Điểm nhấn chính
- Đạo luật OBBBA, ký ngày 4/7/2025, hợp pháp hóa vĩnh viễn cắt giảm thuế năm 2017, bổ sung ưu đãi thuế cho người thu nhập cao, doanh nghiệp và hộ gia đình trung lưu.
- Đạo luật gây tranh cãi khi cắt giảm an sinh xã hội, tăng chi quốc phòng, làm dấy lên lo ngại về bất bình đẳng tài chính và thâm hụt ngân sách trong thập kỷ tới.
Vào ngày 4/7/2025, Tổng thống Donald Trump chính thức ký ban hành đạo luật “One Big Beautiful Bill Act” – một bước đi được xem là then chốt trong chiến lược tài khóa nhiệm kỳ hai. Giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều bất định và tranh luận về vai trò nhà nước, đạo luật này khơi lại mô hình kinh tế trickle-down từng gây tranh cãi, đồng thời mở ra làn sóng phản ứng trái chiều từ giới chuyên gia, nhà đầu tư và công chúng Mỹ.
Cải cách thuế quy mô lớn: Tái cấu trúc hay chuyển dịch lợi ích theo chiều dọc?
Với tên gọi mang tính biểu tượng, “Big Beautiful Bill” thể hiện rõ quan điểm ưu tiên thị trường tự do và giảm thuế triệt để mà Donald Trump theo đuổi từ nhiệm kỳ đầu. Đạo luật hợp pháp hóa vĩnh viễn các điều khoản giảm thuế từ năm 2017 vốn được thiết kế tạm thời, đồng thời mở rộng các ưu đãi mới cho các nhóm đối tượng cụ thể. Bao gồm nâng mức khấu trừ thuế SALT (thuế địa phương và tiểu bang) lên đến 40,000 USD, cho phép khấu trừ tiền tip và làm thêm giờ đối với người lao động, và đặc biệt là việc thành lập “Trump Accounts” – tài khoản tiết kiệm trị giá 1,000 USD dành cho mỗi trẻ em sinh từ năm 2025 đến 2028 nhằm khuyến khích tiết kiệm dài hạn từ sớm.
Tuy nhiên, trái ngược với việc giảm thuế ở một đầu, đạo luật lại đề xuất cắt giảm đáng kể ở đầu chi tiêu xã hội. Ngân sách Medicaid bị giảm khoảng 12%, đồng thời điều kiện tiếp cận với các chương trình hỗ trợ thực phẩm như SNAP bị siết chặt hơn. Trong lĩnh vực môi trường, các khoản hỗ trợ xe điện, năng lượng mặt trời và những chương trình khuyến khích chuyển dịch xanh theo Đạo luật Giảm Lạm Phát (IRA) trước đó bị loại bỏ hoàn toàn, đánh dấu một bước lùi lớn trong chính sách năng lượng tái tạo của Mỹ.
Thâm hụt gia tăng và tác động xã hội: Ai được lợi, ai chịu thiệt?
Mô hình “trickle-down economics” có còn hiệu quả?
Xét về mặt tư tưởng, OBBBA phản ánh rõ triết lý kinh tế của chủ nghĩa bảo thủ hiện đại – trong đó, mô hình “trickle-down economics” giữ vai trò trung tâm. Đây là mô hình cho rằng việc giảm thuế cho người giàu và doanh nghiệp lớn sẽ kích thích đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, tạo thêm việc làm và qua đó lợi ích kinh tế sẽ “thấm” dần xuống các tầng lớp thu nhập thấp hơn. Mặc dù từng là nền tảng của các chính sách thời Reagan (Reaganomics) và được hồi sinh dưới thời Donald Trump, mô hình này ngày càng bị đặt dấu hỏi về tính bền vững và công bằng trong phân phối lợi ích.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ngày càng bất định, tỷ lệ nợ công của Mỹ đã vượt 120% GDP, và sự bất mãn xã hội lan rộng, chính sách dựa trên trickle-down economics mà OBBBA theo đuổi bị giới học giả và chuyên gia kinh tế đánh giá là không còn phù hợp. Nhiều phân tích cho thấy lợi ích thực tế từ các chính sách giảm thuế chủ yếu tập trung vào nhóm thu nhập cao, trong khi các nhóm dễ tổn thương lại bị cắt giảm an sinh – khiến mô hình trickle-down ngày càng bộc lộ điểm yếu trong việc duy trì công bằng xã hội và ổn định tài khóa dài hạn.
Thâm hụt ngân sách : Đòn đánh kép vào bội chi và nợ công
Một trong những hệ quả tài khóa nghiêm trọng nhất của OBBBA là nguy cơ gia tăng thâm hụt ngân sách trong thập kỷ tới. Theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), OBBBA có thể khiến thâm hụt liên bang tăng thêm 3.3 đến 4.5 nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm. Nếu tính theo phân tích của CBO nếu bao gồm cả tác động của lãi vay gia tăng do nợ công lớn hơn con số này có thể vượt 4.4 nghìn tỷ USD.
