Điểm nhấn chính:
- Kiến thức đầu tư chứng khoán: Các đợt điều chỉnh là một điều bình thường trong một chu kỳ của thị trường chứng khoán.
- Điều tốt nhất lúc này là giữ nguyên và tuân thủ kế hoạch đầu tư được định trước của mình và đừng để sự hoảng sợ làm ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư của bạn.
Điều chỉnh là việc rất thường xuyên của thị trường tài chính. Mọi cuộc suy thoái đều bắt đầu với sự điều chỉnh của thị trường, tuy nhiên không phải tất cả sự điều chỉnh của thị trường đều sẽ dẫn tới một cuộc suy thoái. Điều chỉnh là sự sụt giảm liên tục về giá trị của chỉ số thị trường hoặc giá của một tài sản riêng lẻ. Khi điều chỉnh diễn ra, nó làm giá trị giảm từ 10% đến 20% so với mức đỉnh gần nhất. Việc điều chỉnh có thể xảy ra với chỉ số VNIndex, chỉ số hàng hóa hoặc giá trị cổ phiếu của một công ty niêm yết yêu thích của bạn.
Kiến thức đầu tư chứng khoán: Điều chỉnh là một phần không thể thiếu trong việc đầu tư
Khi thị trường chứng khoán duy trì tốt đà tăng điểm trong một khoảng thời gian dài, sẽ có lúc bạn nhận được những tin tức trên các phương tiện truyền thông dự báo về một “sự điều chỉnh”, chỉ đơn giản là vì không có tài sản nào có thể tăng giá một cách đều đặn mãi được, nhất là khi giá thị trường của cổ phiếu phụ thuộc nhiều vào cung cầu của cổ phiếu đó tại một thời điểm.
Nhìn chung, thị trường chứng khoán bước vào đợt điều chỉnh khi xuất hiện một sự kiện kinh tế hoặc một sự kiện lớn trong xã hội khiến các nhà đầu tư phải tạm dừng lại một nhịp, lùi lại một bước và cân nhắc những gì đang xảy ra và những gì họ cần làm sắp tới.
Các chuyên gia tài chính thường nói rằng các đợt điều chỉnh trên thị trường chứng khoán xảy ra tương đối thường xuyên và không tệ như bạn nghĩ, nếu tính về mặt dài hạn. Thị trường luôn quan sát mọi diễn biến xung quanh để xem điều gì liệu có thể xảy ra tiếp theo, và sau đó có những sự điều chỉnh thích hợp nhằm tái thiết lập mặt bằng định giá chung.
Ví dụ: chúng ta hãy nhìn lại thị trường Việt Nam trong hai năm gần đây. Vào đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 xuất hiện đã gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng như tác động rất lớn đến thị trường chứng khoán của mọi quốc gia. Đi theo diễn biến chung, chỉ số VNIndex dần rơi vào một nhịp điều chỉnh kha khá, những sau đó nhanh chóng rơi vào thị trường gấu khi lao dốc tới hơn 33% điểm. Tuy nhiên chỉ trong vòng hơn 2 tháng, VNIndex đã phục hồi mạnh mẽ, đi kèm với vài nhịp điều chỉnh ngắn hạn, trước khi đem lại một tín hiệu cho một chu kỳ tăng trưởng mới. Và chu kỳ này được kéo dài tới đầu năm nay 2022.
Thị trường điều chỉnh kéo dài bao lâu?
Các chuyên gia tài chính cho rằng sự điều chỉnh của thị trường thường diễn ra trong thời hạn ngắn, kéo dài trong vài tuần đến vài tháng, cũng có thể lâu hơn. Nhưng trung bình là kéo dài từ ba đến bốn tháng. Thời gian của các đợt điều chỉnh là không giống nhau.
Đợt điều chỉnh có thể kéo dài hơn 1 tháng. Ví dụ, mặc dù, chỉ số VNIndex đã xuất hiện những tín hiệu tăng trưởng trong tháng 5-6/2020, thị trường tiếp tục chịu sự tác động của đại dịch làm cho chỉ số điều chỉnh giảm hơn 13% trong vòng 1 tháng.
