Tháng 3/2023, Hoa Kỳ đã chứng kiến một chuỗi rắc rối lớn đối với các tổ chức tài chính liên quan đến các lĩnh vực công nghệ và khởi nghiệp.
- Silvergate Capital, công ty cổ phần của một ngân hàng từ năm 2016 đã đặt cược lớn vào việc phục vụ nền kinh tế tiền điện tử mới nổi, đã thông báo vào thứ Năm (09/03) rằng họ sẽ ngừng hoạt động và tự nguyện giải thể.
- Ngân hàng Silicon Valley (SVB), ngân hàng lớn thứ 16 ở Hoa Kỳ, từ lâu cũng đóng vai trò quản lý tiền cho các công ty khởi nghiệp được đầu tư bởi các quỹ mạo hiểm, đã bị các cơ quan quản lý nhà nước đóng cửa vào thứ Sáu (10/03).
- Ngân hàng Signature, cũng tập trung mạnh vào tiền điện tử nhưng lớn hơn nhiều so với Silvergate, đã bị các cơ quan quản lý ngân hàng tịch thu vào tối Chủ nhật (12/03).
Nói ngắn gọn, các ngân hàng ở trên đã sụp đổ bởi cùng một nguyên nhân đó là việc rút tiền ồ ạt của khách hàng. Những khách hàng trước đây của họ, dù là các sàn giao dịch crypto hay các công ty khởi nghiệp công nghệ, đang phải đối mặt với những thách thức kinh doanh lớn, phần lớn là do điều kiện kinh tế và tài chính bị siết chặt. Điều đó đã dẫn đến việc giảm tiền gửi và tăng lượng rút tiền mặt vào thời điểm mà nhiều ngân hàng nắm giữ các loại tài sản phi tiền mặt dài hạn đang bị thị trường vùi dập.
Cú nổ đầu tiên: Ngân hàng Silvergate
Ngân hàng Silvergate, từng được coi là nền móng trong thế giới tiền điện tử, đã tuyên bố đóng cửa và trả lại tiền gửi vào thứ Năm (09/03). Trong một thông cáo báo chí, Silvergate cho biết họ đưa ra quyết định đóng cửa là “do sự phát triển của ngành và quy định gần đây” đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của họ.
Rõ ràng là trong một thời gian trước đó, công ty đã phải vật lộn với sự sụp đổ của một số khách hàng nổi tiếng nhất của họ như FTX và Genesis.
Vào quý 4/2022, Silvergate chứng kiến gần 70% số tiền gửi của họ rời khỏi ngân hàng, buộc họ phải bán một lượng lớn danh mục đầu tư trái phiếu của mình trong khi trái phiếu đang bị thua lỗ; điều này làm bốc hơi rất nhiều vốn chủ sở hữu của cổ đông. Lãi suất tăng mạnh đã nhấn chìm hầu hết các loại trái phiếu xuống nước. Vào tháng 1/2023, báo cáo thu nhập của Silvergate cho thấy, ngân hàng đã mất 01 tỷ đô la trong một quý sau khi khách hàng của họ rút 8.1 tỷ đô la. Sau đó, vào ngày 01/03, họ đã phải nộp một tài liệu bổ sung cho rằng tình hình tài chính của họ thậm chí đang tồi tệ hơn so với báo cáo quý đã chỉ ra.
Nhìn chung, một số lo ngại lớn đối với thị trường tiền điện tử đã phát sinh sau khi Silvergate sụp đổ và ngưng hoạt động. Bởi mạng lưới thanh toán của Silvergate đã tạo điều kiện và hỗ trợ cho hơn 01 nghìn tỷ đô la giao dịch, và là cầu nối giữa các sàn giao dịch tiền điện tử như Coinbase, Gemini và Kraken để chuyển tiền giữa họ và các tổ chức khác.
Thảm họa thứ hai: Ngân hàng Thung lũng Silicon
Ít được công chúng biết đến, Silicon Valley Bank (SVB) là ngân hàng chuyên tài trợ cho các công ty khởi nghiệp công nghệ và đã trở thành một trong những ngân hàng lớn nhất ở Hoa Kỳ tính theo quy mô tài sản: vào cuối năm 2022, SVB có 209 tỷ đô la tài sản và khoảng 175.4 tỷ đô la tiền gửi.
