Điểm nhấn chính:
- Các hình thức lừa đảo đang ngày càng đa dạng và phong phú nhằm chiếm đoạt tài sản và thông tin cá nhân của người dùng, điển hình là việc lừa đảo trong đầu tư tiền điện tử.
- Tìm hiểu kỹ trước khi đầu tư tiền điện tử để giảm thiểu khả năng trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo tiền điện tử.
Cơn sốt “Bitcoin” đang nóng dần lên hơn bao giờ hết, thậm chí giá Bitcoin còn được dự báo có thể đạt tới 100,000 USD từ vạch xuất phát dưới 1 USD trước đây và trở thành ứng cử viên hàng đầu cho câu hỏi kênh đầu tư nào tốt nhất. Tiềm năng thu được lợi nhuận khổng lồ đó đã đánh vào nhu cầu làm giàu của hàng trăm ngàn nhà đầu tư lớn nhỏ, đặc biệt là các nhà đầu tư F0.
Song, giá của Bitcoin chỉ được xác định bởi cung cầu trên thị trường và không được bảo vệ bởi bất kỳ Chính phủ nào nên nó có độ rủi ro rất cao. Đặc biệt, tình trạng Lừa đảo tiền điện tử (crypto scams) đang nổi lên với vô vàn các hình thức khác nhau, lợi dụng niềm tin của nhà đầu tư để chiếm đoạt tài sản và thông tư cá nhân. Tititada sẽ chỉ ra các hình thức lừa đảo có thể xuất hiện của tiền điện tử và cách để giúp bạn tránh bị lừa nhé!
Các hình thức lừa đảo tiền điện tử
1. Lừa đảo tống tiền
Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) cho biết một số kẻ lừa đảo sẽ khẳng định rằng họ đang nắm giữ thông tin cá nhân đáng xấu hổ, bao gồm ảnh hoặc video của chính bạn, để dụ bạn vào bẫy. Họ thường sẽ đe dọa công khai thông tin nhưng với lời hứa sẽ giữ kín thông tin của bạn nếu bạn làm theo ý họ. Nhu cầu của họ dường như luôn giống nhau — bạn có thể giải quyết vấn đề nếu gửi cho họ một khoản chuyển tiền điện tử ngay lập tức.
2. Lừa đảo "cơ hội kinh doanh"
Trò lừa đảo này có thể diễn ra theo nhiều cách, nhưng cách bắt đầu phổ biến là khi ai đó liên hệ bạn để đề nghị một cơ hội kinh doanh với lời hứa giúp bạn trở nên giàu có. Trong một số trường hợp, những kẻ lừa đảo dụ dỗ bạn đầu tư tiền điện tử bằng cách nói với bạn rằng họ có thể mang lại cho bạn lợi nhuận đặc biệt, thậm chí tăng gấp đôi hoặc gấp ba số tài sản tiền điện tử của bạn chỉ sau một đêm, và không có kênh đầu tư nào tốt hơn.
Dù bằng cách nào, bạn nên biết rằng không có cái gọi là "lợi nhuận được đảm bảo" và điều đó đặc biệt đúng khi nói đến tài sản kỹ thuật số. Nếu ai đó liên hệ với bạn và nói rằng họ có thể làm nên điều kỳ diệu với tiền điện tử của bạn và giúp bạn trở nên giàu có một cách nhanh chóng, đừng trả lời.
3. Lừa đảo quà tặng
Loại lừa đảo này hứa hẹn cho bạn tiền miễn phí hoặc một loại giải thưởng khác nếu bạn tuân theo bất cứ điều gì họ muốn bạn làm. Nhiều kẻ lừa đảo đóng giả là người nổi tiếng hoặc người có ảnh hưởng để thu hút những nạn nhân mới chưa hiểu biết rõ về tiền điện tử và khó có thể xác định đâu là sự thật.
Ví dụ: những kẻ lừa đảo trong đầu tư tiền điện tử liên tục cố gắng mạo danh Elon Musk trên mạng xã hội và video để thu hút mọi người gửi tài sản kỹ thuật số. Một vụ lừa đảo tiền điện tử "Freedom Giveaway" của Elon Musk diễn ra trên Twitter thậm chí còn hứa hẹn sẽ tặng tiền điện tử miễn phí cho 1,000 người theo dõi mới đầu tiên đã đăng ký, nhưng toàn bộ sự việc chỉ là một trò lừa đảo.
4. Lừa đảo đầu tư
FTC cho biết, trong cách lừa đảo này, một nhà quản lý đầu tư mà bạn chưa từng nghe nói đến sẽ liên hệ với bạn để giới thiệu một cơ hội đầu tư đáng kinh ngạc. Tất nhiên, quá trình này sẽ bắt đầu bằng việc bạn gửi tiền điện tử vào tài khoản trực tuyến của họ hoặc tải xuống một ứng dụng giúp bạn làm giàu và bạn cần phải thực hiện điều đó thật nhanh chóng.