Trong khi đó, giữa năm 2021, khi số ca mới trong nước lần đầu vượt ngưỡng 1,000 ca và TP.HCM phải thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị 16, thị trường tiếp tục rơi vào một nhịp điều điều chỉnh và ghi nhận gỉam khoảng 13%. Nhưng đợt điều chỉnh này chỉ kéo dài trong khoảng hơn 2 tuần.
Một khi cú sốc kinh tế hay sự chuyển biến về mặt chính trị gây ra một nhịp điều chỉnh, nền kinh tế và thị trường chứng khoán nhìn chung sẽ phục hồi sau đó và có thể tăng trở lại một cách mạnh mẽ hơn. Nhưng cần lưu ý là không phải lúc nào cũng sẽ thuận lợi như vậy.
Sự khác biệt giữa Thị trường điều chỉnh và Thị trường Gấu
Thị trường Gấu, hay thị trường giảm giá, thể hiện sự sụt giảm của thị trường chứng khoán trong một khoảng thời gian dài hơn so với một đợt điều chỉnh, thường là sụt giảm hơn 20% giá trị trên thị trường và kéo dài từ 14 đến 16 tháng, thậm chí dài hơn 2 năm.
Thị trường Gấu thường biểu hiện sự thay đổi đáng kể về mặt tâm lý của các nhà đầu tư, về các vấn đề mang tính ảnh hưởng sâu sắc, có tác động hơn và có thể kéo dài, như một cuộc khủng hoảng kinh tế, hay một cuộc suy thoái.
Trong khi thị trường điều chỉnh thể hiện mức độ lo lắng vừa phải về các sự kiện trước mắt. Một đợt điều chỉnh của thị trường có thể biến thành thị trường gấu nếu có nhiều vấn đề trở nên nghiêm trong hơn diễn ra. Thêm vào đó, thường trong một đợt điều chỉnh, các nhà đầu tư có hiểu biết cơ bản về chứng khoán thường vẫn “lạc quan” về lợi nhuận kì vọng của các khoản đầu tư của họ trong tương lai và và sự tăng trưởng của nền kinh tế. Nên vì vậy, họ sẽ quay lại thị trường để mua các tài sản tài chính ở mức giá thấp hơn, và thúc đẩy thị trường phục hồi trở lại.
Ngược lại, trong thị trường Gấu, đa số các nhà đầu tư thường thay đổi tâm lý và cách nhìn nhận của họ về nền kinh tế, có thể trở nên tiêu cực hơn trong một khoảng thời gian. Ngay cả khi giá đã được chiết khấu sâu, họ cũng sẽ trở nên e dè trước các quyết định đầu tư của mình.
Nhìn vào thị trường Việt Nam ở giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2007-2009, những đợt điều chỉnh tương đối mạnh trong năm 2007 đã phát đi tín hiệu của sự bất ổn trong nền kinh tế, tuy những yếu tố vĩ mô rủi ro lúc đó chưa có tác động quá lớn. Nhưng chỉ tới khi bong bóng nhà ở của Mỹ vỡ ra và gây ra hiệu ứng sụp đổ domino trong lĩnh vực tài chính trên toàn cầu, thì lúc đó những rủi ro này mới thực sự thấm vào nền kinh tế Việt Nam, và khiến thị trường chứng khoán rơi mạnh vào thị trường Gấu, giảm hơn 75% giá trị trong vòng 1 năm rưỡi.
Kiến thức đầu tư chứng khoán: Bạn nên làm gì trong một nhịp Điều chỉnh của thị trường?
Nếu bạn có hiểu biết cơ bản về chứng khoán, và tiếp cận danh mục đầu tư của mình một cách đa dạng và có kỷ luật, bạn thậm chí có thể kiếm được mức lợi nhuận tốt trong quá trình thị trường điều chỉnh. Kiến thức đầu tư chứng khoán là cần thận trọng trong việc kiểm soát cảm xúc cũng như làm chủ tâm lý của mình, và chỉ nên thực hiện giao dịch khi đã cân nhắc kỹ càng.
Và nếu bạn thấy bất ổn khi thị trường điều chỉnh trong ngắn hạn, dưới đây là một số cách mà chúng ta có thể áp dụng để bảo tồn vốn và có thể tận dụng tối đa cơ hội kiếm tiền trong nhịp điều chỉnh đó.
