Điểm nhấn chính:
- Không phải ai cũng kiếm được một công việc ổn định với mức lương nhận được đều đặn hàng tháng.
- Việc lập lập mục tiêu tài chính cá nhân và ngân sách khi bạn có nguồn thu nhập không ổn định sẽ giúp bạn đảm bảo tài chính ổn định cũng như giảm thiểu rủi ro mất cân bằng tài chính.
Các bài viết tư vấn về ngân sách thường bắt đầu lời khuyên liên quan đến việc “Xác định thu nhập hàng tháng của bạn”. Điều đó có thể thật dễ dàng đối với những ai có nguồn thu nhập thường xuyên và ổn định. Nhưng nếu bạn sở hữu một doanh nghiệp nhỏ, hoặc bạn làm sales và có thu nhập dựa vào hoa hồng bán hàng, hay làm các công việc tự do, có tính chất tạm thời, thì thu nhập hàng tháng của bạn có thể biến động đáng kể.
Tuy nhiên, việc lập ngân sách tài chính cá nhân ngay cả khi thu nhập của bạn biến động hàng tháng là một điều rất cần thiết. Nếu không lập mục tiêu tài chính cá nhân và có kế hoạch tài chính rõ ràng, bạn có thể dễ chi tiêu mất kiểm soát, khó khăn trong việc đạt được các mục tiêu tài chính của mình, và thậm chí có thể rơi vào tình trạng nợ nần.
Vậy làm thế nào để bạn có thể lập ngân sách tài chính cá nhân hàng tháng khi bạn không chắc chắn về số tiền mình sẽ kiếm được? Và liệu bạn có cần lập ngân sách cho thu nhập không thường xuyên hay không? Câu trả lời là có. Bài viết này sẽ giúp bạn cách để lập ngân sách cho thu nhập không thường xuyên, không ổn định với từng bước cụ thể nhé.
1. Xác định mức thu nhập cơ bản hàng tháng
Đây là mức thu nhập tối thiểu mà bạn tin rằng mình có thể có được hàng tháng. Theo đó, thu nhập tháng thấp nhất bạn đã kiếm được trong năm qua sẽ được xem là thu nhập cơ bản của bạn. Đây phải là thu nhập khả dụng hàng tháng, sau khi bạn đã hoàn tất các nghĩa vụ thuế cần thiết.
2. Xác định các khoản chi tiêu thiết yếu hàng tháng
Các khoản cần chi hàng tháng ở đây nhắc đến các khoản chi tiêu cơ bản, quan trọng mà bạn bắt buộc phải thanh toán hàng tháng. Chúng có thể bao gồm tiền thuê nhà, điện nước, dịch vụ tiện ích, đồ ăn thức uống, và các khoản thanh toán nợ tối thiểu bắt buộc khác. Thu nhập cơ bản của bạn có thể không đủ để chi trả cho tất cả các khoản phải chi hàng tháng nhưng bạn không cần quá quan ngại về điều này; hãy cùng tìm hiểu tiếp trong bài.
3. Xác định các chi phí hàng tháng khác
Những khoản chi phí này là những hóa đơn hay chi tiêu mà bạn không thể chi trả trong những tháng tài chính khó khăn. Tuy nhiên, vào những tháng bạn có thu nhập cao hơn, bạn có thể chi trả cho tháng đó, hoặc thậm chí bù những tháng thu nhập trước đó, ví dụ như:
- Các mục tiêu tiết kiệm: như xây dựng quỹ khẩn cấp (xem thêm ở bước 6), quỹ hưu trí, hoặc tiết kiệm cho con học đại học.
- Các khoản thanh toán nợ bổ sung: như số dư nợ tín dụng bạn cần trả - nhiều hơn mức tối thiểu bắt buộc - để nhanh chóng tất toán khoản nợ.
- “Mong muốn” cá nhân: chẳng hạn như đi ăn ngoài, điện thoại phiên bản mới hoặc đi du lịch.
