Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Highlands Coffee - Chuỗi cà phê thương hiệu Việt

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Việt Nam là quốc gia có nhiều quán cà phê nhất thế giới và Highlands Coffee là chuỗi cà phê lớn thứ 2 tại Việt Nam.

    - Sau khi về tay Jollibee, Highlands Coffee ngày càng được mở rộng sang nhiều thị trường nước ngoài.

    - Phân tích tình hình tài chính doanh nghiệp: Highland Coffee là thương hiệu cà phê dẫn đầu về doanh thu tại Việt Nam và trong  giai đoạn 2019 – 2020, doanh thu vượt ngưỡng 2,000 tỷ đồng.

    Theo Nikkei Asia, Việt Nam được xem là quốc gia có nhiều quán cà phê nhất thế giới, với dung lượng thị trường lên tới 1 tỷ USD. Thị trường cà phê Việt Nam là đấu trường khốc liệt cho cả thương hiệu trong và ngoài nước. Sự xuất hiện của các cửa hàng cao cấp như Highlands Coffee, Starbucks Corporation, Phúc Long và Trung Nguyên, cùng nhiều công ty khác, đã thúc đẩy tăng trưởng thị trường. Các chuỗi quán cà phê này không ngừng đổi mới và thích ứng với sự thay đổi về sở thích và xu hướng của người tiêu dùng. Họ cạnh tranh dựa trên các yếu tố như giá cả, chất lượng, sự đa dạng về dịch vụ, trải nghiệm của khách hàng và vị trí.

    Trong bối cảnh đó, Highlands Coffee – chuỗi cà phê mang thương hiệu Việt được giới trẻ yêu thích, đã tìm ra cho mình một bước đi đột phá để tránh rủi ro bị đào thải và đạt được sự tăng trưởng vững mạnh cho đến nay.

    Đôi nét về chuỗi Highlands

    Highlands Coffee được thành lập vào năm 1999 với tư cách ban đầu là một thương hiệu cà phê đóng gói tại Hà Nội bởi ông David Thái. Nhận thấy các công ty cà phê trong nước chỉ tập trung xuất khẩu mà không chú trọng vào thị trường nội địa, David Thái đã sáng lập thương hiệu cà phê để phục vụ thị trường này.

    Năm 1997, David Thái trở thành Việt kiều đầu tiên được cấp phép thành lập công ty tư nhân tại Hà Nội. Năm 2002, Công ty Việt Thái quốc tế (VTI) do David Thái làm chủ chính thức ra đời, với 2 cửa hàng Highlands Coffee ở Hà Nội và TP.HCM. Đến thời điểm hiện tại, Highlands phát triển thành một chuỗi cửa hàng cà phê với hơn 500 cửa hàng trên khắp Việt Nam và hơn 50 cửa hàng tại Philippines tính đến T9/2023.

    Nguồn: Highlands Coffee

    Ban đầu, Highlands Coffee hoạt động trong phân khúc doanh nhân nên chỉ chọn mở cửa hàng ở những mặt tiền đẹp trong thành phố. Điều này vừa thể hiện đẳng cấp, vừa giúp Highlands Coffee định vị là một thương hiệu cà phê sang trọng, sành điệu. Nhờ vậy, Highlands Coffee trở thành chuỗi cửa hàng cà phê lớn thứ hai Việt Nam từ lúc thành lập (sau Starbuck).

    Tập đoàn Việt Thái International (VTI) là đơn vị thành lập Highlands Coffee (CTCP Dịch vụ cà phê Cao Nguyên). Đến nay, sản phẩm cà phê Highlands đã hiện diện tại các nước như Philippines, USA, Canada, China, Czech, Malaysia, Maldives, UK,… Ngoài chuỗi cà phê Highlands, VTI còn tham gia phân phối sản phẩm Nike, mở cửa hàng Nike đầu tiên vào 2006.

    Năm 2011, Tập đoàn Việt Thái International mua lại chuỗi cửa hàng Phở 24 với giá 20 triệu USD, đây là thương vụ M&A khủng lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, VTI cũng đưa những thương hiệu nổi tiếng về Việt Nam như Hard Rock Café, Emporio Armani Caffé.

