Cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai (QCG) “tím lịm” trong phiên VN-Index gặp khó
06/09/24
Cụ thể, kết phiên 06/9, giá cổ phiếu QCG ở mức 6.560 đồng/cổ phiếu, tăng 6,84% so với phiên trước, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh đạt 841,5 nghìn đơn vị - tăng gấp đôi so với phiên trước.
Trong 10 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu QCG liên tục nhịp điều chỉnh tăng giảm đan xen, với đà giảm chiếm ưu thế tuyệt đối với 7/10 phiên.
Tuy nhiên, ở phiên giao dịch hôm nay cổ phiếu QCG giao dịch quanh ngưỡng tham chiếu trong suốt phiên sáng. Đến đầu phiên chiều, dòng tiền của các nhà đầu tư bị thu hút mạnh từ mã cổ phiếu này, vào khoảng 13h30 phút cổ phiếu QCG tăng kịch trần và duy trì cho đến kết phiên.
Nửa đầu năm 2024, Quốc Cường Gia Lai trải qua biến động lớn. Trong đó, vào ngày 19/7, bà Nguyễn Thị Như Loan – nguyên người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc của doanh nghiệp bị khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan đến vụ án sai phạm trong việc sử dụng khu đất công 39-39B Bến Vân Đồn, Quận 4, TP.HCM.
Sau đó, vào cuối tháng 7/2024, ông Nguyễn Quốc Cường (biệt danh Cường “đô la”) quay trở lại Quốc Cường Gia Lai đảm nhận vị trí người đại diện pháp luật của doanh nghiệp kiêm Tổng Giám đốc thay mẹ.
Vừa qua, ông Cường “đô la” cho biết, Quốc Cường Gia Lai đang dự định bán đi các tài sản có giá trị của công ty để đảm báo nghĩa vụ trả nợ 2.882 tỷ đồng phải trả cho bà Trương Mỹ Lan trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, liên quan dự án Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP.HCM).
Cùng với biến động lớn ở vị trị lãnh đạo công ty, thị giá cổ phiếu QCG cũng biến động trong khoảng thời gian này. Vào thời điểm giữa tháng 7/2024, thị giá cổ phiếu QCG giảm mạnh, rơi xuống vùng giá thấp nhất trong 1 năm qua, "bốc hơi" gần 2/3 thị giá so với đỉnh hồi tháng 4 vừa qua.
Về tình hình kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2024, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận doanh thu bán hàng đạt 65,2 tỷ đồng, giảm 2/3 so với cùng kỳ năm trước. Kết quả, công ty báo lỗ sau thuế 16,6 tỷ đồng, tăng gần 3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.
Giải trình kèm BCTC hợp nhất, Quốc Cường Gia Lai cho biết, do thị trường bất động sản còn khó khăn; mùa khô dẫn đến không đủ nước phát điện; Cao su chỉ được đưa vào khái thác từ cuối tháng 5 dẫn đến doanh thu chưa nhiều, …
VN-Index “thoát hiểm” cuối phiên
Thị trường chứng khoán tiếp tục gặp khó, chỉ số chính VN-Index trong phần lớn thời gian giao dịch đều nằm dưới tham chiếu. Tuy nhiên, đà bắt đáy mạnh khoảng 1 giờ đồng hồ trước khi thị trường đóng cửa đã giúp VN-Index “thoát hiểm”, tích lũy gần 6 điểm.
Kết phiên 06/9, chỉ số VN-Index tăng 5,75 điểm, lên 1.273,96 điểm. Trong khi, chỉ số HNX-Index giảm 0,31 điểm, xuống 234,65 điểm. Tương tự, chỉ số UPCoM-Index giảm 0,1 điểm, xuống 93,37 điểm.
Hôm nay thanh khoản trên thị trường xuống thấp, tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn chỉ đạt gần 17.000 tỷ đồng. Riêng trên sàn HoSE, thanh khoản đạt gần 15.500 tỷ đồng.
Dòng tiền của các nhà đầu tư, bất ngờ chảy mạnh về nhóm cổ phiếu ngân hàng ở cuối phiên, giúp một loạt cổ phiếu lấy lại được sắc xanh. Tăng trên 4% là cổ phiếu VAB của VietABank. Theo sau là các cổ phiếu tăng trên 1% như cổ phiếu STB, BID, CTG, ABB. Tiếp đó là các cổ phiếu VCB, VPB, LBP, ACB, MBB, TPB, NAB, PGB, BVB, KLB, MSB, … đều lấy lại được sắc xanh trước khi thị trường đóng cửa.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, ngoài cổ phiếu QCG, cổ phiếu SGR của Địa ốc Sài Gòn cũng bất ngờ tăng trần. Bên cạnh cổ phiếu VHM của Vinhomes, nhiều cổ phiếu bluechip khác của nhóm này cũng tăng điểm trong phiên hôm nay như HDG +3,05%, VRE +2,03%, NTL +2,34%, KBC +1,73%, …
Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu DIG, VIC, PDR, DXG, TCH, KDH, HDC, … chìm trong sắc đỏ.
Tại rổ VN30, ngoài các cổ phiếu ngân hàng, một số các cổ phiếu khác cũng tăng mạnh đóng góp tích cực cho chỉ số VN-Index như cổ phiếu MSN, GVR, HPG, FPT, GAS, VNM, PLX, …
Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu VIC, SSB, HDB, SAB, EIB, … gây áp lực lớn nhất lên chỉ số VN-Index trong phiên hôm nay.
Sau 2 phiên bán ròng quanh ngưỡng 700 tỷ đồng mỗi phiên, hôm nay khối ngoại “quay xe” mua ròng trở lại trên sàn HoSE với giá trị hơn 230 tỷ đồng.
Trong đó, khối ngoại mua vào nhiều nhất cổ phiếu FPT với giá trị gần 200 tỷ đồng. Theo sau là cổ phiếu CTG (102,29 tỷ đồng), cổ phiếu VNM (77,62 tỷ đồng), cổ phiếu STB (54,17 tỷ đồng), …
Ở chiều bán ra, khối ngoại bất ngờ bán ra gần 370 tỷ đồng cổ phiếu VHM của Vinhomes, dù ở phiên trước khối này vừa mua ròng mạnh mã cổ phiếu bất động sản này. Theo sau là cổ phiếu HDB (44,79 tỷ đồng), cổ phiếu VCI (35,03 tỷ đồng), cổ phiếu VPB (32,92 tỷ đồng), …
Nguồn từ: Cafef.vn
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.