Câu chuyện tăng trưởng trung và dài hạn của mô hình mua trước trả sau tại Việt Nam vẫn đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ của người tiêu dùng. Đây được xem là miếng bánh béo bở mới của thị trường tài chính. Việc áp dụng thanh toán theo hình thức mua trước trả sau được dự báo sẽ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đều đặn 31.9% trong giai đoạn 2022 – 2028. Tổng giá trị hàng hóa mua trước trả sau trong nước cũng sẽ tăng từ 1,169 triệu USD vào năm 2021 lên 11,002 triệu USD vào năm 2028.
Hệ sinh thái Fintech đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam. Trong hai năm qua, mua trước trả sau đã có những bước tăng trưởng đáng kể và trở thành xu hướng thanh toán được kỳ vọng sẽ phát triển hơn nữa ở thị trường Đông Nam Á. Đáng chú ý, sự tăng trưởng của thị trường mua trước trả sau Việt Nam có liên quan trực tiếp đến sự gia tăng nhu cầu mua sắm trực tuyến hiện nay. Đại dịch Covid – 19 đã dần chuyển đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng khi hàng triệu người tiêu dùng mới đã chuyển sang các sàn thương mại điện tử để hoàn tất các giao dịch mua sắm của họ.
Một trong những yếu tố chính được kỳ vọng sẽ đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng của phương thức thanh toán mua trước trả sau chính là nhóm người tiêu dùng trẻ. Các bạn Gen Z và thế hệ Millennials đã thúc đẩy ngành thương mại điện tử phát triển cùng với sự xuất hiện internet cũng như thị trường điện thoại thông minh ngày càng tăng.
Ngoài ra, trong những năm qua, các ngân hàng tại Việt Nam đã gặp khó khăn trong việc số hóa hệ thống của mình. Tuy nhiên, các ngân hàng truyền thống hiện đang triển khai phát triển và giới thiệu dịch vụ mua trước trả sau, nhằm bắt kịp cuộc đua thu hút khách hàng trẻ tuổi và những người sử dụng tín dụng tiềm năng, đồng thời tận dụng cơ sở khách hàng lớn của họ thông qua trả góp bằng thẻ tín dụng. Do đó, sự gia nhập của các tổ chức ngân hàng truyền thống vào lĩnh vực mua trước trả sau sẽ làm tăng tính cạnh tranh của thị trường Việt Nam trong vòng 3 đến 4 năm tới.
Thương mại điện tử thúc đẩy tăng trưởng sản phẩm mua trước trả sau
Trong suốt hai năm qua tại Việt Nam, sự phát triển của hình thức thanh toán mua trước trả sau và ngành thương mại điện tử trong nước luôn song hành cùng nhau. Đại dịch Covid bùng phát toàn cầu đã thúc đẩy người tiêu dùng ngày càng chuyển sang các kênh mua sắm trực tuyến cũng như áp dụng các phương thức thanh toán kỹ thuật số, chẳng hạn như mua trước trả sau.
Điều này có nghĩa là, ngành thương mại điện tử trở thành một trong những động lực tăng trưởng chính cho thị trường mua trước trả sau. Do đó, các công ty dịch vụ tài chính đang nhắm mục tiêu vào ngành thương mại điện tử nhằm thúc đẩy sự phát triển các sản phẩm mua trước trả sau của họ tại Việt Nam.
Vào tháng 7/2022, Home Credit, công ty dịch vụ tài chính có trụ sở tại Hà Lan, đã hợp tác chiến lược với Tiki, một trong những nền tảng thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam, cho ra mắt sản phẩm dịch vụ mua trước trả sau có tên là Home PayLater.
Các dịch vụ thanh toán sau Home Credit triển khai cho phép hàng triệu khách hàng của Tiki mua các sản phẩm mà họ lựa chọn. Sự hợp tác này với Tiki sẽ giúp Home Credit đẩy nhanh việc áp dụng sản phẩm mua trước trả sau của mình đối với người tiêu dùng Việt Nam, từ đó tăng giá trị và khối lượng giao dịch.
Trong tương lai, công ty dịch vụ tài chính sẽ hợp tác hơn nữa với nhiều sàn thương mại điện tử trong nước hơn khi xu hướng mua sắm trực tuyến tiếp tục phát triển, đặc biệt là đối với những người mua sắm thuộc thế hệ trẻ.
