam

    Mức độ sẵn sàng áp dụng IFRS của doanh nghiệp tại Việt Nam

    Theo báo cáo khảo sát thực hiện vào tháng 12/2020 bởi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM kết hợp với Deloitte Việt Nam cho thấy, các doanh nghiệp tại Việt Nam quan tâm và có nhu cầu áp dụng IFRS trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính. Trong đó, nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tỷ lệ quan tâm cao nhất (34%), tiếp đến là nhóm doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán (20%).

    Xét theo lĩnh vực ngành nghề, nhóm Hàng dân dụng và Phân phối, Bán sỉ/lẻ có tỷ lệ quan tâm cao (26%) vì đa phần là công ty nước ngoài. Tiếp đến là ngành Ngân hàng, Dịch vụ Tài chính và Bảo hiểm chiếm 23%. Xếp thứ ba là nhóm ngành Công nghiệp tự động hóa và Công nghệ thông tin. Đây là những nhóm ngành có số lượng doanh nghiệp hoạt động nhiều nhất tại Việt Nam và có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng cao.

    Thực tế áp dụng IFRS tại Việt Nam

    Theo khảo sát từ Deloitte Việt Nam và HoSE sau 4 tháng Đề án áp dụng IFRS được Bộ Tài chính phê duyệt (20/07 – 15/08/2020), hơn 50% doanh nghiệp tham gia cho biết hơn 55% doanh nghiệp phản hồi sẽ chuyển đổi và áp dụng IFRS trước năm 2025 – năm cuối cùng của giai đoạn áp dụng IFRS tự nguyện theo Đề án. 

    Đáng chú ý, hơn 70% doanh nghiệp tham gia khảo sát đều là các doanh nghiệp có sức ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, gồm doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp đại chúng có quy mô lớn, doanh nghiệp niêm yết và các tập đoàn nhà nước. Trong đó, các ngành chuyển đổi sang IFRS gồm: ngân hàng, công nghiệp & năng lượng, quản lý đầu tư, bảo hiểm, truyền thông, công nghệ, viễn thông. Nhóm tài chính có tỷ lệ áp dụng IFRS cao hơn, bởi các doanh nghiệp này có các giao dịch với tổ chức nước ngoài nhiều hơn, yêu cầu khắt khe về áp dụng chính sách quốc tế.

    Về hình thức áp dụng IFRS, hầu hết các doanh nghiệp chỉ thực hiện các bút toán chuyển đổi khi lập và trình bày BCTC - chiếm 70%. Còn lại 30% doanh nghiệp áp dụng đầy đủ chuẩn mực IFRS. Giải thích cho điều này, hình thức chuyển đổi bút toán giúp tiết kiệm thơi gian và chí phí hơn áp dụng đầy đủ. Hơn nữa, các công ty ở Việt Nam lập báo cáo IFRS chủ yếu để gửi sang công ty mẹ ở nước ngoài hoặc nhà đầu tư nước ngoài.

    Phần lớn công ty mất từ 3 - 6 tháng để lập và trình bày BCTC theo IFRS lần đầu tiên (62%), còn lại 23% công ty mất 6 - 12 tháng và 15% công ty mất hơn 12 tháng.

    Khó khăn và thách thức khi chuyển đổi sang IFRS tại Việt Nam

    Chuyển đổi sang IFRS ảnh hưởng tới mọi mặt hoạt động của đơn vị

    Việc chuyển đổi sang IFRS không chỉ là trách nhiệm của bộ phận kế toán mà đòi hỏi có sự hiểu biết và hợp tác của nhiều bộ phận khác nhau.

    Ví dụ: phòng kế toán xác định những thông tin cần phải có để phục vụ cho công tác lập BCTC theo IFRS mà hiện thời hệ thống báo cáo theo VAS chưa có. Từ đó, phối hợp với phòng bán hàng và pháp chế để rà soát, sửa đổi các điều khoản hợp đồng bán hàng, mua hàng, hợp đồng vay, thuê tài sản v.v, sau đó làm việc với bộ phận công nghệ thông tin để sửa đổi, cập nhật thông tin mới trong hệ thống để có thể cung cấp đầy đủ cho công tác hạch toán kế toán theo IFRS.

    Nguồn nhân lực

    Nguồn nhân lực cần thiết cho quá trình chuyển đổi sang IFRS không chỉ giới hạn ở phòng ban kế toán mà bao gồm ban lãnh đạo của công ty vì họ là người chịu trách nhiệm phê duyệt báo cáo tài chính. Song song với yêu cầu trang bị kiến thức chuyên sâu về IFRS, không thể không kể đến đội ngũ các kiểm toán viên. Hiện nay, đa số các kiểm toán viên được đào tạo chuyên sâu về IFRS đều làm việc ở các công ty kiểm toán lớn (KPMG, PwC, Deloitte, EY, v.v) và con số này cũng không phải nhiều. Do vậy, các doanh nghiệp kiểm toán cũng phải có các chương trình đào tạo cho nhân viên của mình để đáp ứng nhu cầu thị trường trong giai đoạn bắt buộc áp dụng IFRS từ năm 2025.

