Điểm nhấn chính:
- 134 quốc gia và liên minh tiền tệ, đại diện cho 98% GDP toàn cầu, đang khám phá tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương phát hành.
- Việt Nam đang bước vào giai đoạn nghiên cứu và xây dựng nền tảng cho việc phát triển tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương phát hành.
Tổng quan về tiền Kỹ thuật số do NHTW phát hành:
Tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương phát hành (CBDC - Central Bank Digital Currency) được xem là dạng số hóa của tiền pháp định (fiat money) – tức là tiền có giá trị pháp lý và được Nhà nước công nhận, nhưng thay vì tồn tại dưới dạng tiền giấy hay tiền xu, nó tồn tại hoàn toàn dưới dạng kỹ thuật số.
Được phát hành bởi Ngân hàng Trung ương – cơ quan quản lý tiền tệ cao nhất của một quốc gia, nên CBDC có được độ tin cậy, tính ổn định và giá trị pháp lý tương tự như tiền mặt truyền thống, khác biệt rõ rệt với các loại tiền mã hóa phi tập trung như Bitcoin hay Ethereum, vốn không có cơ quan phát hành trung ương và thường biến động mạnh về giá trị.
CBDC còn được phân chia thành hai hình thức chính:
- CBDC bán lẻ hướng đến người dân, doanh nghiệp và phục vụ cho các giao dịch thanh toán hàng ngày;
- CBDC bán buôn được thiết kế dành riêng cho các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại, với mục đích tối ưu hóa các giao dịch liên ngân hàng và thanh toán lớn.
Mục tiêu và lợi ích của việc phát hành CBDC
Việc phát hành CBDC là một bước tiến quan trọng trong quá trình hiện đại hóa hệ thống tài chính quốc gia, với nhiều mục tiêu chiến lược và lợi ích lâu dài:
- Nâng cao hiệu quả, tốc độ và tính an toàn của hệ thống thanh toán.
- Cho phép thực hiện các giao dịch tức thời, liên tục 24/7, với chi phí thấp hơn so với hệ thống thanh toán truyền thống, từ đó cải thiện khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ tài chính cho người dân và doanh nghiệp.
- Giúp duy trì vai trò chủ đạo của tiền pháp định trong nền kinh tế số, trong bối cảnh các loại tiền điện tử tư nhân như Bitcoin, Ethereum và đặc biệt là stablecoin đang phát triển mạnh mẽ và có nguy cơ làm suy yếu vai trò kiểm soát tiền tệ của nhà nước.
- Được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tốt hơn cho công tác hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ. CBDC có thể được thiết kế với các tính năng lập trình được (programmable money), cho phép nhà nước thực hiện các chính sách tài khóa có mục tiêu như chuyển khoản hỗ trợ trực tiếp, kiểm soát mục đích sử dụng tiền, hay giới hạn thời gian sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt (ví dụ như kích cầu tiêu dùng trong đại dịch).
Nhìn chung, đối với chính phủ và hệ thống tài chính, CBDC giúp giảm đáng kể chi phí phát hành, vận chuyển, kiểm đếm và bảo quản tiền mặt, đồng thời nâng cao khả năng giám sát và kiểm soát dòng tiền trong nền kinh tế. Điều này góp phần ngăn chặn các hành vi rửa tiền, tài trợ khủng bố, trốn thuế và các hoạt động tài chính bất hợp pháp khác, nhờ vào tính minh bạch và khả năng truy vết cao của công nghệ số.
Với người dân, đặc biệt là những nhóm chưa tiếp cận được hệ thống ngân hàng truyền thống, CBDC mở ra cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức thông qua ví điện tử, không cần tài khoản ngân hàng, qua đó thúc đẩy tài chính toàn diện và giảm bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ tài chính.
Đối với doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực fintech và thương mại điện tử, CBDC có thể thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả thanh toán và mở rộng thị trường, nhờ vào môi trường giao dịch minh bạch, nhanh chóng và tin cậy.
Thực trạng triển khai các đồng CBDC trên thế giới
Theo Atlantic Council (2024), tính đến tháng 9/2024, hiện có 134 quốc gia và liên minh tiền tệ, đại diện cho 98% GDP toàn cầu, đang nghiên cứu CBDC, trong đó đã có 66 quốc gia đang trong giai đoạn nâng cao của việc tìm hiểu - phát triển, thí điểm hoặc đã phát hành. Điều này thể hiện rõ sự quan tâm và nỗ lực của các quốc gia trong việc thích ứng với nền kinh tế số và cải cách hệ thống tiền tệ truyền thống.
CBDC được kỳ vọng rằng, một khi được triển khai hiệu quả, có thể trở thành trụ cột của hệ thống tiền tệ mới, linh hoạt, minh bạch và bền vững hơn trong kỷ nguyên số.
