Điểm nhấn chính:
- Kinh tế Mỹ phát tín hiệu suy yếu, với GDP giảm, niềm tin tiêu dùng lao dốc và đầu tư tư nhân chững lại.
- Thuế
đối ứng của Trump gia tăng rủi ro suy thoái, gây gián đoạn chuỗi
cung ứng và bất ổn thương mại toàn cầu.
Tổng quan bối cảnh kinh tế Hoa Kỳ đầu năm 2025
Triển vọng kinh tế tiêu cực
Bước vào năm 2025, nền kinh tế Mỹ bắt đầu cho thấy dấu hiệu giảm tốc khá rõ ràng. Sau khi tăng trưởng GDP đạt 2.4% trong Q4/2024, con số này bất ngờ quay đầu giảm 0.3% trong Q1/2025 – mức suy giảm đầu tiên trong gần ba năm qua. Nguyên nhân chính đến từ một làn sóng nhập khẩu hàng hóa tăng đột biến ngay trước khi chính sách thuế mới của Tổng thống Trump chính thức có hiệu lực. Trong số đó, không chỉ có hàng tiêu dùng mà còn cả những mặt hàng đặc biệt như vàng.
Sự tăng vọt này đã khiến thâm hụt thương mại của Mỹ mở rộng nhanh chóng, và xuất khẩu ròng – tức chênh lệch giữa xuất và nhập khẩu – trở thành yếu tố chính kéo lùi tăng trưởng GDP. Ngoài ra, việc số liệu bị "vênh" vì hoạt động nhập khẩu bất thường này cũng là điều các chuyên gia cảnh báo cần lưu ý khi đánh giá bức tranh toàn cảnh.
Theo cách hiểu thông thường, suy thoái xảy ra khi GDP giảm liên tiếp hai quý. Nếu kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng âm trong quý 2 tới, thuật ngữ “suy thoái kỹ thuật” chắc chắn sẽ được nhắc đến nhiều hơn. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền xác nhận chính thức – NBER – lại không chỉ dựa vào GDP mà còn đánh giá tổng thể dựa trên nhiều chỉ số khác như tiêu dùng, việc làm và sản xuất công nghiệp. Điều đó có nghĩa là nếu những lĩnh vực còn lại vẫn giữ được sự ổn định, kinh tế Mỹ có thể tránh được một cuộc suy thoái “thực sự”. Đây sẽ là điều đáng theo dõi trong các quý tiếp theo.
Niềm tin thị trường phai nhạt trước chính sách thương mại của Trump
Khi ông Trump tái đắc cử, phố Wall từng kỳ vọng vào các chính sách cắt giảm thuế và nới lỏng quy định để thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng thực tế đang đi theo chiều hướng khác. Các động thái cứng rắn về thương mại, đặc biệt là chính sách thuế đối với hàng nhập khẩu, khiến giới doanh nghiệp lo lắng và ngừng triển khai nhiều khoản đầu tư mới.
Ngay sau khi Nhà Trắng công bố kế hoạch áp thuế, chỉ số USD đã giảm 1.7% so với rổ tiền tệ của các đối tác lớn – một tín hiệu cho thấy thị trường đang dần chuyển sang tâm thế thận trọng hơn về triển vọng kinh tế Mỹ trong thời gian tới.
Những tín hiệu cảnh báo hiện tại
Tăng trưởng GDP âm trong Q1/2025
Số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố cho thấy GDP đã giảm 0.3% trong Q1/2025, đánh dấu sự đảo chiều sau chuỗi quý tăng trưởng liên tục kể từ 2022. Mặc dù chưa đủ điều kiện để xác nhận một cuộc suy thoái, đây là tín hiệu đáng chú ý. Nguyên nhân chính là do sự gia tăng đột biến của nhập khẩu, khi các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa trước khi các mức thuế mới của chính quyền Trump có hiệu lực. Điều này dẫn đến thâm hụt thương mại kỷ lục, với xuất khẩu ròng làm giảm 4.83 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP Q1/2025.
