Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Bạn có thể trả hết nợ bằng cách nào?

Nội dung

    Trong cuộc sống, chắc hẳn ai cũng có những lúc gặp khó khăn về mặt tài chính. Khi mắc nợ, ai cũng đều cảm thấy như đang “ngồi trên đống lửa” và mong muốn mình có thể nhanh chóng trả hết nợ một cách nhanh nhất. Nếu đang có một khoản nợ chưa trả hết, bạn cần quản lý tiền của mình sao cho có đủ tiền để thanh toán đúng hạn. Đặc biệt nếu đang có nhiều khoản nợ, bạn cần quyết định xem khoản nợ nào bạn cần ưu tiên thanh toán trước. Thời gian càng dài, tiền lãi phát sinh từ khoản vay sẽ càng lớn và càng làm cho việc trả hết nợ của bạn trở nên khó khăn hơn. Để có thể trút bỏ những áp lực mà những khoản nợ tạo ra, bạn cần phải hiểu được cách trả nợ hiệu quả nhất có thể.

    Nợ là gì?

    Trong một khoản nợ, một bên là “con nợ”, bên còn lại được gọi là “chủ nợ”. Theo đó, con nợ sẽ phải thanh toán nợ gốc và khoản lãi vay cho chủ nợ theo thời gian.

    Có nhiều hình thức nợ. Nếu số tiền bạn mua hàng bằng thẻ tín dụng nhiều hơn số tiền bạn có thể thanh toán cho thẻ tín dụng thì có nghĩa là bạn mắc nợ thẻ tín dụng. Nếu bạn mua nhà theo hình thức thế chấp thì bạn sẽ có khoản nợ thế chấp.

    Khoản nợ hiện tại của bạn là bao nhiêu?

    Trước khi tìm hiểu cách để trả hết nợ, bạn cần biết được tổng số nợ hiện tại của mình là bao nhiêu. Trước hết, bạn cần phải tìm hiểu các thông tin sau của từng khoản nợ, càng chi tiết càng tốt:

    - Loại nợ (nợ thẻ tín dụng, khoản vay cá nhân, nợ thế chấp, v.v.)

    - Số tiền nợ

    - Lãi suất áp dụng cho khoản nợ

    - Số tiền thanh toán tối thiểu

    Tiếp theo, bạn nên tính thu nhập khả dụng của mình. Đây là số tiền thu nhập sau thuế còn lại mỗi tháng sau khi bạn đã thanh toán tất cả các chi phí cần thiết. Bạn cần đảm bảo rằng các khoản chi phí cần thiết đã bao gồm cả số tiền thanh toán tối thiểu của tất cả các khoản nợ của bạn. Thu nhập khả dụng của bạn cũng có thể là số tiền bạn sẽ dùng để hoàn tất việc trả nợ.

    Các chiến lược trả nợ

    Có một số chiến lược trả nợ phổ biến có thể giúp bạn lựa chọn và quản lý các khoản nợ của mình một cách phù hợp nhất.

    Phương pháp “Quả cầu tuyết”

    Phương pháp Quả cầu tuyết (debt snowball) là việc bạn cố gắng trả hết các khoản nợ nhỏ trước, và từ đó tự tạo động lực cho bản thân để thanh toán tiếp các khoản nợ lớn hơn.

    Ví dụ, bạn có thẻ tín dụng với số dư là 2 triệu đồng, thẻ tín dụng khác có số dư là 10 triệu và thẻ thứ ba có số dư 20 triệu. Đầu tiên, bạn có thể thực hiện các khoản thanh toán tối thiểu trên mỗi thẻ vào ngày thanh toán, và sau đó, nếu còn dư tiền, bạn có thể thanh toán toàn bộ số dư nợ còn lại trong khoản 2 triệu đồng kia. Khi bạn hoàn tất thanh toán cho thẻ có số dư nhỏ nhất, bạn sẽ thấy bớt phần nào áp lực và gánh nặng, và rồi tiếp tục thanh toán lần lượt cho những khoản khác lớn hơn.

    Về mặt toán học, phương pháp Quả cầu tuyết không phải là phương án tối ưu. Bởi vì khi sử dụng phương pháp này, các khoản nợ có lãi suất cao hơn sẽ càng làm tăng phần lãi vay bởi chúng sẽ bắt đầu tính lãi trên khoản dư bạn chưa thanh toán hết mà để chuyển qua tháng tiếp theo.

