Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Các loại ngân hàng

Ngân hàng trung ương (NHTW) hay Central bank là ngân hàng đứng đầu của một quốc gia.

Đây là tổ chức tài chính duy nhất có đặc quyền kiểm soát việc phát hành tiền mặt, điều tiết nguồn cung tín dụng trong nền kinh tế.

Qua đó có khả năng tác động đến tình hình tiền tệ của quốc gia cũng như các yếu tố vĩ mô.

Mục đích nhằm duy trì khả năng tăng trưởng của nền kinh tế đó một cách bền vững.

NHTW của Việt Nam là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Mặc dù một số NHTW thuộc cơ quan chính phủ, nhưng nhiều NHTW trên thế giới thường không phải là cơ quan chính phủ mà là một tổ chức tài chính độc lập về mặt chính trị, như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Hoạt động điển hình của các NHTW điều tiết cung cầu tiền của nên kinh tế thông qua việc điều chỉnh lãi suất, tăng lãi suất để làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và kìm hãm lạm phát; hoặc ngược lại, giảm lãi suất nhằm tạo đà thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các hoạt động công nghiệp và nhu cầu chi tiêu của người dân.

Đối với hệ thống các ngân hàng, NHTW đưa ra quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc, yêu cầu về vốn, và đồng thời giữ vai trò quan trọng khi là người cho vay cuối cùng đối với các tổ chức tín dụng nếu gặp khó khăn về tài chính.

Ngân hàng thương mại (Commercial bank) là các tổ chức tài chính chuyên kinh doanh, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ liên quan tới tiền gửi, tín dụng và tiền tệ, với mục tiêu tạo ra lợi nhuận.

Nói một cách đơn giản, ngân hàng thương mại hoạt động như một đơn vị trung gian, kết nối người có nhu cầu gửi tiền và người có nhu cầu đi vay tiền với nhau.

Ngân hàng sẽ trả lãi cho người gửi tiền và thu lãi từ người đi vay tiền từ họ, qua đó tạo ra lợi nhuận từ mức lãi chênh lệch giữa thu vào và chi ra.

Ngân hàng thương mại thu hút nguồn vốn trên thị trường bằng cách phát hành kỳ phiếu, trái phiếu, và thông qua các hoạt động huy động tiền gửi.

Song kiếm lợi nhuận bằng cách cho vay, đẩy tiền ra ngoài thị trường, thông qua các hoạt động như cho vay tín dụng, thế chấp hoặc mua trái phiếu của các tổ chức, doanh nghiệp khác.

Các hoạt động của ngân hàng thương mại đóng góp rất lớn trong việc kích thích giao dịch, đầu tư và phát triển vốn trong nền kinh tế.

Ngoài ra, ngân hàng thương mại còn là công cụ để Nhà nước điều tiết vĩ mô nền kinh tế, như là điều chỉnh mở rộng hay thu hẹp lượng tiền lưu thông trong hệ thống ngân hàng và ngoài thị trường.

Ngân hàng đầu tư (Investment bank) hay thường gọi là tổ chức tư vấn phát hành, là một định chế tài chính đóng vai trò trung gian để thực hiện các giao dịch tài chính lớn và phức tạp, giữa các tổ chức phát hành chứng khoán và các nhà đầu tư.

Nói cách khác, thông qua ngân hàng đầu tư, các doanh nghiệp, tổ chức thậm chí là chính phủ có thể kết nối với các bên có nhu cầu đầu tư vì họ đang có khoản tiền nhàn rỗi với quy mô lớn.

Nhờ các nghiệp vụ huy động vốn như tư vấn, bảo lãnh phát hành chứng khoán, môi giới…, NHĐT giúp các công ty tiếp cận thị trường vốn một cách dễ dàng.

Qua đó giúp họ có nguồn lực để tiếp tục tăng trưởng cũng như tồn tại, và rồi thúc đẩy nền kinh tế phát triển một cách hiệu quả.

Hiện nay, nền kinh tế quốc dân đang theo đà hội nhập quốc tế và chứng kiến nguồn vốn từ nước ngoài đổ về Việt Nam ngày càng lớn, nhờ vậy tạo điều kiện cho các NHĐT phát huy tối đa vai trò của mình cũng như phát triển mạnh mẽ.

Neobank được biết đến là ngân hàng kỹ thuật số, được vận hành trên trực tuyến một cách toàn diện thay vì sở hữu phòng giao dịch hay các chi nhánh như hệ thống ngân hàng truyền thống.

Khách hàng có thể dễ dàng mở tài khoản, đăng ký thẻ ngân hàng, quản lý tiền bạc… trên chính chiếc smartphone của mình.

Thị trường tài chính ngày càng phát triển, việc xuất hiện các công ty fintech như Neobank là điều hấp dẫn đối với khách hàng, bởi chính sự thuận tiện trong việc thực hiện các giao dịch.

Với nền tảng công nghệ số hiện đại, việc thu thập thông tin và phân tích dữ liệu cũng trở nên nhanh chóng hơn, giúp Neobank đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Tuy nhiên, các dịch vụ được cung cấp bởi Neobank còn hạn chế rất nhiều so với các ngân hàng truyền thống, gây khó khăn trong việc thỏa mãn nhu cầu của một số khách hàng.

Việc ra đời Neobank đánh dấu bước ngoặt trong kỷ nguyên của Fintech cũng như ngành tài chính thế giới, song hình thức ngân hàng này vẫn chưa được đón nhận tại thị trường Việt Nam.