Quỹ đầu tư tư nhân (Private equity hay Quỹ PE) đề cập đến quan hệ đối tác đầu tư mua và quản lý các công ty tư nhân, thường tập trung vào các công ty đã có quy mô ổn định và trong giai đoạn tăng trưởng thay vì startups. Công ty quỹ PE điều hành các khoản vốn đầu tư huy động được từ các NĐT tổ chức và NĐT có giá trị tài sản ròng lớn, thay mặt họ quản lý và đầu tư khoản vốn đó.
Các quỹ PE có thể mua lại toàn bộ (majority) hoặc phần lớn (significant minority) một công ty tư nhân, công ty chưa niêm yết, hoặc hợp tác với một tổ chức khác tham gia mua lại một công ty. Việc mua lại bởi quỹ PE có thể làm cho một công ty trở nên cạnh tranh hơn, hoặc phải gánh chịu khoản nợ không bền vững, tùy thuộc vào kỹ năng và mục tiêu của quỹ PE đó. Các quỹ thường không nắm giữ cổ phần của các công ty đang được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.
Hoặc, nếu tham gia các công ty niêm yết thì qua các giao dịch thương lương riêng (privately negotiated deals) như Warbus Pincus đầu tư 200 triệu USD vào Novaland hay như GIC đầu tư vào Vingroup, trong đó công ty phát hành và nhà đầu tư PE sẽ ký hợp đồng riêng quy định các quyền lợi của nhà đầu tư khi tham gia vào giao dịch thương lượng riêng.
Quỹ PE thường được gộp chung với quỹ đầu tư mạo hiểm hay quỹ phòng hộ như là các loại hình đầu tư thay thế.
Các nhà đầu tư tìm đến loại tài sản này thường được yêu cầu cam kết một số vốn đáng kể trong nhiều năm, đó là lý do tại sao việc tiếp cận các khoản đầu tư như vậy chỉ giới hạn ở các tổ chức và cá nhân có giá trị tài sản ròng cao.
Các quỹ PE thường tập trung đầu tư vào:
- Công ty đang trong giai đoạn tăng trưởng và mở rộng, sau giai đoại startup
- Công ty có chuyên môn cao và đặc biệt trong một ngành nhất định, như là công nghệ hoặc năng lượng
- Mua lại trên thị trường thứ cấp; liên quan đến việc bán một công ty thuộc sở hữu của một quỹ PE cho một quỹ PE khác
- Mua lại công ty con của một công ty lớn
- Công ty đang trong tình trạng tài chính khó khăn, sắp phá sản. Trương hợp này là mua giá rẻ để tài cấu trúc.
Ví dụ: năm 2007, Thế giới di động (MWG) lần đầu nhận được khoản đầu tư của Mekong Enterprise (MEF II), một quỹ lớn nhất Việt Nam thời điểm đó.
MEF II đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của MWG, từ 7 cửa hàng ban đầu lên đến 2,000 cửa hàng với 4 thương hiệu khác nhau, giúp công ty trở thành một “đế chế” bán lẻ thành công ở cả trong và ngoài nước.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.