Số lượng quốc gia và liên minh tiền tệ khám phá CBDC theo thời gian từ T4/2021 đến T9/2024 | ||||||||
Sốlượngtheothờigian | T4 2021 | T6 2021 | T12 2021 | T5 2022 | T12 2022 | T6 2023 | T3 2024 | T9 2024 |
Đãpháthành | 1 | 6 | 10 | 10 | 11 | 11 | 3 | 3 |
Thửnghiệm | 18 | 17 | 15 | 15 | 17 | 21 | 35 | 44 |
Pháttriển | 14 | 18 | 15 | 25 | 32 | 32 | 31 | 20 |
Nghiêncứu | 28 | 40 | 43 | 45 | 36 | 46 | 45 | 39 |
Khônghoạtđộng | 10 | 12 | 9 | 10 | 14 | 16 | 17 | 21 |
Bịhủybỏ | 3 | 2 | 2 | 2 | 2 | 2 | 2 | 2 |
Khác | 0 | 5 | 2 | 2 | 2 | 2 | 2 | 5 |
Tổng | 74 | 100 | 96 | 109 | 114 | 130 | 135 | 134 |
Nguồn: Anh & ctg (2025) |
Trung Quốc – Nhân dân tệ số (E-CNY)
Trung Quốc là quốc gia tiên phong trong việc phát triển và thử nghiệm CBDC ở quy mô lớn. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bắt đầu nghiên cứu CBDC từ năm 2014 và đến năm 2020, Trung Quốc chính thức khởi động chương trình thử nghiệm e-CNY, còn gọi là DC/EP (Digital Currency / Electronic Payment). e-CNY được thiết kế như một đồng tiền pháp định kỹ thuật số có thể sử dụng trong các giao dịch bán lẻ hàng ngày, với mục tiêu thay thế dần tiền mặt (M0) chứ không phải thay thế tiền gửi ngân hàng hay các hình thức tín dụng khác.
Mô hình hoạt động của e-CNY theo cơ chế “hai tầng”: Ngân hàng Trung ương phát hành tiền kỹ thuật số cho các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính được ủy quyền, sau đó các đơn vị này sẽ phân phối e-CNY đến người dân và doanh nghiệp thông qua ví điện tử. Đến nay, e-CNY đã được thử nghiệm ở hơn 20 tỉnh và thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Thành Đô…, với hàng triệu người dùng và hàng trăm nghìn điểm chấp nhận thanh toán.
Các ứng dụng của e-CNY trải rộng từ thanh toán mua sắm, giao thông công cộng, y tế, giáo dục đến cả các chương trình trợ cấp và phát lương. Trung Quốc cũng đã thử nghiệm e-CNY trong thương mại xuyên biên giới với một số đối tác như Hong Kong, UAE và Thái Lan. Việc phát triển e-CNY không chỉ phục vụ mục tiêu cải cách hệ thống tiền tệ quốc nội mà còn được xem là chiến lược dài hạn nhằm củng cố vị thế đồng Nhân dân tệ trên thị trường quốc tế và đối trọng với sự ảnh hưởng của đồng USD trong thanh toán toàn cầu.
Khu vực Châu Âu – Euro Kỹ thuật số (Digital Euro)
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu quá trình nghiên cứu phát hành Euro kỹ thuật số từ năm 2020, trong bối cảnh nhu cầu thanh toán số tại châu Âu gia tăng mạnh, đồng thời và chịu tác động từ sự phát triển của các loại tiền kỹ thuật số tư nhân và quốc gia khác. ECB đã hoàn thành giai đoạn nghiên cứu và chính thức bước vào giai đoạn chuẩn bị từ tháng 11/2023, dự kiến kéo dài đến cuối năm 2025. Giai đoạn này sẽ tập trung vào việc hoàn thiện thiết kế kỹ thuật, lựa chọn đối tác phát hành, đảm bảo tính riêng tư dữ liệu và xây dựng khung pháp lý phù hợp cho việc triển khai Euro số.
Đồng Euro kỹ thuật số dự kiến sẽ được phát hành dưới hình thức CBDC bán lẻ, cho phép công dân trong khu vực đồng Euro (Eurozone) có thể thực hiện thanh toán trực tiếp, nhanh chóng và an toàn bằng đồng tiền kỹ thuật số do ECB phát hành. Một điểm đáng chú ý là ECB cam kết không thay thế tiền mặt, mà chỉ cung cấp thêm một lựa chọn thanh toán song song, nhằm duy trì sự ổn định trong hệ thống tài chính và đảm bảo tính bao trùm.
Euro kỹ thuật số đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường chủ quyền tài chính số của châu Âu, giảm sự phụ thuộc vào hệ thống thanh toán quốc tế do bên ngoài kiểm soát, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của thị trường nội khối và thích ứng với bối cảnh kinh tế số đang bùng nổ.
