Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Nguồn nhân lực cho ngành công nghệ thông tin

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Nguồn nhân lực CNTT Việt Nam đang phát triển và có tiềm năng to lớn, đưa Việt Nam trở thành quốc gia nổi bật trong ngành công nghệ toàn cầu.

    - Với nhiều động lực thuận lợi, ngành CNTT của Việt Nam đã sẵn sàng để mở rộng và thành công hơn nữa trong tương lai.  

    Tổng quan nguồn nhân lực Việt Nam

    Hệ sinh thái khởi nghiệp năng động của Việt Nam hiện đã vươn lên vị trí thứ 3 tại Đông Nam Á, chỉ sau Singapore và Indonesia. Bối cảnh khởi nghiệp ở Việt Nam phát triển nhanh chóng trong thập kỷ qua cũng được thúc đẩy bởi tinh thần khởi nghiệp cao của người Việt. Đến nay, Việt Nam đã có khoảng 3,800 start-up, 200 quỹ đầu tư mạo hiểm và 100 vườn ươm khởi nghiệp.

    Trong 9 tháng đầu năm 2023, cam kết FDI và giải ngân duy trì ở mức cao, tương ứng đạt 20.2 tỷ USD và 15.9 tỷ USD, lần lượt tăng 31% và 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, điều này cũng nhờ vào chi phí lao động hấp dẫn và nguồn nhân lực dồi dào.

    Việt Nam là quốc gia có dân số đông, cơ cấu dân số khá trẻ và đang bắt đầu bước vào thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, với 70% nằm trong độ tuổi lao động, từ 14-60. Bên cạnh đó, nhân lực chất lượng cao của Việt Nam cũng không ngừng tăng lên, được thể hiện rõ nhất qua năng suất lao động. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê nước ta, năng suất lao động năm 2022 tăng 4.8% so với năm 2021, nhờ trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2022 đạt 26.2%, cao hơn 0.1 điểm phần trăm so với năm 2021). Cùng với các đức tính như cần cù, chăm chỉ và ham học hỏi, nguồn nhân lực Việt Nam luôn được đánh giá cao.  

    Nguồn nhân lực cho ngành công nghệ thông tin

    “Việt Nam có nguồn nhân lực CNTT đầy triển vọng cả về chất lượng và số lượng cũng như thị trường và tốc độ tăng trưởng kinh tế đầy tiềm năng”, theo ông Park JongHo – CEO TopDev – một trong những công ty tuyển dụng CNTT lớn nhất Việt Nam.

    Việt Nam sở hữu nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) đầy tiềm năng cả về chất lượng, số lượng cũng như thị trường và tiềm năng tăng trưởng.

    Theo DxReports và FPT Digital, nước ta hiện có gần 400,000 kỹ sư CNTT và hơn 50,000 sinh viên CNTT tốt nghiệp mỗi năm. Lực lượng lao động công nghệ thông tin chiếm 1.1% trên tổng số 51 triệu lao động cả nước, và dự kiến sẽ tăng lên 2%, cùng với việc tập trung nâng cao chất lượng kỹ thuật, chuyên môn trong thời gian tới.

    Hệ thống giáo dục Việt Nam cũng chú trọng vào các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), tạo ra lực lượng lao động tay nghề cao có khả năng thích ứng nhanh với những chuyển đổi trong lĩnh vực công nghệ. Bên cạnh đó, lực lượng lao động Việt Nam có thể giao tiếp khá tốt bằng tiếng Anh, đây là công cụ vô giá trong lĩnh vực công nghệ, vốn đòi hỏi sự hợp tác và giao tiếp với các nhóm khách hàng quốc tế.

    Đặc biệt, trình độ và kỹ năng của nhân lực Việt Nam cũng được xếp hạng khá cao trong các báo cáo liên quan về ngành CNTT:

    - Lập trình viên Việt Nam thuộc Top 6 các quốc gia hàng đầu về dịch vụ gia công phần mềm (2021) theo Xếp hạng về chỉ số vị trí dịch vụ toàn cầu của Kearney.

    - Việt Nam là một trong hai điểm đến gia công phần mềm hàng đầu ở Đông Nam Á theo Accelerance.

    - Việt Nam đứng thứ 2 Châu Á Thái Bình Dương và thứ 22 toàn thế giới theo Chỉ số Kỹ năng Toàn cầu (GSI) năm 2020.

    - Việt Nam nằm trong Top 10 trên bảng Xếp hạng toàn cầu của Khảo sát Lập trình viên tốt nhất theo Skillvalue.

    - Việt Nam xếp thứ 29 trên toàn thế giới trong Bảng xếp hạng kỹ năng dành cho lập trình viên Báo cáo giá trị kỹ năng năm 2019.

    Các lĩnh vực CNTT tại Việt Nam có đặc điểm nổi bật và lợi thế cạnh tranh trong các lĩnh vực như:

    - Phát triển phần mềm: Các kỹ sư và nhà phát triển phần mềm Việt Nam có tay nghề cao về các ngôn ngữ lập trình như Java, Python và C++, giúp họ có khả năng cạnh tranh trên thị trường phát triển phần mềm toàn cầu. Họ có kỹ năng trong phát triển web và ứng dụng di động cũng như các giải pháp phần mềm phức tạp.