    Hệ thống công nghệ thông tin

    Như đã đề cập ở trên, các doanh nghiệp nếu muốn triển khai áp dụng IFRS, sẽ cần thiết lập và duy trì hệ thống phần mềm và sổ sách kế toán theo IFRS. Khó khăn với Việt Nam trong giai đoạn đầu là các doanh nghiệp sẽ phải lập báo cáo tài chính riêng theo VAS và báo cáo tài chính hợp nhất theo IFRS, có nghĩa là các doanh nghiệp phải duy trì 2 hệ thống tài khoản kế toán, sổ sách kế toán riêng biệt.

    Ảnh hưởng tiêu cực đến báo cáo tài chính khi áp dụng IFRS lần đầu tiên

    - Tổn thất tài sản: Theo IAS 36, nếu giá trị ghi sổ của tài sản cao hơn giá trị có thể thu hồi của tài sản đó thì doanh nghiệp phải ghi nhận khoản Dự phòng tổn thất tài sản ngay trong báo cáo cùng kỳ. Hiện tại, VAS chưa có chuẩn mực kế toán tương đương. Nếu áp dụng chuẩn mực này theo IFRS có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đối với báo cáo IFRS đầu tiên của những doanh nghiệp đang trong giai đoạn thua lỗ. 

    - Thuê tài sản: Theo VAS 06, các tài sản thuê không được ghi nhận trên bảng cân đối kế toán. Trong khi đó theo quy định của IFRS 16, các khoản thuê hoạt động sẽ được ghi nhận ngay trên báo cái tinh hình tài chính như là Quyền sử dụng tài sản và Nợ thuê phải trả. Đối với những doanh nghiệp có các tài sản thuê hoạt động với các bên cho thuê ở nước ngoài, khoản nợ thuê phải trả sẽ được coi là một khoản nợ tài chính có gốc bằng ngoại tệ, và theo quy định về báo cáo tài chính, khoản này sẽ phải được đánh giá lại theo tỷ giá thực tế tại doanh nghiệp lập báo.

    - Một tình huống mâu thuẫn khác có thể xảy ra khi báo cáo riêng theo VAS ghi nhận doanh nghiệp có lãi, còn báo cáo hợp nhất theo IFRS thì doanh nghiệp báo lỗ. Như vậy doanh nghiệp sẽ không thể phân chia lợi nhuận cho cổ đông vì theo quy định của Việt Nam, phần lợi nhuận sau thuế dùng để chia cổ tức sẽ được tính trên số nhỏ hơn giữa báo cáo tài chính riêng và báo cáo tài chinh hợp nhất.

    Các giải pháp cho một quá trình chuyển đổi áp dụng IFRS thành công tại Việt Nam

    Để chuyển đổi thành công IFRS tại Việt Nam cần có sự phối hợp giữa nhiều bên.

    Đầu tiên là về phía cơ quan quản lý, cần sớm ban hành hệ thống chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về việc hướng dẫn lập và trình bày BCTC theo IFRS. Tiếp đó, trong thời gian xây dựng khung chuẩn mực kế toán mới VFRS trên cơ sở IFRS, cần thực hiện đánh giá, sửa đổi bổ sung 26 chuẩn mực VAS hiện tại phù hợp với những thay đổi của IFRS. Hơn nữa, cơ quan chức năng ần có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi sang IFRS.

    Về phía giáo dục, các trường đại học và cao đẳng cần lồng ghép các kiến thức cơ bản về IFRS vào trong chương trình đào tạo bên cạnh kiến thức về VAS, để  giúp sinh viên tốt nghiệp nắm được kiến thức mới nhất.

    Cuối cùng, phía các doanh nghiệp cần bắt đầu lộ trình chuyển đổi IFRS càng sớm càng tốt thay vì đợi đến năm bắt buộc áp dụng IFRS; Cần thiết lập đội ngũ thực hiện chuyển đổi sang IFRS, trong đó có sự tham gia của các phòng ban như kế toán, kinh doanh, pháp chế, CNTT và ban lãnh đạo. Cần thực hiện đánh giá tác động của việc chuyển đổi sang IFRS ở tất cả các đơn vị đến BCTC hợp nhất để có kế hoạch đào tạo nhân sự phù hợp. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể làm việc với các công ty kiểm toán có kinh nghiệm trong việc hoàn thiện BCTC theo IFRS để có được sự hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi.

    Kết luận

    Việc chuyển đổi từ VAS sang IFRS vừa là thách thức to lớn đối với doanh nghiệp và cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp ở Việt Nam có thể hội nhập ở mức độ cao hơn nữa với thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp có thể gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian chuyển đổi nhưng với sự hiểu biết đúng đắn của ban lãnh đạo, doanh nghiệp sẽ có lộ trình chuyển đổi bài bản và khoa học giúp việc triển khai IFRS hiệu quả hơn. Việc áp dụng trình bày BCTC theo IFRS sẽ giúp doanh nghiệp Việt đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của nhà đầu tư quốc tế về việc đảm bảo tính công bằng, cạnh tranh minh bạch với các doanh nghiệp ở quốc gia và vùng lãnh thổ khác, từ đó tiếp cận được nguồn vốn quốc tế quan trọng cho quá trình phát triển.

    Nguồn: KPMG, Deloitte, Tạp chí Công thương

    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

      Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

      Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

      Tích lũy

      Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

      Tìm hiểu thêm
      Tích lũy

      Cố vấn Robo AI

      Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

      Tìm hiểu thêm
      Cố vấn Robo AI

      Đầu tư chứng khoán

      Với số tiền bất kỳ

      Tìm hiểu thêm
      Đầu tư chứng khoán