    Thông báo “bán mình” đầy bất ngờ

    Vào lúc đang ăn nên làm ra, tin David Thái bán Highlands Coffee cho Jollibee đã gây nhiều sự chú ý vì vấn đề đồng nhất chất lượng toàn hệ thống trong chuỗi cửa hàng cà phê rất được xem trọng. Theo đó, Highlands là chuỗi F&B Việt ra nước ngoài sớm nhất.

    Tuy nhiên, trước khi bán cho Jolibee, Highlands Coffee cũng từng nhượng quyền cho 2 doanh nghiệp là Digital Paradise Inc và IP Ventures Inc của Philippines, 2 công ty này có quan hệ mật thiết với nhau thông qua liên kết đầu tư. IP Ventures là một công ty về công nghệ thông tin có chuỗi cửa hàng Internet Cafe được quản lý bởi Digital Paradise. Digital Paradise sở hữu chuỗi Netopia, cũng là Internet Café.

    Cuối tháng 11/2011, IP Ventures Inc. ký nhượng quyền thương mại với công ty Việt Thái để Highlands Coffee hoạt động ở Phillipines. Kể từ khi nhượng quyền, Digital Paradise đã xây dựng 36 cửa hàng Highlands Coffee tại Philippines.

    Lý do Highland đồng ý nhượng quyền cho các thương hiệu ở Phillipines: Philippines là thị trường rất quan trọng ở châu Á. Tăng trưởng kinh tế Philippines có xu hướng thẳng tiến về phía trước và nhu cầu về loại hình sản phẩm này đang tăng. Trước khi bán cho Jolibee, Highlands Coffee đã phủ sóng đến 80 cửa hàng trải dài trên 6 tỉnh thành cả nước. Tính đến năm 2008, thương hiệu này đã phục vụ được hơn 5 triệu lượt khách, với 2 triệu bữa ăn và hơn 4 triệu ly cà phê.

    Cũng có thể, một phần lý do mà ông David Thái quyết định bán Highlands cho Jollibee vì ông nhìn thấy viễn cảnh khi Starbuck về Việt Nam, đây là đối thủ cạnh tranh trực tiếp ở phân khúc doanh nhân mà Highlands đang chiếm ưu thế. Dù có ưu thế lâu năm và hiểu tâm lý người tiêu dùng Việt nhưng Highlands Coffee chưa hẳn đã có ưu thế so với Starbucks vì người tiêu dùng có xu hướng “sính ngoại”. Bằng chứng là đầu tháng 2/2013, khi Starbuck khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam, hàng trăm bạn trẻ đội nắng, xếp hàng mua được một ly Starbucks với giá từ 85,000 đồng đến 150,000 đồng. Vì thế, sớm tìm cách đối phó với Starbucks là bước đi khôn ngoan.

    Về bản chất, Highlands mặc dù không gặp khó khăn như nhiều công ty buộc phải bán cổ phần cho đối tác, nhưng Highlands vẫn phải chia sẻ quyền lực cho Jollibee vì áp lực cạnh tranh với Starbucks.

    Phân tích tình hình tài chính công ty: Thông tin về thương vụ giữa Highlands Coffee và Jollibee

    Ngày 20/01/2012, Tập đoàn Jollibee, thông qua JWPL (Jollibee Worldwide Pte. Ltd – đơn vị Jollibee nắm giữ trực tiếp 100% vốn), đã mua 50% cổ phần của SuperFoods Group. Trong đó, 50% cổ phần tại SuperFoods Group sẽ bao gồm: 49% cổ phần của CTCP SF Vũng Tàu (thành lập tại VN) và 60% cổ phần Blue Sky Holding Ltd tại HongKong (bộ phận kinh doanh Hong Kong của tập đoàn VTI do doanh nhân David Thái sở hữu). Thỏa thuận thành lập liên doanh được ký kết vào 20/5/2011 giữa Tập đoàn Jollibee (thông qua JWPL) và đối tác CTCP Quốc tế Việt Thái và công ty TNHH Quốc tế Việt Thái (Công ty liên doanh được gọi là SuperFoods Group). Theo thỏa thuận, Tập đoàn Jollibee đóng góp tổng cộng 25 triệu USD để giành được 50% quyền sở hữu thực tế SuperFoods Group.

