Điểm nhấn chính:
- Đầu tư luôn có rủi ro, mức độ rủi ro phụ thuộc vào loại tài sản mà bạn đầu tư và thời kỳ kinh tế.
- Rủi ro càng cao, lợi nhuận thu được càng cao.
- Các rủi ro khi đầu tư chứng khoán phổ biến là rủi ro biến động, rủi ro công ty, rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất và rủi ro lạm phát.
Tất cả các khoản đầu tư đều có một mức rủi ro nhất định. Cổ phiếu, trái phiếu, quỹ tương hỗ hay quỹ hoán đổi danh mục đều có thể mất đi giá trị, thậm chí mất toàn bộ giá trị nếu điều kiện thị trường trở nên tồi tệ. Ngay cả những khoản đầu tư được bảo hiểm như chứng chỉ tiền gửi (CD) do ngân hàng hoặc hiệp hội tín dụng phát hành cũng có nguy cơ bị lạm phát. Vậy rủi ro là gì và đầu tư chứng khoán có rủi ro không? Hãy cùng Tititada tìm hiểu các loại rủi ro và cách quản trị rủi ro trong chứng khoán nhé!
Đầu tư chứng khoán có an toàn không? Tại sao đầu tư chứng khoán lại rủi ro?
Rủi ro là bất kỳ sự không chắc chắn nào liên quan đến khoản đầu tư của bạn, bất kể nó diễn ra theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực. Miễn là bạn không chắc chắn, thì đó chính là rủi ro.
Trong đầu tư, rủi ro đề cập đến mức độ không chắc chắn và/hoặc tổn thất tài chính tiềm ẩn vốn có trong một quyết định đầu tư. Khi rủi ro đầu tư tăng lên, các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cao hơn để bù đắp cho những rủi ro đó.
Nhìn chung, mỗi sản phẩm tiết kiệm và đầu tư đều có rủi ro và lợi nhuận khác nhau mà ta cần kiến thức chơi chứng khoán nhất định. Dưới đây là một số rủi ro khi đầu tư chứng khoán mà nhà đầu tư nào cũng phải đối mặt:
1. Rủi ro biến động
Giá của một cổ phiếu được xác định bởi cung và cầu của cổ phiếu đó trên thị trường. Do đó, giá cổ phiếu dao động hàng ngày và hàng giờ. Là một nhà đầu tư, bạn mua cổ phiếu và kiếm lợi nhuận khi giá cổ phiếu tăng cao hơn giá bạn mua vào và thông qua cổ tức do công ty chi trả khi hoạt động kinh doanh có lợi nhuận.
Tuy nhiên, bạn không thể dự đoán chính xác biến động tăng hay giảm của cổ phiếu đó. Bạn có lời khi giá cổ phiếu tăng và thua lỗ nếu giá cổ phiếu giảm. Thậm chí, khi giá cổ phiếu đang có xu hướng tăng mạnh và bạn dự đoán nó sẽ tăng hơn nữa nên chưa chốt lời, thì một thông tin xấu về công ty được lan truyền rộng rãi trên các trang truyền thông khiến cổ phiếu đó rớt giá nhanh chóng. Khi đó, bạn không kịp “thoát hàng” và giá trị danh mục của bạn bị ảnh hưởng nặng nề. Đó chính là một loại rủi ro khi đầu tư chứng khoán.
Sự biến động của thị trường có thể khiến một số nhà đầu tư lo lắng. Giá cổ phiếu có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên trong công ty, chẳng hạn như sản phẩm bị lỗi hoặc bởi các sự kiện mà công ty không kiểm soát được, chẳng hạn như các sự kiện chính trị hoặc thị trường.
2. Rủi ro công ty
Cổ phiếu đại diện cho quyền sở hữu công ty. Bạn mua cổ phiếu cũng có nghĩa là bạn đang mua quyền sở hữu của công ty đó. Nếu đầu tư vào trái phiếu, bạn đang cho công ty vay tiền. Lợi nhuận từ hai khoản đầu tư này đòi hỏi công ty phải duy trì hoạt động kinh doanh và sức khỏe tài chính lành mạnh.
Nếu một công ty phá sản và tài sản của nó bị thanh lý, các cổ đông phổ thông là những người cuối cùng được chia số tiền thu được. Theo lý thuyết, trái chủ sẽ là người được nhận khoản thanh toán nếu công ty phá sản trước cổ đông, nhưng thực tế, rất khó để nhận lại được khoản tiền này vì có thể tài sản thanh lý của công ty chỉ đủ để thanh toán cho các khoản chi phí phá sản, chi phí nhân viên và nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
Vì thế, nếu bạn là cổ đông phổ thông, bạn sẽ nhận được phần còn lại, hoặc có thể không có gì.
3. Rủi ro thanh khoản
Rủi ro thanh khoản đề cập đến khả năng nhà đầu tư không tìm được thị trường cho chứng khoán của mình, có khả năng ngăn cản nhà đầu tư mua hoặc bán khi họ muốn. Điều này có thể xảy ra với các tài sản đầu tư phức tạp hơn. Nó cũng có thể xảy ra với các sản phẩm tính phí phạt khi rút tiền hoặc đáo hạn sớm, chẳng hạn như chứng chỉ tiền gửi (CD).
