Những câu hỏi về vai trò của tiền trong cuộc sống có thể là rất phức tạp để giải thích ngắn gọn và đôi lúc sẽ khiến các bậc phụ huynh phải bối rối khi con em nhắc đến. Sau đây là 10 câu hỏi phổ biến về tài chính mà trẻ em có thể sẽ hỏi, cùng với một vài đề xuất về cách trả lời để giúp bạn trông như một chuyên gia trong mắt con em mình.
Từ 9 tuổi trở xuống
1. Tiền đến từ đâu?
Trẻ em thường nghĩ rằng cha mẹ chúng có rất nhiều tiền và đương nhiên, chúng cũng sẽ thắc mắc rằng tiền đó đến từ đâu. Đây là cơ hội để bạn chia sẻ về tiền lương của mình và công việc bạn đang làm để kiếm được đồng lương đó.
Con bạn có thể còn quá nhỏ để hiểu nợ là gì, vì thế bạn có thể giải thích đơn giản rằng con chỉ nên chi tiêu bằng số tiền con kiếm được. Từ đó, giải thích cho chúng hiểu rằng việc đi làm mỗi ngày không chỉ đơn thuần là một sự lựa chọn mà là điều chúng phải làm để có thể nuôi sống bản thân.
2. Tại sao không đến ngân hàng và lấy thêm tiền từ đó?
Trẻ em có trí tưởng tượng rất phong phú, nếu chúng thấy bạn rút tiền từ cây ATM, chúng sẽ nghĩ rằng ATM như là một cổ máy thần kì mà chúng ta có thể lấy ra bao nhiêu tiền cũng được.
Để trả lời cho câu hỏi này, không nên giải thích rằng nguồn cung tiền là có hạn vì như vậy sẽ rất khó hiểu đối với trẻ nhỏ. Thay vào đó, mỗi lần bạn rút tiền, bạn nên cho chúng xem số dư trong tài khoản bạn trước và sau khi rút, để chúng biết rằng mỗi lần rút tiền ra khỏi tài khoản, số tiền mình có sẽ ít dần. Hoặc bạn có thể lấy ví dụ gần gũi hơn như việc nuôi Heo đất để giải thích cho vấn đề này.
3. Đồ vật có giá bao nhiêu?
Thay vì mua cho con bạn bất kỳ thứ gì chúng muốn, bạn nên dẫn chúng đi mua và đặt ra hạn mức cho mỗi lần mua, ví dụ như 100,000đ hay 200,000đ tùy vào điều kiện của bạn. Dần dần, chúng sẽ tập thói quen nhìn vào nhãn giá và tự nhận thức được số tiền mình có mua được bao nhiêu thứ cũng như hiểu được giá trị của đồng tiền hơn. Không những thế, chúng cũng sẽ dần phân biệt được cái mà chúng thật sự muốn và cái mà chúng không thể thiếu, từ đó đưa ra những lựa chọn về tiền bạc tốt hơn sau này.
4. Gia đình mình có bao nhiêu tiền?
Trẻ em thường có những thắc mắc rằng: “Tại sao nhà bạn A to hơn nhà chúng ta?”, Tại sao nhà bạn B có lầu còn nhà chúng ta thì không?”, “Tại sao nhà bạn C có xe hơi còn nhà chúng ta thì không?”, v.v.
Bạn không cần trả lời cụ thể về tổng số tiền mà vợ/chồng bạn có hay kiếm được hàng năm, bởi dù bạn có nói ra con số nào thì nó cũng được xem là rầt lớn đối với trẻ con. Bạn có thể dùng địa vị trong xã hội hay là công việc của bạn để trả lời chung chung cho câu hỏi này và trấn an với chúng là gia đình bạn có đủ tài chính để đi ăn nhà hàng, mua đồ chơi, đi du lịch, v.v.
Từ 10 đến 12 tuổi
5. Tại sao mọi thứ lại được tính giá như vậy?
Trẻ em thường thắc mắc rằng tại sao bút bi có giá 10,000đ nhưng Tivi thì lại có giá là 32 triệu đồng. Và ai là người quyết định mức giá đó? Bạn có thể sử dụng quy luật cung và cầu để đưa ra câu trả lời. Hoặc lấy ví dụ là các trò chơi điện tử, sẽ gần gũi hơn với trẻ em để giải thích. Cụ thể, bạn giúp chúng so sánh tại sao phiên bản mới nhất của một trò chơi lại có giá cao hơn 50,000đ so với phiên bản cũ. Để tạo ra được phiên bản mới, công ty trò chơi cần nhiều tiền hơn để tạo ra phiên bản đó. Nhu cầu trong quá trình xây dựng sản phẩm.
