Điểm nhấn chính:
- Chào đón con đến với gia đình nhỏ là niềm hạnh phúc của nhiều cha mẹ song nó cũng có thể trở thành một gánh nặng tài chính nếu như cha mẹ không biết cách lập ngân sách chi tiêu cho con và
cách quản lý tài chính gia đình hiệu quả.
- Lập ngân sách cho con ngay từ trước khi sinh sẽ giúp cha mẹ có một tấm đệm tài chính vững có thể bảo đảm mọi khoản chi phí cũng như không trì hoãn các mục tiêu của mình.
Việc nuôi dạy và đầu tư cho con cái là một điều hạnh phúc đối với nhiều bậc cha mẹ song nó cũng có thể trở thành một gánh nặng tài chính đối với họ. Theo một thống kê cho biết, chi phí trung bình để nuôi một đứa trẻ đến năm 18 tuổi tại Mỹ là khoảng 233,610 đô la (khoảng 5.4 tỷ đồng), tại Trung Quốc là 630,000 Nhân dân tệ (khoảng 2.2 tỷ đồng) và tại Việt Nam là khoảng 700 triệu – 1 tỷ đồng.
Sau đây là 4 sai lầm phổ biến của những người mới làm cha mẹ, có thể khiến họ mất cân bằng tài chính trong một khoảng thời gian, thậm chí gây tốn kém trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn.
Sai lầm 1: Không biết cách lập ngân sách chi tiêu khi trẻ mới sinh
Một trong những cái bẫy có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính của bậc cha mẹ đó là đánh giá thấp chi phí cho việc sinh con. Chúng có thể bao gồm các chi phí phát sinh trước khi sinh, như thăm khám bác sĩ, tiêm phòng cho mẹ bầu,..., chi phí cho việc sinh nở và các chi phí phát sinh sau khi em bé chào đời, như đồ dùng cần thiết cho em bé, tiêm phòng,…
Biết cách lập ngân sách chi tiêu cho em bé có thể giúp cha mẹ hình dung một cách thực tế về các khoản chi phí liên quan đến việc sinh nở một đứa trẻ và có cách quản lý tài chính gia đình hiệu quả hơn. Theo đó, ngân sách tối thiểu dành cho em bé nên bao gồm:
- Các khoản thanh toán cần thiết và thăm khám bác sĩ (cả trước và sau khi sinh)
- Ước tính chi phí sinh nở
- Đồ dùng trẻ em (như tã, khăn lau, quần áo, sữa, v.v.)
- Dịch vụ chăm sóc trẻ em, nếu cần
Sai lầm 2: Đánh giá thấp chi phí chăm sóc con trẻ
Tùy vào hoàn cảnh và điều kiện mỗi bậc cha mẹ mà họ có thể lựa chọn trở lại làm việc sau khi sinh con hoặc không; điều này có thể ảnh hưởng đến thu nhập của cả gia đình. Đối với những cha mẹ đơn thân nuôi dạy con một mình, việc có con có thể đòi hỏi họ phải điều chỉnh số giờ làm việc hoặc thậm chí thay đổi công việc, và điều này có thể khiến cho mức lương họ nhận được ít hơn. Cho dù là trong tình huống nào, câu hỏi đặt ra lúc này là ai sẽ thay họ chăm sóc con khi họ làm việc.
Trên thực tế, họ có nhiều lựa chọn khác nhau như thuê dịch vụ chăm sóc ban ngày hoặc nhờ bạn bè/gia đình giúp đỡ. Mỗi lựa chọn đều có ưu, nhược điểm và đi kèm những khoản chi phí của nó và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cách lập ngân sách chi tiêu của cả gia đình. Hiện nay, một số trường mầm non cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ từ 6 tháng tuổi, với chi phí dao động trong khoảng từ 6 – 8 triệu ở những thành phố lớn. Chi phí này không hề nhỏ đối với những người mới làm cha mẹ, đặc biệt là những ai có thu nhập thấp, không ổn định.
Nghĩ rằng chi phí chăm sóc con không đáng kể có thể là vấn đề mà các bậc cha mẹ gặp phải khi lập ngân sách chi tiêu cho gia đình sau khi sinh con. Xem xét kỹ lưỡng các phương án chăm sóc trẻ với từng mức chi phí khác nhau ngay từ trong thời kỳ mang thai có thể giúp cha mẹ tìm ra giải pháp khả thi và hợp túi tiền, và biết cách quản lý tài chính gia đình hiệu quả.