Bahamas – Sand Dollar
Bahamas là quốc gia đầu tiên trên thế giới phát hành chính thức CBDC, với việc ra mắt Sand Dollar vào tháng 10/2020. NHTW Bahamas đã phát triển Sand Dollar như một phản ứng đối với các thách thức đặc thù của quốc đảo này, bao gồm hệ thống ngân hàng phân tán, cơ sở hạ tầng tài chính hạn chế ở các đảo nhỏ và rủi ro cao từ thiên tai khiến việc vận chuyển và bảo quản tiền mặt gặp nhiều khó khăn.
Sand Dollar được phát hành dưới dạng tiền pháp định kỹ thuật số có giá trị tương đương với đồng Dollar Bahamas. Nó có thể được sử dụng thông qua ví điện tử trên điện thoại thông minh hoặc thẻ thông minh dành cho người không có thiết bị số, và không yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng. Người dùng có thể sử dụng Sand Dollar để thanh toán tại cửa hàng, chuyển khoản P2P và thực hiện các giao dịch cơ bản khác.
Tuy nhiên, bất chấp việc triển khai sớm và thuận lợi về mặt kỹ thuật, mức độ áp dụng thực tế của Sand Dollar vẫn còn tương đối thấp, do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân chưa thay đổi, cùng với sự hạn chế trong việc mở rộng hệ sinh thái chấp nhận thanh toán bằng Sand Dollar. Chính phủ và NHTW Bahamas đang nỗ lực mở rộng tuyên truyền, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp và cung cấp các ưu đãi để khuyến khích người dân sử dụng CBDC trong giao dịch hàng ngày.
Tình hình phát triển CBDC tại Việt Nam
Hiện nay, Việt Nam đang bước vào giai đoạn nghiên cứu và xây dựng nền tảng cho việc phát triển CBDC trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ của hệ thống tài chính toàn cầu. Một trong những bước đi quan trọng là việc Chính phủ ban hành Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021, phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021–2025, trong đó giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nghiên cứu, đề xuất cơ chế và chính sách liên quan đến CBDC.
Trên cơ sở đó, NHNN đang phối hợp với các cơ quan hữu quan để đánh giá các mô hình phát triển CBDC của thế giới, đồng thời nghiên cứu xây dựng khung pháp lý, chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ (đặc biệt là hạ tầng blockchain, bảo mật thông tin), và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm phục vụ cho việc thử nghiệm và triển khai CBDC trong tương lai.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với không ít thách thức trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu này:
- Vấn đề pháp lý, khi hệ thống luật pháp hiện hành chưa có quy định cụ thể về tiền kỹ thuật số do NHTW phát hành – từ tên gọi, bản chất pháp lý cho đến các quy định về quyền sở hữu, quản lý và giám sát.
- Yêu cầu rất cao về hạ tầng công nghệ, đòi hỏi khả năng xử lý giao dịch lớn, độ ổn định và bảo mật tuyệt đối.
- Việc bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu người dùng cũng là một vấn đề quan trọng cần được tính đến để đảm bảo niềm tin của người dân đối với CBDC.
- Nguồn nhân lực am hiểu sâu về công nghệ tài chính, quản lý rủi ro và chính sách tiền tệ số cũng là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện tại.

Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.



Bài viết liên quan
Thực trạng phát triển tiền Kỹ thuật số do NHTW phát hành trên thế giới
29/04/25
Việt Nam và bài toán cân bằng vai trò của FDI
20/04/25
Đầu tư vào phát triển AI làm động lực tăng trưởng kinh tế
10/04/25
Đầu tư vàng nên mua loại nào?
05/04/24
Chứng chỉ lưu ký và những điều bạn nên biết
04/04/24
Xu hướng tài sản số năm 2024: Bitcoin vượt đỉnh
22/03/24
Cách để nhận ra các vụ lừa đảo tiền điện tử năm 2024
21/03/24
Tiền điện tử - Mỏ vàng giàu có hay trò lừa đảo?
20/03/24
Thực trạng phát triển tiền Kỹ thuật số do NHTW phát hành trên thế giới
29/04/25
Việt Nam và bài toán cân bằng vai trò của FDI
20/04/25
Đầu tư vào phát triển AI làm động lực tăng trưởng kinh tế
10/04/25
Chỉ số VN30 theo Bộ chỉ số HOSE-Index phiên bản 4.0
15/03/25
Chứng quyền và những điều bạn nên biết
07/12/24
Khái quát về thông tư 155/2025/TT-BTC
03/10/24
Warren Buffett bất ngờ bán lượng lớn cổ phiếu Apple
27/09/24
TTCK Việt Nam tiến đến thị trường mới nổi_P2
15/08/24