    - Gia công phần mềm: Việt Nam đã trở thành điểm đến nổi bật về gia công phần mềm cho các dịch vụ CNTT. Nhân lực dồi dào với chi phí lao động thấp, trình độ tiếng Anh tương đối và kỹ năng chuyên môn cao đã giúp Việt Nam trở thành lựa chọn ưu tiên để phát triển CNTT và gia công phần mềm.

    - Chất lượng được đảm bảo và giám sát: Nhân lực công nghệ tiềm năng của Việt Nam gồm đội ngũ chuyên gia giúp đảm bảo chất lượng, độ tin cậy và hiệu suất của các ứng dụng phần mềm.  

    Các vấn đề hiện tại của nhân lực CNTT tại Việt Nam

    Tuy chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam có sự cải thiện và được đánh giá khá cao, song vẫn còn nhiều hạn chế cũng như chưa đáp ứng đủ “cầu” về chất lượng.

    Thứ nhất, chi phí nhân công tại Việt Nam nói chung và lĩnh vực CNTT nói riêng ngày càng tăng. Theo Báo cáo Thị trường CNTT Việt Nam năm 2022 do TopDev phát hành, mức lương của lập trình viên dao động từ 350 USD (thực tập sinh, thử việc) đến 1,190 USD cho các vị trí cao hơn. Các lập trình viên có kinh nghiệm sẽ nhận mức lương dao động từ 860 USD đến 1,510 USD. Đến các vị trí quản lý với thời gian kinh nghiệm lâu năm (5 năm trở lên hoặc cao hơn) được khảo sát có mức lương dao động từ 1,410 USD đến hơn 2,300 USD.

    Thứ hai, Việt Nam đang thiết hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo khảo sát, trong số hơn 57,000 sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp mỗi năm, chỉ có khoảng 30% đáp ứng những yêu cầu về kỹ năng và chuyên môn thực tế mà doanh nghiệp đặt ra, trong khi 70% còn lại cần đào tạo thêm từ 3 – 6 tháng để đạt hiệu quả công việc tương ứng.

    Mặt khác, lượng doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng, thu hút nhân lực chất lượng cao chiếm 57% tổng số các doanh nghiệp. Dự kiến trong giai đoạn 2023 – 2025, Việt Nam có thể thiếu hụt 150,000 đến 200,000 lập trình viên/kỹ sư công nghệ hàng năm, trong khi nhu cầu cần khoảng 700,000 nhân lực. Đặc biệt, các vị trí về Phân tích dữ liệu, Điện toán đám mây, DevOps, AI/Machine Learning dù được săn đón với mức lương hấp dẫn, song “nguồn cung” nhân lực vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và tốc độ tăng trưởng dự kiến của ngành.  

    Tình hình công nghiệp CNTT Việt Nam

    Theo báo cáo từ Statista, doanh thu từng mảng trong dịch vụ CNTT tại Việt Nam không ngừng tăng trưởng, đặc biệt là mảng IT outsourcing. Doanh thu các mảng ghi nhận đạt 1.52 tỷ USD vào năm 2022 và dự báo đạt 3.2 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng 15%/năm.

    Năm 2023, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn do tác động từ suy thoái kinh tế toàn cầu. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam nói chung và sản phẩm, dịch vụ CNTT nói riêng, các đơn hàng xuất khẩu CNTT của Việt Nam cũng sụt giảm. Tuy nhiên, kể từ giữa năm 2023, tình hình kinh tế toàn cầu dần cải thiện đã giúp thị trường xuất khẩu phục hồi trở lại.

    Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử trong quý III/2023 tăng mạnh 10% so với cùng kỳ, cùng với tỷ giá USD/VND tăng cao giúp thu hẹp đà giảm của doanh thu lũy kế so với cùng kỳ. Tổng doanh thu công nghiệp CNTT trong 10 tháng đầu năm 2023 ước đạt trên 2.7 triệu tỷ đồng (khoảng 113.8 tỷ USD), tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022.

    Doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử trong 10 tháng đầu năm 2023 ước đạt gần 2.55 triệu tỷ đồng (khoảng 106 tỷ USD) tăng 0.6% so với cùng kỳ. Tuy vậy, giá trị xuất khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử (chiếm khoảng 31% giá trị xuất khẩu của cả nước) ước đạt gần 96.8 tỷ USD, giảm 4%.

    Trong đó, "Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện" và "Điện thoại và linh kiện các loại" giữ vững vị trí đứng đầu trong 12 nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao của cả nước, song sản lượng xuất khẩu bị sụt giảm. Theo Tổng cục Hải quan, đến cuối tháng 10/2023, giá trị xuất khẩu máy tính và linh kiện ước đạt trên 47 tỷ USD, giảm 1.6%; và điện thoại và linh kiện ước đạt trên 44.2 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ.

    Vì vậy, với sự biến động toàn cầu ngày càng tăng và sự phát triển của các ứng dụng công nghệ cao, đây được xem là thời điểm tốt nhất để Việt Nam nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhận lực CNTT. Đặc biệt, dòng vốn đầu tư nước ngoài đã mang lại vô số cơ hội cho thị trường việc làm CNTT Việt Nam, khiến thị trường trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Việt Nam đang thu hút các công ty CNTT lớn từ khắp nơi trên thế giới và khu vực, dẫn đến tăng cường tuyển dụng và phát triển đội ngũ kỹ sư lành nghề để đổi mới sản phẩm và dịch vụ.


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán