Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

"Revenge saving": Xu hướng tiết kiệm mới

Nội dung

    Điểm nhấn chính

    - Trong bối cảnh chi phí tăng và áp lực tài chính sau dịch, nhiều người chọn "revenge saving" để sửa sai quá khứ và kiểm soát tài chính.

    - Dù khởi phát từ cảm xúc tiêu cực, revenge saving có thể giúp xây dựng thói quen chi tiêu lành mạnh, ổn định lâu dài.

    Từ "revenge spending" đến "revenge saving"

    Sau giai đoạn phong tỏa kéo dài do COVID-19, "revenge spending" tức chi tiêu bù đắp đã bùng nổ như một phản ứng tâm lý phổ biến. Người tiêu dùng chi mạnh tay cho du lịch, mua sắm và giải trí để “bù đắp” những tháng ngày bị giới hạn. Tuy nhiên, khi chi phí sinh hoạt leo thang do lạm phát, lãi suất tăng cao và bất ổn kinh tế, một xu hướng ngược lại đã xuất hiện - "revenge saving".

    Thay vì thỏa mãn nhu cầu tức thời, nhiều người bắt đầu áp dụng chiến lược tiết kiệm quyết liệt như một cách “chuộc lỗi” cho hành vi chi tiêu thiếu kiểm soát trước đó. Họ cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ, chủ động lập ngân sách và đặt mục tiêu tiết kiệm rõ ràng, không chỉ để phòng ngừa rủi ro mà còn để cảm thấy có lại quyền kiểm soát trong tay.

    "Revenge saving” – Một phản ứng tâm lý hay xu hướng tài chính bền vững?

    Điều đáng lưu ý là revenge saving thường bắt nguồn từ cảm xúc, cảm giác sợ hãi trước bất ổn kinh tế hoặc tội lỗi về hành vi tài chính sai lầm. Đây có thể là dấu hiệu của một mối quan hệ chưa lành mạnh với tiền bạc, nơi việc tiết kiệm không dựa trên kế hoạch dài hạn mà là phản ứng mang tính phòng vệ.

    Tuy vậy, xu hướng này vẫn mang lại hiệu quả tích cực khi giúp người tiêu dùng đánh giá lại thói quen chi tiêu, ưu tiên các khoản cần thiết và tái lập kỷ luật tài chính. Dữ liệu cho thấy tỷ lệ tiết kiệm cá nhân tại Mỹ đã phục hồi đáng kể trong năm 2024, phản ánh sự thay đổi hành vi tài chính sâu sắc của người tiêu dùng sau nhiều biến động kinh tế.

    Làm sao để áp dụng “Revenge Saving” một cách lành mạnh và hiệu quả?

    1. Chọn phương pháp lập ngân sách phù hợp với bản thân

    Không có một mô hình ngân sách nào phù hợp cho tất cả mọi người. Những phương pháp như quy tắc 50/20/30, ngân sách 0 đồng (zero-based budgeting) hay phương pháp phong bì (envelope system) đều có thể hiệu quả tùy thuộc vào cá tính tài chính của người áp dụng. Điều quan trọng là xây dựng một ngân sách linh hoạt, bền vững và phù hợp với nhịp sống của cá nhân.

    2. Bắt đầu từ những thay đổi nhỏ với mục tiêu rõ ràng

    Không cần phải “cai chi tiêu” một cách cực đoan. Revenge saving hiệu quả là tiết kiệm một cách đều đặn và hợp lý. Hãy đặt ra mục tiêu cụ thể như lập quỹ dự phòng, tiết kiệm cho một khoản chi lớn trong tương lai hoặc đơn giản là tái lập cân bằng tài chính sau giai đoạn chi tiêu quá mức. Khi tiết kiệm gắn liền với mục đích rõ ràng, động lực sẽ bền vững hơn.

    3. Biến tiết kiệm thành trò chơi với thử thách “không chi tiêu”

    Các thử thách không chi tiêu (no-spend challenge) đang trở thành công cụ hiệu quả để tạo cảm hứng và duy trì kỷ luật tài chính. Ví dụ: bạn có thể đặt mục tiêu không chi bất kỳ khoản nào trong 24 giờ và chuyển khoản tiền lẽ ra dùng để ăn uống hay mua sắm vào tài khoản tiết kiệm. Lặp lại thử thách này hàng tuần hoặc hàng tháng có thể giúp tạo dựng thói quen tiết kiệm mạnh mẽ mà không gây áp lực quá lớn.

    Tiết kiệm để kiểm soát, không phải để trừng phạt bản thân

    Như chia sẻ từ chuyên gia tài chính cá nhân Bobbi Rebell : "Với revenge spending, cảm giác thỏa mãn kết thúc ngay sau khi bạn tiêu tiền. Nhưng với revenge saving, cảm giác hài lòng bắt đầu ngay khi bạn bắt đầu tiết kiệm – và còn tăng lên theo thời gian nhờ lãi kép và sự ổn định tài chính.

    Việc tiết kiệm không nên mang tính trừng phạt bản thân vì những sai lầm quá khứ. Ngược lại, nếu được áp dụng một cách chủ động, revenge saving có thể trở thành bước đầu để xây dựng một nền tảng tài chính vững vàng, nơi sự ổn định và an toàn không đến từ việc ngừng chi tiêu hoàn toàn, mà từ việc hiểu rõ điều gì thực sự cần thiết.

    Kết luận

    Revenge saving phản ánh một sự chuyển biến đáng chú ý trong tư duy tài chính của người tiêu dùng hậu đại dịch. Dù bắt nguồn từ cảm xúc, xu hướng này nếu được điều tiết hợp lý có thể giúp cá nhân định hình lại thói quen chi tiêu, củng cố khả năng tài chính và gia tăng cảm giác kiểm soát trong thế giới nhiều bất ổn. Điều quan trọng là giữ sự cân bằng giữa mục tiêu tài chính và chất lượng cuộc sống – nơi tiết kiệm trở thành hành động có chủ đích, chứ không phải là phản ứng cực đoan.

      Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

      Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

      Tititada
      Tải App Ngay
      hoặc truy cập tititada.com

      Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

      Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

      Tích lũy

      Lãi suất hấp dẫn lên đến 7.5%

      Tìm hiểu thêm
      Tích lũy

      Cố vấn Robo AI

      Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

      Tìm hiểu thêm
      Cố vấn Robo AI

      Đầu tư chứng khoán

      Với số tiền bất kỳ

      Tìm hiểu thêm
      Đầu tư chứng khoán