Điểm nhấn chính:
- Nếu bạn chưa có quỹ khẩn cấp hay quỹ dự phòng tài chính cá nhân, bạn cần bắt đầu xây dựng một quỹ ngay hôm nay.
- Cắt giảm chi phí, tiết kiệm hoặc xây dựng các nguồn thu nhập bổ sung để xây dựng quỹ khẩn cấp của bạn nhanh nhất có thể.
Bằng cách tích lũy một khoản tiền tiết kiệm riêng biệt, hay quỹ khẩn cấp hay quỹ dự phòng tài chính cá nhân, để chi trả cho những trường hợp khẩn cấp bất ngờ, bạn sẽ không phải dùng nợ thẻ tín dụng, vay mượn gia đình hoặc các lựa chọn vay khác đem tới những căng thẳng tài chính không cần thiết.
Bạn nên nắm rõ mình cần quỹ khẩn cấp có bao nhiêu tiền để cảm thấy an tâm hơn với tài chính cá nhân của mình. Tuy quỹ khẩn cấp sẽ không giải quyết được tất cả các vấn đề về tiền bạc của bạn, nhưng đây sẽ là một khởi đầu tuyệt vời để giúp tài chính của bạn đi đúng hướng.
Dưới đây sẽ giải thích chính xác quỹ khẩn cấp là gì và những gì bạn cần biết.
Quỹ khẩn cấp là gì? Quỹ dự phòng tài chính là tài khoản nào?
Trước khi phân tích chính xác quỹ khẩn cấp là gì, hãy NHỚ:
- Quỹ khẩn cấp không được sử dụng cho việc mua tài sản như nhà, xe mới, học đại học, v.v.
- Quỹ khẩn cấp không nhất thiết phải là một số tiền lớn và có thể được bắt đầu từ con số nhỏ.
- Quỹ khẩn cấp không giống nhau cho tất cả mọi người và có thể thay đổi tùy theo lối sống của bạn.
Quỹ khẩn cấp là số tiền mà bạn dành ra để phòng hờ cho những lúc trong tình cảnh tài chính khó khăn và eo hẹp. Có một quỹ khẩn cấp sẽ giúp bạn yên tâm hơn khi biết rằng nếu điều gì đó thực sự khủng khiếp xảy ra, chẳng hạn như mất việc, như bệnh tật hoặc sửa chữa nhà do thiên tai, bạn vẫn sẽ vượt qua một cách ổn định vững vàng.
Nên để dành bao nhiêu cho quỹ khẩn cấp
Quỹ khẩn cấp của một người sẽ khác nhau và sẽ thay đổi theo thời gian, nhưng hầu hết các chuyên gia tài chính đều đồng ý rằng quỹ khẩn cấp nên bằng từ ba đến tám tháng chi phí hàng tháng của một cá nhân. Đồng thời, quỹ khẩn cấp sẽ thường là tiền mặt, tiết kiệm ngăn hạn, hoặc các tài sản có tính thanh khoản cao khác, có thể quy đổi ra thành tiền để nhanh chóng chi trả cho những thứ cần thiết trong những lúc cấp bách.
Tuy nhiên, bạn không cần phải quá căng thẳng về việc tiết kiệm chi phí từ ba đến tám tháng chỉ trong thời gian ngắn; nó có thể kéo dài trong vài ba năm từ lúc bạn bắt đầu đi làm.
Hãy bắt đầu xây dựng một quỹ khẩn cấp nhỏ trước
Bắt đầu một quỹ khẩn cấp khoảng 15-30 triệu đồng là bước đầu tiên để xây dựng một quỹ khẩn cấp. Chia quỹ khẩn cấp ra thành những mục tiêu nhỏ sẽ khiến bạn thấy chúng dễ dàng đạt được hơn và tạo động lực cho bạn tiết kiệm nhiều hơn nữa khi bạn hoàn thành.
