Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Tỷ lệ đốt tiền

Tỷ lệ đốt tiền (Burn Rate) là tốc độ mà tại đó startup sử dụng vốn mạo hiểm của mình để chi tiêu cho các chi phí trước khi tạo ra dòng tiền dương từ các hoạt động. Vì vậy, tỷ lệ chi tiêu là thước đo dòng tiền âm. Tỷ lệ chi tiêu này được cân nhắc nhiều nhất đối với các công ty khoa học đời sống hoặc công nghệ trẻ không có lợi nhuận và trong một số trường hợp không có doanh thu. Nó thường được trích dẫn dưới dạng tiền mặt chi tiêu mỗi tháng. Ví dụ: Nếu một công ty được cho là có tỷ lệ chi tiêu là 1 triệu USD, điều đó có nghĩa là công ty đó đang chi 1 triệu USD mỗi tháng.

Tỷ lệ đốt tiền được sử dụng như một thước đo khoảng thời gian startup có thể hoạt động được trước khi hết tiền. Nếu lượng tiền cạn kiệt, công ty buộc phải tạo ra lợi nhuận, hoặc tìm nguồn vốn bổ sung hoặc đóng cửa. Đối với các start-up, trong thời gian đầu, tỷ lệ đốt tiền có thể khá cao do chưa tạo ra doanh thu. Công ty có thể giảm tỷ lệ đốt tiền để gia tăng thời gian hoạt động bằng cách tạo ra doanh thu hay cắt giảm chi phí.

Tỷ lệ đốt tiền được chia làm hai loại như sau: 

+ Tỷ lệ đốt tiền gộp là tổng chi phí hoạt động phát sinh mỗi tháng. 

+ Tỷ lệ đốt tiền ròng là tổng số tiền thực tế mà công ty mất mỗi tháng. 


Mối liên hệ giữa hai loại tỷ lệ đốt tiền này được thể hiện như sau: 

Tỷ lệ đốt tiền ròng = Tỷ lệ đốt tiền gộp – Doanh thu


Các Start-up có thể sử dụng tỷ lệ đốt tiền ròng để ước tính khoản thời gian mà công ty có thể hoạt động với số tiền hiện có và chuẩn bị cho các dòng gọi vốn tiếp theo:  Thời gian hoạt động = Lượng tiền còn lại trong tài khoản / Tỷ lệ đốt tiền ròng


Ví dụ, một start-up thành công gọi vốn ở vòng hạt giống với số tiền 4 tỷ, lượng tiền mặt hiện có của công ty là 400 triệu. Lúc này, công ty có cơ cấu doanh thu và chi phí như sau:  

Doanh thu 500 triệu; Chi phí thuê văn phòng: 100 triệu; Chi phí nhân viên: 200 triệu; Chi phí Marketing: 700 triệu.

Vậy start-up A có tỷ lệ đốt tiền ròng trong tháng là:

(100 + 200 + 700) – 500 = 500 triệu 

Như vậy, công ty phải trích 500 triệu từ vốn huy động để trang trải cho chi phí hoạt động mỗi tháng.

Như vậy, với số tiền hiện tại, thời gian còn lại của công ty cho đến lúc cạn tiền là: 4.4 tỷ/ 0.5 tỷ = 8.8 tháng 

Do đó, trong vòng chưa đến 9 tháng nữa, công ty phải thành công gọi vốn để duy trì hoạt động của mình.