Điểm nhấn chính:
- Nhật Bản được xem là một trong những đối tác quốc tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
- Các khoản đầu tư của Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tìm hiểu cùng Tititada!
Vào giữa thế kỷ 20, một số quốc gia châu Á, đặc biệt là Đông Á và Đông Nam Á, bị bỏ lại với nền kinh tế chung do bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh. Tuy nhiên, những nỗ lực của các quốc gia này trong việc khẳng định bản thân và xây dựng lại nền kinh tế đã có tác động tích cực đến toàn thế giới. Đặc biệt là Nhật Bản, quốc gia đã trở thành hình mẫu phát triển cho nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Trong khi đó, Việt Nam cũng gây ấn tượng bởi những phát triển vượt bậc ghi nhận trong hai thập kỷ trở lại đây. Theo số liệu từ Macrotrends, quy mô GDP nước ta tăng gấp 13 lần, từ 31 tỷ USD (năm 2000) lên đến 409 tỷ USD (năm 2022). Sự tăng trưởng này một phần được tạo điều kiện nhờ các khoản viện trợ, đầu tư và cho vay của Nhật Bản.
Mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản
Nhật Bản và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao từ thế kỷ 16, khi các thương gia và thương nhân Nhật Bản bắt đầu đặt chân đến bờ biển Việt Nam. Tuy nhiên, phải đến thế kỷ 20, mối quan hệ Việt Nam – Nhật mới thực sự “nảy nở”.
Kết thúc Thế chiến thứ II, Nhật Bản bắt đầu một hành trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc. Chỉ trong hơn 20 năm (từ năm 1951 – 1973), quốc gia này đã nổi lên như là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trở thành đối thủ kinh tế mà bất kỳ cường quốc nào lúc bấy giới cũng phải dè chừng. Cụ thể, GDP của Nhật Bản đã tăng hơn 20 lần, từ mức 20 tỷ USD năm 1950 lên 402 tỷ USD năm 1973, vượt qua cả Anh, Pháp và Cộng hòa Liên bang Đức lúc đó; chỉ riêng lĩnh vực công nghiệp đã đạt tốc độ phát triển 15.9%/năm trong giai đoạn 1950 – 1960, 13.5% trong giai đoạn 1960 – 1969.
Thành công kinh tế của Nhật Bản một phần nhờ vào việc tập trung đầu tư vào giáo dục, công nghệ và cơ sở hạ tầng, đồng thời mong muốn được chia sẻ các nguồn lực đạt được với các quốc gia khác trong khu vực.
Mặt khác, Việt Nam trong thời gian này vẫn trong quá trình phục hồi hậu quả chiến tranh. Khi bắt đầu chuyển hướng sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từ những năm 1986, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ quốc tế để thúc đẩy sự phát triển của mình, và Nhật Bản là một trong những quốc gia “sẵn sàng” làm điều đó.
Các khoản đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam
Một trong những cách quan trọng nhất mà Nhật Bản đã đóng góp vào tăng trưởng của Việt Nam là thông qua Economic Aid & Development - viện trợ kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng. Kể từ năm 1992 đến 2023, Nhật Bản là nhà cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, với tổng số tiền viện trợ trên 2,700 tỷ Yên vốn vay, gần 100 tỷ Yên viện trợ không hoàn lại và khoảng 180 tỷ Yên hỗ trợ cho hợp tác kỹ thuật.
Khoản viện trợ này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng và đặt nền móng cho sự phát triển trong tương lai. Ví dụ, Nhật Bản đã cấp vốn và hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng các dự án giao thông trọng điểm như cầu Nhật Tân nối Hà Nội với sân bay Nội Bài và tuyến tàu điện ngầm TP. Hồ Chí Minh nhằm giảm bớt tình trạng tắc nghẽn giao thông. Nhật Bản cũng hỗ trợ Việt Nam nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng năng lượng, đầu tư phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời, điển hình như Dự án điện gió công suất 144 MW tại Quảng Trị.
Ngoài viện trợ kinh tế, Nhật Bản cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai nước. Nhật Bản là đối tác đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương nhất với Việt Nam như: Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) năm 2009; Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP) năm 2008; Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) năm 2019; Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) năm 2020. Điều này càng thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia.
Theo số liệu từ Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và đầu tư, tổng vốn đầu tư các loại của Nhật Bản vào Việt Nam lũy kế đến ngày 20/08/2023 là 71.026 tỷ USD, với tổng cộng 5,168 dự án. Đây cũng là quốc gia cung cấp vốn vay bằng đồng Yên lớn nhất cho Việt Nam, với 2,812.8 tỷ Yên (khoảng 27.5 tỷ USD), chiếm hơn 26% tổng vốn ký kết vay nước ngoài của Chính phủ.
Năm 2022, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba tại Việt Nam, với khoảng 630 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam (nhiều nhất ASEAN) với tổng vốn đầu tư hơn 4.78 tỷ USD (xếp sau Singapore là 6.46 tỷ USD và Hàn Quốc 4.88 tỷ USD).
