Điểm nhấn chính:
- Chính trị có tác động gián tiếp đến thị trường chứng khoán thông qua tác động đến triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp.
- Kết quả bầu cử tổng thống, căng thẳng địa chính trị và sự khuếch đại thông tin của truyền thông là những yếu tố làm tăng tâm lý lo sợ của nhà đầu tư.
- Cập nhật thông tin, phân tích kỹ lưỡng và đa dạng hóa danh mục đầu tư là điều cần làm để đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt.
Mối quan hệ giữa các sự kiện chính trị và biến động thị trường
Chính trị luôn có khả năng tác động phần nào đến thị trường chứng khoán. Bởi vì các hành động chính trị như quy định và luật pháp có ảnh hưởng đến các công ty và do đó ảnh hưởng đến hoạt động cơ bản của chúng. Nhưng đó là tác động gián tiếp chứ không phải tác động trực tiếp. Vì tất cả những lĩnh vực đó có thể ảnh hưởng đến vận mệnh của các công ty và do đó ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư đối với cổ phiếu của doanh nghiệp đó.
Ví dụ, các quy định có tác động đến các công ty sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cuối cùng của các công ty đó. Nếu họ được kỳ vọng sẽ tăng lợi nhuận, các nhà đầu tư sẽ lưu ý và có nhiều khả năng mua cổ phiếu của những công ty đó hơn. Nếu chúng được cho là có tác động tiêu cực đến lợi nhuận, các nhà đầu tư sẽ ít mua cổ phiếu hơn và thậm chí có thể bán chúng.
Tác động gián tiếp này là một trong những lý do khiến cổ phiếu ngân hàng tăng giá sau cuộc bầu cử của Tổng thống Donald J. Trump. Chính quyền của ông được kỳ vọng sẽ ủng hộ việc bãi bỏ quy định, và việc bãi bỏ quy định đối với các ngân hàng có thể sẽ thúc đẩy kết quả lợi nhuận của họ.
Có một số cách mà các sự kiện chính trị có thể tác động đến thị trường tài chính trên toàn thế giới. Một số cách phổ biến nhất bao gồm: (1) Thay đổi trong chính sách của chính phủ, (2) Sự kiện địa chính trị, (3) Truyền thông khuếch đại thông tin.
Kết quả bầu cử Tổng thống
Các cuộc bầu cử là một sự kiện quan trọng có thể ảnh hưởng lớn đến sự biến động của thị trường. Có khá nhiều yếu tố góp phần vào sự biến động của thị trường trong thời gian diễn ra bầu cử. Đầu tiên và quan tọng nhất là sự không chắc chắn xung quanh kết quả bầu cử. Thường, các nhà đầu tư rất quan tâm đến việc tìm hiểu quan điểm của ứng viên về các vấn đề như chính sách thuế, quy định, thương mại và tài chính vì những vấn đề này có thể có ý nghĩa quan trọng đối với các ngành và lĩnh vực khác nhau.
Chẳng hạn như, giá trị thị trường chứng khoán của ngành chăm sóc sức khỏe có thể thay đổi đáng kể trước khi cuộc bầu cử diễn ra với dự đoán về sự thay đổi luật pháp trong các chính sách chăm sóc sức khỏe. Sự không chắc chắn xung quanh những thay đổi chính sách có thể dẫn đến sự biến động của thị trường gia tăng, khi các nhà đầu tư cố gắng dự đoán tác động tiềm tàng đối với các công ty và lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn như, bầu cử của Donald Trump và Hillary Clinton vào năm 2016, nhiều cổ phiếu ngành dược phẩm đã trải qua nhiều biến động, trong khi cổ phiếu Pfizer – nhà sản xuất dược phẩm lớn nhất thế giới tăng 10% khi Hillary Clinton hứa sẽ trừng trị thẳng tay người đã tăng giá thuốc điều trị AIDS từ 13.5 USD lên 750 USD/viên và công ty EpiPen và Mylan.
Tuy nhiên, cổ phiếu bệnh viện lại bị ảnh hưởng bởi lời thề bãi bỏ Đạo luật Chăm sóc giá cả phải chăng của Trump – đạo luật đã trao quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho những người nghèo nhất và không có bảo hiểm ở Mỹ. Cổ phiếu của các tập đoàn bệnh viện Centene, HCA Holdings và Universal Health Services là một trong những cổ phiếu giảm giá lớn nhất trên thị trường chứng khoán, vì họ một lần nữa có thể phải đối mặt với việc điều trị cho hàng triệu bệnh nhân không có bảo hiểm. Tuy nhiên, cổ phiếu ngành dầu, khí đốt và than đá dường như tích cực hơn với phe của Trump. Bởi ông cam kết rằng sẽ làm cho nước Mỹ trở nên độc lập về mặt năng lượng, xóa bỏ quan liêu và cho phép thăm dò dầu khí ở các khu vực mới của đất nước. Cổ phiếu của các công ty dầu khí nằm trong số những mã tăng mạnh nhất ở Phố Wall trong thời gian bầu cử.