Sai lầm 3: Sửa sang nhà cửa
Khi gia đình có thêm thành viên mới, việc sửa sang nhà cửa hoặc tìm một căn nhà phù hợp hơn cũng khá cần thiết. Tuy nhiên, nếu những người mới làm cha mẹ lựa chọn vay tiền mua nhà mới thì điều này cũng đồng nghĩa với việc họ phải trả thêm một khoản lớn hơn và sẽ trở thành gánh nặng đối với tài chính của hai vợ chồng.
Trước khi cân nhắc mua một căn nhà lớn hơn, điều quan trọng là bạn phải xem xét tình hình tài chính tổng thể của gia đình. Nếu bạn đang vướng vào những khoản vay chưa hoàn tất, bạn có thể không có đủ khả năng để thanh toán cho khoản vay mua nhà mới của mình. Mặt khác, những thay đổi trong thu nhập, dù là đã xác định từ trước hoặc phát sinh bất ngờ, cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng thanh toán khoản vay thế chấp mua nhà của bạn.
Tuy nhiên, nếu hiện tại bạn đang thuê nhà, bạn có thể xem xét việc mua một ngôi nhà cho hai vợ chồng bởi vì điều này có thể giúp bạn tiết kiệm tiền thuê nhà. Bạn cũng nên có một khoản tiết kiệm đủ để trang trải khoản thanh toán lần đầu và các chi phí liên quan đến việc mua nhà, nếu bạn biết cách lập ngân sách chi tiêu cho con từ sớm.
Sai lầm 4: Không cân nhắc các kế hoạch dài hạn
Lập kế hoạch tài chính là một quá trình liên tục, song một số mục tiêu có thể dễ dàng bị trì hoãn khi em bé mới được chào đón vào gia đình. Tuy nhiên, điều quan trọng là những người mới làm cha mẹ nên chú ý đến bức tranh toàn cảnh khi chăm sóc con mình.
Ví dụ, một số mục tiêu trong chiến lược tài chính toàn diện dài hạn thường bao gồm:
- Tiết kiệm cho nghỉ hưu: Cha mẹ có thể phải xem xét lại quỹ hưu trí của mình để biết được khả năng họ có thể tiếp tục đóng góp hàng tháng vào tài khoản hưu trí nếu sinh con.
- Tiết kiệm cho trường hợp khẩn cấp: Quỹ khẩn cấp có thể giúp hai vợ chồng đáp ứng các chi phí bất ngờ, chẳng hạn như sửa xe hoặc mất việc làm. Cha mẹ phải xem xét liệu họ đã có một quỹ khẩn cấp đầy đủ - lý tưởng là tương đương khoản tiền sinh hoạt của từ ba đến sáu tháng.
- Tiết kiệm cho đại học: Có thể bạn vẫn mong muốn tiếp tục theo đuổi con đường học vấn của mình; và thời điểm để bắt đầu tiết kiệm cho mục tiêu này không bao giờ là quá sớm.
- Bảo hiểm nhân thọ: Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thể cung cấp khoản trợ cấp tử vong cho những người thân của bạn nếu bạn gặp điều không may. Khi vợ mới sinh con cũng có thể là thời điểm tốt để hai vợ chồng xem xét liệu bảo hiểm hiện tại có đủ khả năng đáp ứng các nhu cầu của họ hay không, và nên cân nhắc mua bảo hiểm nếu chưa có.
- Lập kế hoạch di sản: Điều này có thể bao gồm việc lập di chúc, xác định người ủy thác trên bảo hiểm nhân thọ, cũng như các loại ủy quyền tài sản khác,.v.v Những loại giấy tờ này có thể giúp đảm bảo rằng gia đình và tài sản của bạn được bảo vệ nếu bạn qua đời.
Lợi ích từ BHXH dành cho các bậc cha mẹ mới
Theo Luật bảo hiểm xã hội tại Việt Nam, vợ là người lao động sinh con, sẽ được hưởng chế độ thai sản trong 6 tháng, trong thời gian nay sẽ nhận được bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, nếu vợ sinh con và chồng là người lao động nam có đóng bảo hiểm xã hội, thì chồng sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 05 đến 14 ngày làm việc, tính từ ngày người vợ sinh con. Theo đó, mức bảo hiểm thai sản cho người chồng khi vợ sinh con sẽ được tính như sau:
Mức hưởng thai sản = Lương bình quân các tháng đóng BHXH trong vòng 6 tháng trước khi vợ sinh con / 24 x Số ngày nghỉ
Ví dụ, nếu người vợ sinh một đứa con theo hình thức đẻ mổ, người chồng sẽ được nghỉ 7 ngày. Với mức lương bình quân hiện tại của chồng là 10 triệu/tháng thì mức lương hưởng chế độ thai sản của người chồng sẽ là: 10,000,000 / 24 x 7 = 2,917,000 đồng.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.