2021: Tắc nghẽn kênh đào Suez
Vào tháng 3/2021, sự cố tắc nghẽn Kênh đào Suez đã xảy ra do tàu container Ever Given bị mắc kẹt trên giữa kênh. Kênh đào Suez là tuyến đường vận chuyển hàng hóa bận rộn nhất thế giới, chủ yếu giữa châu Âu và châu Á, mang lại hàng tỷ đô la cho ngành vận chuyển hàng hóa hàng năm.
Do việc phong tỏa Kênh đào Suez vào lúc đó, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đẩy vào tình trạng gián đoạn, dẫn đến sự chậm trễ đáng kể trong việc vận chuyển hàng hóa. Cuộc khủng hoảng kéo dài khoảng sáu ngày. Theo ước tính, sự cố này gây thiệt hại lên đến 10 tỷ đô la mỗi ngày do dòng chảy thương mại bị gián đoạn, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều công ty trên toàn cầu.
2020: Đại dịch COVID-19
Vào ngày 11/03/2020, Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố Coronavirus là một đại dịch. Nhằm ngăn chặn sự lây lan của loại virus này, chính phủ ở hầu hết các nước đã ban hành lệnh phong tỏa ở những nơi xảy ra dịch lây lan, đồng thời đóng cửa tất cả các dịch vụ không thiết yếu và hạn chế đi lại.
Tại Việt Nam, làn sóng COVID-19 đầu tiên xảy ra vào cuối tháng 1/2020. Chỉ trong vài tháng, đại dịch đã tàn phá nền kinh tế rất nặng nề. Bằng chứng là tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý 1/2020 chỉ đạt 3.68% và cả năm 2020 chỉ đạt 2.91%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 6.8% mà Chính phủ đặt ra ban đầu.
2016: Cuộc bầu cử Brexit
Cuộc bầu cử Brexit diễn ra vào ngày 23/06/2016 để quyết định liệu Anh có nên tiếp tục ở lại Liên minh châu Âu (EU) hay không. Hành động này được biết đến với cái tên "Brexit". Tuy nhiên, quá trình này đã gặp nhiều khó khăn và gây tranh cãi trong nhiều năm. Cuối cùng, vào ngày 31/01/2020, Anh đã chính thức rời EU.
Sau kết quả bầu cử Brexit và cộng hưởng sự tác động mạnh từ đại dịch Covid-19, GDP của Anh đã giảm mạnh 11% trong năm 2020. Bên cạnh tác động đến kinh tế, Brexit còn làm thay đổi cảnh quan chính trị và văn hóa của nước Anh, làm dấy lên nhiều tranh cãi và phân định tại Anh.
2015: Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Trung Quốc đã vượt qua Mỹ và trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới dựa trên chỉ số sức mua tương đương (PPP), là chỉ số sử dụng tỷ giá hối đoái giữa hai đồng tiền tệ để so sánh sức mạnh của một đồng tiền tệ với một loại tiền tệ quốc tế khác. Đồng thời, Trung Quốc cũng dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm, mặc dù GDP vẫn nhỏ hơn Mỹ.
Là chủ nợ lớn thứ hai của Mỹ, Trung Quốc có lợi thế đòn bẩy khi tham gia đàm phán về các chính sách liên quan đến xuất nhập khẩu. Việc Trung Quốc nắm giữ nợ Mỹ cho phép lãi suất thấp hơn và hàng tiêu dùng rẻ hơn cho Mỹ.
Tuy nhiên, nếu Trung Quốc đòi nợ, đây sẽ là một con dao hai lưỡi khiến cho lãi suất và giá cả tăng lên, làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Điều này cũng sẽ khiến Trung Quốc mất đòn bẩy thương mại và mất nhiều thị trường xuất khẩu. Năm 2020, Hoa Kỳ đã nhập khẩu 435 tỷ đô la hàng hóa từ Trung Quốc.
2015: Khủng hoảng nợ Hy Lạp đe dọa Liên minh châu Âu
Một số yếu tố đã góp phần vào cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp, trong đó số nợ quốc gia là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất. Năm 2015, Hy Lạp đứng trước nguy cơ phá sản và Liên minh Châu Âu (EU) đã tiếp tục cho nước này vay để tránh vỡ nợ. Đây là cuộc giải cứu tài chính lớn nhất trong lịch sử một quốc gia phá sản.
Tuy nhiên, sự việc này đã gây ra cuộc khủng hoảng nợ trong Eurozone, khiến nhiều người lo ngại rằng các thành viên khác của EU cũng có thể sẽ vỡ nợ. Điều này đã dẫn đến các gói cứu trợ cho các quốc gia khác và khiến nhiều người đặt câu hỏi về khả năng tồn tại của một đồng tiền tệ chung cho EU.
2011: Thảm họa sóng thần và hạt nhân ở Nhật Bản
Ngày 11/03/2011, Nhật Bản đã hứng chịu trận động đất mạnh 9.0 độ Richter và tạo ra một làn sóng thần khổng lồ. Thảm họa này đã khiến hơn 15,000 người thiệt mạng và hơn 2,500 người mất tích, gây thiệt hại 220 tỷ USD.
