Điểm nhấn chính:
- Tài sản nợ phổ biến nhất thường được chứng khoán hóa là các khoản thế chấp mua nhà và ô tô.
- Hiểu biết cơ bản về chứng khoán: các loại chứng khoán hóa phổ biến gồm chứng khoán chuyển tiếp, chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp (MBS) và chứng khoán bảo đảm bằng nợ (hay CDO).
Cùng tìm hiểu một số loại tài sản phổ biến thường được ngân hàng thực hiện chứng khoán hóa, cũng như cách ngân hàng chứng khoán các tài sản này.
Các tài sản cơ sở phổ biến của chứng khoán hóa
Bất cứ thứ gì tạo ra dòng thu nhập đều có thể được chứng khoán hóa thành một tài sản tiền tệ có thể giao dịch được. Tuy nhiên, một số loại tài sản phổ biến thường được chuyển thành một chứng khoán đảm bảo bằng tài sản cơ sở (Assets-Backed Securities hay ABS), bao gồm:
Các khoản vay mua nhà thế chấp
Chứng khoán hóa, về nguồn gốc, được xuất thân từ các khoản vay mua nhà thế chấp. Các khoản vay mua nhà thế chấp có thể gộp lại thành một danh mục tài sản được chia thành các nhóm (tranche) phân theo mức độ rủi ro, sau đó bỏ vào một công ty. Công ty này có dòng tiền đến từ việc người mua nhà trả gốc và lãi suất của khoản vay mua nhà thế chấp. Công ty này sau đó sẽ phát hành các khoản nợ có lãi suất cố định và bán cho các nhà đầu tư. Sản phẩm này được gọi là chứng khoán đảm bảo bằng khoản vay mua nhà thế chấp (Mortgage-backed Securities hay MBS). Các nhà đầu tư mua MBS sẽ nhận được tiền lãi và tiền gốc đến từ dòng tiền của các khoản thanh toán lãi của các khoản vay mua nhà.
Khoản vay mua ô tô
Một loại phổ biến khác của ABS là chứng khoán đảm bảo bằng khoản vay mua ô tô. Các khoản vay mua ô tô cũng được gộp lại, chia thành nhiều nhóm có các mức độ rủi ro khác nhau và được bán dưới dạng chứng khoán cho các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư sở hữu chứng khoán này sẽ được nhận dòng tiền được tạo ra bởi những tài sản này, bao gồm cả khoản thanh toán lãi hàng tháng và khoản thanh toán gốc. Chứng khoán từ khoản vay mua ô tô thường có rủi ro cao hơn so với MBS, và do đó thường có lãi suất cao hơn.
Khoản phải thu thẻ tín dụng
Khoản phải thu thẻ tín dụng cũng có thể được chuyển thành một loại chứng khoán đảm bảo bằng tài sản cơ sở là khoản phải thu đó. Loại ABS này không có số tiền thanh toán cố định, các khoản vay mới hay những thay đổi số dư nợ cho vay của chủ thẻ tín dụng, có thể tác động đến số dư được thanh toán hết. Dòng tiền của các chứng khoán khoản phải thu thẻ tín dụng bao gồm khoản lãi, phí hàng năm và nợ gốc. Đây được coi là chứng khoán hóa có rủi ro cao.
Các khoản vay sinh viên
Khoản vay sinh viên cho việc học đại học cũng có thể là tài sản cơ sở cho các ABS. Các khoản hỗ trợ sinh viên này do chính phủ cung cấp và được Bộ Giáo dục quốc gia bảo lãnh. Ngoài ra còn có các khoản vay sinh viên tư nhân nhưng thường có rủi ro cao hơn và đem lại khả năng sinh lời lớn hơn.
Hiểu biết cơ bản về chứng khoán: Các loại chứng khoán hóa
Dưới đây là một số loại chứng khoán hóa phổ biến nhất:
Chứng khoán “chuyển tiếp”
Chứng khoán “chuyển tiếp” (pass-through security) là loại chứng khoán hóa đơn giản nhất. Chúng thường được sử dụng như các chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp (MBS), theo đó các khoản thanh toán từ các khoản thế chấp cơ sở được chuyển tiếp đến cho các nhà đầu tư. Dòng tiền thu được từ các tài sản cơ sở sẽ được dùng để thanh toán cho các nhà đầu tư theo tỷ lệ tương đương với quyền sở hữu chứng khoán của họ.
Chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp (MBS)
Đây là các chứng khoán được tạo ra bằng cách tổng hợp một số lượng lớn các khoản vay thế chấp (nhà ở hoặc thương mại), và sau đó bán chúng tới các nhà đầu tư. Các khoản thu nhập từ các khoản vay thế chấp được phân phối cho các nhà đầu tư dưới dạng các khoản lãi và khoản gốc.
Nghĩa vụ nợ được thế chấp (CDO)
CDO được cấu trúc thành nhiều nhóm (tranche) với các mức độ rủi ro và lợi nhuận khác nhau. Chúng có thể được đảm bảo bởi nhiều loại tài sản, như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán đảm bảo bằng tài sản (ABS) hoặc các CDO khác. Dòng tiền từ các tài sản cơ sở, bao gồm tiền gốc và lãi, được thanh toán từ các tranche cao cấp nhất rồi giảm dần.
Ví dụ về chứng khoán hóa
Giả sử, một ngân hàng có danh mục gồm 100 khoản vay mua nhà, mỗi khoản có số tiền vay gốc là 2 tỷ đồng với lãi suất là 12%. Ngân hàng muốn chứng khoán hóa các khoản nợ và bán cho các nhà đầu tư.
Theo đó, ngân hàng sẽ tạo ra một pháp nhân (Special Purposed Vehicle), là thực thể sẽ phát hành một loại chứng khoán nợ, ví dụ như trái phiếu, được đảm bảo bởi các khoản thanh toán lãi vay mua nhà, đây được xem là tài sản cơ sở. Điều này có nghĩa là ngân hàng chuyển các khoản vay đó cho SPV và SPV sẽ thu các khoản thanh toán hàng tháng từ người vay.
Sau đó, các nhà đầu tư mua trái phiếu mà SPV phát hành, sẽ nhận được một phần các khoản thanh toán của khoản vay theo mức lãi suất nhất định. Giả sử trái phiếu được bán toàn bộ 200 tỷ với mệnh giá 100,00 đồng, tương với lãi suất 10%. Điều này có nghĩa là khoản lãi 200 tỷ *10% năm trả cho nhà đầu tư.
Nhìn chung, SPV sẽ thu được một khoản lợi nhuận từ chênh lệch giữa tiền lãi nhận được từ người đi vay (lãi suất 12%) và tiền lãi phải trả cho nhà đầu tư (lãi suất 10%), sau khi trừ đi mọi khoản phí khác.
Chứng khoán đảm bảo bằng tài sản cơ sở là một khái niệm quan trọng trong thị trường chứng khoán. Mặc dù ở Việt Nam, chứng khoán đảm bảo bằng tài sản còn chưa phổ biến, song đây cũng là những hiểu biết cơ bản về chứng khoán mà nhà đầu tư cần hiểu khái niệm. Khi thị trường tài chính phát triển, đây là một loại tài sản khá phổ biến, đặc biệt là chứng khoán đảm bảo bằng vốn chủ sở hữu nhà ở.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.