Làm cách nào để xác định chi phí hàng tháng
Hiển nhiên là chi phí hàng tháng của mỗi người sẽ khác nhau dựa vào thu nhập và lối sống của họ. Có một số người đảm bảo quỹ khẩn cấp của họ có thể trang trải cả việc mua sắm hay ăn nhà hàng, trong khi những người khác chỉ cần quỹ khẩn cấp đủ để chi trả cho những nhu cầu thiết yếu và thanh toán những hóa đơn quan trọng hàng tháng.
Bạn có thể xác định và đánh giá những yếu tố sau đây để tính số tiền mình cần cho một quỹ khẩn cấp:
1. Chi phí trung bình hàng tháng
2. Số dư tiết kiệm hiện tại (không bao gồm tiết kiệm hưu trí)
3. Đánh giá mức độ khó khăn trong việc tìm thu nhập thay thế (công việc mới):
a. Dễ dàng: Tôi có thể nhanh chóng kiếm được một công việc khác với mức lương tương tự.
b. Trung bình: Tôi đủ khả năng cho nhiều công việc nhưng sẽ mất thời gian để tìm một công việc mới.
c. Khó khăn: Công việc trong lĩnh vực của tôi và mức lương bị hạn chế hoặc cạnh tranh.
4. Số tiền cần thiết để trang trải cuộc sống trong khoảng thời gian tìm việc mới
5. Số tiền cần tiết kiệm thêm
6. Số tháng bạn có thể bị thất nghiệp
Để có thể duy trì cuộc sống như bình thường trong khoảng 6 tháng, nếu không có bất kỳ khoản thu nhập nào, thì bạn nên đảm bảo rằng mình có một khoản tiền dự phòng tối thiểu, 3x đến 6x chi phí trung bình hàng tháng.
Tại sao phải cần quỹ khẩn cấp
Bây giờ bạn đã hiểu quỹ khẩn cấp là gì, có thể bạn nghĩ rằng quỹ này rất hữu ích cho những người khác nhưng bạn thực sự không cần nó ngay bây giờ. Do công việc của bạn đang khá là ổn định và an toàn hoặc bạn đang ở trong một lĩnh vực có nhu cầu lao động cao, nên bạn có thể nhanh chóng tìm được một công việc mới nếu như bị mất việc. Hơn nữa, bạn có thể nghĩ rằng sử dụng thẻ tín dụng như một quỹ khẩn cấp là đủ tốt vì bạn luôn có thể sử nó để chuyển tiền, thanh toán các khoản nợ của mình.
Nhưng thực tế là ai rồi cũng sẽ phải đối mặt với ít nhất một vài trường hợp khẩn cấp về tài chính trong cuộc đời mình. Và quỹ khẩn cấp sẽ là một trợ giúp đắc lực, đỡ đần bạn với các gánh nặng tài chính và giúp bạn hạn chế đi vay nợ, thế chấp tài sản, hay làm suy yếu các khoản tiền dành ra cho hưu trí hay các mục đích tài chính khác của mình.
Dưới đây là một vài ví dụ có thể giúp bạn thay đổi suy nghĩ để bắt đầu xây dựng một quỹ khẩn cấp cho riêng mình.
Trong trường hợp bạn mất thu nhập
Mặc dù hầu hết mọi người đều nghĩ đến việc bị sa thải, nhưng đó không phải lúc nào cũng là lý do khiến bạn mất thu nhập. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn đột nhiên phát hiện ra mình cần phải dành phần lớn thời gian để giúp chăm sóc một thành viên trong gia đình vì họ gặp phải vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng?
Hoặc, điều gì sẽ xảy ra nếu công ty của bạn đột nhiên bị mua lại bởi một công ty lớn hơn, và bộ phận của bạn trở nên dư thừa và bạn bị sa thải? Hoặc, điều gì sẽ xảy ra nếu nền kinh tế đột ngột sụp đổ trong vòng sáu tháng tới và công việc của bạn không còn nhu cầu cao nữa? Như bạn đã thấy trong đại dịch Covid-19, nhiều người đã bất ngờ bị thất nghiệp kéo dài, từ vài tháng đến hơn cả năm.
