Phân bổ tài sản dành cho các nhà đầu tư trẻ
Đối với các nhà đầu tư mới, không có khái niệm nào quan trọng hơn là việc phân bổ tài sản; làm sao để đa dạng hóa danh mục đầu tư với sự kết hợp giữa cổ phiếu, trái phiếu và tiền mặt đúng cách và hợp lý nhất có thể.
Bất kỳ ai cũng có thể, và nên, là một nhà đầu tư. Bạn không cần phải nghiên cứu mọi báo cáo của thị trường hay trở thành một “nhà toán học” để có thể kiếm tiền hiệu quả từ thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, có một số khái niệm quan trọng mà tất cả nhà đầu tư mới cần biết.

Đầu tiên: tài sản là gì?
Tài sản là bất kỳ thứ gì có giá trị như tiền mặt, bất động sản, hoặc thậm chí là những chai rượu vang lâu năm. Còn trong đầu tư, các loại tài sản khác nhau gồm ba loại chính là:
- Tiền mặt
- Cổ phiếu
- Trái phiếu
Những thứ khác cũng có thể là bất động sản, vốn cổ phần tư nhân, tài nguyên thiên nhiên, ngoại tệ,… Tuy nhiên, dành cho những nhà đầu tư mới, chúng ta chỉ sẽ tập trung vào tiền mặt, cổ phiếu và trái phiếu, và sẽ gộp tất cả các tài sản khác thành “các lựa chọn thay thế” (alternatives).
Phân bổ tài sản có nghĩa là gì?
Phân bổ tài sản đề cập đến sự kết hợp của các khoản đầu tư mà bạn nắm giữ. Một chiến lược phân bổ tài sản hợp lý có thể đảm bảo danh mục đầu tư của bạn đủ đa dạng và mạnh mẽ để đáp ứng các mục tiêu tiết kiệm và lợi nhuận của bạn mà không phải đối mặt với những rủi ro không cần thiết.
Chúng ta sẽ lấy ví dụ về một giỏ hàng tạp hóa để giải thích về khái niệm này.
Khi bạn đến một siêu thị gần nhà, bạn lấy một giỏ hàng để bắt đầu mua sắm. Giỏ này sẽ giống như tổng danh mục đầu tư của bạn; đó là nơi bạn đặt tất cả các mặt hàng (hay tài sản) bạn sẽ mua vào.
Quan điểm của việc phân bổ tài sản là đa dạng hóa danh mục đầu tư của bạn, giống như là bạn đa dạng hóa chế độ ăn uống hay các bữa ăn của mình. Như là, ngay cả khi bạn thích ăn bánh mì, bạn cũng sẽ không muốn ngày nào cũng ăn nó, bởi như vậy bạn sẽ thiếu hụt những chất dinh dưỡng trong các loại thực phẩm khác. Vì vậy, bạn lấp đầy giỏ hàng của mình với nhiều loại thực phẩm khác nhau.
Lúc mua sắm, tuy bạn thường không sắp xếp các mặt hàng đó ngăn nắp vào trong giỏ của mình, chỉ đơn giản ném tất cả vào đó. Nhưng khi nhìn vào, bạn vẫn có thể dễ dàng phân loại chúng theo nhóm thực phẩm như sữa và trứng vào một túi, thịt trong một túi khác, trái cây và rau trong túi khác nữa. Mỗi nhóm thực phẩm này tương tự như một loại tài sản trong danh mục đầu tư của bạn. Bạn có thể nắm giữ hàng chục khoản đầu tư khác nhau và trong mỗi khoản đầu tư đó là cổ phiếu, trái phiếu và tiền mặt.
Cũng giống như việc chỉ ăn bánh mì mỗi ngày là không tốt cho sức khỏe, thì việc đầu tư quá mức vào một loại tài sản cũng không lành mạnh cho danh mục của bạn. Mục tiêu của việc phân bổ tài sản hợp lý là tạo ra một rổ hỗn hợp tài sản đầu tư lý tưởng giúp bạn thu được mức lợi nhuận dài hạn lớn nhất với mức rủi ro có thể chấp nhận được.
Tại sao phân bổ tài sản lại quan trọng?
Mục tiêu của việc phân bổ tài sản là để quản lý rủi ro danh mục nhằm tối đa hoá lợi nhuận thu được từ tiền vốn.
Tất nhiên, sẽ luôn có rủi ro thị trường, rủi ro mà toàn bộ thị trường sẽ suy giảm, không trừ bất kỳ loại tài sản nào. Một ví dụ điển hình nhất về rủi ro thị trường là giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, khi mà mọi loại tài sản đều giảm trên diện rộng. Cổ phiếu, trái phiếu, quỹ tương hỗ và bất động sản đều giảm mạnh. Các quỹ thị trường tiền tệ, thường được coi là khoản đầu tư an toàn nhất, cũng bị mất tiền. Điểm mấu chốt ở đây là bạn không thể hoàn toàn loại bỏ tất cả các rủi ro liên quan đến thị trường vốn. Nhưng việc cất tiền của bạn vào tài khoản tiết kiệm thì cũng không phải là câu trả lời cho việc né tránh rủi ro. Vì theo thời gian, lạm phát sẽ bị đẩy lên mức cao hơn lãi suất mà tài khoản tiết kiệm có thể cung cấp, và nó sẽ khiến cho khoản tiền của bạn bị mất giá.