Tỷ lệ nợ công trên GDP được dự báo sẽ tăng từ 120% hiện tại lên 126–127% vào năm 2034, đẩy Mỹ tiến gần hơn đến ngưỡng mất kiểm soát tài khóa. Ngoài ra, theo phân tích từ Tax Foundation, phần lớn mức thâm hụt dài hạn sẽ đến từ trả lãi nợ – chiếm tới ⅔ tổng bội chi sau nhiều thập kỷ. Đây là một điểm đặc biệt đáng lưu ý, bởi lãi vay không tạo ra giá trị kinh tế mới, nhưng lại ăn mòn nghiêm trọng khả năng chi cho giáo dục, y tế và an sinh xã hội của Chính phủ liên bang.
Tác động phân phối thu nhập: Lợi ích nghiêng hẳn về giới giàu có
Mặc dù OBBBA được trình bày như một gói kích thích cho tầng lớp trung lưu, phân tích chi tiết từ Yale Budget Lab và Viện Chính sách Thuế (ITEP) cho thấy phần lớn lợi ích tài chính rơi vào tay nhóm 1% giàu nhất nước Mỹ, với mức gia tăng thu nhập sau thuế lên đến +2–4%. Trong khi đó, 60% dân số thuộc nhóm thu nhập trung bình và thấp chỉ nhận được phần rất nhỏ, thậm chí phải gánh chịu thiệt hại ròng do mất các khoản trợ cấp.
Đặc biệt, nhóm dưới 10% đáy thu nhập có thể mất tới ~4% tổng tài nguyên tài chính mỗi năm, còn nhóm 20% đầu thiệt hại trung bình 1,035 USD/năm. Việc cắt giảm chương trình Medicaid, SNAP và hỗ trợ năng lượng khiến các hộ gia đình thu nhập thấp mất đi mạng lưới an sinh tối thiểu, đồng thời đối mặt với giá cả leo thang – đặc biệt trong lĩnh vực y tế và điện năng.
Điều này làm dấy lên lo ngại về một chu kỳ bất bình đẳng kéo dài, trong đó chính sách thuế – thay vì đóng vai trò tái phân phối lại trở thành công cụ làm sâu sắc thêm khoảng cách giữa các tầng lớp kinh tế.
Kinh tế vĩ mô dài hạn: Hiệu ứng ngắn hạn tích cực, hệ quả dài hạn tiêu cực
Trong ngắn hạn, OBBBA có thể mang lại một số hiệu ứng tích cực cho tăng trưởng GDP nhờ gia tăng tiêu dùng và đầu tư của khu vực tư nhân. Một số mô hình dự báo tăng trưởng GDP thực có thể tăng nhẹ từ 0.2% đến 1.2% trong 1–3 năm đầu sau khi ban hành đạo luật.
Tuy nhiên, về trung và dài hạn, hiệu ứng này dần tiêu tan và đảo chiều. Theo phân tích từ Viện Nghiên cứu Ngân sách Yale, đến năm 2054, GDP thực của Mỹ có thể thấp hơn khoảng 3% so với kịch bản không có OBBBA, do gánh nặng nợ công và lãi suất gia tăng bóp nghẹt đầu tư công và hiệu quả kinh tế. Lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm được dự báo tăng thêm khoảng 1.2 điểm phần trăm, dẫn đến chi phí vốn tăng trên diện rộng và tác động tiêu cực đến khu vực sản xuất, xây dựng và công nghệ.
Một mối lo ngại khác, theo Financial Times, là việc cắt giảm thuế kéo dài có thể khiến thâm hụt ngân sách gia tăng, từ đó làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư quốc tế vào khả năng chi trả của chính phủ Mỹ. Khi thâm hụt lớn, Mỹ sẽ phải vay mượn nhiều hơn từ nước ngoài, dẫn đến rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô nếu thị trường mất niềm tin.
Trong nỗ lực bù đắp ngân sách, OBBBA cũng đánh thuế bổ sung với các trường đại học có tài sản lớn như Harvard, Stanford, MIT, ước tính thu về khoảng 760 triệu USD. Tuy nhiên, số thu này được đánh giá là không đáng kể nếu so với tổng chi phí đạo luật gây ra.
Ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam: Cơ hội hay rủi ro trong chu kỳ tài chính mới?
Mặc dù là một đạo luật nội địa của Hoa Kỳ, OBBBA vẫn có thể tạo ra các tác động lan tỏa đến nền kinh tế Việt Nam, thông qua các kênh như thương mại, đầu tư, lãi suất toàn cầu và xu hướng điều hành chính sách của các quốc gia mới nổi.
Ảnh hưởng từ mặt bằng lãi suất toàn cầu
Việc cắt giảm thuế quy mô lớn và tăng chi tiêu quốc phòng của Mỹ như trong OBBBA sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách liên bang tăng cao, buộc chính phủ Mỹ phát hành thêm trái phiếu để tài trợ bội chi. Điều này có khả năng khiến lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn dài tăng lên, kéo theo lãi suất toàn cầu cùng tăng – một hiện tượng từng xảy ra sau đạo luật cắt giảm thuế 2017. Việt Nam với cơ cấu nợ công có khoảng 20% là nợ nước ngoài có thể chịu ảnh hưởng gián tiếp thông qua chi phí vay tăng và rủi ro áp lực tỷ giá khi dòng vốn rút khỏi thị trường mới nổi để quay về Mỹ.
