Tìm hiểu cùng Tititada!
Có thể nói, ngành công nghiệp bán dẫn đang trở nên “hot” hơn bao giờ hết, khi dòng tiền rất lớn đang đổ xô vào hệ sinh thái này, từ khai thác, chọn lựa đến nghiên cứu và sản xuất thành con chip. Theo Mordor Intelligence, quy mô ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu sẽ đạt tốc độ tăng trưởng CARG là 10.86%/năm trong giai đoạn 2020 – 2028, đạt 0.72 nghìn tỷ USD vào năm 2024 và chạm mức 1.21 nghìn tỷ USD vào năm 2029. Do vậy, với sự phát triển nói trên, “thời” của các doanh nghiệp bán dẫn có thể được xem là mới bắt đầu.
Tập đoàn NVIDIA – Vị thế dẫn đầu
NVIDIA là một tập đoàn công nghệ đa quốc gia của Mỹ được thành lập vào năm 1993, tập trung phát triển các bộ xử lý đồ họa (GPU) và sản xuất chipset cho các thiết bị điện tử như máy trạm, máy tính cá nhân, các thiết bị di động. Vào năm thành lập, công ty nhận được khoản đầu tư ban đầu trị giá 20 triệu USD từ nguồn vốn đầu tư mạo hiểm từ các công ty như Sequoia Capital, mang lại cho công ty nguồn hỗ trợ về mặt tài chính và mở ra cơ hội IPO thị trường vào năm 1999 sau đó.
Công ty tiên phong về công nghệ GPU, tận dụng tốc độ xử lý song song và đa lõi. Vào thời điểm NVIDIA gia nhập, thị trường GPU khá đông đúc tên tuổi nhiều doanh nghiệp khác nhau, như ATI Technologies, Matrox, Chips&Technology, S3 Graphics và 3Dfx. Tuy vậy, NVIDIA đã vượt lên trên đối thủ nhờ việc phát hành thẻ GeForce vào năm 1999, có kỹ thuật đồ họa và ánh sáng 3D vượt trội hơn các nhà sản xuất khác. Sự thành công nói trên đã giúp NVIDIA giành được hợp đồng phát triển phần cứng cho Xbox, máy chơi game của Microsoft và nhận được khoản tạm ứng khoảng 200 triệu USD cho dự án.
NVIDIA đi đầu trong công nghệ GPU trong hơn 25 năm và là một trong những công ty tiên phong đầu tiên. Tính đến năm 2023, thị phần chip bán dẫn GPU toàn cầu được NVIDIA nắm giữ trong tay lên đến 80%. NVIDIA cũng định vị mình là một trong những nhà cung cấp chính cả phần cứng và phần mềm AI. Thời điểm đột phá của công ty này trong ngành là vào năm 2022, khi chatbot ChatGPT của OpenAI được ra mắt công chúng. Theo đó, OpenAI đã phát triển công nghệ của mình bằng cách sử dụng siêu máy tính được hỗ trợ bởi 10,000 GPU NVIDIA.
Có thể nói, NVIDIA đang trở thành đối tác hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc chạy đua của các công ty công nghệ nhằm xây dựng trí tuệ nhân tạo (AI) vào sản phẩm và dịch vụ của họ. Nhiều công ty lớn ngành công nghệ, như Amazon, Microsoft và Google, v.v. sẵn sàng chi hàng tỷ USD để mua bộ xử lý đồ họa của NVIDIA. Các bộ xử lý đồ họa (GPU) của NVIDIA, H100, thường được sử dụng để tạo ra các hệ thống AI tinh vi nhất. H100 của NVIDIA hiện được biết đến là chip đồ họa GPU mạnh nhất thị trường, dù có giá khá đắt đỏ (khoảng 30,000 – 36,000 USD), thậm chí có lên đến 40,000 USD (~ 1 tỷ VND).
Hành trình tăng trưởng thần tốc
Hành trình tăng trưởng thần tốc này bắt đầu từ năm 1993 và đến nay, NVIDIA đã chiếm khoảng 80% thị phần chip bán dẫn GPU, được thúc đẩy bởi động lực nhu cầu vượt quá sản lượng.