Trong nhiều trường hợp, những kẻ lừa đảo này sẽ có các trang web có vẻ hợp pháp và sử dụng những thuật ngữ đầu tư phức tạp, gây khó hiểu cho bạn để khiến chúng trở nên chuyên nghiệp và để bạn không hiểu gì về nó. Tuy nhiên, nếu bạn đăng nhập vào tài khoản của mình bằng nền tảng này, bạn có thể bị chặn rút tiền hoặc chỉ có thể rút tiền mặt với một khoản phí cao cắt cổ.
5. Mô hình "Pump and Dump”
Trò lừa đảo này diễn ra khi một nhóm người tập hợp lại để lôi kéo người khác đầu tư vào một loại tiền cụ thể, thường bằng cách đăng lên mạng xã hội để tạo dựng sự cường điệu. Sau đó, những kẻ lừa đảo này sẽ cùng nhau đẩy giá lên cao, nhà đầu tư sẽ thấy loại tiền đó là tiềm năng và tiếp tục đổ tiền vào đó, giúp giá càng lên cao hơn nữa mà không chốt lời. Khi giá đã tăng lên quá cao, những kẻ lừa đảo sẽ đồng loạt bán, tạo áp lực khiến chúng rớt giá một cách thê thảm. Đương nhiên, những gì còn lại là những nhà đầu tư F0 với số vốn đã “bốc hơi” hết!
Làm thế nào để tránh trở thành nạn nhân của lừa đảo đầu tư tiền điện tử
Khi nói đến lừa đảo trong đầu tư tiền điện tử, có khá nhiều dấu hiệu nhận biết cho bạn biết rằng bạn sắp bị lừa. Dưới đây là những cách để tránh trở thành nạn nhân của một trò lừa đảo trong đầu tư tiền điện tử:
1. Tránh xa bất cứ điều gì có vẻ quá tốt để có thể trở thành sự thật
Nếu bạn gặp những lời mời chào như đầu tư tiền điện tử để nhân đôi, nhân ba tài khoản chỉ trong một đêm; mở tài khoản đầu tư sẽ được tặng tiền điện tử miễn phí mỗi tháng; hay mở tài khoản để nhận quà tặng;… thì hãy tránh xa nó nhé! Bạn nên nhớ rằng, không một khoản đầu tư nào mà không có rủi ro. Đầu tư tiền điện tử đúng là có thể gia tăng số vốn của bạn một cách nhanh chóng, nhưng nó cũng có thể bốc hơi chỉ trong một đêm. Ngoài ra, không ai cung cấp cho bạn tiền điện tử miễn phí mà thực tế không làm gì cả, vì thế, đừng vội tin nhé!
2. Bỏ qua các thông tin liên lạc không được yêu cầu
Nếu bạn nhận được email hoặc cuộc gọi điện thoại lạ từ một người có vẻ muốn nói chuyện với bạn và nhanh chóng đề cập đến tiền điện tử, thì cuộc liên lạc gần như chắc chắn là lừa đảo. Bạn nên cố gắng bỏ qua tin nhắn từ những người bạn không quen biết và chỉ trả lời nếu bạn có thể xác minh người đó và tình huống đó là chính đáng.
3. Xác minh thông tin liên lạc
Nếu bạn nhận được các cuộc gọi điện hoặc email từ ngân hàng/ tổ chức nào đó và yêu cầu bạn xác minh thông tin liên lạc cá nhân của mình, hoặc xác nhận mã OTP, tốt nhất không trả lời những email và số điện thoại đó. Nếu bạn đưa thông tin liên lạc hay mã OTP bất cứ tài khoản nào của bạn, bạn có thể sẽ trở thành nạn nhân của một vụ đánh cắp tiền, hoặc trở thành một con nợ khi nào không hay.
4. Tin tuyển dụng "Trả tiền để chơi"
Bạn không bao giờ phải trả phí để thực hiện một công việc hoặc đảm bảo một vị trí trong ngành tiền điện tử. Nếu ai đó đưa ra cho bạn một lời mời làm việc yêu cầu phải trả trước một số tiền, bạn nên đề phòng.
5. Tìm hiểu kỹ trước khi bạn đầu tư tiền điện tử
Có nhiều cách hợp pháp để đầu tư tiền điện tử và các khoản đầu tư khác, nhưng những kẻ lừa đảo luôn sử dụng các kỹ thuật gây áp lực cao để khiến bạn đầu tư trước khi bạn có thời gian thực hiện bất kỳ nghiên cứu nào. Nếu bạn muốn bắt đầu đầu tư, hãy dành chút thời gian tìm hiểu thêm về các công ty mà bạn có thể muốn hợp tác.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.