Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Chứng khoán hóa là gì?

Nội dung

    Chứng khoán hóa hoạt động như thế nào?

    Chứng khoán hóa được bắt đầu khi một tổ chức tài chính (như ngân hàng) có một nhóm tài sản, chẳng hạn như khoản vay mua nhà thế chấp, khoản vay mua ô tô hoặc nợ thẻ tín dụng. Thay vì nắm giữ những tài sản này và thu tiền thanh toán từ người vay, ngân hàng có thể gộp chúng lại rồi bán cho một công ty phục vụ mục đích đặc biệt (SPV). SPV là một thực thể được thành lập đặc biệt với mục đích mua và nắm giữ các tài sản.

    Sau đó, SPV sẽ phát hành một công cụ chứng khoán, có thể là cổ phiếu, hoặc các khoản vay, được đảm bảo bằng các tài sản nợ nói trên, và bán nó cho các nhà đầu tư có nhu cầu, thường là các tổ chức (như quỹ hưu trí, quỹ tương hỗ,…). Các nhà đầu tư sẽ nhận được thu nhập, hoặc dòng tiền, từ các khoản thanh toán lãi được tạo ra bởi các tài sản nợ trong công cụ chứng khoán hóa đó.

    Tại sao ngân hàng muốn chứng khoán hóa tài sản?

    Một trong những lợi ích chính của chứng khoán hóa, là nó cho phép ngân hàng xử lý các khoản nợ cho vay bị ràng buộc trong tài sản dài hạn, chẳng hạn như khoản vay thế chấp mua nhà có thời hạn 20 năm hay khoản vay mua ô tô có thời hạn 3 đến 5 năm. Bằng cách bán những tài sản này cho SPV và nhận lại tiền mặt, ngân hàng có thể sử dụng số tiền mặt đó để cấp vốn cho các khoản vay mới hoặc khoản đầu tư mới, nhằm tiếp tục phát triển kinh doanh và tăng lợi nhuận.

    Một ưu điểm khác là nó cho phép các ngân hàng chuyển rủi ro từ các khoản cho vay này cho các nhà đầu tư. Ví dụ, nếu một ngân hàng nắm giữ một danh mục lớn các khoản thế chấp, họ có thể gặp rủi ro mất thanh khoản hoặc thậm chí vỡ nợ nếu kinh tế xấu đi, lãi suất tăng cao và nhiều người đi vay không thể thanh toán khoản vay của họ. Thông qua việc chứng khoán hóa các khoản thế chấp này và bán chúng cho các nhà đầu tư, ngân hàng có thể chuyển rủi ro cho các nhà đầu tư nắm giữ loại chứng khoán được đảm bảo bằng các khoản vay đó.

    Nhược điểm của chứng khoán hóa

    Mặc dù chứng khoán hóa có nhiều lợi ích song nó cũng có một số nhược điểm.

    - Tính phức tạp: Các sản phẩm chứng khoán hóa có thể rất phức tạp và khó hiểu, khiến cho các nhà đầu tư có thể gặp khó khăn trong việc đánh giá rủi ro và lợi nhuận tiềm năng.

    - Rủi ro vỡ nợ: Tài sản cơ sở trong các sản phẩm được chứng khoán hóa vẫn có thể bị vỡ nợ, khi người vay không thanh toán được. Điều này sẽ gây tổn thất cho các nhà đầu tư.

    - Xung đột lợi ích: Giữa các bên tham gia vào chứng khoán hóa, như tổ chức tài chính tạo ra chứng khoán, các cơ quan xếp hạng đánh giá mức độ tin cậy của chứng khoán, và các nhà đầu tư mua chứng khoán.

    - Rủi ro thanh khoản: Các sản phẩm chứng khoán hóa thường có tính thanh khoản thấp hơn nhiều so với cổ phiếu và trái phiếu truyền thống, điều này có thể khiến nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc bán chúng khi cần tiền mặt.

    - Rủi ro thị trường: Giá trị của các sản phẩm chứng khoán hóa có thể bị ảnh hưởng bởi các điều kiện thị trường, như biến động lãi suất, điều kiện kinh tế hoặc chênh lệch tín dụng.

    Tài sản được chứng khoán hóa có phù hợp với bạn không?

    Tài sản được chứng khoán hóa có thể không phải là lựa chọn tốt nhất cho các nhà đầu tư cá nhân mới bắt đầu. Các tài sản được chứng khoán hóa có thể mang lại lợi suất hấp dẫn và góp phần đa dạng hóa danh mục, nhưng chúng cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định, như rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản và tính phức tạp.

    Các nhà đầu tư mới cá nhân có thể gặp khó khăn khi đối mặt với những rủi ro này hoặc không có đủ chuyên môn để phân tích các tài sản cơ sở và cấu trúc của chứng khoán hóa.

    Các tài sản được chứng khoán hóa thường phù hợp hơn với các nhà đầu tư tổ chức, quỹ phòng hộ và các nhà đầu tư chuyên nghiệp khác, có nguồn lực và chuyên môn để tiến hành thẩm định chuyên sâu cũng như quản lý rủi ro liên quan đến loại tài sản này.

    Ở Việt Nam hình thức góp một hoặc tài sản (thường là bất động sản) vào trong một pháp nhân, dùng pháp nhân này đi phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu cũng có thể xem là một dạng của chứng khoán hóa. Do quy trình thẩm định và đánh giá,  và xếp hạng tín dụng chưa phát triển, nên rất nhiều trái phiếu phát hành không thể thanh toán và nhà đầu tư nếu không thẩm định kỹ trước khi mua có thể mất tiền.

    Tóm tắt:

    - Chứng khoán hóa là việc một tổ chức tài chính gộp một nhóm các tài sản thành một loại tài sản duy nhất, sau đó được chia thành các phần và bán lại cho các nhà đầu tư.

    - Các ngân hàng thường sử dụng chứng khoán hóa để xử lý các khoản nợ cho vay bị ràng buộc trong các tài sản dài hạn, như thế chấp mua nhà.

    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

      Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

      Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

      Tích lũy

      Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

      Tìm hiểu thêm
      Tích lũy

      Cố vấn Robo AI

      Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

      Tìm hiểu thêm
      Cố vấn Robo AI

      Đầu tư chứng khoán

      Với số tiền bất kỳ

      Tìm hiểu thêm
      Đầu tư chứng khoán