Điểm nhấn chính:
- Các công ty sữa như Vinamilk và Nestlé đang áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất để tối ưu hóa sử dụng năng lượng và tài nguyên, từ đó giảm thiểu tác động môi trường.
- Ngành sữa tập trung vào phúc lợi động vật và điều kiện làm việc, cũng như hỗ trợ nông dân và hợp tác xã hội, nhằm đảm bảo phát triển bền vững và tăng cường lòng tin từ người tiêu dùng.
ESG là gì?
ESG (Môi trường, Xã hội, và Quản trị) là một khái niệm dùng để đánh giá và đo lường mức độ bền vững và đạo đức của các hoạt động kinh doanh và đầu tư.
Trong đó, yếu tố môi trường hướng tới việc bảo vệ môi trường sống, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến hệ sinh thái và tài nguyên thiên nhiên. Yếu tố xã hội đảm bảo công bằng xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Và, yếu tố quản trị đảm bảo các hoạt động kinh tế được thực hiện một cách minh bạch và hiệu quả, tạo ra giá trị kinh tế lâu dài mà không làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên.
Đây là các tiêu chí quan trọng mà các công ty và tổ chức sử dụng để đánh giá và quản lý hoạt động của mình để đạt được sự phát triển bền vững.
ESG đóng vai trò gì trong ngành sữa hiện nay?
Chỉ tính riêng năm 2019, sản lượng sữa toàn cầu đạt tổng cộng 851.8 triệu tấn sữa tương đương. Điều này góp phần tạo ra tác động thương mại đáng kể, lên đến khoảng 76.7 triệu tấn vào năm 2019, cũng như mức tiêu thụ bình quân đầu người lớn vào khoảng 111.4 kg/năm trên toàn cầu. Có hơn 245 triệu con bò sữa trên toàn thế giới, trung bình sản xuất 2,300 kg mỗi năm. Lượng sữa khổng lồ này có lợi ích toàn cầu lớn đối với sức khỏe con người, xã hội và nền kinh tế.
Ở các nước có nền kinh tế đang phát triển, chăn nuôi phục vụ nhiều mục đích bao gồm, nguồn thu nhập hộ gia đình, tài sản tài chính, nguồn an ninh lương thực, quản lý rủi ro và liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Có hơn một tỷ người dựa vào ngành sữa để hỗ trợ sinh kế và duy trì hoạt động đời sống ở mọi nơi trên thế giới. 600 triệu người sống tại 133 triệu trang trại sữa hỗ trợ truyền thống lâu đời về sản xuất sữa cho cả người chế biến và bán sữa trực tiếp cho người tiêu dùng. 400 triệu người khác được hỗ trợ bởi các công việc toàn thời gian được tạo ra để hỗ trợ chăn nuôi bò sữa như công ty thức ăn chăn nuôi và phân bón, thu gom sữa, chế biến và bán lẻ, theo Gloabl Diary Platform.
Đối với ngành sữa, quá trình phát triển bền vững bao gồm các chiến lược nhằm giảm thiểu tác động môi trường, đảm bảo phúc lợi động vật và tạo ra giá trị kinh tế bền vững. Các công ty sữa lớn như FrieslandCampina, Nestlé, Danone, và tại Việt Nam có Vinamilk, đã triển khai các sáng kiến như giảm phát thải carbon, sử dụng năng lượng tái tạo và quản lý tài nguyên nước hiệu quả.
Trong giai đoạn 2010 - 2020, ngành sữa toàn cầu đã tăng trưởng trung bình 2.5% mỗi năm, đạt giá trị thị trường khoảng 720 tỷ USD vào năm 2020. Trong đó, các sáng kiến phát triển bền vững trong thập kỷ qua đã giúp giảm 20% lượng phát thải khí nhà kính từ ngành sữa, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) Hoa Kỳ.
Trong tương lai, đến năm 2030, ngành sữa được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ trung bình 3% mỗi năm và đạt giá trị thị trường lên tới 1.1 nghìn tỷ USD. Hơn nữa, các công ty sữa cũng đặt mục tiêu giảm thêm 30% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050.