Tìm hiểu nguyên nhân gây ra sự điều chỉnh
Trước khi thực hiện bất kỳ động thái nào, chúng ta nên lùi lại một bước và tìm hiểu diễn biến kinh tế nào đang tác động lên thị trường và tạo ra sự điều chỉnh, chẳng hạn như tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, các khoản vỡ nợ dự kiến gia tăng hoặc một báo cáo thu nhập xấu.
Nếu những thay đổi, diễn biến đó đang ảnh hưởng xấu đến tâm lý của nhà đầu tư trên toàn thị trường, thể hiện qua những đợt bán tháo hay ngừng giao dịch, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn cần chuẩn bị tâm lý cho một đợt điều chỉnh kéo dài hoặc thậm chí là thị trường giá giảm.
Điều này không có nghĩa là bạn nên bán các tài sản của mình. Ngược lại, bạn có thể cần phải điều chỉnh lại danh mục đầu tư của mình, hoặc các mục tiêu trong kế hoạch tài chính để có thể tối thiểu hóa khả năng bạn cần phải bán, hoặc cắt lỗ, tài sản.
Xây dựng danh mục đầu tư phù hợp với mức độ chịu rủi ro của riêng mình
Chủ động theo dõi danh mục đầu tư của mình có thể là một trong những cách tốt nhất bạn có thể làm khi bắt được tín hiệu về một nhịp điều chỉnh sắp diễn ra. Cân đối danh mục đầu tư bằng cách phân bổ tài sản phù hợp với mục tiêu và khả năng chấp nhận rủi ro của riêng mình. Bằng cách đó, bạn sẽ ít có khả năng đưa ra các quyết định sai lầm dựa theo cảm tính của mình trong thời gian thị trường điều chỉnh.
Đồng thời, hãy hạn chế việc thay đổi chiến lược đầu tư của bạn trong thời gian thị trường điều chỉnh. Đó là hướng đi của những nhà đầu tư ngăn hạn, trading mua bán cổ phiếu thường xuyên và có thể dẫn đến khả năng bị thua lỗ cao.
Ví dụ: nếu bạn có hiểu biết cơ bản về chứng khoán và đang sử dụng chiến lược trung bình hoá chi phí đầu tư, và bạn nhận thấy rằng thị trường sắp tới có thể rơi vào nhịp giảm ngắn hạn. Khi đó, bạn vẫn có thể tiếp tục với chiến lược của mình và mua nhiều cổ phiếu hơn với một mức giá thấp hơn, điều này sẽ làm giảm chi phí trung bình trên mỗi cổ phiếu trong danh mục của bạn trong dài hạn, thay vì thay đổi chiến lược và cắt lỗ cổ phiếu khi nó đi xuống và ghi nhận mức lỗ lớn.
Giữ sẵn tiền mặt để mua trong nhịp giảm giá
Một phần của việc đầu tư thành công là đảm bảo rằng bạn có dư một khoản tiền mặt trong các đợt giảm giá ngắn hạn hoặc dài hạn để thực hiện mua mới mà không cần phải bán ra các khoản đầu tư hiện có. Bạn thậm chí có thể thiết lập một quỹ “dự phòng” sẵn sàng cho những ngày giá giảm để bạn có thể “mua bắt đáy”.
Đánh giá lại mức độ chấp nhận rủi ro của bạn qua mỗi năm
Mức độ chấp nhận rủi ro của bạn đối với các khoản đầu tư của mình có thể sẽ thay đổi theo thời gian. Đó là lý do tại sao bạn nên đánh giá lại nó theo từng năm và thực hiện các điều chỉnh phù hợp. Kiến thức đầu tư chứng khoán là cần phải cân bằng lại các khoản đầu tư của bạn và giữ cho nó ở trong khả năng chấp nhận rủi ro của mình.
Ví dụ: khi bạn càng lớn tuổi càng gần thời gian chuẩn bị nghỉ hưu, bạn có thể cần giảm mức độ chấp nhận rủi ro của mình xuống bằng các giảm tỷ lệ sở hữu cổ phiếu và tăng tỷ lệ nắm giữ các khoản đầu tư có thu nhập cố định như trái phiếu hay thậm chí tiết kiệm.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.