Ngân hàng nói doanh nghiệp chưa mạnh dạn vay
21/09/24
Tại hội nghị của Thường trực Chính phủ với các ngân hàng chiều 21/9, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng cho biết đến 16/9, tăng trưởng tín dụng đạt 7,26% so với cuối 2023. Số này cải thiện so với cùng kỳ đạt 5,73%, song vẫn thấp hơn chỉ tiêu 15% giao đầu năm.
Lý giải nguyên nhân tín dụng chưa như kỳ vọng, Phó chủ tịch thường trực - Tổng Giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết nhu cầu vốn của doanh nghiệp vẫn khá thấp do tình hình xuất khẩu, tiêu dùng nội địa chưa hồi phục. "Nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, thận trọng với rủi ro nên chưa mạnh dạn sử dụng vốn vay", bà cho hay.
Cùng đó, đại diện Sacombank đánh giá thu nhập của người mua bất động sản giảm, trong khi nguồn cung phục vụ nhu cầu để ở với giá hợp lý chưa đáp ứng. Các công ty, dự án bất động sản còn khó khăn khi pháp lý chưa hoàn thiện, năng lực tài chính suy giảm nghiêm trọng.
Ngoài ra, thu nhập người dân giảm sút do kinh tế khó khăn, bùng phát các loại hình cho vay qua ứng dụng với điều kiện nới lỏng, không cần tài sản thế chấp cũng khiến tín dụng tiêu dùng của các ngân hàng tăng chậm, theo Tổng giám đốc Sacombank.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đại diện Sacombank cho rằng ngành ngân hàng cần tiếp tục giảm chi phí vốn, mặt bằng lãi suất cho vay, tinh gọn quy trình, thủ tục trong cấp phát tín dụng. Cùng đó, ngân hàng cần tăng các gói tín dụng ưu đãi với một số lĩnh vực, ngành nghề để giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, tăng trưởng dư nợ.
Tổng giám đốc Sacombank kiến nghị Chính phủ duy trì chính sách tài khóa mở rộng, nhằm tăng tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng. Các giải pháp giảm thuế, phí sẽ hỗ trợ trực tiếp cho cầu tiêu dùng, giúp tăng sức mua nền kinh tế. Ngoài ra, các tổ chức trung gian thanh toán giảm phí để cùng ngân hàng thương mại miễn phí cho người dùng.
Còn theo đại diện Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank), nhu cầu vốn từ nền kinh tế phải xuất phát từ nhu cầu thực, phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp. Do vậy, ông khuyến nghị các hiệp hội, doanh nghiệp, ngành nghề, địa phương vào cuộc, nắm cụ thể những khó khăn của doanh nghiệp, từ đó có giải pháp tháo gỡ cụ thể.
Theo ông, các bộ ngành phải có giải pháp đồng bộ, gồm xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác cầu nội địa, cải thiện môi trường kinh doanh, khơi thông thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp cũng cần chủ động tái cấu trúc, loại bỏ mảng kinh doanh kém hiệu quả, chọn hướng mới để nâng chất lượng, đáp ứng các điều kiện tối thiểu của ngân hàng khi thẩm định, xét duyệt cho vay.
Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ nhìn nhận ngành ngân hàng ngày càng có tỷ trọng tín dụng bán lẻ tăng. Tài sản bảo đảm là nhà đất, căn hộ chiếm tỷ lệ trọng yếu trong tổng số tài sản bảo đảm. Do đó, sự phục hồi của thị trường bất động sản không những tác động tích cực tới nền kinh tế mà giúp các ngân hàng tăng cường cho vay, xử lý được nợ xấu.
"Chính phủ, các bộ ngành có giải pháp để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. Từ đó, ngân hàng có thể gia tăng tín dụng an toàn", Đại diện VIB đề xuất.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó thống đốc Phạm Quang Dũng cho hay để tăng khả năng hấp thụ tín dụng, ngoài các giải pháp từ phía ngành ngân hàng, các chính sách tổng thể từ các bộ ngành, địa phương cũng cần được thực hiện. Cụ thể, các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng niềm tin của thị trường vào sự phục hồi kinh tế, qua đó giúp doanh nghiệp khôi phục kỳ vọng mở rộng đầu tư, người dân tăng tiêu dùng.
Đồng thời, ông đề nghị các cơ quan Nhà nước tăng giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư xã hội, nguồn vốn FDI chất lượng cao, gỡ khó cho thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. "Cần nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp từ cả phía doanh nghiệp, cũng như các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn thông qua các Quỹ bảo lãnh, Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa", Phó thống đốc nói thêm.
Dù áp lực tăng trưởng tín dụng, song lãnh đạo VIB kiến nghị nhà chức trách tiếp tục thực hiện chính sách không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng để tăng trưởng bằng mọi giá. "Việc này nhằm tránh hệ lụy về sau, gây ảnh hưởng đến an toàn hoạt động, sự ổn định của ngành ngân hàng khi nợ xấu gia tăng, lợi nhuận suy giảm", ông Vỹ góp ý.
Theo Phó thống đốc Phạm Quang Dũng, thời gian qua, nhà chức trách liên tục cải tiến việc giao, điều hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, ông khẳng định biện pháp này chưa thể dừng áp dụng. Nguyên nhân do tình trạng tăng trưởng tín dụng nóng, chạy đua lãi suất như trước 2011 có thể quay lại. Điều này sẽ gây bất ổn vĩ mô, rủi ro lạm phát, nợ xấu, ảnh hưởng tới an toàn hệ thống.
Phương Dung
Nguồn từ: Vnexpress.net
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.