Niềm tin tiêu dùng và chi tiêu hộ gia đình suy yếu
Trong tháng 4/2025, Chỉ số Kỳ vọng Tiêu dùng do The Conference Board công bố đã giảm mạnh 12.5 điểm xuống 54.4 – mức thấp nhất kể từ tháng 10/2011. Mức điểm này thấp hơn đáng kể so với ngưỡng 80, vốn thường được xem là chỉ báo sớm cho một chu kỳ suy thoái. Tâm lý bi quan lan rộng trên cả ba cấu phần: kỳ vọng về việc làm, thu nhập và điều kiện kinh doanh. Đáng chú ý, kỳ vọng về thu nhập tương lai đã chuyển sang tiêu cực lần đầu tiên trong vòng 5 năm – cho thấy lo ngại đang dịch chuyển từ rủi ro vĩ mô sang tài chính cá nhân.
Tình trạng suy giảm niềm tin xuất hiện trên diện rộng, ảnh hưởng đến gần như mọi nhóm tuổi và phân khúc thu nhập. Mức độ sụt giảm đặc biệt mạnh ở nhóm 35–55 tuổi và các hộ gia đình có thu nhập trên 125,000 USD/năm. Đáng chú ý, xu hướng này không phân biệt khuynh hướng chính trị, phản ánh mức độ bao trùm của tâm lý bất an trong xã hội Mỹ hiện nay.
Một nguyên nhân quan trọng góp phần làm suy yếu kỳ vọng tiêu dùng đến từ tác động gián tiếp của các chính sách thuế mới. Doanh nghiệp khó có thể chuyển toàn bộ chi phí sang người tiêu dùng, giới phân tích cho rằng người dân Mỹ vẫn không tránh khỏi ảnh hưởng. Trong cuộc chiến thương mại năm 2018, khoảng 60% mức thuế 20% đối với máy giặt nhập khẩu đã được chuyển vào giá bán lẻ. Với chính sách thuế lần này, ước tính chi phí sinh hoạt bình quân có thể tăng thêm khoảng 1,350 USD/năm cho mỗi hộ gia đình – tùy thuộc vào mức độ chuyển giá từ doanh nghiệp. Áp lực chi phí này, trong bối cảnh thu nhập kỳ vọng giảm, đang tạo ra một cú đúp tiêu cực đối với tiêu dùng – trụ cột chính của tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Tăng trưởng việc làm được dự báo chững lại
Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong tháng 4/2025 giữ ổn định ở mức 4.2%, không thay đổi so với tháng trước. Số việc làm phi nông nghiệp tăng thêm 177,000 – vượt xa dự báo 130,000 của các nhà kinh tế. Tuy nhiên, bất chấp số liệu thực tế tích cực, triển vọng việc làm trong những tháng tới đang xấu đi rõ rệt. Theo khảo sát, có tới 32.1% người tiêu dùng tin rằng số lượng việc làm sẽ giảm trong vòng 6 tháng tới – gần bằng mức đỉnh bi quan từng ghi nhận trong cuộc khủng hoảng 2009. Diễn biến này cho thấy tâm lý thị trường đang yếu , có thể tác động tiêu cực đến tiêu dùng và đầu tư hộ gia đình trong giai đoạn tới.
Suy giảm đầu tư và bất ổn trong doanh nghiệp
Nhiều tập đoàn lớn như GM, Delta Airlines và Amazon đã đồng loạt điều chỉnh giảm kỳ vọng lợi nhuận cho năm 2025 trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao và môi trường thương mại ngày càng bất ổn. GM cảnh báo các mức thuế mới có thể làm giảm lợi nhuận trước lãi vay và thuế (EBIT) từ 4 đến 5 tỷ USD. Delta Airlines thậm chí đã rút lại toàn bộ dự báo tài chính cho năm 2025, viện dẫn rủi ro thương mại và nhu cầu du lịch suy yếu. Tình trạng bi quan không chỉ giới hạn trong một vài doanh nghiệp lớn.
Niềm tin kinh doanh trên toàn thị trường đang bị bào mòn bởi sự thiếu nhất quán trong chính sách thương mại của chính quyền Trump. Quá trình đàm phán kéo dài với các đối tác thương mại và rủi ro trả đũa từ các nền kinh tế lớn khiến doanh nghiệp Mỹ dè dặt trong kế hoạch đầu tư và mở rộng sản xuất. Theo khảo sát của Consensus Economics công bố tháng 3/2025, đầu tư mới của doanh nghiệp Mỹ chỉ còn được kỳ vọng tăng 1.9% trong năm nay – giảm so với mức 2.5% được dự báo hồi đầu năm.