    Tuy nhiên, phương pháp này rất phổ biến vì nó được hoạt động từ góc độ tâm lý. Khi bạn ưu tiên thanh toán khoản nợ nhỏ nhất của mình, nó sẽ giúp bạn cảm thấy bản thân “thành công” trong việc quản lý chi tiêu, và tạo động lực để hoàn tất việc trả nợ nhanh hơn.

    Phương pháp “Tuyết lở”

    Phương pháp Tuyết lở (debt avalanche) liên quan đến việc bạn tập trung thanh toán cho các khoản nợ có lãi suất cao nhất trước, sau đó, lần lượt chuyển sang các khoản nợ có lãi suất thấp hơn.

    Lợi ích rõ nhất của phương pháp này là nó giúp bạn làm giảm tổng nợ nhanh hơn so với so với phương pháp Quả cầu tuyết. Mặc dù vậy, bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn trong việc loại bỏ từng khoản nợ trong danh sách nợ của mình, và điều này sẽ khiến bạn khó có thể duy trì được động lực để trả hết nợ.

    Hợp nhất nợ

    Hợp nhất nợ là việc gộp nhiều khoản nợ lại thành một khoản thanh toán hàng tháng. Cách phổ biến nhất để làm điều này là sử dụng số tiền cá nhân hoặc từ một thẻ tín dụng khác để tất toán tất cả các khoản nợ hiện có. Như vậy, bạn sẽ chỉ còn một khoản vay cần phải thanh toán hàng tháng sau khi hợp nhất nợ, và việc trả nợ của bạn sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều và giảm khả năng trễ hạn. Trong hầu hết các trường hợp, hợp nhất nợ có thể giúp làm giảm số tiền lãi bạn cần phải trả.

    Phương án hợp nhất nợ không có sẵn cho tất cả mọi người. Thông thường, điểm tín dụng của bạn cần phải ở mức tốt để đủ điều kiện nhận thẻ tín dụng với hạn mức đủ lớn để chuyển khoản hoặc thanh toán toàn bộ các khoản vay khác với mức lãi suất hợp lý.

    Kế hoạch quản lý nợ

    Nếu bạn không thể thanh toán được các khoản nợ của mình, bạn có thể làm việc với một tổ chức tư vấn tín dụng để giúp bạn thiết lập một kế hoạch quản lý nợ. Tổ chức này sẽ thương lượng các khoản nợ hiện tại với từng chủ nợ của bạn và sắp xếp một kế hoạch thanh toán mà bạn đủ khả năng chi trả. Theo đó, bạn sẽ trả một khoản thanh toán cho tổ chức tư vấn tín dụng mỗi tháng và tổ chức này sẽ phân bổ khoản thanh toán của bạn cho từng chủ nợ theo đúng hạn.

    Kế hoạch quản lý nợ giúp đơn giản hóa việc thanh toán nợ, bởi vì bạn sẽ chỉ phải thanh toán một lần cho một bên. Mặc dù các tổ chức tư vấn tín dụng thường không thương lượng với các chủ nợ về số nợ của bạn, nhưng họ có thể thương lượng một số khoản như số tiền thanh toán hàng tháng hoặc các khoản phí phạt hay bất kỳ khoản phí nào khác mà bạn phải trả.

    Các tùy chọn khi trả nợ

    Có một số tùy chọn có thể giúp bạn trả hết các khoản nợ hiện có. Dưới đây là cái nhìn chi tiết về từng tùy chọn trả nợ:

    Chuyển số dư

    Chuyển số dư đề cập đến việc chuyển số dư từ thẻ tín dụng này sang thẻ tín dụng khác. Điều này cho phép bạn hợp nhất các khoản nợ của mình và có khả năng nhận được mức lãi suất áp dụng cho khoản nợ thấp hơn. Nếu bạn có nợ thẻ tín dụng và điểm tín dụng tốt, bạn có thể cân nhắc lựa chọn này. Đồng thời, một số thẻ sẽ là lựa chọn tốt nếu chúng có lãi suất giới thiệu hàng năm là 0%.

    Khoản vay cá nhân

    Bạn có thể vay một khoản vay cá nhân, sau đó sử dụng nó để trả hết số nợ hiện có. Đây là một cách khác để hợp nhất các khoản nợ của bạn để bạn chỉ còn một khoản thanh toán hàng tháng. Nếu điểm tín dụng của bạn cao, bạn có thể nhận được một khoản vay với lãi suất thấp hơn so với lãi suất đang được áp dụng với khoản nợ hiện có của bạn.