Những khoản đầu tư này trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm sản xuất, điện tử và sản xuất ô tô, v.v. Chẳng hạn, các thương hiệu toàn cầu như Canon, Toyota và Panasonic đã thành lập nhà máy sản xuất tại Việt Nam, tạo ra hàng nghìn việc làm và đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu của đất nước. Năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 24.2 tỷ USD, tăng 20.3% so với năm 2021, dẫn đầu là hàng dệt may với 4.07 tỷ USD (chiếm 16.8% tỷ trọng xuất khẩu), theo sau là máy móc, thiết bị, dụng cụ với 2.7 tỷ USD (chiếm 11.4%). Con số này cao hơn rất nhiều so với năm 2010, khi giá trị xuất khẩu chỉ ở mức 4.85 tỷ USD.
Những doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản nổi bật tại Việt Nam
Trong các khoản đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam, không thể không nhắc đến sự đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân nổi bật của nước này vào bối cảnh kinh tế của Việt Nam.
Canon, công ty hàng đầu thế giới về các sản phẩm hình ảnh và quang học, đã thành lập nhà máy đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2001 và bắt đầu đi vào hoạt động kinh doanh năm 2002. Kể từ đó đến nay, công ty này liên tục mở rộng sự hiện diện của mình tại Việt Nam, gồm 04 nhà máy sản xuất tại khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), Quế Võ và Tiên Sơn (Bắc Ninh), Phố Nối (Hưng Yên) và Công ty TNHH Canon Marketing Việt Nam. Những khoản đầu tư này không chỉ tạo ra việc làm mà còn góp phần nâng cao danh tiếng của Việt Nam với tư cách là một trung tâm sản xuất công nghệ cao. Theo thống kê, Công ty TNHH Canon Việt Nam có tổng vốn đầu tư tại Việt Nam là 307 triệu USD và tạo ra việc làm cho hơn 25,000 nhân viên.
Toyota Motor Corporation, một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 1995. Công ty đã thành lập Toyota Việt Nam (TMV) dưới hình thức liên doanh với chính phủ Việt Nam, mở nhà máy sản xuất tại tỉnh Vĩnh Phúc. Cơ sở sản xuất các mẫu xe phổ biến như Innova, Vios và Corolla, phục vụ cho nhu cầu ô tô ngày càng tăng tại Việt Nam. TMV đứng đầu toàn thị trường với doanh số bán hàng năm 2022 đạt 92,625 xe, tăng 34% so với năm 2021, giúp doanh số tích lũy đạt 857,051 xe, đóng góp cho ngân sách Việt Nam lũy kế 12,189 triệu USD.
Tập đoàn Panasonic, một gã khổng lồ điện tử đa quốc gia, hoạt động tại Việt Nam từ những năm 1950. Công ty sản xuất nhiều loại thiết bị gia dụng, bao gồm máy điều hòa không khí, tủ lạnh và máy giặt, với 7 công ty thành viên (tính đến tháng 04/2022). Tính đến năm 2020, tổng vốn đầu tư của Panasonic tại thị trường Việt Nam là 243 triệu USD.
AEON, tập
đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản, đã đầu tư đáng kể vào lĩnh vực bán lẻ của Việt
Nam. Kể từ khi khai trương trung tâm mua sắm đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh vào
năm 2014, AEON đã liên tục mở rộng sự hiện diện của mình. Tính đến năm 2023, AEON
đã đầu tư hơn 1.18 tỷ USD vào Việt Nam với 6 TTTM tại các tỉnh, thành trên cả
nước. Đại diện AEON cũng cho biết, thời gian tới sẽ phát triển khoảng 20 TTTM tại
Việt Nam và tăng cường nhập khẩu hàng Việt Nam để phân phối tại hơn 20,000 TTTM
tại Nhật Bản.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.
Bài viết liên quan
Vấn đề đầu tư công tại Việt Nam
02/01/25
Câu chuyện Đầu tư cơ sở hạ tầng – Đầu tư công
27/12/24
Biến động vĩ mô - Vietnam Investment Forum 2025
24/11/24
So sánh repo và repo đảo ngược
25/09/24
Một số ngân hàng nhỏ tại Trung Quốc "biến mất"
21/09/24
Các động lực tăng trưởng của nền kinh tế thế giới
19/09/24
Tại sao nước Anh đang trên bờ vực phá sản?
17/09/24
Công nghiệp hoá và những tác động lên đời sống xã hội
09/09/24
Sử dụng tỷ giá ngang giá sức mua hay tỷ giá hối đoái
14/01/25
Cháy rừng ở California – Ước tính thiệt hại 150 tỷ USD
13/01/25
Chỉ số PMI: Công cụ dự báo kinh tế và ứng dụng thực tế
10/01/25
Risk-free rate - Lãi suất phi rủi ro
04/01/25
Vấn đề đầu tư công tại Việt Nam
02/01/25
Ý nghĩa của dòng vốn hóa toàn cầu
31/12/24
Cơ sở hạ tầng đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam
29/12/24
Câu chuyện Đầu tư cơ sở hạ tầng – Đầu tư công
27/12/24