Đây đều là những tình huống thực tế có thể xảy ra với bất kỳ ai.
Trường hợp y tế khẩn cấp
Tất nhiên, quỹ khẩn cấp không chỉ chi trả cho bạn trong trường hợp mất việc làm. Trường hợp khẩn cấp tài chính phổ biến khác là liên quan đến sức khoẻ, y tế. Bạn có thể bị đau ruột thừa và phải trả khoản khấu trừ 20 triệu đồng trên bảo hiểm y tế của mình để có được phẫu thuật cần thiết. Mặc dù không ai muốn, nhưng bạn cần có một khoản tiết kiệm phòng hờ cho những trường hợp y tế khẩn cấp mà cần số tiền chi trả lớn hơn cả mức thu nhập tháng của mình.
Trường hợp khẩn cấp về con cái hoặc thú nuôi của bạn
Điều gì xảy ra nếu con chó hay mèo của bạn bị ô tô đâm và cần hơn 15 triệu đồng chăm sóc thú y để sống? Thật vậy đó, chi phí chăm sóc thú ý hiện nay là rất đắt đỏ. Hoặc, trong trường hợp bạn nhận ra rằng con bạn cần các dịch vụ giáo dục bổ túc để giúp chúng theo kịp các bài học ở trường lớp tốn hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Những điều này có thể đột ngột phá hủy kế hoạch tài chính của bạn nếu bạn không có khoản dư tiền nào trong quỹ khẩn cấp để giúp thanh toán chúng.
Nên giữ quỹ khẩn cấp / quỹ dự phòng tài chính cá nhân ở đâu?
Bạn có thể muốn giữ quỹ khẩn cấp của mình trong một tài khoản tiết kiệm lợi suất cao, chứng chỉ tiền gửi hoặc tài khoản tích luỹ trực tuyến không kỳ hạn. Bằng cách này, bạn có thể truy cập gần như ngay lập tức số tiền đó khi cần. Đồng thời, những tài khoản này cho phép bạn kiếm được một số tiền lãi nhất định nhằm giảm, tránh ảnh hưởng của lạm phát.
Ở Việt Nam, nếu bạn giữ tiền của mình tại ngân hàng thì tiền của bạn sẽ được bảo hiểm lên đến 125 triệu đồng trong trường hợp tổ chức tín dụng đổ vỡ và tương tự. Thường, bạn nên giữ quỹ khẩn cấp tại một ngân hàng tách biệt với ngân hàng đang giữ các tài khoản chính của mình. Như vậy, bạn sẽ không bị lôi cuốn vào số dư quỹ khẩn cấp của mình, để sử dụng cho các chi tiêu hàng ngày hay bốc đồng khác.
Những yếu tố bạn có thể xem xét khi lựa chọn nơi để đặt quỹ khẩn cấp của mình:
- Ngân hàng uy tín, có bảo hiểm tiền gửi
- Lãi suất không kỳ hạn (APY) (lên tới 1%), hoặc có kỳ hạn ngắn (từ 3-7%)
- Mức tiền gửi tối thiểu để được nhận lãi
- Phí hàng tháng/năm
Nên đóng góp vào quỹ khẩn cấp như thế nào
Bước đầu tiên và được xem là quan trọng nhất là xây dựng bộ đệm tài khoản ngân hàng từ 15-30 triệu đồng. Nếu bạn đang mắc nợ, bạn có thể sẽ muốn dùng tiền còn dư hàng tháng để thanh toán nợ trước. Tuy nhiên, tốt hơn hết là bạn nên xây dựng quỹ khẩn cấp trước và xoá dần các khoản nợ của mình sau.