    Thương lượng thanh toán một phần nợ

    Thương lượng thanh toán một phần nợ là việc bạn hoặc bên thứ ba thương lượng với chủ nợ để trả một phần số tiền bạn đang nợ. Ví dụ: nếu bạn nợ 100 triệu, bạn có thể cố gắng thanh toán một phần khoảng 80 triệu đồng. Tuy nhiên, bạn cần phải luôn sẵn sàng cho tình huống chủ nợ yêu cầu thanh toán toàn bộ số nợ. Đồng thời, việc này có thể làm điểm tín dụng của bạn bị giảm đáng kể vì đã không hoàn tất 100% nghĩa vụ nợ như ban đầu.

    Đâu là chiến lược nợ phù hợp với bạn?

    Việc chọn được chiến lược tốt nhất cho bạn phụ thuộc vào câu trả lời cho hai câu hỏi:

    1. Bạn có thể đáp ứng ít nhất khoản thanh toán tối thiểu cho tất cả các khoản nợ của mình không?

    2. Điểm tín dụng của bạn có cao không?

    Đây là các chiến lược dựa trên câu trả lời của bạn.

    Bạn có thể đáp ứng tất cả các khoản thanh toán và có điểm tín dụng tốt

    Đăng ký thẻ tín dụng chuyển khoản số dư hoặc khoản vay cá nhân để hợp nhất khoản nợ của bạn. Thẻ tín dụng chuyển số dư là lựa chọn tốt hơn nếu bạn chỉ có nợ thẻ tín dụng, bởi vì bạn có thể nhận được mức lãi suất giới thiệu hàng năm là 0%. Nếu bạn có các loại nợ khác nhau, thì bạn nên chọn khoản vay cá nhân.

    Bạn có thể đáp ứng tất cả các khoản thanh toán, nhưng không có tín dụng tốt

    Trong trường hợp này, bạn nên lựa chọn phương pháp “Quả cầu tuyết” hoặc “Tuyết lở”. Phương pháp “Tuyết lở” giúp bạn tiết kiệm tiền nhờ việc ưu tiên thanh toán các khoản vay có lãi suất cao, đặc biệt nếu bạn tự tin rằng bản thân có thể hoàn tất các khoản thanh toán của mình đúng hạn. Ngược lại, nếu bạn thích một phương pháp giúp tạo cho bạn động lực trả nợ, thì bạn hãy thực hiện phương pháp “Quả cầu tuyết”.

    Bạn không thể đáp ứng tất cả các khoản thanh toán của mình

    Trong trường hợp này, bạn cần liên hệ với một tổ chức tư vấn tín dụng để được hỗ trợ. Họ có thể giúp bạn điều chỉnh khoản chi tiêu của mình và có đủ tiền để thực hiện tất cả các khoản thanh toán của bạn. Nếu không, bạn có thể nhờ họ kế hoạch quản lý nợ hoặc thương lượng thanh toán một phần nợ.

    Thói quen giúp bạn thoát khỏi nợ nần

    Để thoát khỏi tình trạng nợ nần chồng chất, bạn cần áp dụng những thói quen tài chính đúng đắn và hữu ích như là:

    - Tránh chi tiêu quá mức hàng tháng

    - Lập ngân sách và theo dõi những gì bạn chi tiêu

    - Ưu tiên tiết kiệm

    - Thiết lập quỹ khẩn cấp

    - Giữ tỷ lệ nợ trên thu nhập của bạn không lớn hơn 35%

    Tóm tắt:

    - Nếu đang có một khoản nợ, bạn cần quản lý tài chính của mình chặt chẽ hơn và phân loại ưu tiên các khoản thanh toán để có thể thanh toán đúng hạn.

    - Một số chiến lược hữu ích giúp bạn có thể hết trả nợ là phương pháp “Quả cầu tuyết”, phương pháp “Tuyết lở”, hợp nhất nợ, và kế hoạch quản lý nợ.

    - Bạn cần duy trì các thói quen để tránh rơi vào tình trạng nợ nần như tránh chi tiêu quá mức, lập ngân sách, theo dõi những gì bạn chi tiêu hàng tháng…


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

      Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

      Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

      Tích lũy

      Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

      Tìm hiểu thêm
      Tích lũy

      Cố vấn Robo AI

      Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

      Tìm hiểu thêm
      Cố vấn Robo AI

      Đầu tư chứng khoán

      Với số tiền bất kỳ

      Tìm hiểu thêm
      Đầu tư chứng khoán

      Bài viết liên quan