Tuy nhiên, tin tốt là với việc phân bổ tài sản thông minh, bạn có thể giảm thiểu một số rủi ro đầu tư, chính xác hơn là rủi ro phi hệ thống, là rủi ro liên quan cụ thể đến danh mục của riêng bạn và những tài sản bạn nắm giữ. Nghĩa là, đầu tư vào một cổ phiếu hay trái phiếu riêng lẻ nào cũng sẽ khiến bạn gặp rủi ro rằng khoản đầu tư cụ thể có thể giảm giá trị. Đa dạng hóa sẽ loại bỏ rủi ro này và mang lại cho bạn cơ hội kiếm tiền cao với một loại tài sản ngay cả khi loại tài sản khác trong danh mục giảm giá.
Chiến lược phân bổ tài sản 101
Việc chọn một chiến lược phân bổ tài sản thích hợp phụ thuộc vào hai điều:
- Thời hạn đầu tư dự kiến của bạn
- Khả năng chịu đựng rủi ro của bạn
Nói tới yếu tố hưu trí, chiến lược phân bổ tài sản của bạn ở tuổi 25 sẽ rất khác so với ở tuổi 75. Khi trong độ tuổi 20, bạn có thể có 30 hoặc 40 năm nữa để đầu tư trước khi cần tới số tiền đó, vì vậy bạn có thể chọn các khoản đầu tư mạnh mẽ có tiềm năng tăng trưởng cao nhưng rủi ro cũng sẽ cao hơn. Khi về hưu, bạn sẽ không còn nhiều thập kỷ để đầu tư để khiến tiền của mình tăng lên và bạn sẽ cần phải rút tiền hàng năm. Bạn sẽ không còn đủ khả năng để chịu nhìn danh mục của mình mất 20% trong một năm tồi tệ nào đó, vì vậy bạn sẽ chọn các khoản đầu tư thận trọng hơn, tuy không mang lại nhiều lợi nhuận nhưng ít rủi ro hơn.
Hãy bắt đầu với một cách đơn giản
Có một công thức chung rất phổ biến để tìm ra một danh mục tài sản lý tưởng dành cho bạn và khoản tiết kiệm hưu trí của mình đó là: 100 – tuổi hiện tại = tỷ lệ cổ phiếu.
Nếu bạn 20 tuổi, bạn có thể đầu tư 80% (100 – 20 = 80) vào cổ phiếu và 20% vào trái phiếu. Nếu bạn 60 tuổi, bạn có thể đầu tư 40% vào cổ phiếu và 60% vào trái phiếu.
Công thức này là rất đơn giản và có thể không phải là chiến lược phù hợp nhất, nhưng nhiều người thích nó vì nó cho họ một ý tưởng để khởi đầu việc lên chiến lược phân bổ tài sản và cho thấy danh mục sẽ thay đổi ra sao khi bạn già đi. Một số nhà đầu tư trẻ, năng nổ sẽ muốn đầu tư 90% hoặc thậm chí 100% vào cổ phiếu, trong khi nhiều nhà đầu tư thận trọng sẽ không bao giờ sở hữu quá 70% cổ phiếu ở tuổi 30, và điều đó không sao cả.
Việc phân bổ tài sản không chỉ đơn thuần là về cổ phiếu và trái phiếu
Nếu bạn là nhà đầu tư mới, việc tìm kiếm sự phân bổ thoải mái, hợp lý giữa cổ phiếu và trái phiếu là một khởi đầu tốt. Tuy nhiên, để trở thành một nhà đầu tư khéo léo hơn, bạn sẽ muốn nhìn xa hơn và thực sự xem xét kỹ các loại cổ phiếu và trái phiếu bạn đang nắm giữ. Bạn có thể sở hữu 80% cổ phiếu nhưng thấy rằng hầu hết các cổ phiếu của bạn đều là trong cùng một nhóm ngành mà bạn quan tâm tới. Thay vì vậy, hãy cân nhắc tới những nhóm ngành khác, hay thậm chí giảm bớt một phần cổ phiếu để chuyển qua đầu tư vào một quỹ bao gồm một rổ cổ phiếu đa dạng hơn.
Chọn chiến lược phân bổ tài sản lý tưởng nhất cho riêng bạn
Chỉ bạn mới có thể quyết định việc phân bổ tài sản mà bạn cảm thấy phù hợp nhất, dựa vào thời hạn đầu tư và khả năng chịu rủi ro của riêng mình. Và, nếu bạn đang đầu tư cho các mục tiêu khác nhau, bạn nên duy trì các khoản phân bổ mục tiêu khác nhau cho từng mục tiêu cá nhân của mình. Ví dụ, bạn có thể sẽ muốn phân bổ tích cực hơn cho quỹ hưu trí của mình và phân bổ thận trọng hơn cho quỹ mua nhà mới mà bạn dự định sẽ sử dụng trong năm năm tới.

