Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Giá trị nội tại

Giá trị nội tại (Instrinsic value) là thước đo một công ty hay một cổ phiếu có giá trị thực sự là bao nhiêu.

Giá trị nội tại có thể được tính toán bằng một phép tính khách quan hoặc mô hình định giá phức tạp, nhưng không phải là giá thị trường đang giao dịch của cổ phiếu đó. Việc so sánh giá trị nội tại và giá trị thị trường có thể giúp nhà đầu tư biết liệu tài sản đó có bị định giá quá thấp hay quá cao hay không. Trong phân tích tài chính, giá trị nội tại gắn liền với xác định giá trị cơ bản của một công ty và dòng tiền của nó. 

Không có tiêu chuẩn chung nào để tính toán giá trị nội tại của một công ty, nhưng các nhà phân tích tài chính thường dùng mô hình định giá, phân tích chi tiết các khía cạnh của một doanh nghiệp bao gồm các yếu tố định tính, định lượng và cảm nhận. Các yếu tố định tính gồm mô hình kinh doanh, quản trị, thị trường mục tiêu,... là những yếu tố cụ thể liên quan đến những gì doanh nghiệp làm. Các yếu tố định lượng đề cập đến hiệu quả tài chính, bao gồm các chỉ số tài chính và phân tích BCTC. Các yếu tố cảm tính đề cập đến nhận thức của nhà đầu tư về giá trị tương đối của một tài sản.

Hiện nay, phương pháp định giá dòng tiền chiết khấu (DCF) là thước đo phổ biến nhất trong việc xác định giá trị nội tại của một công ty. Ngoài ra, yếu tố rủi ro cũng được tính toán trong nhiều mô hình định giá. Đối với cổ phiếu, rủi ro được đo bằng hệ số beta - mức độ biến động giá cổ phiếu so với mức biến động chung của thị trường. Hệ số beta > 1 nghĩa là cổ phiếu có rủi ro biến động cao hơn, trong khi beta < 1 nghĩa là cổ phiếu có biến động rủi ro ít hơn so với thị trường tổng thể. Nếu một cổ phiếu có beta cao thì dòng tiền sẽ mang lại lợi nhuận lớn hơn để bù đắp cho rủi ro gia tăng so với khoản đầu tư có beta thấp.