Tương tự, nguồn cung là số lượng hàng hóa có sẵn – liên quan đến số tiền mà bạn phải trả. Nếu bạn vừa mua chiếc đĩa cuối cùng của một bản trò chơi, bạn có thể bán lại nó với giá cao hơn. Đơn giản là vì đĩa trò chơi này đã hết hàng và khi nguồn cung bị hạn chế, nó sẽ đẩy giá lên cao, ngược lại khi cung dư thừa sẽ làm giá mua thấp đi.
Quay trở lại với 10,000đ cho một cây bút bi và 32 triệu đồng cho một chiếc Tivi. Rất nhiều bút bi được sản xuất ra thị trường và vì chi phí sản xuất là rất thấp và có nhiều nhà sản xuất tham gia, do vậy mà khiến lượng cung nhiều hơn cầu, nên giá của chúng thường khá thấp. Ngược lại, chi phí để sản xuất Tivi cao hơn nên không có nhiều sản phẩm trên thị trường, nhưng lại có rất nhiều người sẵn lòng chi tiền để mua một chiếc Tivi tốt, do vậy mà chúng thường được tính giá bán cao hơn.
6. Tại sao một số công việc được trả lương cao hơn một số khác?
Tương tự, quy luật cung cầu cũng sẽ giải thích tại sao lại có sự chênh lệch tiền lương giữa các ngành nghề. Ở những ngành “hot”, những ngành công nghiệp mới nổi, hay có tốc độ tăng trưởng và nhu cầu cao thì đương nhiên lương trong ngành đó cũng sẽ cao hơn những ngành có nhu cầu thấp. Bên cạnh đó, yếu tố chuyên môn còn quyết định mức lương mà mỗi người nhận được.
Đó là lý do tại sao lương của các bác sĩ thường rất cao, bởi vì không phải ai cũng có thể làm công việc đó, hay là dành hơn 7 năm ở đại học, miệt mài nghiên cứu mỗi đêm. Ngoài ra, nhà tuyển dụng cũng sẽ đưa ra các mức lương hấp dẫn để thu hút nhân tài. Nếu bạn là một lập trình viên, có nhiều kinh nghiệm chuyên môn và cả kỹ năng lãnh đạo, thì các nhà tuyển dụng sẽ không ngại đưa ra mức lương cao hơn và các phúc lợi khác để có được bạn.
Còn ở những công việc khác, ví dụ như thu ngân, phục vụ, v.v, không đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên môn hay kỹ năng cao nên cũng có rất nhiều người đủ điều kiện tham gia. Do vậy mà tạo ra nguồn cung lao động dư thừa, làm giảm rủi ro thiếu lao động và cho phép các chủ lao động trả lương thấp hơn.
7. Ngân hàng tạo ra tiền như thế nào?
Câu trả lời rất đơn giản. Hãy giải thích rằng khách hàng sẽ gửi tiền vào tài khoản ngân hàng và ngân hàng sẽ lấy một phần của số tiền này để đi đầu tư hoặc là cho khách hàng khác vay, và khi người đi vay trả tiền, họ sẽ trả với một con số cao hơn con số mà họ đã mượn, thì phần dư ra đó chính là tiền lời mà ngân hàng nhận được.
Trong thực tế, quy trình tạo ra tiền của ngân hàng phức tạp hơn rất nhiều. Họ không những kiếm được từ hoạt động vay mượn, mà còn tạo ra tiền dựa trên các giao dịch thường ngày của khách hàng, bao gồm phí giao dịch, hoạt động đầu tư, phát hành trái phiếu, v.v Bạn nên đưa ra câu trả lời phù hợp với độ tuổi và trình độ học vấn của con mình để chúng dễ dàng hiểu được.
Từ 13 đến 19 tuổi
8. Cổ phiếu hoạt động như thế nào?
Với cuộc sống công nghệ hiện đại, trẻ con được tiếp xúc với thông tin ngay từ rất sớm. Khi lên cấp 2 hoặc cấp 3, chắc chắn chúng đã một lần nghe về việc cổ phiếu của một công ty cụ thể có giá tăng vọt hoặc lao dốc mạnh sau khi tăng chóng mặt. Tuy nhiên, cổ phiếu là gì và làm thế nào để đầu tư vẫn là những khái niệm mà chúng chưa thực sự hiểu rõ.
Bạn có thể giải thích đơn giản cho chúng là, các công ty bán cổ phần sở hữu cho những người đầu tư bình thường, và cho một số tổ chức, để huy động tiền nhằm phát triển công ty. Gải sử như một công ty chia quyền sở hữu của họ thành 100 phần hoặc cổ phần. Mỗi cổ phần mà bạn mua sẽ cho phép bạn hưởng 1% tài sản và lợi nhuận của công ty đó.
Khi công ty đó kiếm được nhiều tiền hơn, hoặc có vẻ như sắp kiếm được nhiều hơn, thì cổ phiếu của họ sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với nhiều nhà đầu tư. Điều này sẽ khiến giá cổ phiếu tăng lên, do nhiều người mua vào. Tất nhiên, điều quan trọng là phải giải thích rằng giá cổ phiếu cũng có thể đi theo hướng khác. Bởi cổ phiếu có thể dao động rất nhiều và mạnh, đặc biệt là khi nhiều nhà đầu tư quan tâm đến công ty đó.