    Ngoài ra, có một điều khoản đáng chú ý JWPL thông qua JSF là phải cho các đối tác – những đơn vị đồng sở hữu SuperFoods Group – cụ thể là CTCP Quốc tế Việt Thái và Công ty TNHH Quốc tế Việt Thái hoặc cả hai (điều này báo cáo tài chính của Jollibee không nói rõ) vay khoản tiền trị giá 35 triệu USD với lãi suất 5%/năm, bắt đầu vào ngày 30/6/2011 và thời điểm thanh toán là tháng 6/2016, bao gồm gốc và lãi. Việt Thái đã dùng số cổ phần của mình tại SuperFoods Group để thế chấp cho khoản vay 35 triệu USD này.

    Trong giai đoạn 2013 – 2015, Việt Thái tiếp tục vay Jollibee 2 triệu USD với mục đích ghi nhận phát triển doanh nghiệp. Tính đến tháng 6/2016, tổng nợ vay phải trả của Việt Thái với Jollibee là 42.25 triệu USD, bao gồm 37 triệu USD nợ gốc (thế chấp bởi cổ phần SuperFoods Group) và 5.25 triệu USD tiền lãi. Điều này dấy lên nghi vấn Việt Thái bán lần lượt phần vốn của mình tại SuperFoods Group và dần buông tay chuỗi cà phê Highlands Coffee.

    Về phía Jollibee, để mua VTI, Tập đoàn đã bán chuỗi cà phê Ti-Amo của Hàn Quốc khi mới sở hữu được hơn 1 năm. Sau khi mua lại VTI, Jollibee sẽ được nhượng quyền Hard Rock Café tại Việt Nam, Ma Cao và HongKong (thuộc quyền của VTI từ trước) và thương hiệu Phở 24.

    Jollibee khẳng định muốn đưa Highlands Coffee vào các hệ thống nhà hàng khác của Jollibee trên toàn châu Á. Đây sẽ là giá trị gia tăng đáng kể cho Jollibee, bởi vì hiện nay cà phê Việt Nam đã được cả thế giới công nhận đạt chất lượng hàng đầu.

    Ngược lại, hành động của Jolibee cho thấy rằng họ muốn đưa thương hiệu của mình thâm nhập sâu rộng vào thị trường Việt Nam thông qua Highlands Coffee. Minh chứng là sau khi mua Highlands Coffee, JolliBee cũng đưa thương hiệu cà phê vào chuỗi nhà hàng của mình ngoài thị trường Việt Nam và ít nhiều gây được ấn tượng với thực khách. Tập đoàn Jolibee đã không công bố nhiều kế hoạch đẩy mạnh phát triển Highlands Coffee.

    Phân tích tình hình tài chính doanh nghiệp: Kế hoạch niêm yết chuỗi Highlands Coffee

    Năm 2016, JSF phát thông tin IPO chuỗi cửa hàng Highlands Coffee trên sàn chứng khoán VN trước năm 2019. Kế hoạch IPO nhằm huy động vốn để đưa Highlands Coffee và Phở 24 thành thương hiệu mở rộng hơn nữa không chỉ ở Việt Nam mà còn ra châu Á và các thành phố lớn trên thế giới.

    Theo đó, JSF đã cho SuperFoods vay 30 triệu USD, lãi 3.5%, trả trong 8 năm để SuperFoods niêm yết trên sàn chứng khoán VN. Đổi lại, Jolibee nâng sở hữu ở SuperFoods lên 60% trong khi Việt Thái sẽ giảm sở hữu xuống 40%. Với việc Jollibee sở hữu trên 51% vốn, đơn vị sở hữu Highlands chính thức trở thành công ty con của Jollilee.

