Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Vai trò của nhà môi giới trong thị trường tài chính

Nội dung

    Điểm nhấn chính: 

    - Nhà môi giới chứng khoán là người trung gian giữa nhà đầu tư và sàn giao dịch, giúp nhà đầu tư thực hiện lệnh mua/bán các chứng khoán.

    - Trong bối cảnh công nghệ phát triển, các CTCK cần năng cao trình độ, chất lượng nhân viên môi giới để thu hút nhà đầu tư và cải thiện doanh thu.

    Nhà môi giới là những ai?

    Nhà môi giới có thể là cá nhân hoặc tổ chức, có vai trò trung gian giúp thực hiện giao dịch giữa bên mua và bên bán. Trong thị trường chứng khoán, có thể hiểu nhà môi giới (chứng khoán) là người có vai trò trung gian giữa nhà đầu tư và sàn giao dịch, giúp nhà đầu tư thực hiện lệnh mua/bán các cổ phiếu cũng như các chứng khoán khác, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình đầu tư trên nền tảng của công ty chứng khoán mà họ đăng ký sử dụng dịch vụ.

    Bên cạnh đó, nhà môi giới còn có thể cung cấp thông tin thị trường, định hướng kế hoạch đầu tư, cung cấp các tài liệu nghiên cứu liên quan cho khách hàng. Trong quá khứ, chỉ có các khách hàng có giá trị tài sản ròng cao mới chi trả cho dịch vụ môi giới để tiếp cận thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, dịch vụ môi giới đã trở nên phổ biến, dễ tiếp cận hơn với chi phí phù hợp cho nhà đầu tư.

    Dịch vụ môi giới không chỉ giới hạn ở trong thị trường chứng khoán mà còn phổ biến trên thị trường bất động sản (BĐS). Nhà môi giới BĐS bên bán có thể có các nghĩa vụ như sau: xác định giá thị trường cho các bất động sản, liệt kê và quảng bá các bất động sản mở bán, giới thiệu bất động sản với người mua tiềm năng, tư vấn khách hàng về các ưu đãi, điều khoản liên quan, cung cấp giá chào mua cho người bán. Ngược lại, nhà môi giới BĐS bên mua có những nhiệm vụ như: tư vấn các bất động sản cho người mua theo yêu cầu của họ, chuẩn bị các thủ tục giấy tờ khi mua bán, đại diện người mua khi đàm phán với bên bán, đánh giá bất động sản trước khi ra quyết định.

    Phí môi giới chứng khoán hiện nay là bao nhiêu?

    Phí môi giới chứng khoán được hiểu là số tiền mà nhà đầu tư phải trả khi thực hiện giao dịch mua/bán chứng khoán thành công. Khoản tiền phí này được tính dựa trên cơ sở, các công ty chứng khoán/chuyên viên môi giới là trung gian, cung cấp dịch vụ cho khách hàng thực hiện giao dịch. Thông thường, phí môi giới cho mỗi giao dịch sẽ là một tỷ lệ phần trăm (%) nhất định trong tổng giá trị mua/bán trong ngày của khách hàng.

    Ví dụ: Trong ngày, bạn đặt 1 lệnh mua 500 cổ phiếu FPT với mức giá 120,000đ/cổ phiếu. Tổng số tiền mua cổ phiếu của bạn sẽ là 500cp x 120,000đ = 60 triệuđ. Giả sử, bạn chọn giao dịch trên nền tảng của công ty chứng khoán X, định mức phí môi giới cho lệnh mua này là 0.25% thì tổng phí giao dịch phải trả là 60 triệuđ x 0.25% = 150,000đ.

    Trên thị trường hiện nay, mức phí môi giới đang được áp dụng dao động từ 0.15% đến 0.35%, tùy vào từng công ty chứng khoán, tổng giá trị giao dịch/ngày/ngày/tài khoản hay hình thức đặt lệnh (online/qua nhân viên/…).

    Tiêu chí chọn bên môi giới phù hợp

    Để tìm được một người môi giới tốt là điều không dễ dàng. Theo đó, Tititada sẽ gợi ý một số tiêu chí chọn môi giới hữu ích cho bạn.

    Quan trọng nhất trong việc chọn nhà môi giới chứng khoán không phải là lợi nhuận, mà là phù hợp. Một nhà môi giới “chạy theo lợi nhuận” đồng nghĩa với việc họ sẽ gia tăng độ rủi ro đối với tài sản của bạn. Do đó, điều quan trọng là bạn cần hiểu được khả năng chấp nhận rủi ro của bản thân.

    Một nhà môi giới tốt sẽ giúp bạn nhận diện được mục tiêu đầu tư, khẩu vị rủi ro, mức độ chấp nhận rủi ro và các điều kiện đặc thù riêng của từng khách hàng. Từ đó, họ sẽ xây dựng danh mục khuyến nghị phù với các tiêu chí đã được khách hàng đưa ra, đi kèm với các cảnh báo về mức độ rủi ro vượt ngưỡng cho phép, khuyến nghị hành động kịp thời gửi đến khách hàng trong các trường hợp khẩn cấp, quan trọng.

    Một yếu tố quan trọng nữa là trong quá trình làm việc, nhà môi giới sẽ là bên tư vấn, giải đáp các thắc mắc của nhà đầu tư về giao dịch, về thị trường chứng khoán. Qua đó, nhà đầu tư hiểu hơn về việc đầu tư và tối thiểu hóa những rủi ro không mong muốn.

    Hoạt động môi giới tại Việt Nam

    1.  Điều kiện hoạt động môi giới tại Việt Nam

    a. Điều kiện trở thành nhân viên môi giới

    Để được làm môi giới, người môi giới cần phải có năng lực hành vi dân sự  đầy đủ, không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang bị cấm hành nghề chứng khoán theo quy định pháp luật. Ngoài ra, người đó cần tốt nghiệp đại học trở lên và có trình độ chuyên môn về chứng khoán. Cuối cùng là cần có chứng chỉ hành nghề.

    Theo đó, các nhà môi giới chứng khoán phải đạt kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ môi giới chứng khoán và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cấp chứng chỉ hành nghề môi giới chứng khoán mới được phép hành nghề. Theo pháp luật quy định, người môi giới chứng khoán phải làm việc tại một công ty chứng khoán và được công ty chứng khoán đó thông báo với UBCKNN. Nhà môi giới chứng khoán chỉ được thực hiện các nghiệp vụ sau: môi giới chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán. Đặc biệt, người có chứng chỉ hành nghề môi giới chứng khoán chỉ được làm việc tại 01 bộ phận nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán trong một thời điểm.

    Trong ngành BĐS trước đây, người môi giới bất động sản nếu có chứng chỉ hành nghề và đăng ký nộp thuế thì có thể hành nghề tự do, ở quy mô cá nhân. Tuy nhiên, theo sửa đổi của Luật Kinh doanh Bất động sản 2023, từ ngày 01/08/2024, môi giới BĐS (cá nhân) không những có chứng chỉ hành nghề mà phải hành nghề trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản/doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản.

    b. Điều kiện để công ty cung cấp dịch vụ môi giới chứng khoán

    Với những công ty chứng khoán thì cần đảm bảo đúng điều kiện về trụ sở làm việc, cơ sở vật chất, trang thiết bị văn phòng, hệ thống máy tính, phần mềm phục vụ cho việc phân tích đầu tư, quản lý rủi ro, chứng từ, tài liệu, an ninh cho thông tin khách hàng… Đặc biệt, về điều kiện vốn pháp định, các công ty muốn cung cấp nghiệp vụ  môi giới chứng khoán cần có số vốn pháp định tối thiểu là 25 tỷ đồng, tự doanh chứng khoán là 50 tỷ đồng, bảo lãnh phát hành chứng khoán là 165 tỷ đồng, tư vấn đầu tư chứng khoán là 10 tỷ đồng (căn cứ Khoản 1, Điều 175 Nghị định 155/2020).  

    2. Bối cảnh nghiệp vụ môi giới chứng khoán Việt Nam

    Do chịu ảnh hưởng dịch Covid-19, giai đoạn 2020 - 2021, thị trường chứng khoán nở rộ. Cụ thể, VNIndex tăng gần 36% so với năm 2020 lên mốc 1,498.28 điểm. Số lượng tài khoản mở mới trong năm 2021 đạt 1.3 triệu tài khoản, cao gấp 3 lần so với năm 2020. Điều này giúp mảng môi giới chứng khoán ghi nhận tăng trưởng tốt, với doanh thu quý IV/2021 của các CTCK đạt trên 6,700 tỷ đồng, tăng gần 30% so với quý trước đó và gấp 2.7 lần cùng kỳ.

    Song từ đầu quý II/2022 đến năm 2023, thị trường chứng khoán Việt chứng kiến giai đoạn giảm mạnh, thanh khoản thấp nên các hoạt động môi giới trở nên khó khăn hơn,và cho đến phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022, VNIndex về mốc 1,000 điểm. Thanh khoản trung bình của TTCK Việt Nam trong năm 2022 đạt 653.96 triệu cp và 17,004 tỷ đồng, lần lượt giảm 11.3% và 21.3% về khối lượng và giá trị so với năm 2021.

    Ngoài ra, một số CTCK bị áp lực trước xu hướng phí giao dịch 0 đồng, hay sự phổ biến của Internet và điện thoại thông minh, nhà đầu tư đã có thể tự đặt lệnh qua trang web hay ứng dụng của CTCK. Sự thay đổi này đã và đang ngày càng gây áp lực lên dịch vụ môi giới truyền thống. Sự ra đời và ngày càng trở nên phổ biến của trí tuệ nhân tạo cũng giúp các nhà đầu tư phân tích thị trường nhanh chóng và chính xác hơn, khiến cho việc đầu tư của họ tách rời với hoạt động môi giới thông thường và trở nên độc lập hơn, tự mình đưa ra quyết định. Theo đó, theo dữ liệu từ WiGroup, tổng doanh thu môi giới CTCK toàn thị trường năm 2023 đạt hơn 12,600 tỷ đồng, giảm 22% so với năm 2022. Sau khi trừ các chi phí, lãi thuần mảng này đạt xấp xỉ 2,250 tỷ đồng, giảm gần 52% svck, khiến biên lợi nhuận gộp thu hẹp từ 28% về khoảng 18%.

    Mặt khác, sự minh bạch và niềm tin của khách hàng vào lời tư vấn từ các nhân viên môi giới của CTCK cũng là vấn đề nan giải của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay.

    Do đó, các CTCK cần có chiến lược tiếp cận khách hàng mới, nâng cao cơ sở vật chất cũng như trình độ của các chuyên viên tư vấn để có thể thu hút nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ môi giới hơn thay vì chỉ sử dụng nền tảng giao dịch của công ty.

    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

      Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

      Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

      Tích lũy

      Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

      Tìm hiểu thêm
      Tích lũy

      Cố vấn Robo AI

      Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

      Tìm hiểu thêm
      Cố vấn Robo AI

      Đầu tư chứng khoán

      Với số tiền bất kỳ

      Tìm hiểu thêm
      Đầu tư chứng khoán