Không chỉ làm chậm đầu tư, các diễn biến này còn đe dọa xuất khẩu – vốn là một động lực tăng trưởng trong các chu kỳ trước. Nếu các biện pháp trả đũa thương mại diễn ra đúng như lo ngại, doanh số từ thị trường nước ngoài của doanh nghiệp Mỹ sẽ suy giảm, kéo theo hệ quả tiêu cực lên GDP. Trong bối cảnh thị trường tài chính cũng đang chịu áp lực bán tháo sau các tuyên bố mới của Nhà Trắng, tâm lý toàn thị trường đang bị đè nặng bởi nỗi lo ngắn hạn về sản lượng sụt giảm, thất nghiệp gia tăng, lạm phát cao và bất ổn tài chính lan rộng
Diễn biến trên thị trường hàng hóa
Tình hình giao dịch các loại hàng hóa quan trọng cũng đang phản ánh tâm lý phòng thủ của thị trường toàn cầu. Giá vàng, tài sản trú ẩn đã tăng hơn 20% từ đầu năm và đạt mức cao kỷ lục 3,400 USD/oz trong tháng 4/2025. Ngược lại, giá dầu Brent đã giảm về mức thấp nhất kể từ năm 2021, do lo ngại nhu cầu năng lượng sẽ sụt giảm trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chững lại. Sự kết hợp giữa giá vàng tăng và dầu giảm thường được xem là chỉ báo định hướng tiêu cực cho triển vọng kinh tế toàn cầu.
Giới phân tích cho rằng nếu chính quyền không rút lại chính sách, thị trường sẽ định giá một cuộc suy thoái toàn diện. Ngược lại, nếu có sự nhượng bộ, kỳ vọng tăng trưởng vẫn sẽ bị điều chỉnh giảm. Trong cả hai trường hợp, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ đối mặt với thách thức kép: vừa kiềm chế lạm phát vượt mục tiêu 2%, vừa chịu áp lực nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh chiến tranh thương mại ngày càng xấu đi.
Các yếu tố giúp trì hoãn suy thoái
Mặc dù nhiều chỉ báo kinh tế đã phát tín hiệu cảnh báo, vẫn tồn tại một số yếu tố tích cực có thể giúp trì hoãn hoặc làm chậm lại quá trình suy thoái trong năm 2025.
Thị trường lao động vẫn duy trì sự ổn đinh chưa có dấu hiệu suy thoái
Dù kỳ vọng trở nên bi quan, thị trường lao động hiện tại vẫn duy trì sự ổn định. Tỷ lệ thất nghiệp liên tục dao động trong khoảng 4%–4.2% kể từ tháng 5/2024 – mức được xem là “bình thường” theo các dữ kiện lịch sử. Việc số lượng việc làm mới trong tháng 4 tiếp tục vượt kỳ vọng cho thấy doanh nghiệp vẫn giữ vững lực lượng lao động, chưa bước vào chu kỳ cắt giảm quy mô lớn. Đồng thời, chỉ báo "Quy tắc Sahm" – công cụ thường dùng để xác định thời điểm bắt đầu suy thoái dựa trên sự gia tăng của tỷ lệ thất nghiệp – hiện vẫn chưa bị kích hoạt. Tuy Goldman Sachs dự báo thất nghiệp có thể lên đến 4.7% vào cuối năm, các chỉ số hiện tại chưa phản ánh tín hiệu suy thoái rõ rệt như các chu kỳ tiền khủng hoảng trước đây.
Chính sách tiền tệ linh hoạt từ Fed
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã giữ nguyên lãi suất trong hai quý liên tiếp và phát tín hiệu sẵn sàng cắt giảm lãi suất nếu rủi ro suy thoái rõ ràng hơn. Khả năng phản ứng chính sách nhanh và linh hoạt từ Fed là yếu tố quan trọng giúp ổn định kỳ vọng thị trường và hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tài chính.
Đầu tư công giữ vai trò hỗ trợ
Chính phủ Mỹ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đặc biệt thông qua các gói hỗ trợ cơ sở hạ tầng và chuyển đổi năng lượng. Dòng vốn này giúp tạo việc làm và duy trì cầu đầu tư trong bối cảnh doanh nghiệp tư nhân đang cắt giảm chi tiêu. Theo Moody's Analytics, Đạo luật Đầu tư Cơ sở hạ tầng và Việc làm đã tạo ra khoảng 600 nghìn việc làm trong năm 2024 và dự kiến sẽ tạo thêm 800 nghìn việc làm vào năm 2025, chủ yếu trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông và năng lượng.