Sai lầm của SVB là đầu tư vào chứng khoán thế chấp (chủ yếu là trái phiếu) dài hạn với thời gian đáo hạn hơn 10 năm, thay vì Trái phiếu Kho bạc có kỳ hạn ngắn hơn hoặc các khoản thế chấp đáo hạn trong 05 năm. Điều này đã dẫn đến sự mất cân đối lớn giữa tài sản/nợ của ngân hàng. Khi lãi suất tăng mạnh trở lại và thị trường trái phiếu sụp đổ vào năm 2022 (giá trái phiếu biến động ngược chiều với lợi suất), danh mục đầu tư trái phiếu của SVB đã bị ảnh hưởng nặng nề và giá trị ròng của danh mục rớt không phanh. Vào cuối năm 2022, SVB nắm giữ 117 tỷ USD chứng khoán, chiếm phần lớn trong tổng tài sản 211 tỷ USD.
Các trái phiếu này bị lỗ nặng vào cuối năm 2022, từ khoảng 91 tỷ đô la trong danh mục đầu tư trái phiếu, được phân loại là chứng khoán “giữ đến ngày đáo hạn”, trị giá chỉ còn 76 tỷ đô la. Khoản lỗ 15 tỷ đô la là một con số khổng lồ so với khoản lỗ chỉ 1 tỷ đô la vào cuối năm 2021, trước khi giá trái phiếu giảm. Lợi suất trung bình của danh mục đầu tư trái phiếu của SVB lúc đó chỉ ở mức 1.6%, còn lợi suất của chứng khoán thế chấp hiện tại là khoảng 4-5%.
Mặc dù khoản lỗ trên là thật nhưng SVB không cần phải ghi nhận chúng vì các quy tắc kế toán cho phép chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn được ghi nhận với giá gốc của chúng. Khoản lỗ đối với những trái phiếu này, nếu được ghi nhận vào báo cáo, có thể xóa sạch gần như toàn bộ vốn chủ sở hữu trị giá 16 tỷ đô la của ngân hàng vào cuối năm 2022.
Trong khi SVB đang gánh chịu khoản lỗ kinh tế lớn, các nhà đầu tư và nhà phân tích vẫn chưa thực sự chú ý đến nó. Cho đến thứ Năm (10/3), tâm lý hoang mang bắt đầu lan rộng sau khi SVB tuyên bố đã bán 21 tỷ đô la chứng khoán và ghi nhận lỗ 1.8 tỷ đô la trong quá trình này, và đang tìm cách huy động vốn nhanh chóng để đối phó với tình trạng rút tiền ồ ạt của khách hàng, nhưng đã không thành công.
Tổng số tiền khách hàng rút từ ngân hàng này vào thứ Năm lên tới 42 tỷ đô la, và đã khiến các cơ quan quản lý Hoa Kỳ phải vội vã can thiệp, đóng cửa và tịch thu tài sản của SVB vào thứ Sáu hôm sau. Qua đó, SVB đã trở thành tổ chức lớn thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ sụp đổ, đứng sau Washington Mutual trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Sụp đổ theo hiệu ứng Domino: Ngân hàng Signature
Signature Bank là một trong hai ngân hàng, hay cầu nối, được sử dụng rộng rãi trong thế giới tiền điện tử, bên cạnh Silvergate.
Các cơ quan quản lý nhà nước đã bất ngờ cho đóng cửa Signature Bank có trụ sở tại New York vào Chủ nhật (12/03), và đánh dấu vụ sụp đổ lớn thứ ba trong lịch sử ngân hàng Hoa Kỳ, hai ngày sau khi Silicon Valley Bank (SBV) đóng cửa. Các nhà quản lý cho rằng việc giữ ngân hàng này hoạt động có thể đe dọa đến sự ổn định của toàn bộ hệ thống tài chính, cho rằng “rủi ro hệ thống” là có khả năng.
Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) sau đó đã nắm quyền kiểm soát Signature. Theo Bộ Dịch vụ Tài chính của bang New York, ngân hàng Signature có tài sản trị giá 110.36 tỷ USD và 88.59 USD tiền gửi vào cuối năm 2022.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của các ngân hàng trên?
Có hai nguyên nhân dẫn đến những vấn đề này: (1) Chu kỳ kinh doanh và (2) việc thắt chặt lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Hai yếu tố này cũng có mối liên hệ với nhau và được thúc đẩy song song, nhất là từ khi dịch COVID-19 bùng nổ.
