WinCommerce hướng đến mô hình 'ông lớn bán lẻ Reliance phiên bản Việt'
28/08/24
Masan tiếp quản WinCommerce vào cuối năm 2019 từ tay Vingroup. Sau 5 năm, WinCommerce đã phát triển với mạng lưới cửa hàng đa loại hình phủ sóng khắp Việt Nam. Nhìn sang các thị trường khác như Ấn Độ hay Đông Nam Á, lãnh đạo Masan cho rằng dư địa ngành bán lẻ Việt Nam vẫn còn nhiều. Với mục tiêu định hình lại sân chơi bán lẻ bằng các mô hình hiện đại, Masan Group thực hiện nhiều kế hoạch, chiến lược, có nét tương đồng với con đường phát triển của Reliance Retail.
WinCommerce - thu hút khách mua nhờ hệ sinh thái Point of Life
5 năm qua, WinCommerce từng bước theo đuổi chiến lược "Point of Life" - điểm đến "tất cả trong một". Các cửa hàng có thể phục vụ các nhu cầu hàng ngày từ nhu yếu phẩm cho đến sản phẩm, dịch vụ tài chính, cho 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam.
Để tích hợp đa dịch vụ trong cùng một cửa hàng, Masan Group lựa chọn phương án M&A. Năm 2021, đơn vị chi gần 300 tỷ đồng mua lại 70% cổ phần Mobicast - đơn vị sở hữu mạng di động ảo Reddi (nay là Wintel), qua đó mở rộng sang lĩnh vực viễn thông, tích hợp dịch vụ số vào nền tảng tiêu dùng bán lẻ. Doanh nghiệp này cũng chi hàng trăm tỷ đồng để thâu tóm Bột giặt Net - đơn vị nắm 1,5% thị phần ngành bột giặt Việt Nam hay 3F Việt - mở rộng sang thị trường thịt gia cầm. Gần đây nhất là thương vụ mua lại Phúc Long - chuỗi đồ uống có biên EBITDA thuộc top đầu ngành F&B.
Hệ thống siêu thị bán lẻ của WinCommerce được hỗ trợ từ năng lực sản xuất của Masan Consumer - đơn vị sở hữu một loạt các thương hiệu tỷ đô như Chin-su, Omachi. Điều này giúp WinCommerce có thể phát triển các thương hiệu riêng, qua đó tăng tính cạnh tranh và cải thiện biên lợi nhuận.
Masan Group cũng có một công ty logistics riêng phục vụ cho hệ sinh thái tiêu dùng bán lẻ là Supra. Được thành lập từ 2022, đến nay Supra sở hữu 10 tổng kho trên cả nước, chịu trách nhiệm giao tới 60% tổng hàng hóa của WinCommerce. Việc sử dụng dịch vụ logistics của Supra giúp nhà bán lẻ này tiết giảm 11% chi phí giao vận.
Bằng cách này, đơn vị đã tích hợp tất cả các dịch vụ như nhu yếu phẩm (Masan Consumer), F&B (Phúc Long), tài chính (Techcombank), viễn thông (Wintel)... vào cùng một điểm bán là các siêu thị, cửa hàng WinMart, WinMart+, WiN.
Hiện WinCommerce đang sở hữu gần 3.700 điểm bán với độ phủ 62/63 tỉnh, thành. Số cửa hàng chiếm 50% tổng số siêu thị bán lẻ hiện đại toàn quốc.
Không chỉ hiện diện với cửa hàng offline, hàng hóa từ WinCommerce cũng đang tìm cách thâm nhập vào kênh bán online. Doanh nghiệp đã bắt tay với Alibaba trong một thương vụ đầu tư. Hàng hóa của Masan qua đó tiếp cận với 20.000 khách hàng trên nền tảng thương mại điện tử Lazada có thị phần lớn thứ 3 Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhiều tầng lớp khách hàng có thể tìm thấy giá trị mình cần trong hệ sinh thái bán lẻ của Masan. Đồng thời, khi các cửa hàng WinMart+ đa tiện ích mở rộng về nông thôn sẽ mở ra phong cách tiêu dùng mới, hiện đại và chất lượng hơn.
Nét tương đồng với gã khổng lồ Reliance Retail
Xuất phát điểm và con đường WinCommerce đang đi có nhiều nét tương đồng với Reliance Retail. Trong một báo cáo đầu năm nay, IndianRetailer, đơn vị nghiên cứu thị trường, đã gọi Reliance Retail của tỷ phú Mukesh Ambani là "gã khổng lồ thay đổi diện mạo bán lẻ Ấn Độ". Hãng thành lập vào năm 2006, là công ty con thuộc tập đoàn đa ngành Reliance Industries.
Khởi đầu từ Reliance Fresh, một chuỗi siêu thị mini phục vụ nhu yếu phẩm hàng ngày của người tiêu dùng, Reliance Retail vươn lên trở thành nhà bán lẻ lớn nhất Ấn Độ với mạng lưới gần 19.000 cửa hàng vật lý (offline) và hiện diện trên cả các nền tảng trực tuyến (online).
Danh mục sản phẩm đa dạng, trải dài trong nhiều lĩnh vực bán lẻ như thực phẩm, thời trang và phong cách sống, điện tử tiêu dùng, sức khỏe và sắc đẹp, bán buôn, cửa hàng tiện lợi.
Với danh mục và mạng lưới khổng lồ tại thị trường tỷ dân, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu lên đến 31,7 tỷ USD trong năm tài chính 2023. Mức lãi ròng đạt 8,7 tỷ USD. Giá trị tài sản ròng ước khoảng 100 tỷ USD. Theo ước tính, có đến 249 triệu người là khách hàng thành viên của chuỗi cửa hàng này.
Đóng góp vào tăng trưởng của Reliance Retail phần lớn đến từ chiến lược mở rộng bằng cách tích hợp cả chiều dọc và chiều ngang trong nhiều lĩnh vực qua việc mua bán sáp nhập (M&A) trong những năm qua. Chẳng hạn năm 2013, việc mua lại HyperCity giúp Reliance tiến vào lĩnh vực đại siêu thị và bán buôn. Hay như trước đó một năm, sự xuất hiện của Reliance Jio mang đến những gói cước data giá rẻ, phủ sóng rộng khắp, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên toàn Ấn Độ. Nói cách khác, doanh nghiệp này xây dựng mô hình kinh doanh theo hướng "một điểm đến cho mọi nhu cầu".
The Economic Times nhận định, những thương vụ mua lại này đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy Reliance Retail tiến sâu hơn vào lĩnh vực bán lẻ truyền thống và thương mại điện tử. Thị trường bán lẻ trị giá 850 tỷ USD của Ấn Độ được dự đoán sẽ tăng lên 1.300 tỷ USD trong vài năm tới. Các nhà phân tích cho rằng kế hoạch tổng thể của Reliance là thu hút người tiêu dùng Ấn Độ vào hệ sinh thái của mình bằng mọi cách có thể.
Tham vọng đường dài
Kiên trì theo đuổi chiến lược đa tiện ích trong một điểm bán và mini mart mang về "quả ngọt" cho WinCommerce. Quý II, lần đầu tiên sau hơn 5 năm tái cấu trúc, mảng bán lẻ của Masan Group ghi nhận có lãi sau thuế. Trong những năm gần đây, doanh thu WinCommerce dao động quanh mức 30.000 tỷ đồng - thuộc một trong ba nhà bán lẻ có doanh thu cao nhất Việt Nam.
"Quả ngọt" của WinCommerce đến từ việc đơn vị này kiên trì với mô hình mini mart, bền bỉ cải thiện doanh thu, lợi nhuận trên từng điểm bán và tối ưu hóa chi phí.
Báo cáo từ Statistics năm 2023 cho thấy Ấn Độ có tỷ lệ sở hữu xe hai bánh đứng thứ 6 thế giới. Đặc điểm này tương đồng với Việt Nam khi đây là thị trường sở hữu xe hai bánh lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Thái Lan.
Đây cũng là một trong những yếu tố định hình chiến lược của Reliance Retail và WinCommerce. Cả hai "ông lớn" này đều lựa chọn trung thành với mô hình siêu thị mini "một cửa hàng cho mọi nhu cầu" dựa trên số lượng xe máy cá nhân nhiều và thói quen sử đi chợ hàng ngày để mua sản phẩm.
Theo số liệu từ Euromonitor, độ thâm nhập của bán lẻ hiện đại Việt Nam vẫn tương đối thấp và đang trong giai đoạn đầu khi tỷ trọng dừng lại ờ 12% thị phần bán lẻ Điều này tạo ra cơ hội phát triển đường dài, nhất là ở nông thôn - nơi có 70% dân số sinh sống.
Nắm bắt cơ hội này, WinCommerce tập trung phát triển các siêu thị mini, với mô hình WinMart+ Rural tại khu vực nông thôn, với mục tiêu gia tăng thị phần hiện có hơn 50 triệu khách hàng. "Con số cho thấy chúng tôi còn rất nhiều đất diễn trên thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam", đại diện WinCommerce nói.
Theo báo cáo của các nhà phân tích Chứng khoán Rồng Việt, các nhà bán lẻ tạp hoá đã tìm ra mô hình hoạt động hiệu quả trong năm 2023, kế tiếp sẽ bước vào giai đoạn mở rộng và có lãi kể từ năm 2024.
Tại cuộc họp Đại hội Đồng cổ đông Masan vào đầu năm nay, bà Nguyễn Thị Phương, Tổng Giám đốc WinCommerce nói cuối năm nay, chuỗi này đặt mục tiêu có hơn 4.000 cửa hàng. Đồng nghĩa, mỗi ngày một điểm bán mới sẽ xuất hiện.
Euromonitor cho rằng nếu thị trường bán lẻ hiện đại của Việt Nam phát triển như Indonesia - một quốc gia trong khu vực có nhiều đặc điểm tương đồng về dân cư, thói quen tiêu dùng, quy mô thị trường có thể tăng gấp ba lần rong thập kỷ tới, tiến gần 20 tỷ USD.
Hoài Phương
Nguồn từ: Vnexpress.net
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.