4. Rủi ro lãi suất
Chính phủ cũng thay đổi lãi suất tiền gửi và cho vay dựa trên tình hình của nền kinh tế. Nếu lãi suất tăng, các công ty sẽ phải chi trả lãi vay cao hơn, làm giảm lợi nhuận ròng của công ty và ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Đối với trái phiếu, lãi suất và giá trái phiếu tỷ lệ nghịch với nhau. Vì thế, khi lãi suất tăng, giá trái phiếu giảm, lợi nhuận của các nhà đầu tư trái phiếu cũng sẽ giảm theo.
5. Rủi ro lạm phát
Lạm phát là sự tăng giá chung của nền kinh tế. Khi tỷ lệ lạm phát tăng, các công ty phải chi nhiều hơn để mua cùng một lượng nguyên liệu thô. Tỷ lệ lạm phát tăng đột ngột có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty khiến giá cổ phiếu giảm.
6. Rủi ro chính trị
Rủi ro chính trị đề cập đến tác động tiêu cực của các sự kiện chính trị lên khoản đầu tư, sự bất ổn hoặc thay đổi chính sách ở một quốc gia hoặc khu vực cụ thể. Những thay đổi trong lãnh đạo chính phủ, thay đổi hệ tư tưởng chính trị, sửa đổi quy định, tranh chấp thương mại và xung đột địa chính trị được coi là rủi ro chính trị.
Một ví dụ về rủi ro chính trị có thể xuất phát từ việc chính phủ áp dụng thuế thương mại đột ngột, có thể phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu của các công ty phụ thuộc vào thương mại quốc tế.
Rủi ro chính trị có thể phá vỡ sự ổn định và lợi nhuận đầu tư, bao gồm việc nắm giữ cổ phiếu, hoạt động kinh doanh và tài sản ở các khu vực bị ảnh hưởng.
Cách quản trị rủi ro trong chứng khoán
Đầu tư chứng khoán có rủi ro không? Câu trả lời là có! Nhưng bạn cũng đừng quá lo lắng, vì bạn có thể giảm thiểu tác động của rủi ro khi đầu tư trên thị trường chứng khoán và bảo toàn lợi nhuận thông qua các cách sau đây:
1. Đa dạng hóa
Dĩ nhiên rồi, đa dạng hóa chính là chiến lược đầu tư cơ bản nhất giúp bạn giảm thiểu rủi ro. Đa dạng hóa nghĩa là không đặt tất cả trứng vào cùng một giỏi. Hãy thử nghĩ xem, nếu bạn đặt tất cả trứng vào cùng một giỏ, chuyện gì sẽ xảy ra nếu giỏ đó rơi xuống và tất cả trứng đều vỡ?
Đầu tư chứng khoán cũng giống như vậy, chứng khoán chính là trứng, nếu tiền của bạn đặt hết vào một loại chứng khoán, chẳng hạn như cổ phiếu hay trái phiếu, khi thị trường đi xuống, giá cổ phiếu sẽ giảm không đáy và giá trái phiếu cũng sẽ giảm nếu chính phủ thực hiện tăng lãi suất trong bối cảnh này.
Do đó, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng bạn dàn trải khoản đầu tư của mình trên nhiều loại chứng khoán khác nhau, để khi cổ phiếu giảm, thì trái phiếu tăng sẽ bù đắp lại phần giá trị sụt giảm đó.
2. Nghiên cứu công ty trước khi đầu tư
Một cách tốt khác để quản lý rủi ro khi đầu tư cổ phiếu là đảm bảo rằng bạn nghiên cứu kỹ lưỡng về công ty trước khi mua cổ phiếu của nó. Bạn có thể bắt đầu bằng việc xem xét tình hình tài chính của công ty và đánh giá xem nền tảng vốn của công ty có đủ vững chắc để vượt qua những thăng trầm của nền kinh tế hay không.
3. Tránh FOMO theo thị trường
Ngày nay, nhà đầu tư có thể tiếp xúc với nhiều thông tin có sẵn trên các trang mạng truyền thông, ít nhất là tham gia trong một hội nhóm đầu tư nào đó. Tại đó, nhiều “chuyên gia” đều tuyên bố giúp họ kiếm được lợi nhuận cao, thì việc bị lôi kéo vào một khoản đầu tư mà không có nghiên cứu thích hợp có thể phản tác dụng.
Ngoài ra, trong thời kỳ kinh tế suy thoái, sự hoảng loạn có thể khiến các nhà đầu tư đưa ra những quyết định hấp tấp, dẫn đến thua lỗ hoặc làm tăng thêm rủi ro cho danh mục cổ phiếu. Do đó, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng bạn luôn đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu và tránh suy đoán.
4. Tránh tập trung vào biến động của cổ phiếu trong ngắn hạn
Thị trường chứng khoán vốn đã biến động. Nếu bạn nắm giữ một danh mục cổ phiếu thì biến động luôn xảy ra, trong đó một vài biến động sẽ khiến bạn quyết định bán cổ phiếu đó để cắt lỗ. Tuy nhiên, bạn có thể đã bỏ đi một cổ phiếu tiềm năng trong dài hạn chỉ vì một biến động ngắn hạn của nó.
Vì thế, cách tốt nhất là bạn đừng quá tập trung nhìn vào con số tăng giảm đó. Trước khi quyết định bán cổ phiếu, bạn nên nghiên cứu thật kỹ cổ phiếu đó, liên tục cập nhật thông tin thị trường và đánh giá xem liệu biến động đó chỉ là ngắn hạn hay là xu hướng dài hạn. Đôi lúc giá cổ phiếu giảm cũng là cơ hội tốt để bạn mua vào và tăng tỷ suất lợi nhuận của mình.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.