    Số cổ phần bán ra trong IPO có thể là cổ phần mà Việt Thái nắm giữ, hoặc phát hành thêm, chưa có thông tin cụ thể. Số lượng cổ phần và giá bán sẽ được xác định tại thời điểm niêm yết dựa trên nhu cầu vốn cần thiết để phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến tháng 7/2019, JSF thông báo hoãn kế hoạch IPO không tiết lộ lý do.

    Năm 2022, Jollibee Foods Corp (JFC) dự định sẽ bán 10% - 15% cổ phần đang sở hữu tại Highlands Coffee cho một nhà đầu tư.  Dựa trên phân tích tình hình tài chính doanh nghiệp và dự phóng tài chính, định giá của chuỗi cà phê dự kiến rơi vào khoảng 800 triệu USD.

    Khi được hỏi về việc niêm yết IPO của Highlands, JFC tin rằng Highlands Coffee có thể độc lập niêm yết trên sàn chứng khoán, nhưng vẫn cần thêm một thời gian nữa và JFC sẽ không vội vã trong chuyện này. Niêm yết IPO là một phần chiến lược của JFC, nhưng việc niêm yết sẽ được thực hiện khi cổ phần của họ được định giá đúng là đúng thời điểm.

    Phân tích tình hình tài chính doanh nghiệp: Kết quả kinh doanh của Highlands Coffee trong những năm qua

    Highlands Coffee là thương hiệu cà phê dẫn đầu về doanh thu tại Việt Nam, sau thời gian dài đốt vốn, kể từ 2017, Highlands ghi nhận doanh thu đạt 1,237 tỷ đồng, là thương hiệu cà phê đầu tiên tại Việt Nam có doanh thu vượt ngưỡng 1,000 tỷ đồng lúc bấy giờ. Đến giai đoạn 2019 – 2020, doanh thu lập đỉnh, vượt ngưỡng 2,000 tỷ đồng.

    Tuy nhiên, trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2021, doanh thu của Highlands bị ảnh hưởng do COVID-19, song vẫn cao hơn các thương hiệu cà phê khác nhờ kế hoạch cắt giảm chi phí hoạt động hiệu quả. Năm 2021, Highlands lần đầu tiên ghi nhận lợi nhuận âm 19 tỷ kể từ năm 2019.

    Từ góc độ phân tích tình hình tài chính công ty, so với những chuỗi khác trên thị trường, quy mô biên lãi gộp của Highlands luôn ở nhóm cao nhất, khoảng 70% trong giai đoạn 2019 – 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận của chuỗi này tương đối khiêm tốn do chi mạnh tay cho chi phí bán hàng.

    Năm 2020, CTCP Dịch vụ Cà phê Cao Nguyên – chủ sở hữu của chuỗi cà phê Highlands Coffees ghi nhận doanh thu hơn 2,139 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 112.5 tỷ đồng. Đến năm 2021, do ảnh hưởng của Covid, doanh thu sụt giảm 20% xuống mức 1,729 tỷ đồng, đồng thời công ty cũng thông báo khoản lỗ hơn 19 tỷ đồng.

    Năm 2022 đã chứng kiến sự bùng nổ doanh số khi doanh thu Highlands đã tăng gấp đôi lên 3,569 tỷ đồng (đóng góp 3% tổng doanh thu tập đoàn Jollibee), LNST theo đó cũng ghi nhận có lãi hơn 265 tỷ đồng. Highlands có tổng cộng 605 cửa hàng tính tới thời điểm kết thúc năm 2022, trung bình doanh thu mỗi tháng trên từng cửa hàng của Highlands khoản gần 500 triệu.

    Nguồn: Tititada Research

    Phân tích tình hình tài chính công ty về cơ cấu nợ thì cuối năm 2020, nợ phải trả của Highlands Coffee gấp 2.21 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính dài hạn là 515,73 tỉ đồng, chiếm 64% nợ phải trả, còn lại là nợ ngắn hạn. Tính đến 31/12/2022, nợ vay tài chính ngắn hạn 228 tỷ đồng và nợ vay tài chính dài hạn 285 tỷ đồng.