Đầu tiên, việc Fed tăng lãi suất đã gây áp lực tức thời, nhấm chìm Silvergate và SVB. Bởi về cơ bản, lợi suất trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ tăng nhanh chóng thường sẽ kéo theo dòng tiền đầu tư ra khỏi các lĩnh vực rủi ro cao bao gồm công nghệ và tiền điện tử.
Và sau đó, như Wall Street Journal giải thích một cách đơn giản, việc phát hành trái phiếu kho bạc mới với lợi suất cao hơn sẽ làm giảm giá trị thị trường của các trái phiếu với lợi suất thấp hơn đã tăng vọt từ trước đó. Hầu hết các ngân hàng, trong thời kỳ COVID-19, đã nắm giữ một lượng lớn Trái phiếu Kho bạc làm tài sản thế chấp cho tài sản của mình theo yêu cầu của pháp luật. Điều này nghĩa là rủi ro tương tự cũng xảy ra với Silvergate và SVB, khi phần lớn tài sản của họ nằm ở dạng trái phiếu dài hạn đã bị tổn thất nặng nề.
Bên cạnh đó, Silvergate và SVB còn phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến chu kỳ kinh doanh, là rủi ro cụ thể mà không phải ngân hàng hay lĩnh vực nào cũng phải đối mặt. Cả hai đều phục vụ cho các lĩnh vực, lần lượt là các công ty công nghệ được đầu tư mạo hiểm và tiền điện tử, đã chứng kiến sự tăng vọt trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19. Cả hai lĩnh vực đều được hưởng lợi từ việc phong tỏa và giãn cách xã hội, do nhu cầu sử dụng công nghệ tăng cao và đặc biệt là tiền điện tử được hưởng lợi từ các tấm séc cứu trợ đại dịch được gửi đến người Mỹ.
Điều này có nghĩa là cả hai ngân hàng đều nhận được dòng vốn rất lớn trong suốt năm 2020 và đến đầu năm 2021. Bảng cân đối kế toán của SVB đã tăng gấp ba lần từ cuối năm 2019 đến tháng 3/2021. Tài sản của Silvergate cũng tăng mạnh vào năm 2021.
Cả hai ngân hàng đã mua thêm rất nhiều trái phiếu làm tài sản thế chấp để ngăn chặn sự tăng trưởng mạnh của dòng tiền gửi đó – vào thời điểm mà lãi suất của những trái phiếu đó vẫn ở mức khoảng 1%. Nhưng giờ, lãi suất trái phiếu mới hiện đã gần 4% do Fed liên tục tăng lãi suất, khiến nhu cầu đối với trái phiếu cũ sụt giảm mạnh và giá trị của nó cũng sụt giảm theo.Đó là lý do tại sao, vào thời điểm khách hàng trong các lĩnh vực “bùng nổ” này bắt đầu rút tiền gửi của họ ra khỏi những danh mục đang lao dốc, Silvergate và SVB buộc phải bán tài sản mặc cho có đang thua lỗ, để có thanh khoản đáp ứng nhu cầu rút tiền.
Chính phủ Mỹ đã can thiệp và bảo vệ người gửi tiền như thế nào?
Tốc độ mà SVB, ngân hàng cho vay lớn thứ 16 ở Hoa Kỳ, bị lật đổ do đột biến rút tiền gửi đã khiến các nhà đầu tư và cả thị trường trong và ngoài Mỹ phải điêu đứng và lo sợ. Diễn biến tuần 06-09/03 đã lấy đi hơn 100 tỷ đô la giá trị thị trường khỏi các ngân hàng tại Hoa Kỳ, khiến các quan chức chính phủ nước này phải hành động nhanh chóng vào cuối tuần đó để cố gắng khôi phục niềm tin vào hệ thống tài chính của Mỹ.
Tối Chủ nhật (03/12), chính phủ Hoa Kỳ đã thông báo rằng tất cả những người gửi tiền vào SBV sẽ có quyền truy cập vào toàn bộ số tiền của họ. Nói đơn giản, sự bảo vệ của FDIC—thường chỉ lên tới 250,000 USD cho mỗi tài khoản—đã trở thành không giới hạn sau khi quan chức nước này lên tiếng. Ngoài ra, Fed cũng đã gấp rút tạo ra một chương trình mới để giúp bảo vệ các ngân hàng khác khỏi các vụ đột biến rút tiền gửi, nếu gặp phải hiệu ứng lan tỏa sau các vụ vừa qua.