Trong tương lai, bạn có thể tiếp tục đóng góp thêm vào quỹ khẩn cấp của mình bằng cách chuyển khoản tự động một phần tiền lương vào tài khoản tiết kiệm của bạn. Như vậy, quỹ khẩn cấp của bạn sẽ tăng một cách có kỷ luật hàng tháng.
Khi đã tiết kiệm được một số tiền, bạn nên cân nhắc tới việc đầu tư và phát triển số tiền đó. Bạn có thể tìm hiểu những cách sau đây:
- Đầu tư vào chứng khoán như cổ phiếu, trái phiếu hoặc các chứng chỉ quỹ, ETFs…
- Mua bảo hiểm nhân thọ
- Đầu tư bất động sản nhà ở, cho thuê
Nói chung, nếu có thể, hãy gia tăng số tiền đóng góp vào quỹ khẩn cấp của mình theo thời gian. Điều này sẽ mang lại nhiều lợi thế hơn cho bạn về sau này. Nếu như bạn có một tấm đệm khẩn cấp khá lớn và chưa thực sự dùng đến nó trong thời gian dài, bạn có thể cân nhắc chuyển một phần qua tài khoản hưu trí hoặc tài khoản chi tiêu khác để phục vụ các mục đích tài chính quan trọng hơn vào thời điểm đó.
Làm sao để phát triển quỹ khẩn cấp của mình nhanh chóng hơn?
Cắt giảm chi tiêu: như là cắt giảm số lần bạn đi ăn ngoài hàng tháng, thương lượng tiền cáp, điện thoại di động và các hóa đơn hàng tháng định kỳ khác cũng như tạm thời cắt giảm chi tiêu giải trí và các khoản xa xỉ khác cho đến khi quỹ khẩn cấp của bạn đạt đến mức cân bằng lành mạnh.
Tiết kiệm các khoản tiền “được cho”: như là các khoản hoàn thuế, tiền thưởng cuối năm, hoặc kể cả là tiền thưởng các dịp lễ tết như tiền lì xì; hãy tiết kiệm chúng càng nhiều càng tốt để tránh phải cắt giảm chi tiêu của mình để đóng góp vào quỹ khẩn cấp.
Bán những thứ bạn không dùng đến nữa: Bạn có thể bán những thứ không cần thiết nữa trong nhà mình trên các phương tiện trực tuyến như Facebook, Tiktok hoặc Lazada, Shopee. Và chuyển tất cả khoản thu về vào quỹ tiết kiệm của mình.
Kiếm thêm tiền: một trong những cách tốt nhất để tăng quỹ khẩn cấp của bạn là tăng thu nhập của bạn. Bạn có thể bắt đầu một công việc phụ, kiếm một công việc bán thời gian, làm thêm giờ hoặc bắt đầu một công việc kinh doanh nhỏ trong thời gian rảnh rỗi. Nếu bạn tiết kiệm tất cả số tiền thừa trong quỹ khẩn cấp của mình, trừ một khoản nhất định dành ra để trả nợ đến hạn, quỹ khẩn cấp của bạn sẽ nhanh chóng phát triển.
6 bước để đạt được tài chính ổn định
1. Xây dựng quỹ khẩn cấp / quỹ dự phòng tài chính cá nhân: có thể bắt đầu từ 15-30 triệu đồng hoặc nhiều hơn nếu có thể rồi tăng dần lên 3-8 tháng
2. Tiết kiệm cho quỹ hưu trí: để dành 2-5% thu nhập cho hưu trí trong bất kể hoàn cảnh tài chính nào
3. Loại bỏ các khoản nợ xấu: nhanh chóng loại bỏ những khoản nợ có lãi suất trên 7% hoặc 10%
4. Tiết kiệm cho những thứ bạn muốn
5. Đầu tư hoặc quyên góp nếu bạn thấy phù hợp: chỉ nên cân nhắc bước này khi đã hoàn thành đóng góp vào quỹ hưu trí và quỹ khẩn cấp
6. Tạo thêm một dòng tiền thu nhập phụ hoặc thụ động
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.