Một trong những sự kiện chính trị quan trọng có tác động đáng kể đến sự biến động của thị trường là Cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, được tổ chức vào tháng 6/2016. Brexit, quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu của Vương quốc Anh, đã gây ra sự biến động và không chắc chắn đáng kể trên thị trường. Các cuộc đàm phán và sự không chắc chắn xung quanh các hiệp định thương mại giữa Anh và EU đã có tác động sâu sắc đến thị trường châu Âu. Khi thời hạn đến gần và các cuộc đàm phán bị đình trệ, thị trường chứng khoán ở Anh và EU trải qua những biến động đáng kể. Nhiều nhà đầu tư không chắc chắn về tương lai của các mối quan hệ thương mại đã dẫn đến các quyết định đầu tư thiếu thận trọng và bất ổn thị trường.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu chỉ ra rằng, thị trường chứng khoán có xu hướng hoạt động tốt khi một tổng thống đương nhiệm tái đắc cử vì tổng thống đương nhiệm tăng cường sự chắc chắn hơn về chính sách kinh tế trong tương lai.
Căng thẳng địa chính trị
Các cuộc xung đột, tranh chấp giữa các quốc gia như chiến tranh thương mại hay xung đột quân sự luôn tạo ra sự bất an và lo sợ cho các nhà đầu tư. Khi các quốc gia tham gia vào tranh chấp thương mại và áp đặt thuế quan đối với hàng hóa của nhau, điều đó có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng chi phí cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến thu nhập của doanh nghiệp. Kết quả là, thị trường chứng khoán có thể gặp phải biến động tăng cao, khi các nhà đầu tư trở nên cảnh giác với những hậu quả kinh tế tiềm ẩn.
Một trong những cuộc chiến tranh thương mại nổi bật nhất trong lịch sử là tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc áp đặt thuế quan ăn miếng trả miếng đối với hàng hóa trị giá hàng tỷ USD đã tạo ra biến động thị trường đáng kể, ảnh hưởng không chỉ đến hai nước liên quan mà còn đến nền kinh tế toàn cầu. Khi Mỹ áp dụng thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, chứng khoán Trung Quốc đã giảm mạnh. Tuy nhiên, thuế quan lại có tác động đến giá trị cổ phiếu của các công ty Hoa Kỳ vì tăng thuế là một hình thức chính sách gây thiệt hại cho các công ty và nhà đầu tư Hoa Kỳ. Các nhà đầu tư đã chứng kiến những biến động trên thị trường chứng khoán, sự biến động của tỷ giá hối đoái và sự không chắc chắn xung quanh sự gián đoạn của chuỗi cung ứng.
Vai trò của truyền thông trong việc khuếch đại các sự kiện chính trị
Đương nhiên, chúng ta cũng không thể đánh giá thấp vai trò của truyền thông trong việc khuếch đại biến động của thị trường khi các sự kiện chính trị đang diễn ra. Tin tức liên quan đến bầu cử, chẳng hạn như các cuộc thăm dò, tranh luận, vụ bê bối, tung tin đồn có thể tạo ra sự sợ hãi, hoảng loạn hoặc lạc quan quá mức ở các nhà đầu tư, khiến họ đưa ra quyết định vội vàng dựa trên thông tin không đầy đủ hoặc không chính xác.
Cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016 cung cấp một nghiên cứu điển hình về cách truyền thông có thể khuếch đại sự biến động của thị trường trong một sự kiện chính trị. Các phương tiện truyền thông đưa tin dẫn đến cuộc trưng cầu dân ý chứa đầy những tiêu đề giật gân, dự đoán những hậu quả kinh tế thảm khốc nếu Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu. Hơn nữa, việc giới truyền thông tập trung vào các tình huống xấu nhất và đầu cơ đã khiến nhà đầu tư lo lắng, dẫn đến thị trường biến động mạnh khi cuộc trưng cầu dân ý đến gần.
Đầu tư trong môi trường chính trị biến động
Trong thời kỳ xung đột địa chính trị, các nhà đầu tư thường tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn như một cách để bảo vệ danh mục đầu tư của họ khỏi biến động thị trường. Các tài sản trú ẩn an toàn như vàng, trái phiếu chính phủ hoặc các loại tiền tệ như đồng franc Thụy Sĩ và đồng yên Nhật, có xu hướng hoạt động tốt trong những thời điểm không chắc chắn. Ví dụ, khi căng thẳng leo thang giữa Hoa Kỳ và Iran vào đầu năm 2020, giá vàng đã tăng lên mức cao nhất trong 7 năm khi các nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn bằng kim loại quý. Vì thế, bạn hãy cân nhắc việc bổ sung tài sản trú ẩn an toàn vào danh mục đầu tư của bạn như một biện pháp phòng ngừa rủi ro địa chính trị.
Bạn hãy nhớ rằng, chính trị không phải là yếu tố quyết định hiệu suất hoạt động của cổ phiếu. Bất kỳ nhà đầu tư nào mua cổ phiếu đều là mua vốn trong một doanh nghiệp chứ không phải trong bất kỳ chính quyền chính trị nào. Trong đầu tư chứng khoán, triển vọng kinh doanh quan trọng hơn chính trị - nhưng chính trị có thể gây ảnh hưởng nhất định đến triển vọng kinh doanh đó. Vì thế, việc theo dõi chặt chẽ các diễn biến địa chính trị là điều bạn nên làm khi đầu tư để xác định các yếu tố tiềm ẩn gây ra biến động thị trường, từ đó ảnh hưởng đến danh mục của bạn.
Tóm lại, căng thẳng địa chính trị có thể tác động sâu sắc đến biến động thị trường, tạo ra thách thức và cơ hội cho các nhà đầu tư. Chiến tranh thương mại, bất ổn chính trị và xung đột đều có khả năng phá vỡ thị trường và làm tăng sự bất ổn. Bằng cách cập nhật thông tin, đa dạng hóa danh mục đầu tư và xem xét các tài sản trú ẩn an toàn, các nhà đầu tư có thể điều hướng các kết nối này hiệu quả hơn và đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.