NVIDIA tập trung vào công nghệ GPU, trái ngược với công nghệ CPU đang thịnh hành. Đây cũng là yếu tố then chốt trong việc tạo ra sự khác biệt trên thị trường và mang lại lợi thế cạnh tranh cho công ty. Bằng cách tập trung và sản xuất GPU, NVIDIA đã nâng cao đáng kể công suất sản xuất chip trong ngành bán dẫn. NVIDIA có thể đẩy nhanh quá trình sản xuất chip của riêng mình, để sản xuất một con chip mới chỉ trong 6 tháng, trái ngược với mức trung bình trước đây của ngành là 18 tháng. Chính lợi thế này đã trở thành điểm mạnh của NVIDIA trong chu kỳ sản xuất cũng như khả năng cải tiến, triển khai công nghệ mới.
Trong quá trình tiếp tục phát triển, công ty đã bổ sung thêm các yếu tố thúc đẩy doanh thu khác cho hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình.
- Thông qua việc mua lại. NVIDIA mua lại nhà sản xuất card đồ họa 3Dfx Interactive vào năm 2000, nhà sản xuất thiết bị truyền thống di động Icera năm 2011 và nhà sản xuất công nghệ biên dịch PGI năm 2013, v.v. Tất cả đã khởi đầu cho thập kỷ NVIDIA thâm nhập thị trường mới. Ước tính trong thập kỷ này, NVIDIA đã thực hiện hơn 10 vụ mua lại.
- Điện toán di động. Năm 2011, NVIDIA phát hành Tegra thế hệ đầu tiên – bộ xử lý di động dành cho điện thoại thông minh, máy tính bảng, hệ thống giải trí và điều khiển phương tiện. Tegra là dòng hệ thống trên chip (SoC).
- Công nghệ xe tiên tiến. Năm 2017, công ty công bố hợp tác với Toyota, hãng sẽ sử dụng nền tảng trí tuệ nhân tạo DRIVE PX của NVIDIA cho xe tự lái của riêng mình, cho phép các phương tiện phân tích môi trường xung quanh thông qua công nghệ camera, radar và lidar. NVIDIA cũng hợp tác với Baidu, một tập đoàn công nghệ đa quốc gia của Trung Quốc, sử dụng dòng DRIVE PX trong sáng kiến xe tự lái của họ.
- Metaverse. Năm 2020, NVIDIA đã phát hành phiên bản beta của Omniverse, phiên bản tận dụng vị thế dẫn đầu đồ họa của NVIDIA để phát triển hình ảnh, thiết kế và kỹ thuật 3D.
Và may mắn đến với NVIDIA hoặc có thể là quyết định mang tính định hướng tương lai chính là sự phát triển trong công nghệ điện toán song song, không chỉ giúp nhà sản xuất chip phục hồi sau thời kỳ suy thoái 2008 mà còn giúp nâng cao vị thế dẫn đầu của công ty trong lĩnh vực từ xa lúc bấy giờ: trí tuệ nhân tạo – AI.
Đến năm 2022, khoản đầu tư của NVIDIA vào trí tuệ nhân tạo mới thực sự được đền đáp. Bằng cách tập trung vào tốc độ xử lý, sản xuất và đầu tư mạnh vào các ứng dụng AI và deep learning, NVIDIA không chỉ mở rộng khả năng của GPU mà còn đóng góp to lớn vào đổi mới AI. Trong khi đó, hầu hết mọi công ty và chính phủ đều đang nỗ lực đầu tư vào AI. Amazon, Microsoft và Google, những công ty vận hành các trung tâm dữ liệu điện toán đám mây khổng lồ, đang đặt hàng chip bán dẫn trị giá hàng tỷ USD với NVIDIA.
Những kỳ tích trên đường đua của NVIDIA
Nền tảng ChatGPT của OpenAI – nền tảng tạo ra cơn sốt toàn cầu hướng tới công nghệ AI, được xây dựng trên 10,000 GPU NVIDIA. Điều này đã thu hút lượng lớn mua chip NVIDIA và cổ phiếu của công ty. Cổ phiếu NVIDIA đã tăng 245% trong năm 2023, cao hơn mức tăng của bất kỳ thành viên nào trong S&P500. Tính đến ngày 29/02/2024, theo companiesmarketcap.com, NVIDIA trở thành công ty Mỹ có giá trị vốn hóa lớn thứ 4, chỉ xếp sau các “ông lớn” Microsoft, Apple và Saudi Aramco; dẫn trước cả Amazon, Alphabet (Google) và Meta Platforms (Facebook).