Ngoài ra, sóng thần còn gây ra một chuỗi các vụ nổ trong nhà máy điện hạt nhân Fukushima, gây ra ô nhiễm không khí và buộc hàng triệu người dân phải di cư. "Tai họa kép" đã tàn phá nền kinh tế Nhật Bản. Nó làm tê liệt ngành công nghiệp hạt nhân của đất nước và thuyết phục châu Âu cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân.
2008: Khủng hoảng tài chính toàn cầu
Sự sụp đổ của thị trường nhà đất ở Hoa Kỳ đã gây ra một cuộc suy thoái trên toàn thế giới, dẫn đến sự sụp đổ của các ngân hàng và tổ chức tài chính lớn, và các chính phủ thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế quy mô lớn.
Nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng là thị trường thế chấp dưới chuẩn, liên quan đến việc cấp các khoản vay cho những người có lịch sử tín dụng kém và thu nhập thấp, những người không có khả năng trả nợ. Những khoản vay này sau đó được chuyển thành các công cụ tài chính phức tạp và được bán cho các nhà đầu tư trên khắp thế giới, dẫn đến bong bóng nhà đất khổng lồ.
Khi bong bóng vỡ, nhiều người không thể trả được tiền vay, khiến các ngân hàng phải thu hồi nhà đất và giá nhà giảm mạnh. Điều này có tác động dây chuyền đối với nền kinh tế rộng lớn hơn, vì các ngân hàng và tổ chức tài chính đã đầu tư nhiều vào các khoản thế chấp rủi ro này đã phải gánh chịu những tổn thất đáng kể.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cuộc khủng hoảng đã dẫn đến tổn thất toàn cầu về sản lượng khoảng 4 nghìn tỷ đô la. Cuộc khủng hoảng này đã chứng minh rằng các hệ thống tài chính toàn cầu cần được giám sát và cải tiến để tránh các nguy cơ tương tự trong tương lai.
2003: Dịch SARS
Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) là một bệnh về đường hô hấp do virus có nguồn gốc từ Trung Quốc và nhanh chóng lan sang các quốc gia khác, bao gồm Canada, Singapore và Việt Nam.
Sự bùng phát có tác động lớn đến du lịch và thương mại, đặc biệt là ở châu Á. Nhiều quốc gia đã áp đặt các hạn chế đi lại nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus. Điều này đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh về nhu cầu cũng như cản trở việc di chuyển, vận tải, và thương mại quốc tế. Từ đó, cũng dẫn tới sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng giá lương thực ở nhiều quốc gia.
Nhìn chung, Ngân hàng Thế giới ước tính rằng đợt bùng phát dịch bệnh này đã gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 40 tỷ đô la, với phần lớn thiệt hại xảy ra ở châu Á.
2001: Cuộc khủng bố ngày 11/09, Mỹ
Các cuộc tấn công, liên quan đến vụ cướp bốn máy bay thương mại bởi những kẻ khủng bố liên kết với nhóm Hồi giáo cực đoan Al Qaeda, đã dẫn đến cái chết của gần 6,000 người và gây thiệt hại đáng kể cho khu phức hợp Trung tâm Thương mại Thế giới tại Thành phố New York, Mỹ.
Các cuộc tấn công đã tác động đáng kể đến lĩnh vực hàng không và tài chính ở Mỹ. Nó cũng góp phần làm gia tăng sự bất ổn địa chính trị toàn cầu và gây lo ngại về an ninh của các mạng lưới giao thông và thương mại toàn cầu, tất cả đều góp phần gây ra thời kỳ suy thoái kinh tế vào đầu những năm 2000.
2000: Bong bóng Dot-com bùng nổ
Bong bóng Dot-com là thời kỳ tăng trưởng nhanh chóng trong lĩnh vực công nghệ, được thúc đẩy bởi sự gia tăng đầu tư vào các công ty tập trung vào lĩnh vực công nghệ, Internet. Tuy nhiên, khi bong bóng càng lớn dần, rõ ràng là nhiều công ty trong số này không tạo ra lợi nhuận và không có mô hình kinh doanh khả thi. Khi các nhà đầu tư bắt đầu nhận ra điều này, bong bóng bắt đầu bùng nổ, dẫn đến hậu quả kinh tế lan rộng.
Lĩnh vực công nghệ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiều công ty khởi nghiệp đã nhận được khoản đầu tư đáng kể trong thời kỳ bong bóng đã buộc phải đóng cửa, dẫn đến tình trạng sa thải nhân công trên diện rộng và niềm tin của nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghệ sụt giảm đáng kể. Ngoài ra, đối với thị trường chứng khoán, chẳng hạn, chỉ số S&P 500 của Mỹ, đã mất hơn 30% giá trị trong năm sau vụ vỡ bong bóng dot-com.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.