Một tia hy vọng từ đàm phán tạm thời
Tuy nhiên, thị trường đã có một cú hích tích cực vào thứ hai 12/5 khi Mỹ và Trung Quốc đồng ý tạm ngưng áp thuế mới để bắt đầu vòng đàm phán mới. Việc tạm hoãn các mức thuế “ba chữ số” được kỳ vọng sẽ giảm bớt nguy cơ lạm phát cao kèm suy thoái – một kịch bản stagflation mà nhiều nhà đầu tư lo ngại. Thông tin này được xem là tích cực vượt kỳ vọng, đặc biệt khi trước đó chỉ vài ngày, Tổng thống Trump còn úp mở khả năng áp mức thuế 80%. Theo nội dung sơ bộ, thuế bổ sung sẽ được giữ ở mức 30% – gồm 10% cơ bản (sẽ được Trung Quốc đáp ứng tương đương) và thêm 20% nhằm buộc Trung Quốc có hành động cụ thể trong vấn đề kiểm soát fentanyl.
Trump vẫn tự tin vào nền kinh tế
Các quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn phủ nhận khả năng Mỹ sắp bước vào suy thoái. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent tuyên bố không có dữ liệu nào cho thấy kinh tế đang suy giảm. Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Kevin Hassett cũng khẳng định "100% không kỳ vọng suy thoái" trong năm 2025, dẫn lại đánh giá tích cực từ các CEO doanh nghiệp lớn về triển vọng tăng trưởng bất chấp bất định thuế quan.
Thuế đối ứng: Bước ngoặt về chính sách
Chính sách thuế đối ứng được chính quyền Tổng thống Donald Trump chính thức triển khai từ ngày 2/4/2025 là một bước đi thể hiện rõ định hướng bảo hộ thương mại mới của Mỹ. Nguyên tắc cốt lõi của chính sách là “thuế tương xứng”, tức Mỹ sẽ áp dụng mức thuế nhập khẩu ngang bằng với mức mà các quốc gia khác đang áp lên hàng hóa Mỹ. Theo quy định hiện hành:
- Thuế cơ bản 10% áp dụng với phần lớn hàng hóa nhập khẩu;
- Các quốc gia có thuế suất chênh lệch cao – bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Mexico, Hàn Quốc và Thái Lan – phải chịu mức thuế từ 25% đến 145%;
- Trong đó, Trung Quốc chịu mức cao nhất 145%, phản ánh căng thẳng thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế;
- Việt Nam được tạm miễn áp dụng mức thuế 46% đến ngày 8/7/2025 để tiếp tục đàm phán song phương.
Khác với các chính sách thuế trước đây vốn mang tính chất điều chỉnh có chọn lọc, chính sách lần này mang tính hệ thống và bao phủ diện rộng, làm thay đổi đáng kể chi phí nhập khẩu và cấu trúc chuỗi cung ứng hiện có. Nhiều doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt trong các ngành sử dụng nhiều linh kiện và bán thành phẩm nhập khẩu như ô tô, điện tử và hàng tiêu dùng nhanh, đang đối mặt với áp lực chi phí đột biến. Điều này buộc họ phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh – từ tăng giá đầu ra, giảm biên lợi nhuận, đến hoãn đầu tư hoặc tái cơ cấu chuỗi cung ứng.
Tác động này đã phản ánh rõ trong chỉ số PMI ngành sản xuất Mỹ, khi chỉ số này giảm từ 50.3 trong tháng 2 xuống còn 48.7 trong tháng 4/2025, đánh dấu tháng thứ hai liên tiếp ở dưới ngưỡng 50 – mức thể hiện sự co hẹp trong hoạt động sản xuất. Mức suy giảm này được dẫn dắt bởi chi phí đầu vào tăng, đơn hàng xuất khẩu giảm và tâm lý doanh nghiệp trở nên thận trọng hơn với triển vọng lợi nhuận.
Không chỉ gây xáo trộn ở cấp độ doanh nghiệp, chính sách thuế đối ứng còn kích hoạt phản ứng từ nhiều đối tác thương mại. Trung Quốc đã nhanh chóng công bố mức thuế trả đũa lên tới 125% đối với hàng hóa Mỹ, đồng thời đình chỉ nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược như đậu tương và khí hóa lỏng. EU, Canada và Nhật Bản cũng đang xem xét các biện pháp đối ứng riêng biệt, bao gồm kiện Mỹ lên WTO và áp thuế bổ sung lên công nghệ cao và hàng xa xỉ từ Mỹ.