Các thách thức và rào cản
Tuy vậy, ngành sữa còn đối mặt với nhiều thách thức trong việc thực hiện các tiêu chí ESG hướng tới phát triển bền vững. Đầu tiên, ngành này phải xử lý lượng khí thải nhà kính đáng kể, đặc biệt là khí metan từ quá trình chăn nuôi bò sữa. Sản xuất sữa toàn cầu đóng góp khoảng 4% vào tổng lượng khí nhà kính toàn cầu. Quản lý chất thải và bảo vệ tài nguyên nước là các thách thức lớn, đòi hỏi sự đầu tư vào công nghệ và quy trình xử lý tiên tiến.
Thứ hai, việc đầu tư vào các công nghệ thân thiện với môi trường có thể rất tốn kém ở giai đoạn đầu, khiến một số nông dân ngần ngại trong việc áp dụng chúng. Các chi phí này bao gồm sự thay đổi cơ sở hạ tầng như các thiết bị tiết kiệm năng lượng và hệ thống quản lý chất thải, cũng như các chi phí vận hàng trong tương lai. Mặc dù có lợi ích lâu dài, nhưng gánh nặng tài chính ban đầu có thể quá đắt đỏ đối với nhiều doanh nghiệp sữa.
Thứ ba, ngành sữa cần duy trì khả năng cạnh tranh trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng cao và áp lực từ thị trường quốc tế. Việc đầu tư vào các công nghệ xanh và quy trình bền vững đòi hỏi chi phí cao và sự cam kết dài hạn từ ban lãnh đạo. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc này càng trở nên khó khăn do hạn chế về nguồn lực tài chính và kỹ thuật. Duy trì hiệu quả kinh tế trong khi áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường và xã hội đòi hỏi sự cân đối và chiến lược hợp lý.
Thứ tư, các nông dân ngành sữa phải đối mặt với các thách thức về quy định trong việc tuân thủ các yêu cầu và luật môi trường. Tuân thủ thường đòi hỏi các thay đổi tốn kém để giảm thiểu tác động môi trường, chẳng hạn như cải tiến quản lý chất thải và kỹ thuật giảm phát thải. Các quy định nghiêm ngặt hơn đòi hỏi đầu tư liên tục vào các quy trình tuân thủ, làm tăng chi phí hoạt động. Việc không đáp ứng các tiêu chuẩn này có thể dẫn đến các khoản phạt và hình phạt, làm trầm trọng thêm gánh nặng tài chính.
Cuối cùng, có những thiếu hụt về kiến thức và nhận thức của các nông dân ngành sữa về lợi ích và các cách thực hành tốt nhất cho tính bền vững. Nhiều người có thể thiếu quyền truy cập vào thông tin hoặc công cụ cần thiết để hiểu đúng về các hành vi bền vững. Việc giáo dục nông dân về lợi ích kinh tế và môi trường để hướng đến tính bền vững rất quan trọng. Các chương trình mở rộng, hội thảo và hợp tác với các tổ chức ban ngành có thể giúp thu hẹp các mặt thiếu hụt này, trang bị cho nông dân các kiến thức cần thiết để thực hiện hiệu quả các đoạt động đáp ứng tiêu chí ESG.
Các chiến lược hướng đến làm “xanh” ngành sữa
Hoạt động chăn nuôi bò sữa phát thải khí nhà kính, chủ yếu là khí metan và nitơ oxit, góp phần đáng kể vào biến đổi khí hậu. Nỗ lực giảm thiểu các khí thải này bao gồm việc lắp đặt thiết bị thu khí metan trong các chuồng trại, cải thiện hiệu quả thức ăn để giảm sản xuất metan từ quá trình lên men trong dạ cỏ của bò, và tối ưu hóa quy trình quản lý chất thải để giảm phát thải nitơ oxit.
Để giảm ô nhiễm nước, các trang trại sữa áp dụng các phương pháp quản lý tốt nhất (BMP) như dải đệm thực vật, cây che phủ và các chiến lược quản lý dinh dưỡng hiệu quả. Các kỹ thuật này nhằm ngăn chặn dòng chảy của phân bón, trầm tích và các mầm bệnh vào các nguồn nước, do đó bảo vệ chất lượng nước và bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh. Để giảm tác động của sản xuất sữa đến nạn phá rừng và suy thoái đất, các biện pháp quản lý đất bền vững là cần thiết. Điều này bao gồm khuyến khích chăn thả luân phiên, nông lâm kết hợp và các hoạt động tái trồng rừng để bảo vệ các khu rừng hiện có và phục hồi đất bị suy thoái.