Một trong những cách tốt nhất để dạy về những rủi ro tiềm ẩn cũng như phần thưởng của một cổ phiếu là sử dụng phương pháp thực hành. Ví dụ, bạn và con bạn có thể cùng nhau mở một tài khoản chứng khoán. Để con bạn chọn một hoặc hai công ty mà chúng biết, chẳng hạn như Vinamilk (VNM) hay Vinhomes (VHM), và thực hiện mua một hoặc hai cổ phần, sau đó cố gắng tìm hiểu lý do tại sao giá cổ phiếu di chuyển theo hướng này hay hướng khác theo thời gian. Với cách thực hành này, con bạn sẽ hiểu rõ hơn về những gì mà chúng đang tham gia vào.
9. Chúng ta cần bao nhiêu tiền để sống?
Khi đến gần hơn với độ tuổi trưởng thành, tức là lúc chúng bước dần tới một cuộc sống độc lập, những hoài nghi về cuộc sống và điều chúng cần phải làm luôn là những câu hỏi xoay quanh trong đầu chúng. Cụ thể hơn, là chúng cần phải có bao nhiêu tiền để sống một cuộc sống hạnh phúc, cuộc sống mà chúng mơ ước.
Theo dữ liệu của Numbeo, tại Tp. Hồ Chí Minh, chi phí sinh hoạt hàng tháng cho gia đình 4 người không tính tiền thuê nhà là khoảng 40 triệu đồng, chi phí hàng tháng của 1 người không tính tiền thuê nhà ở mức khoảng hơn 11 triệu đồng. Chi phí nhà ở và các chi phí sinh hoạt khác còn phụ thuộc vào nơi bạn sống.
Những con số này có thể nhìn khá đáng sợ. Nhưng giải thích một chút về nhu cầu sống và mức sống ở mỗi nơi và của tuỳ từng người để giúp tạo động lực cho con bạn tìm hiểu thêm về việc lập ngân sách, đầu tư và tìm việc làm.
10. Điều gì gây ra lạm phát?
Hầu như tất cả người lớn đều cảm nhận được gánh nặng của giá xăng và hóa đơn hàng hóa gia tăng trong năm 2022, và cũng bàn luận rất nhiều về nó, do vậy mà các bạn trẻ ngày nay cũng có thể đã nghe nói về lạm phát.
Để giải thích một các đơn giản cho trẻ em trong độ tuổi thanh thiếu niên, lạm phát nghĩa là chúng ta phải trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa và dịch vụ mà chúng ta mua so với trước kia. Chỉ số CPI là công cụ đo lường lạm phát phổ biến nhất, CPI là bình quân gia quyền của giá cả một rổ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, ví dụ có bao gồm vận chuyển, thực phẩm và chăm sóc sức khỏe. CPI tăng lên từ tháng này qua tháng khác có nghĩa là lạm phát đang xảy ra.
Tỷ lệ lạm phát tăng lên khi nhu cầu hàng hóa và dịch vụ tăng nhiều hơn tốc độ sản xuất, đơng giản là cầu nhiều hơn cung, tiêu biểu là các vấn đề về nguồn cung ứng trong đại dịch COVID-19. Lạm phát còn có thể xảy ra khi khi các doanh nghiệp đối mặt với chi phí đầu vào cao và họ chuyển các chi phí này cho người tiêu dùng, cuối cùng người tiêu dùng phải trả nhiều hơn cho những gì họ mua. Ví dụ, OPEC+ giảm nguồn cung dầu nên đẩy giá xăng lên cao hơn, các doanh nghiệp và khách hàng phải trả nhiều hơn cho lượng xăng dầu mà họ mua.
Lạm phát không chỉ làm giảm sức mua mà còn làm cho tiền của chúng ta mất giá trị dần. Ví dụ, nếu lạm phát trung bình 6% một năm, thì 1 triệu đồng sẽ chỉ có giá trị thực là 747 nghìn đồng trong 5 năm tới.
Tóm tắt:
- Trẻ em có một sự tò mò vô hạn, luôn đặt câu hỏi tại sao và thường nghĩ tiền là một nguồn tài nguyên vô hạn, do vậy cha mẹ cần giải thích và cho trẻ làm quen với các kiến thức tài chính cơ bản từ sớm.
- Khi trẻ lớn hơn và bắt đầu tìm hiểu về giá cả, cha mẹ có thể dùng quy luật cung cầu để giải thích.
- Ở độ tuổi vị thành niên, trẻ em nên được tiếp xúc và học hỏi về các định nghĩa tài chính nâng cao hơn, như là cổ phiếu và cách thức đầu tư.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.