Bạn cần đánh giá và xác định mức độ ưu tiên với những chi phí này để có thể tận dụng tối ưu hóa dòng thu nhập của mình khi có thể.
4. Sử dụng khoản thu nhập cơ bản một cách hiệu quả
Sau khi tính toán được thu nhập cơ bản hàng tháng (ở bước 1), hãy sử dụng số tiền này để ưu tiên thanh toán các khoản chi phí thiết yếu mà bạn đã liệt kê ở bước 2. Trong trường hợp tháng này, thu nhập của bạn không đủ để chi trả các nhu cầu thiết yếu đó, thì hãy tạo một danh sách ưu tiên các khoản thiết yếu nhất. Còn các khoản chi phí còn lại, nếu bạn có được thu nhập từ một công việc làm thêm hoặc kiếm thêm hoa hồng vào cuối tháng hoặc tháng sau, bạn có thể sử dụng số tiền đó để thanh toán bổ sung cho các hóa đơn quan trọng trước đó theo thứ tự ưu tiên. Hoặc cân nhắc sử dụng quỹ khẩn cấp của mình (nếu có) để tránh tình trạng các khoản dư nợ tối thiểu không được thanh toán và làm ảnh hưởng đến điểm tín dụng của bạn.
5. Thêm vào các khoản thu nhập bổ sung
Đây là một tín hiệu tốt cho ngân sách của bạn. Nếu bạn kiếm được nhiều hơn mức thu nhập cơ bản của mình, trước tiên, hãy đảm bảo rằng bạn thanh toán tất cả các hóa đơn mà bạn chưa hoàn tất trong những tháng có thu nhập thấp.
Tiếp theo, hãy sử dụng thu nhập bổ sung (nếu còn) cho những khoản chi phí khác hoặc mong muốn của bản thân. Điều này có thể bao gồm việc đi ăn ở một nhà hàng Thái mới hoặc tiết kiệm tiền cho chuyến du lịch sắp tới – nói chung là những điều bạn đủ khả năng làm mà không phải lo lắng về ngân sách của mình.
Tuy nhiên, bạn vẫn nên cân nhắc ưu tiên khoản bổ sung này vào quỹ khẩn cấp của mình để đảm bảo cho kế hoạch tài chính cá nhân của mình.
6. Hãy tiết kiệm tiền phòng ngừa cho những tháng tài chính eo hẹp
Khi tài chính dư dả, hãy để dành một khoản tiền vào một quỹ khẩn cấp, và tiếp theo là tài khoản đầu tư. Mục đích của quỹ khẩn cấp này là nhằm đề phòng những tháng bạn gặp khó khăn về tài chính. Quỹ khẩn cấp cần bao nhiêu tùy thuộc vào mức chi tiêu trung bình hàng tháng của bạn. Cố vấn tài chính Tititada khuyên bạn nên tiết kiệm cho quỹ khẩn cấp bằng khoản chi tiêu thiết yếu của từ 6 tháng. Nếu bạn đã xây dựng xong quỹ khẩn cấp, hãy tiếp túc phân bổ tiền dư vào các tài khoản đầu tư. Do thu nhập không ổn định sẽ khó để bạn mua định kỳ, DCA nên bạn có thể tham khảo thêm cố vấn tài chính tư vấn giúp bạn xây dựng danh mục đầu tư,
Hãy cân nhắc tiết kiệm thêm các khoản thu nhập bổ sung để chắc chắn rằng mình có một tấm đệm tài chính ổn định trong những tháng tài chính eo hẹp.
Một khi bạn bắt đầu lên kế hoạch tài chính cá nhân như một thói quen với sự trợ giúp của 6 bước lập ngân sách kể trên, bạn sẽ cảm thấy thu nhập của mình không còn quá bấp bênh nữa và phần nào yên tâm hơn với các công việc hiện tại của mình.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.