Các kỹ thuật thích ứng của ngành sữa nhằm tăng khả năng chống chịu với các sự kiện thời tiết cực đoan và xu hướng khí hậu thay đổi. Điều này đòi hỏi đầu tư vào cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như thiết kế chuồng trại mới để giảm căng thẳng nhiệt và các hệ thống quản lý nước để chuẩn bị cho hạn hán.
Hơn nữa, nông dân có thể sử dụng các công nghệ tiên tiến để cải thiện hiệu quả tài nguyên và giảm tác động môi trường trong chăn nuôi bò sữa. Ví dụ, sử dụng cảm biến và GPS để giám sát chính xác điều kiện đất, sự phát triển của cây trồng và sức khỏe đàn bò, cho phép can thiệp kịp thời để tối ưu hóa việc sử dụng phân bón và nước trong khi giảm thiểu lãng phí. Bên cạnh đó, với các thiết bị đeo cho động vật tương tự như các thiết bị theo dõi sức khỏe của con người, nông dân có thể giám sát và điều chỉnh tình trạng sức khỏe, hành vi và trạng thái sinh sản của bò theo thời gian thực, cải thiện phúc lợi và năng suất chung. Và việc tích hợp các nguồn năng lượng thay thế vào hoạt động chăn nuôi bò sữa, chẳng hạn như pin mặt trời và máy phân giải metan, có thể cung cấp các giải pháp dài hạn để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Các tấm pin mặt trời tạo ra điện sạch cho các trang trại, và các máy phân giải khí sinh học chuyển đổi chất thải hữu cơ thành năng lượng bền vững và phân bón giàu dinh dưỡng.
Triển vọng của việc áp dụng ESG trong ngành sữa
Việc áp dụng công nghệ xanh và các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất sữa có thể giúp giảm thiểu tác động môi trường và cải thiện hiệu quả kinh tế. Đồng thời, xu hướng tiêu dùng xanh cũng mở ra cơ hội lớn cho ngành sữa.
Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm thân thiện với môi trường và có trách nhiệm xã hội. Theo khảo sát của Nielson, 70% người tiêu dùng Việt Nam cho biết họ sẵn sàng trả thêm tiền cho các sản phẩm bền vững.
Ngoài ra, việc hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, các nhà nghiên cứu và các công ty khác trong ngành cũng có thể thúc đẩy sáng tạo và chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển các giải pháp bền vững. Từ đó, cùng nâng cao lợi thế cạnh tranh cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững của cả ngành trong khu vực. Hơn nữa, các doanh nghiệp F&B còn có thể tận dụng các chính sách hỗ trợ từ chính phủ và các tổ chức quốc tế để phát triển bền vững.
Theo báo cáo của PwC dự báo dòng tiền đầu tư vào ESG toàn cầu sẽ đạt 33.9 nghìn tỷ USD vào năm 2026. Tại Việt Nam, các quỹ đầu tư tập trung vào ESG như Quỹ đầu tư Phát triển Bền vững của Dragon Capital mở ra cơ hội tăng vốn đầu tư và củng cố chiến lược phát triển dài hạn cho các công ty trong nước. Từ đó, có thể tận dụng vốn từ tín dụng xanh để mở rộng quy mô sản xuất, cải thiện hiệu quả hoạt động và tăng cường vị thế cạnh tranh trên thị trường.
Nhìn chung, triển vọng phát triển bền vững
cho ngành F&B là rất khả quan nếu các doanh nghiệp biết tận dụng cơ hội và
vượt qua thách thức. Việc áp dụng ESG không chỉ giúp bảo vệ môi trường và xã hội
mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững cho các doanh nghiệp. Với sự cam kết
và nỗ lực, ngành F&B hoàn toàn có thể trở thành một trong những ngành tiên
phong trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu, đồng thời
mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng và hành tinh.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.