Dưới đây là một số câu hỏi để giúp bạn quyết định cách phân bổ tốt nhất cho mình:
Khi nào bạn sẽ cần tới số tiền đầu tư này?
Nếu bạn không cần tới khoản tiền đầu tư này trong hơn 20 năm tiếp theo, hãy cân nhắc chọn chiến lược phân bổ năng nổ, chủ yếu là vào cổ phiếu. Nếu bạn cần tiền sớm hơn thời gian đó, hãy đầu tư vào một danh mục kết hợp giữa trái phiếu và cổ phiếu. Nếu bạn cần tiền trong vòng từ hai đến năm năm, hãy gắn bó với các trái phiếu nhiều hơn. Còn nếu bạn cần tiền trong vòng một năm, giữ tiền trong một tài khoản tiết kiệm có thể là phương án phù hợp nhất.
Bạn có cảm thấy thoải mái nếu chẳng may mất 30% số tiền đầu tư (dù là trên giấy) của mình trong một năm?
Mặc dù hiếm gặp, nhưng những năm tồi tệ nhất trên thị trường chứng khoán có thể khiến bạn mất tới một phần ba số tiền của mình. Thật vậy, số tiền mất mát có thể tệ hơn, như nhiều nhà đầu tư trẻ đã chứng kiến khi thị trường giảm mạnh vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Điều này thật sự là một khó khăn đối với bất kỳ một ai, nhưng các nhà đầu tư năng động coi đó là một khúc cua trên con đường và sẽ được vượt qua bởi đà hồi phục và tăng trưởng dài hạn trong tương lai. Tuy nhiên, nếu bạn biết mình sẽ lo lắng về khoản lỗ như vậy, hãy cân nhắc tăng danh mục đầu tư của bạn với nhiều trái phiếu hơn, điều này có thể làm dịu đi tác động của sự lên xuống thất thường của thị trường chứng khoán.
Bạn có đang đi đúng hướng với khoản đầu tư hưu trí của mình không?
Đóng góp tiền vào tài khoản hưu trí có thể giúp bạn giảm bớt việc mạnh tay chi vào các khoản đầu tư chứng khoán rủi ro khác, và có thể lựa chọn một danh mục phân bổ vừa phải hơn. Nếu bạn thường xuyên đóng góp vào tài khoản này, bạn sẽ cảm thấy an toàn hơn về việc sẽ sớm đạt được quỹ tiết kiệm hưu trí mục tiêu, và không phải lo lắng chọn một danh mục đầu tư năng nổ để kiếm mức lợi nhuận tối đa cho mục tiêu này lẫn các mục tiêu đầu tư, tiết kiệm khác.
Tuy nhiên, nếu bạn bắt đầu đóng góp vào quỹ hưu trí ở một độ tuổi trễ hơn và muốn sớm đạt được con số tiết kiệm mục tiêu, thì một chiến lược đầu tư năng nổ hơn có thể là cần thiết, tuy nhiều điều này sẽ rủi ro hơn nhưng cũng sẽ đem lại mức lợi nhuận kỳ vọng cao hơn.
Bây giờ bạn có thể làm gì
Đây là thời điểm tốt để kiểm tra việc phân bổ tài sản của bạn để xem liệu danh mục đầu tư của bạn có đang đúng như mong muốn hay không, và chúng có đang đóng góp tốt vào từng mục tiêu tài chính của bạn hay không.
Ví dụ: nếu bạn nhận thấy rằng danh mục đầu tư của mình có một tỷ trọng quá lớn ở một loại tài sản (như 70%), bạn nên cân nhắc hạ bớt số lượng ở khoản đầu tư này và phân bổ tiền vào một loại tài sản khác, nhằm cân bằng và duy trì tỷ trọng an toàn, hợp lý giữa các tài sản. Đồng thời, hãy xem xét việc đa dạng hóa danh mục. Các khoản đầu tư của bạn càng đa dạng, bạn sẽ càng ít có khả năng thua lỗ lớn nếu một công ty hay lĩnh vực nào đó trong danh mục bị phá sản.
Và nếu bạn chưa có danh mục gì, thì hãy bắt đầu đầu tư hôm nay và xây dựng danh mục của mình với số tiền từ 50,000đ.
Tóm tắt:
- Phân bổ tài sản đề cập đến sự kết hợp của các khoản đầu tư mà bạn nắm giữ, nó có thể bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, tiền gửi và các loại tài sản khác.
- Mục tiêu của việc phân bổ tài sản là để quản lý rủi ro danh mục nhằm tối đa hoá lợi nhuận thu được từ tiền vốn, để đóng góp vào các mục tiêu cá nhân như tiết kiệm hưu trí.
- Chiến lược phân bổ tài sản thích hợp phụ thuộc vào hai điều là thời hạn đầu tư dự kiến của bạn và khả năng chịu đựng rủi ro của bạn.
- Hãy bắt đầu đơn giản với phép tính 100 – tuổi hiện tại = tỷ lệ cổ phiếu.