    Phân tích tình hình tài chính công ty về cơ cấu tài sản, tại ngày 31.12.2020:

    - Tài sản ngắn hạn xấp xỉ 304 tỷ đồng: Tiền và Tương đương tiền là 185.1 tỷ đồng (62.6 tỷ đồng Tiền và 122.5 tỷ đồng Tương đương tiền).

    - Tài sản dài hạn của Highlands Coffee là 866.4 tỷ đồng (chủ yếu là tài sản cố định hơn 416 tỷ; các khoản phải thu dài hạn hơn 392 tỷ đồng, tăng vọt so với 240.63 tỉ đồng năm 2019).

    - Tổng tài sản 1,170 tỷ đồng, 69% tài sản được hình thành từ nợ phải trả (805.8 tỷ đồng), 31% còn lại từ VCSH (364.5 tỷ đồng).

    Tháng 10/2023, Highlands Coffee vừa làm lễ khởi công xây dựng Dự án nhà máy rang cà phê Cao Nguyên tại KCN Phú Mỹ II – Bà Rịa Vũng Tàu với diện tích 24,000m2. Nhà máy có tổng đầu tư 500 tỷ đồng, công suất có thể đạt tới gần 10,000 tấn cà phê/năm trong giai đoạn đầu, 75,000 tấn cà phê/năm trong giai đoạn tiếp theo. Số lượng cửa hàng Highlands Coffee đạt gần 700 cửa hàng tại Việt Nam và hơn 50 cửa hàng tại Philippines tính đến tháng 9/2023.

    Nguồn: Tititada Research, số liệu năm 2022

    So sánh Highlands Coffee và Trung Nguyên

    Về không gian Highlands có thể nói ngang ngửa với "ông trùm" cafe Việt Nam là Trung Nguyên, không gian của Highlands được thiết kết kết hợp giữa phương tây và Việt Nam, giữa hiện đại và truyền thống.

    Về thức uống thì cafe của Highlands không so bì được với Trung Nguyên, nhưng với mức giá rẻ cũng như sự đa dạng trong menu là lợi thế so với các hãng đối thủ. Theo một khảo sát của Q&Me vào T8/2022, Highlands và Trung Nguyên là hai thương hiệu trong danh sách top-of-mind và cạnh tranh sát sao cho vị trí đầu bảng.

    Nguồn: Q&Me

    Số cửa hàng của Trung Nguyên Legend của Trung Nguyên không những không tăng tiến mà còn thu hẹp lại, từ gần 100 cửa hàng cuối 2019 giờ còn 77 cửa hàng. Lý do không phải vì Trung Nguyên không đua mở rộng chuỗi, mà bởi vì thị trường F&B đang gặp khó khăn nên dường như doanh nghiệp chọn hoạt động cầm chừng để đặt trọng tâm vào các mảng kinh doanh khác, như du lịch hay bất động sản.

    Ngoài ra, Trung Nguyên cũng có một chuỗi cà phê bình dân khác để chăm sóc là E-Coffee. Ra đời vào tháng 8/2019, thời điểm đó E-Coffee đã đặt mục tiêu có 3,000 cửa hàng trong năm 2020, song cho hiện tại, họ mới chỉ có 354 cửa hàng tự mở – nhượng quyền. Vào T6/2021, E-Coffee từng có 500 cửa hàng.

    Sự bùng nổ về nhu cầu tiêu thụ cà phê đã thúc đẩy sự phát triển của các thương hiệu cà phê nội địa tại Đông Nam Á. Năm 2021, chuỗi cà phê Kopi Kenangan của Indonesia đã được định giá hơn 1 tỉ USD trong một lần gọi vốn. Highlands Coffee cũng từng được định giá 800 triệu USD nếu IPO nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin nào về việc IPO của Highlands.

    Highlands là chuỗi cửa hàng cà phê hàng đầu Việt Nam dựa trên thu nhập và số lượng cửa hàng. Liệu Highlands có trở thành trường hợp hiếm hoi thương hiệu Việt tỏa sáng sau khi bắt tay với các đối tác ngoại?


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán