Điểm nhấn chính:
- Khi tìm kiếm một cố vấn tài chính, bạn có thể ưu tiên lựa chọn một cố vấn chỉ tính phí hơn vì họ đưa ra lời khuyên khách quan mà không lợi dụng để kiếm tiền từ bạn.
- Tìm hiểu các cố vấn một cách cẩn thận có thể sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu tài chính đúng kế hoạch và tránh được các rủi ro không mong muốn.
Cố vấn tài chính là gì?
Cố vấn tài chính (Financial advisor) là nhân sự có bằng cấp và kinh nghiệm trong ngành tài chính, dùng kiến thức và chuyên môn của họ để xây dựng các kế hoạch tài chính cá nhân hóa cho từng khách hàng nhằm giúp mỗi khách hàng đạt được các mục tiêu tài chính của mình.
Những kế hoạch tài chính này bao gồm việc xây dựng danh mục đầu tư đa dạng hóa vào các loại tài sản chứng khoán, tiết kiệm, bảo hiểm, bất động sản và cả cách tối ưu về thuế. Sau khi xây dựng các kế hoạch tài chính, các cố vấn sẽ liên tục kiểm tra với khách hàng của họ một cách thường xuyên, định kỳ để đánh giá lại tình hình của danh mục hiện tại và các mục tiêu trong tương lai để điều chỉnh lại kế hoạch phù hợp.
Nhiều người thường thắc mắc rằng liệu họ có cần thuê một nhà lập kế hoạch hay cố vấn tài chính cho mình hay không, và làm thế nào để có thể chọn một cố vấn tài chính phù hợp.
Không phải tất cả các cố vấn tài chính đều đưa ra các lời khuyên giống nhau. Trước khi bạn đặt tương lai tài chính của mình vào tay người khác, hãy hỏi họ về kinh nghiệm, chứng chỉ hành nghề và tầm nhìn chiến lược của họ đối với tiền của bạn. Kiếm tiền không phải là một nhiệm vụ dễ dàng và nếu có ai đó giúp bạn quản lý số tiền này, họ cần phải có track record và hiểu bạn mong muốn điều gì trong tương lai.
Đối với những người không có kiến thức chuyên môn, nhà cố vấn tài chính sẽ giúp họ đạt được các mục tiêu tài chính bằng cách đề xuất cách phân bổ tiền vào các loại tài sản đầu tư với tỷ trọng khác nhau, gắn liến với mục tiêu tài chính của bạn. Những mục tiêu tài chính đó có thể bao gồm tích lũy tiền hưu trí để giúp bạn có cuộc sống thoải mái khi nghỉ hưu, tích lũy tiền cho việc học của con cái, hoặc cũng có thể là vốn để có thể bắt đầu kinh doanh hoặc thành lập công ty, hay mua một ngôi nhà nghỉ dưỡng.
Mặc dù các nghiệp vụ mà các nhà cố vấn tài chính thực hiện gần như tương tự nhau, nhưng sự khác biệt chính là trong các dịch vụ được cung cấp và giá cả của chúng. Thật vậy, có một số cố vấn tài chính rất giỏi, họ luôn cố gắng làm mọi thứ có thể để đáp ứng một cách tốt nhất các nhu cầu, mục tiêu của khách hàng đề ra, và quản lý danh mục đầu tư có mức lợi nhuận cao hơn so với thị trường. Mặt khác, cũng có một số người chỉ tranh thủ tư vấn cho khách hàng những dịch vụ mang lại khoản hoa hồng lớn nhất cho họ. Do đó, trước khi có ý định thuê một cố vấn tài chính, bạn cần phải tự tìm hiểu về sự khác biệt giữa hai loại cố vấn tài chính này.
Các nhà cố vấn tài chính khác nhau
Nhìn chung, hầu hết các nhà hoạch định tài chính đếu có nhiệm vụ giúp bạn đạt được mục tiêu tài chính, bao gồm việc hoạch định ngân sách và tăng trưởng tài sản, trong khi một số cố vấn đầu tư/nhà quản lý tài sản khác sẽ chỉ tập trung vào việc giúp bạn chọn các khoản đầu tư.
Mặc dù có các chức danh khác nhau, sự khác biệt quan trọng nhất giữa các nhà cố vấn tài chính không phải là danh xưng của họ, mà là cách họ được trả tiền.
Cố vấn tài chính chỉ thu phí
Cố vấn tài chính chỉ thu phí (fee-only) mang lại các lời khuyên và sự tư vấn cho các nhà đầu tư với một khoản phí nhất định. Lệ phí này có thể được tính theo giờ hoặc theo tỷ lệ phần trăm hàng năm của tài sản được quản lý (cách tính này được sử dụng phổ biến bởi nhiều nhà cố vấn tài chính hiện nay).
Các cố vấn chỉ tính phí có thể đưa ra kế hoạch tài chính, kế hoạch nghỉ hưu, quản lý tài sản, hoạch định ngân sách, hỗ trợ thanh toán nợ, v.v. Tất cả các khoản phí đều được tiết lộ trước cho khách hàng để họ biết chính xác các dịch vụ mà họ sẽ nhận được từ số tiền của mình.
Một trong những lợi thế lớn nhất của hình thức cố vấn này là họ có thể đưa ra lời khuyên khách quan cho khách hàng vì họ không được các công ty trả tiền để bán sản phẩm. Họ không được nhận hoa hồng hoặc phí bán hàng từ các công ty, vì vậy họ không bắt buộc phải hướng khách hàng vào bất kỳ sản phẩm cụ thể nào. Như vậy, khách hàng không phải lo lắng về xung đột lợi ích với các nhà cố vấn này. Do đó, dịch vụ tư vấn tài chính chỉ thu phí đang ngày càng trở nên phổ biến đối với hầu hết các nhà đầu tư.
Cố vấn tài chính dựa trên tiền hoa hồng
Cố vấn tài chính dựa trên tiền hoa hồng (commission-based) có thể cung cấp các dịch vụ giống như cố vấn chỉ tính phí nhưng họ sẽ được nhận những khoản tiền khác nhau. Thay vì thu phí từ khách hàng, họ sẽ nhận được tiền hoa hồng từ các công ty quỹ hoặc công ty môi giới cho việc bán các sản phẩm tài chính. Thông thường, số tiền đó được tính theo một tỷ lệ phần trăm trên tổng số tiền mà khách hàng của họ đầu tư vào các quỹ hoặc sản phẩm cụ thể.
Cơ hội kiếm được khoản hoa hồng lớn đối với một số sản phẩm nhất định là rất lớn — ngay cả khi chúng không phải là khoản đầu tư tốt nhất cho khách hàng — có thể khiến cho các nhà cố vấn này rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” về mặt đạo đức.
Rất nhiều nhà cố vấn trong số này rất có uy tín và cố gắng hành động vì lợi ích cao nhất của khách hàng, miễn là họ có thể tiếp tục kiếm được những khoản hoa hồng béo bở từ việc bán các sản phẩm hay cung cấp các dịch vụ nhất định. Tuy nhiên, cũng có một số khác lại có nhận thức rằng bạn - khách hàng - có thể không phải là ưu tiên hàng đầu của họ.
Ví dụ, bạn đang có nhu cầu tìm kiếm một số quỹ cho danh mục đầu tư hưu trí của mình và bạn quyết định thuê một cố vấn tài chính. Đây là một cố vấn làm việc dựa trên phí hoa hồng.
Nhà cố vấn tài chính này của bạn có thể bán cho bạn các quỹ tương hỗ từ một số công ty quỹ khác nhau. Tuy nhiên, cô ấy sẽ có xu hướng bán cho bạn quỹ tương hỗ của chính A vì cô ấy sẽ nhận được phí hoa hồng cao hơn từ công ty này.
Hoặc có thể hiểu là, nếu bạn đầu tư 4 tỷ đồng vào quỹ A, cố vấn tài chính của bạn có thể kiếm được 20 triệu, nhưng nếu bạn đầu tư số tiền tương tự vào các quỹ tương hỗ khác, cô ấy sẽ chỉ kiếm được một số tiền thấp hơn, 5 triệu đồng.
Khi bạn quyết định làm việc với một nhà cố vấn hoặc nhà lập kế hoạch tài chính không phải là cố vấn chỉ thu phí, hãy yêu cầu họ nêu chi tiết cách họ được trả thù lao, bao gồm cả khoản hoa hồng họ kiếm được trên bất kỳ sản phẩm nào họ đang bán cho bạn.
Nếu họ không đưa ra câu trả lời một cách thẳng thắn, lời khuyên tốt nhất là bạn hãy tìm một nhà cố vấn mới.
Câu hỏi bạn thường gặp khi xem xét lựa chọn một cố vấn tài chính
Sau khi hiểu được những điều cơ bản về nhà cố vấn tài chính, phần tiếp theo này sẽ giúp bạn trả lời một số câu hỏi phổ biến khác mà bạn có thể gặp phải.
Khi nào nên thuê một nhà cố vấn tài chính?
Đây là một câu hỏi phụ thuộc vào nhu cầu của mỗi người. Nếu bạn có thắc mắc về đầu tư, tiết kiệm tiền, kế hoạch nghỉ hưu, thuế hoặc cần trợ giúp trong việc phân bổ và đầu tư tài sản của mình, nhờ tới một cố vấn tài chính có thể là phương án tốt bạn nên cân nhắc.
Bạn có thể tự quản lý tốt tiền bạc và các khoản đầu tư của mình trong một thời gian dài. Tuy nhiên, nếu bạn có khoản đầu tư nhiều tỷ đồng trở lên, có lẽ đã đến lúc bạn nên nhờ sự giúp đỡ của một cố vấn tài chính, ngay cả khi bạn biết rất nhiều về đầu tư.
Trên thực tế, ngay cả khi bản thân bạn là một nhà đầu tư chuyên nghiệp thì việc thuê cố vấn chủ yếu là nhằm có được ý kiến khách quan về các lựa chọn tài chính của mình.
Tài sản đạt mức bao nhiêu thì mới nên cân nhắc thuê một cố vấn tài chính?
Mặc dù bạn có thể tìm thấy một số cố vấn sẵn sàng hỗ trợ cho bạn với bất kỳ lượng tài sản nào, nhưng bạn có thể thấy đa số các cố vấn sẽ chỉ tư vấn cho những khách hàng có giá trị tài sản ròng cá nhân cao, với mức đầu tư tối thiểu thông thường là 2 tỷ đồng cho mức thấp nhất và có thể lên tới 20–40 tỷ đồng.
Chi phí thuê cố vấn tài chính là bao nhiêu?
Cố vấn tài chính dựa trên phí trung bình theo giờ và có thể rất đắt đỏ, thậm chí lên đến hàng triệu đồng một giờ. Các cố vấn dựa trên hoa hồng sẽ nhận được phần trăm trên tổng số giao dịch mà bạn thực hiện. Các cố vấn cung cấp các dịch vụ quản lý danh mục đầu tư có thể tính phí khoảng 0.5%-2% trên tổng giá trị tài sản được quản lý.
Làm sao biết được bạn đang có một cố vấn tài chính tốt hay không?
Việc tìm kiếm cố vấn tài chính phù hợp phụ thuộc vào một số yếu tố. Nhà đầu tư nào cũng mong muốn ủy thác tài sản của mình cho một ai đó đáng tin cậy, hiểu biết, có đạo đức và giàu kinh nghiệm. Nhưng quan trọng nhất, cố vấn tài chính nên biết lắng nghe, đặc biệt tới các mục tiêu của bạn và sẵn sàng giúp bạn lập kế hoạch để đạt được chúng một cách tốt nhất.
Bạn cần tìm hiểu một cách kỹ lưỡng cũng như gặp gỡ một số cố vấn trước khi chọn ra và thuê một người. Đồng thời, bạn cần yêu cầu họ cung cấp các thông tin cần thiết và đừng ngại chuyển sang một cố vấn khác nếu bạn cảm thấy không an toàn hay không hòa hợp với họ.
Một số cố vấn tài chính và nhà lập kế hoạch thỏa mãn các tiêu chuẩn như có Chứng chỉ chuyên gia hoạch định tài chính (CFP) hoặc Chứng chỉ Nhà phân tích tài chính (CFA), cả hai đều yêu cầu sự kết hợp nhất định của học thuật, kinh nghiệm và các kỳ thi tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, kế toán, luật sư hoặc các chuyên gia khác cũng có thể cung cấp dịch vụ lập kế hoạch tài chính cho bạn.
Xem thêm: Đầu tư chứng khoán có rủi ro không
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.