Dự báo và xác suất suy thoái từ các định chế tài chính
Nhiều tổ chức tài chính và nghiên cứu kinh tế lớn đã cảnh báo rõ ràng về nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ trong năm 2025. Trong báo cáo cuối tháng 4/2025, Goldman Sachs nâng xác suất suy thoái trong 12 tháng tới lên 45%, so với 35% hồi đầu năm. Nguyên nhân chính đến từ tác động lan rộng của chính sách thuế đối ứng, làm xói mòn niềm tin doanh nghiệp và trì hoãn đầu tư.
Goldman dự báo kịch bản “suy giảm đều” kéo dài từ nửa cuối 2025 đến đầu 2026, thay vì một cú sốc suy thoái đột ngột. Tuy nhiên, nếu lãi suất thực vẫn thấp và chính sách tài khóa được điều chỉnh kịp thời, nền kinh tế có thể tránh suy thoái nghiêm trọng.
J.P. Morgan tỏ ra bi quan hơn, nâng xác suất suy thoái lên tới 60%, nhấn mạnh rủi ro từ mức thuế 145% áp lên hàng hóa Trung Quốc – được xem là “phi thị trường” và có thể gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Tâm lý doanh nghiệp yếu, đầu tư tư nhân trì trệ và dòng vốn FDI chững lại do bất ổn chính sách.
Theo dự báo của Lawrence Summers, nếu suy thoái xảy ra, Mỹ có thể mất thêm 2 triệu việc làm, nâng số người thất nghiệp lên hơn 9 triệu, còn thu nhập hộ gia đình giảm ít nhất 5,000 USD/năm.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP Mỹ 2025 xuống 1.1% và đánh giá xác suất suy thoái ở mức 40%–50%. IMF cảnh báo các rủi ro từ gián đoạn chuỗi cung ứng, phân bổ vốn kém hiệu quả và áp lực từ lạm phát nhập khẩu.
Từ đầu năm đến nay, chỉ số S&P 500 đã giảm trên 8%, phản ánh tâm lý bi quan trên thị trường tài chính. Với nền kinh tế phụ thuộc cao vào tiêu dùng và nhập khẩu, Mỹ được đánh giá là dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc toàn cầu

Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.



Bài viết liên quan
Phân tích Mỹ và rủi ro suy thoái trong năm 2025
17/07/25
Trung Quốc kiểm soát đất hiếm ra sao
15/07/25
Thỏa ước Plaza (kỳ 1): Nhật Bản từng giàu có như thế nào
13/07/25
Taxi Hàng Không – Tương lai ngành dịch vụ vận tải
09/07/25
Chính sách tiền tệ khi lãi suất chạm đáy
05/07/25
Hiểu về lãi suất liên ngân hàng
01/07/25
Đổi mới ngành năng lượng
27/06/25
Đội tàu bóng tối ảnh hưởng như thế nào đến ngành vận tải biển?
23/06/25
Khơi thông vốn tư nhân: Động lực tăng trưởng mới
17/06/25
Bảo hiểm hàng không nhìn từ vụ tai nạn Air India
15/06/25
Việt Nam 34 Tỉnh: Cải Cách và Tăng Trưởng
13/06/25
Cắt giảm tài trợ chuyển tiếp và tác động kinh tế
11/06/25
Sở hữu nhà ở – Sức bật kinh tế từ cho vay thế chấp
09/06/25
Bỏ thuế khoán: cơ hội minh bạch và thách thức
07/06/25
Trung Quốc hướng đến tự chủ trong sản xuất công nghệ bán dẫn
05/06/25
Khi Trung Quốc ngừng mua thiết bị của ASML
03/06/25
Ảnh hưởng từ thuế quan đến ngành logistics của Mỹ
01/06/25
Cập nhật ngành cảng biển Việt Nam khi các liên minh hãng tàu tái cấu trúc
29/05/25
Khai thác đất hiếm xuất hiện thêm bên ngoài Trung Quốc
24/05/25
PPP Tại Việt Nam: Cơ Hội và Thách Thức
20/05/25
Công nghiệp bán dẫn Đài Loan bị cuốn vào cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung
19/05/25
Khi ngành “xa xỉ” trở thành vũ khí chính trị cho Trung Quốc
05/05/25
Phần bù rủi ro “ngu ngốc” trong điều hành chính sách
03/05/25
Nghệ thuật không đàm phán: Chiến lược 3 vòng của Trung Quốc
01/05/25