Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Mô hình của Porter

Porter’s 5 forces, hay mô hình 5 tác động cạnh tranh, được sử dụng để đánh giá sự cạnh tranh hoặc vị thế của doanh nghiệp trên bất kỳ phân khúc nào của nền kinh tế.

Các doanh nghiệp có thể hiểu được mức độ cạnh tranh của họ đang ở đâu trên thị trường chung, cũng như xác định các chiến lược cần thiết để nâng cao vị thế của họ trong dài hạn.

Năm tác động trong mô hình này là:

- Cạnh tranh (competition): Số lượng đối thủ cạnh tranh càng lớn, cùng với số lượng sản phẩm và dịch vụ tương đương càng nhiều, thì sức mạnh của một công ty trên thị trường sẽ càng thấp.

- Đe dọa từ những đối thủ mới (threats of new entrants): Một ngành có một hoặc vài rào cản gia nhập lớn đối với những người mới thường được xem là lý tưởng cho các công ty đã có mặt sẵn trong ngành, bởi các công ty này có thể định giá mặt hàng cao hơn và thương lượng các điều khoản tốt hơn mà không gặp phải áp lực cạnh tranh quá lớn từ đối thủ.

- Sức mạnh của nhà cung cấp (bargaining power of suppliers): Càng ít nhà cung cấp tồn tại trong một ngành, thì một công ty có thể sẽ càng phụ thuộc nhiều hơn vào một nhà cung cấp.

Như vậy, nhà cung cấp sẽ có nhiều quyền lực hơn và có thể tăng giá các nguồn cung đi tới các công ty.

- Sức mạnh của người mua (bbargaining power of buyer): Nếu công ty phụ thuộc vào một nền tảng khách hàng nhỏ và mạnh, điều đó có thể có nghĩa là mỗi khách hàng sẽ có nhiều quyền lực hơn để thương lượng các mức giá thấp hơn.

- Mối đe dọa từ các sản phẩm thay thế: Các công ty sản xuất hàng hóa hoặc dịch vụ mà không có các sản phẩm khác có thể thay thế được trên thị trường sẽ có nhiều quyền lực hơn để tăng giá và chốt các điều kiện có lợi hơn.

Hiểu được Mô hình 5 tác động cạnh tranh của Porter và cách áp dụng chúng vào một ngành, có thể cho phép một công ty điều chỉnh chiến lược kinh doanh một cách phù hợp với các nguồn lực của mình nhằm tạo ra lợi nhuận cao hơn trong dài hạn.