Có thể nói, nhà thiết kế chip NVIDIA đã nổi lên như người chiến thắng thực thụ không chỉ trong giai đoạn đầu của sự bùng nổ AI mà ít nhất cho đến nay, trong toàn bộ lịch sử thị trường chứng khoán. Cổ phiếu của hãng chip lớn nhất nước Mỹ này đã tăng vọt 16% trong ngày 22/02/2024, nhờ đó kéo vốn hóa thị trường tăng thêm 277 tỷ USD lên gần 2,000 tỷ USD. Mức tăng thêm này phá vỡ kỷ lục mức tăng 197 tỷ USD trong ngày của Meta hồi đầu tháng 2/2024.
Đáng chú ý, “gã khổng lồ” NVIDIA đã phải mất 24 năm với tư cách là một công ty đại chúng để đạt giá trị vốn hóa 1,000 tỷ USD vào tháng 5/2023. Tuy nhiên, công ty này đã chạm mốc 2,000 tỷ USD chỉ trong vòng 8 tháng sau đó, ngắn nhất lịch sử Wall Street và bằng nửa các đại gia công nghệ như Apple và Microsoft.
Hình 1: Doanh thu của NVIDIA (Nguồn: NVIDIA)
Mới đây, NVIDIA công bố kết quả kinh doanh vượt dự báo trong quý thứ 3 liên tiếp. Trong quý tài chính kết thúc vào cuối tháng 1, NVIDIA ghi nhận doanh thu đạt 22.1 tỷ USD, tăng 265% so với cùng kỳ, nhờ nguồn thu bán chip AI cho máy chủ tăng mạnh 409% trong năm. Lợi nhuận ròng bứt tốc gấp 8 lần lên mức 12.3 tỷ USD, tương đương 4.93 USD/cổ phiếu. NVIDIA cũng tiết lộ lợi nhuận hàng quý của công ty trong năm 2023 đạt mức tăng đáng kinh ngạc 843%, từ 656 triệu USD lên đến 6.2 tỷ USD, theo nhật báo Anh The Telegraph.
Ngày 01/03/2024, giá cổ phiếu của NVIDIA ở mức $822.79, tức tăng gấp 1.7 lần so với mức $481.68 ghi nhận hồi đầu năm nay. Theo CNBC, đến nay, chỉ số P/E (TTM) của cổ phiếu này ở mức 72.07, so với đối thủ Advanced Micro Devices (391.25), và các công ty như Amazon.com (60.26) và Microsoft (36.42), theo CNBC. Còn P/Sales (TTM) cổ phiếu này đang ở mức 34.44, so với ngành là 20.66 và so với Advanced Micro Devices (14.63).
Hình 2: Lượng chip 100 bán ra và doanh thu thị trường máy chủ dự kiến (Nguồn: Omdia)
Hình 3: Diễn biến giá cổ phiếu NVIDIA 1 năm qua (Nguồn: CNBC)
Tương lai phía trước của NVIDIA
Có lẽ, động lực lớn nhất của NVIDIA là cuộc chạy đua trí tuệ nhân tạo (AI). Giám đốc điều hành của NVIDIA cho rằng: “Nhu cầu về GPU của công ty sẽ vẫn cao do AI có tính sáng tạo và sự chuyển đổi toàn ngành từ bộ xử lý trung tâm sang bộ tăng tốc do Nvidia sản xuất.”
Theo tạp chí Fobes, quy mô thị trường AI toàn cầu được định giá ở mức 136.55 tỷ USD vào năm 2022, và dự kiến sẽ “tăng theo cấp số nhân” trong những năm tới trong bối cảnh kỹ thuật số cũng như nền kinh tế toàn cầu ghi nhận sự thay đổi đáng kinh ngạc. Theo đó, quy mô thị trường AI toàn cầu được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CARG) là 37.3%/năm trong giai đoạn 2023 – 2030, và dự kiến chạm mốc 1,811.8 tỷ USD vào năm 2030, tức gấp hơn 13 lần quy mô năm 2022.