Ngoài ra, FDIC đã thành lập một ngân hàng kế nhiệm, hay là ngân hàng "cầu nối", vào Chủ Nhật, cho các ngân hàng đã sụp đổ vừa qua, để có thể cho phép khách hàng tiếp cận tiền của họ bắt đầu vào thứ Hai (13/03). FDIC cho biết những người gửi tiền và người đi vay của Signature Bank sẽ tự động trở thành khách hàng của ngân hàng “cầu nối” này. Đồng thời, sẽ có một số các cổ đông và chủ nợ không có bảo đảm của Signature và SVB sẽ không được bảo hiểm, và các quản lý cấp cao của cả hai ngân hàng đã được cho từ chức và xử lý theo pháp luật.
Tổng thống Joe Biden cho biết trong một tuyên bố vào Chủ Nhật: “Người dân Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ có thể tin tưởng rằng tiền gửi ngân hàng của họ sẽ ở đó khi họ cần.”
Đây vẫn còn là một nền kinh tế thời kỳ COVID
Nếu bạn chỉ nhìn vào một phần của bức tranh, bạn có thể sẽ muốn chọn ra một lý do nào đó hay bất kỳ một ai để đổ lỗi cho mớ hỗn độn này. Nhưng có lẽ gần với sự thật hơn là, mọi người đơn giản chỉ đang cố gắng cùng thoát khỏi một vụ đắm tàu do COVID gây ra trên cùng một chiếc thuyền cứu sinh đang bị rò rỉ, và xem ai sẽ bị chìm trước.
Ví dụ: một số người (đặc biệt là những người chơi bitcoin) sẽ muốn đổ lỗi cho Fed về việc tăng lãi suất, nhưng đó là một biện pháp thực sự cần thiết để kiềm chế lạm phát. Và lạm phát đó cơ bản là kết quả của cả việc tăng chi phí thực liên quan đến COVID-19 và nguồn cung tiền được bơm ra ngoài đáng kể nhờ các chính sách cứu trợ COVID. Chi phí và lợi ích ròng của những chính sách đó sẽ mất nhiều năm mới có thể được ghi nhận đầy đủ, nhưng sự chỉ trích chống lại Fed tại thời điểm này là tốt nhất.
Mặt khác, nhiều người trong giới đầu tư truyền thống sẽ đổ lỗi cho chính lĩnh vực “bong bóng” - tiền điện tử về cuộc khủng hoảng ngân hàng mới chớm nở này. Bằng chứng rõ ràng nhất cho tuyên bố này là Silvergate, “ngân hàng tiền điện tử”, đã sụp đổ đầu tiên, và bạn có thể nghe tới nó được ví như là “quân domino đầu tiên đổ xuống”, nhưng đó đơn giản không phải là thực tế.
Silvergate thực sự đứng trên ranh giới mong manh hơn, vì nó đã tham gia vào một vụ đặt cược dài hạn về sự suy thoái trên toàn nền kinh tế vào tiền điện tử, một vụ đặt cược vượt xa thực trạng của việc áp dụng và doanh thu bền vững đối với lĩnh vực này. Nhưng đó không phải là nguyên nhân thực sự gây ra cuộc khủng hoảng thanh khoản và sự sụp đổ của nó sẽ không gây ra bất kỳ sự thất bại trên diện rộng toàn hệ thống ngân hàng trong tương lai.
Nói chung, mọi ngân hàng ở Mỹ, cho dù họ đang tài trợ cho các sàn giao dịch crypto hay các loại hàng hóa như giống ngô và đậu Hà Lan, đều phải đối mặt với nhiều áp lực cơ cấu giống nhau. Nguyên nhân sâu xa của chúng đều bắt nguồn từ sự gián đoạn lớn trong nền kinh tế – một loại virus đã giết chết hơn sáu triệu người. Nếu có một bài học cần tiếp thu ngay bây giờ, thì đó là dù có đánh cược với các đòn bẩy tài chính tới đầu thì cũng không thể tránh khỏi tình trạng hỗn loạn xảy ra trong thế giới thực.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.