Thị trường gấu, hay thị trường giá xuống (Bear market) là thị trường sụt giảm giá kéo dài, các chỉ số thị trường sụt giảm 20% hoặc hơn so với mức cao trước đó.
Khi rơi vào thị trường gấu, nhà đầu tư dễ rơi vào tâm lý sợ hãi và thường vội vàng cắt lỗ, dẫn đến thị trường có thể giảm sâu hơn trong thời gian dài. Thị trường gấu thường đi kèm với sự suy giảm kinh tế nghiêm trọng hơn là suy thoái kinh tế. Thị trường gấu tương phản với thị trường bò (bull market) là thị trường có xu hướng giá đi lên.
Nguyên nhân dẫn đến thị trường gấu về cơ bản xuất phát từ nền kinh tế yếu kém hoặc chậm lại do ảnh hưởng từ đại dịch, chiến tranh, khủng hoảng chính trị hoặc sự thay đổi mạnh mẽ trong nền kinh tế, v.v.
Ví dụ:
- Ở Mỹ, khi chỉ số S&P (chỉ số của 500 công ty lớn nhất nước Mỹ) giảm hơn 20% thì được cho là thị trường gấu.
- Ở Việt Nam, khi chỉ số VNIndex giảm hơn 20% cũng được xem là thị trường đang trong xu hướng giá xuống.
Thị trường gấu và thị trường điều chỉnh đều có cùng đặc điểm là sự sụt giảm trong các chỉ số thị trường, tuy nhiên, thị trường điều chỉnh chỉ là xu hướng ngắn hạn, thường kéo dài dưới hai tháng hoặc có thể chỉ trong vài ngày. Vì thế, nhà đầu tư nên phân biệt khi nào là thị trường gấu và khi nào là thị trường điều chỉnh để có chiến lược đầu tư tốt nhất.
Trong thị trường gấu, nhà đầu tư không nên bán tháo cổ phiếu đang nắm giữ theo đà giảm chung của thị trường hay tâm lý của đám đông, tránh phân bổ tài sản hết vào một cổ phiếu duy nhất.
Thay vào đó, nên tìm kiếm và đánh giá các cơ hội đầu tư từ các cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tốt mà giá đang giảm do tác động từ thị trường chung.
Đặc biệt, nhóm cổ phiếu phòng thủ nên được cân nhắc lựa chọn trong giai đoạn này vì giúp mang lại thu nhập qua dòng cổ tức được chi trả khá đều đặn.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.