7.000 tỷ đồng yêu cầu bồi thường bảo hiểm sau bão Yagi
13/09/24
Thông tin trên được Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) công bố tính đến 17h ngày 12/9, qua số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp. Con số sẽ còn tiếp tục tăng những ngày tới.
Tổng số tiền yêu cầu bồi thường về người và tài sản ước tính khoảng 7.000 tỷ, trong đó chiếm phần lớn là bồi thường tài sản và xe cơ giới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tiếp nhận 18 yêu cầu bồi thường thuộc nghiệp vụ sức khoẻ, ghi nhận 14 khách hàng tử vong sau bão.
Cục quản lý giám sát cho biết, đây là những số liệu sơ bộ ban đầu trong bối cảnh thiệt hại do bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra. Số liệu về số vụ tổn thất và giá trị chi trả bồi thường bảo hiểm vẫn chưa thống kê được toàn diện, đầy đủ.
Với thị phần đứng đầu trong mảng bảo hiểm phi nhân thọ, Tổng công ty Bảo hiểm PVI cập nhật đến chiều 11/9, ghi nhận hơn 500 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, ước tổng mức khiếu nại tổn thất hơn 2.000 tỷ đồng. Con số này vẫn chưa bao gồm các yêu cầu bồi thường bảo hiểm xe cơ giới và con người. "Đây có thể là tổn thất lịch sử không mong muốn của ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung và PVI nói riêng", doanh nghiệp này cho biết.
Một "ông lớn" khác trên thị trường là Bảo hiểm Bảo Việt cũng cho hay đến sáng 12/9, doanh nghiệp này tiếp nhận 692 vụ tổn thất với tổng bồi thường ước tính 950 tỷ đồng. Các yêu cầu bồi thường tập trung vào bảo hiểm con người, tài sản như bảo hiểm xe ôtô, nhà tư nhân, các công trình xây dựng, nhà xưởng, kho bãi, máy móc thiết bị, cầu cảng và hàng hóa.
Dưới đây là danh sách một số doanh nghiệp bảo hiểm tiếp nhận yêu cầu bồi thường lớn:
Bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) và hoàn lưu bão đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc. Đây là cơn bão có tốc độ tăng cấp bất thường và có cường độ mạnh nhất 30 năm.
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động, nhanh chóng xác định thiệt hại, bồi thường và trả tiền bảo hiểm cho bên mua, người thụ hưởng bị thiệt hại. Đơn vị này cho biết các doanh nghiệp bảo hiểm đã dồn toàn lực, huy động nhân lực, tập trung cao nhất đến trực tiếp hiện trường tại khu vực xảy ra thiệt hại. Qua đó, doanh nghiệp chủ động nắm bắt nhanh, chính xác tình hình tổn thất, giám định, tạm ứng bồi thường, hỗ trợ khách hàng nhanh chóng khắc phục hậu quả.
Cùng với đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã bổ sung nhân sự, trực hotline để sẵn sàng hỗ trợ khách hàng 24/7, nhằm ghi nhận thông báo thiệt hại và tư vấn khách hàng triển khai các thủ tục để được chi trả bồi thường bảo hiểm.
Quỳnh Trang
Nguồn từ: Vnexpress.net
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.