Đồng USD mạnh lên có thể ảnh hưởng đến tỷ giá và xuất khẩu Việt Nam
Nếu thị trường kỳ vọng tăng trưởng Mỹ duy trì ở mức cao nhờ chính sách tài khóa mở rộng, đồng USD có thể tiếp tục mạnh lên trong trung hạn. Điều này gây sức ép lên tỷ giá USD/VND, buộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phải điều chỉnh điều hành linh hoạt để duy trì ổn định vĩ mô. Trong bối cảnh đó, xuất khẩu của Việt Nam vốn nhạy cảm với biến động tỷ giá có thể được hưởng lợi phần nào do hàng hóa trở nên rẻ hơn so với các nước khác.
Tuy nhiên, mặt trái là chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào, đặc biệt trong nhóm công nghiệp chế biến chế tạo, sẽ gia tăng, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu.
Nguy cơ gián đoạn chuyển dịch xanh tại Việt Nam
Một phần quan trọng trong OBBBA là việc Mỹ cắt giảm trợ cấp năng lượng tái tạo và rút khỏi các cam kết khí hậu toàn cầu. Là quốc gia đang chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch với kỳ vọng thu hút tài trợ quốc tế (như JETP), Việt Nam có thể gặp khó khăn hơn trong việc kêu gọi hỗ trợ tài chính từ Mỹ và các tổ chức liên quan. Điều này khiến chi phí đầu tư vào năng lượng mặt trời, điện gió và các giải pháp xanh tại Việt Nam bị đội lên, làm chậm quá trình hiện thực hóa mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Ảnh hưởng tâm lý đến chính sách điều hành ở Việt Nam
Sự quay trở lại mạnh mẽ của mô hình "trickle-down economics" từ Mỹ có thể tạo hiệu ứng lan tỏa tới các nền kinh tế đang phát triển, bao gồm Việt Nam. Trong trường hợp Việt Nam lựa chọn học tập theo mô hình cắt giảm thuế để thu hút đầu tư tư nhân, nhưng thiếu đi sự bù đắp tương xứng từ cải cách thu chi, nguy cơ mất cân đối ngân sách, suy giảm đầu tư công và gia tăng bất bình đẳng xã hội có thể trở nên hiện hữu. Đây là bài học mà các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam cần cân nhắc kỹ lưỡng, trong bối cảnh hệ thống an sinh và ngân sách vẫn còn hạn chế về quy mô và hiệu quả phân phối.
Kết luận
“Big Beautiful Bill” có thể được xem là một bước ngoặt lớn trong chính sách tài khóa Mỹ, mang đậm dấu ấn cá nhân của Donald Trump và tư duy cải cách triệt để về thuế. Tuy nhiên, tính hiệu quả và công bằng của đạo luật này vẫn còn là một dấu hỏi lớn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế - xã hội phức tạp như hiện nay. Việc đạo luật mang lại lợi ích dài hạn hay để lại hệ lụy tài chính sâu rộng phụ thuộc hoàn toàn vào cách chính phủ tương lai điều tiết, cân bằng lại hệ sinh thái thu chi công.
Với Việt Nam, đạo luật này không mang lại rủi ro trực tiếp nhưng gián tiếp tạo ra một môi trường kinh tế - tài chính quốc tế biến động, đòi hỏi chính sách trong nước phải thận trọng, linh hoạt và có tầm nhìn dài hạn.

Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.



Bài viết liên quan
One Big Beautiful Bill của Donald Trump là gì?
23/07/25
Taxi Hàng Không – Tương lai ngành dịch vụ vận tải
09/07/25
Đổi mới ngành năng lượng
27/06/25
Đội tàu bóng tối ảnh hưởng như thế nào đến ngành vận tải biển?
23/06/25
Khơi thông vốn tư nhân: Động lực tăng trưởng mới
17/06/25
Việt Nam 34 Tỉnh: Cải Cách và Tăng Trưởng
13/06/25
Bỏ thuế khoán: cơ hội minh bạch và thách thức
07/06/25
Khi Trung Quốc ngừng mua thiết bị của ASML
03/06/25
One Big Beautiful Bill của Donald Trump là gì?
23/07/25
Phân tích Mỹ và rủi ro suy thoái trong năm 2025
17/07/25
Trung Quốc kiểm soát đất hiếm ra sao
15/07/25
Thỏa ước Plaza (kỳ 1): Nhật Bản từng giàu có như thế nào
13/07/25
Taxi Hàng Không – Tương lai ngành dịch vụ vận tải
09/07/25
Chính sách tiền tệ khi lãi suất chạm đáy
05/07/25
Hiểu về lãi suất liên ngân hàng
01/07/25
Đổi mới ngành năng lượng
27/06/25