Các ngân hàng đang triển khai dịch vụ mua trước trả sau liên kết với thẻ tín dụng
Tại Việt Nam, mua trước trả sau đã trở nên phổ biến rộng rãi, đặc biệt là đối với người tiêu dùng thế hệ trẻ. Trong khi các bên cung cấp dịch vụ thanh toán mua trước trả sau thuần túy là người hưởng lợi ban đầu từ việc người Việt Nam ngày càng áp dụng các sản phẩm này thì các ngân hàng cũng đang tiếp cận thị trường này để hưởng lợi từ việc tận dụng cơ sở khách hàng hiện tại của mình.
Do đó, hệ thống các ngân hàng tại Việt Nam đang triển khai các dịch vụ mua trước trả sau liên kết với thẻ tín dụng hướng tới người tiêu dùng thế hệ trẻ.
Vào tháng 4/2022, Ngân hàng HSBC Việt Nam công bố ra mắt thẻ tín dụng LiveFree – một trong những thẻ tín dụng tập trung vào mua trước trả sau đầu tiên trên thị trường. Đáng chú ý, thẻ tín dụng được thiết kế hướng đến nhu cầu của thế hệ người tiêu dùng trẻ Việt Nam. Theo đó, ngân hàng đang giới thiệu thẻ tín dụng cho người tiêu dùng thuộc giai đoạn sau của thế hệ Millennials và đầu thế hệ Gen Z – từ 23 đến 30 tuổi. Đáng chú ý, người tiêu dùng được giảm tới 50% trên các danh mục, bao gồm mua sắm, làm đẹp, du lịch và dịch vụ nhà hàng – quầy uống (F&B) và một số danh mục khác.
Trong vòng 3 đến 4 năm tới kỳ vọng sẽ có thêm nhiều ngân hàng triển khai dịch vụ mua trước trả sau liên kết với thẻ tín dụng dành cho những người mua sắm thuộc thế hệ trẻ. Đây là nhóm đối tượng khách hàng đang ngày càng gia tăng và ưu thích lựa chọn hình thức thanh toán trả chậm.
Doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam đang triển khai mua trước trả sau để thúc đẩy doanh số bán hàng
Việc áp dụng phương thức thanh toán mua trước trả sau trong ngành bất động đang gia tăng. Xu hướng này dự kiến sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển hơn nữa trong bối cảnh lạm phát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và lãi suất gia tăng. Tại Việt Nam, doanh nghiệp bất động sản đang chuyển sang các chương trình mua trước trả sau để thu hút các nhà đầu tư cũng như thúc đẩy doanh số bán hàng.
Vào tháng 06/2022, CapitaLand Development có trụ sở tại Singapore đã triển khai kế hoạch mua trước trả sau cho một dự án khu dân cư tại Việt Nam trong giai đoạn doanh số nhà ở được bán tại đây này đang chậm lại. Chương trình này được dành riêng cho người mua ở Hồng Kông và cung cấp chương trình thanh toán 30:70 cho những khách hàng tham gia vào dự án khu dân cư Zenity ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Kế hoạch mua trước trả sau được ra mắt vào thời điểm doanh số bán hàng ngành bất động sản trong nước quý I/2022 giảm 46% so với cùng kỳ năm 2021. Mặt khác, các doanh nghiệp bất động sản hiện này đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn thông qua các khoản vay ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp do bị tăng cường giám sát. Do đó, đây sẽ là động lực cho nhiều doanh nghiệp triển khai các chương trình mua trước trả sau sáng tạo như vậy để thúc đẩy doanh số bán hàng trong nước.
Tóm tắt:
- Thanh toán mua trước trả sau (mua trước trả sau) dự kiến sẽ tăng trưởng kép hàng năm với tốc độ 31.9% trong giai đoạn 2022 – 2028.
- Đại dịch Covid – 19 đã thúc đẩy người tiêu dùng ngày càng chuyển sang các kênh mua sắm trực tuyến và thanh toán kỹ thuật số. Theo đó, ngành thương mại điện tử trở thành một trong những động lực tăng trưởng chính cho thị trường mua trước trả sau trong tương lai.
- Sự đóng góp đáng kể của nhóm người tiêu dùng trẻ vào sự tăng trưởng của phương thức thanh toán mua trước trả sau cũng góp phần thúc đẩy ngành thương mại điện tử phát triển.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.