Hay điển hình như việc 4 công ty công nghệ lớn Trung Quốc - Baidu, ByteDance, Tencent và Alibaba - “tranh nhau” mua khoảng 100,000 con chip A800 trị giá hàng tỷ USD của NVIDIA trước lo ngại Mỹ kiểm soát chip chặt chẽ hơn và nguồn cung chip bị gián đoạn. Công ty mẹ của TikTok, ByteDance, cũng đang dự trữ ít nhất 10,000 GPU của NVIDIA để hỗ trợ phát triển các sản phẩm. Công ty này đang đặt hàng mua gần 70,000 con chip A800 trị giá khoảng 700 triệu USD từ hãng.
Nhu cầu chip tăng cao cũng khiến các công ty đối thủ của NVIDIA đẩy mạnh phát triển chip AI của riêng họ, và điều này có thể tạo ra những bước chuyển biến mới trong ngành và đặt câu hỏi liệu nó có đe dọa đến vị thế của NVIDIA hay không.
- Advanced Micro Devices bắt đầu bán chip nhằm cạnh tranh với các sản phẩm của NVIDIA và dự kiến doanh số sẽ đạt hơn 3.5 tỷ USD trong năm nay.
- Intel đã bắt đầu bán các bộ xử lý trung tâm có thể xử lý các phép tính AI.
- Các công ty điện toán đám mây lớn như Google và Amazon cũng nỗ lực phát triển chip AI, hay Microsoft hé lộ chip AI đầu tiên có tên là Maia 100.
Tuy vậy, nhiều nhà phân tích trong ngành cho rằng, lợi thế của NVIDIA không dễ bị tác động, nhờ chiều sâu và độ phức tạp của phần mềm mà hãng đã cất công gầy dựng cho mình trong nhiều năm qua. Mặt khác, các công ty khởi nghiệp hay công ty công nghệ lớn cũng gây ấn tượng về mức độ quan tâm đến chip NVIDIA. Điển hình như Meta Platforms cho biết kế hoạch chi vài tỷ USD để mua 350,000 chip H100 của hãng.
Trong năm 2024, hãng sản xuất chip này cũng kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận cao hơn, nhờ các khoản chi tiêu cho AI từ các khách hàng lớn như Microsoft và Meta. Chiến lược gia tại Morningstar cũng dự báo doanh thu của NVIDIA sẽ tăng vài tỷ USD mỗi quý cho đến năm tài khóa 2025.
Về định giá cổ phiếu NVIDIA, Giám đốc điều hành tại Main Street Research cho hay: “Mỗi khi NVIDIA công bố báo cáo, hệ số P/E lại thu hẹp vì yếu tố lợi nhuận (Earnings) tăng mạnh hơn nhiều so với dự báo”. Cổ phiếu NVIDIA từng chứng kiến P/E giảm vào giữa năm 2023, ngay cả khi giá cổ phiếu đang trong chu kỳ tăng kỷ lục.
Hình 4: Định giá cổ phiếu NDIVIA (Nguồn: Bloomberg)
Trong khi một số nhà đầu tư lo ngại về khả năng bong bóng đang hình thành ở nhóm cổ phiếu liên quan đến AI, thì số khác cho rằng NVIDIA vẫn không quá đắt đỏ so với mặt bằng chung. Theo đó, cổ phiếu này đang có hệ số P/E 35 lần (dựa trên lợi nhuận dự báo cho 12Th tới), thấp hơn đối thủ Advanced Micro Devices (58 lần), và các công ty như Amazon.com (47 lần) và Microsoft (39 lần), theo CNBC. Chuyên gia quản lý danh mục tại Aptus Capital Advisors LLC cho rằng, “NVIDIA sẽ tiếp tục là một trong những cổ phiếu liên quan tới AI rẻ nhất, ngay cả sau đà tăng bùng nổ trong thời gian gần đây”.
Sự bùng nổ của tập đoàn NVIDIA là kết quả của việc liên tục đổi mới và tiên phong trong lĩnh vực công nghệ GPU và AI. Khả năng dự đoán và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về xử lý đồ họa và trí tuệ nhân tạo đã giúp NVIDIA trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới. Bước chuyển mình của NVIDIA không chỉ cho thấy sự phát triển không ngừng của AI mà còn khẳng định sức ảnh hưởng và tầm quan trọng của nó với nhân loại trong tương lai.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.