Lý do Chủ tịch Thế giới Di động 'xả' cổ phiếu
22/09/24
Tuần qua, VN-Index tăng 20,33 điểm lên 1.272,04 điểm. Tương tự, HNX-Index tăng 1,88 điểm lên 234,3 điểm.
Thống kê trên sàn HoSE, khối ngoại mua ròng 25,9 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng hơn 1.223 tỷ đồng. Trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 5 phiên liên tiếp với tổng khối lượng 2,39 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng hơn 71 tỷ đồng.
Trên thị trường Upcom, khối ngoại bán ròng 2,55 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng hơn 64 tỷ đồng. Như vậy, tuần giao dịch từ ngày 16 - 20/9 trên toàn thị trường, khối ngoại đã mua ròng 25,74 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng tương ứng gần 1.230 tỷ đồng.
Tiếp tục bán ra
Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) - vừa bán ra 1 triệu cổ phiếu MWG để giảm sở hữu từ 33,4 triệu cổ phiếu về 32,4 triệu cổ phiếu, tương đương 2,22% vốn điều lệ Thế giới Di động; giao dịch được thực hiện từ ngày 9-19/9. Hồi tháng 6, ông Tài đã bán thành công 2 triệu cổ phiếu MWG.
Ngoài ông Tài, ông Đặng Minh Lượm - Thành viên HĐQT Thế giới Di động - cũng đăng ký bán ra 1 triệu cổ phiếu MWG trong giai đoạn từ 25/9 - 24/10. Giao dịch nhằm mục đích nhu cầu tài chính cá nhân, qua phương thức thoả thuận hoặc khớp lệnh. Nếu giao dịch thành công, ông Lượm sẽ hạ tỷ lệ sở hữu tại MWG từ 3,2 triệu xuống 2,2 triệu cổ phiếu MWG.
Nhóm quỹ liên quan Dragon Capital vừa bán 1,05 triệu cổ phiếu MWG của Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động để giảm sở hữu về 7,99% vốn điều lệ. Trong đó, quỹ Norges Bank bán ra 500.000 cổ phiếu,quỹ Amersham Industries Limited bán ra 500.000 cổ phiếu, quỹ Hanoi Investments Holdings Limited bán ra 300.000 cổ phiếu, quỹ Wareham Group Limited mua vào 250.000 cổ phiếu.
Cuối năm 2023, khi nhà đầu tư thắc mắc về động thái bán ròng miệt mài của khối ngoại, ông Nguyễn Đức Tài cho rằng điều này có thể xuất phát từ những nghi ngại về kết quả kinh doanh, nỗi lo về câu chuyện Bách hóa Xanh hòa vốn hoặc sự phục hồi của chuỗi Thế giới Di động.
“Ai có niềm tin sẽ bình tâm, tin tưởng vào hoạt động tái cơ cấu của công ty và coi đây là cơ hội để mua vào. Còn ai không đủ niềm tin với doanh nghiệp thì có thể bán ra”, ông Tài nói.
Ngay sau đó, ông Nguyễn Đức Tài đã thực hiện 2 giao dịch mua vào cổ phiếu MWG. Cụ thể, từ ngày 12/12/2023-10/1/2024, ông Tài đăng ký mua 500.000 cổ phiếu để nâng sở hữu lên 2,44% vốn điều lệ. Tuy nhiên, ông Tài chỉ mua được 200.000 cổ phiếu MWG.
Trong giao dịch được thực hiện từ ngày 8/11-7/12/2023, ông Tài chỉ mua được 110.000 cổ phiếu MWG trong tổng đăng ký 1 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ mua thành công là 11% tổng số đăng ký để nâng sở hữu lên 2,41% vốn điều lệ. Lý do không mua hết cổ phiếu đăng ký được ông Nguyễn Đức Tài đưa ra do diễn biến thị trường không phù hợp.
7 tháng đầu năm, MWG ghi nhận doanh thu thuần 76.541 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Như vậy, MWG đã hoàn thành 61% kế hoạch doanh thu. Lũy kế 7 tháng đầu năm, tổng doanh thu của chuỗi Thế giới di động và Điện máy xanh đạt 51.300 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với cùng kỳ. Bách hóa xanh mang về cho MWG khoảng 23.000 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ.
TDH tiếp tục bị cưỡng chế thuế
Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (mã chứng khoán: TDH) vừa nhận được quyết định của Cục Thuế TPHCM về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.
Theo đó, TDH bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của công ty với số tiền hơn 91 tỷ đồng.
Cục Thuế TPHCM đã nhiều lần đưa ra thông báo cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế đối với TDH và công ty cũng đã gửi đơn khiếu kiện quyết định hành chính đối với Cục Thuế TPHCM lên Tòa án Nhân dân TPHCM.
Tuy nhiên, vào ngày 9/9, TDH đã nhận được quyết định hoãn phiên tòa hành chính sơ thẩm của Tòa án Nhân dân TPHCM với nội dung hoãn phiên tòa xét xử sở thẩm vụ án hành chính thụ lý ngày 14/6.
Công ty CP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang (CIC Group - mã chứng khoán: CKG) vừa có công văn giải trình, báo cáo tình hình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo, kiểm soát quý III/2024 gửi HoSE.
Theo đó, ngày 9/4, HoSE có thông báo về việc giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu CKG do chậm nộp báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2023, vượt quá 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
CKG đã có các công văn giải trình, báo cáo tình hình khắc phục chứng khoán bị kiểm soát định. Trong lần giải trình này, CIC Group cho biết, ngày 2/4, công ty đã công bố đầy đủ báo cáo tài chính hợp nhất 2023 và hoàn toàn khắc phục được nguyên nhân theo thông báo tháng 4 của HoSE.
“Để góp phần giúp công ty sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo sự tin tưởng của cổ đông, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán và người lao động an tâm làm việc, công ty trình HoSE sớm xem xét chấp thuận và quyết định đưa cổ phiếu CKG ra khỏi diện cảnh báo và kiểm soát theo quy định”, công văn của CIC Group nêu.
Nguồn từ: Cafef.vn
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.