Điểm nhấn chính:
- Việc bạn quyết định đầu tư và tích lũy tiết kiệm để có hiệu quả tốt nhất và đạt được các mục tiêu tài chính của mình là một điều cần thiết.
- Cách thức, thời điểm và tỉ lệ phân bổ giữa hay kết hợp cả hai sẽ tiếp tục thay đổi trong tương lai khi các ưu tiên và mục tiêu của bạn vào từng giai đoạn là khác nhau.
Bất cứ lúc nào trong cuộc sống, bạn sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn giữa đầu tư và tích lũy, đâu là phương án tốt hơn để đạt được các mục tiêu tài chính của mình. Đồng thời, tùy vào từng mục tiêu nhất định, mỗi lựa chọn trên sẽ có những ưu và nhược điểm khác nhau. Cho dù bạn đã quen thuộc với cụm từ “tài chính cá nhân” hay chỉ là người mới bắt đầu, việc đưa ra quyết định khi nào nên tiết kiệm và khi nào nên đầu tư vẫn là một bài toán khó. Trên thực tế, câu hỏi đúng sẽ không phải là khi nào nên gửi tiết kiệm hay khi nào nên đầu tư, mà câu hỏi đúng nên là tỉ lệ phân bổ bao nhiêu gửi tiết kiệm, và bao nhiêu để đầu tư các sản phẩm tài chính tại mỗi thời điểm, cho mỗi mục đích tài chính.
Tiết kiệm được xem là con đường an toàn hơn vì số tiền gửi trong tài khoản tiết kiệm gia tăng theo thời gian với một mức lãi suất được xác định trước, trừ khi bạn rút tiền trước hạn. Hiên nay lãi suất gửi tiết kiệm tại 4 ngân hàng quốc doanh bao gồm VCB, BIDV, CTG và Agribank là khoảng 4.8% đén 5%. Lãi suất có xu hướng giảm. Đồng thời, lãi suất dành cho tiền gửi tiết kiệm có thể thấp hơn tỷ lệ lạm phát. Điều này có nghĩa là giá trị khoản tiết kiệm của bạn có thể bị giảm theo thời gian, do lạm phát làm hao mòn giá trị của đồng tiền.
Trái lại, đầu tư để tìm kiếm mức lợi nhuận cao cũng như đánh bại lạm phát là điều rất hấp dẫn với hầu hết mọi người. Nhưng đầu tư cũng có rủi ro cao hơn, khi giá trị các khoản đầu tư của bạn có thể biến động theo thời gian, tăng, giảm theo biến động của thị trường hoặc thậm chí trở nên vô giá trị.
Vậy làm thế nào để bạn có thể biết được khi nào nên đi theo con đường an toàn là tiết kiệm hay chọn một cuộc chơi mạo hiểm để kiếm được mức lợi nhuận cao là đầu tư các sản phẩm tài chính như Cổ phiếu, chứng chỉ quỹ hay ETFs?
Dưới đây là những điều cần thiết giúp bạn có thể đưa ra phương án phù hợp nhất cho bản thân mình.
Ưu và nhược điểm của Đầu tư và Tích Lũy
Bảng dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quát về ưu và nhược điểm của cả đầu tư và tiết kiệm.
Ưu điểm của Tiết kiệm:
- Số tiền trong tài khoản của bạn sẽ không giảm theo thời gian, miễn là bạn không rút tiền.
- Không bị ảnh hưởng bởi những biến động mạnh, nhất thời của thị trường.
- Với việc tiết kiệm đều đặn, bạn có thể xác định được thời điểm sẽ đạt được mục tiêu tài chính của mình là khi nào và trong bao lâu.
- Lãi kép sẽ giúp tiền sinh ra tiền, đặc biệt trong dài hạn.
Nhược điểm của Tiết kiệm:
- Lãi suất các khoản gửi tiết kiệm thường hiếm khi theo kịp tốc độ của lạm phát, nên với thời gian đủ lâu, giá trị khoản tiết kiệm có thể sẽ bị hao mòn.
- Tiền lãi từ tiết kiệm là thấp hơn nhiều so với lợi tức từ đầu tư, do vậy để sớm đạt được các mục tiêu tài chính, bạn cần phải tiết kiệm nhiều hơn, nếu như không chọn đầu tư.
Ưu điểm của Đầu tư:
- Lợi nhuận tiềm năng cao hơn tiết kiệm
- Với số tiền nhỏ, bạn vẫn có thể đầu tư với kì vọng lợi tức cao, có thể chống lại lạm phát, nếu áp dụng những phương pháp phù hợp.
- Lãi kép sẽ giúp tiền sinh ra tiền, đặc biệt trong dài hạn.
Nhược điểm của Đầu tư:
- Thường bị tác động trực tiếp bởi những biến động của thị trường chung.
- Các khoản đầu tư có thể bị giảm giá trị, và điều này có thể khiến tài chính của bạn bị ràng buộc.
- Nếu tiền vốn bị buộc trong các khoản đầu tư giảm giá trị, nó sẽ cản trở bạn trong việc đạt được các mục tiêu của mình.
Các công cụ Tiết kiệm
- Tiền gửi kỳ hạn tại ngân hàng cho phép bạn nhận mức lãi suất cố định định. Mức lãi suất này thường khác nhau tùy theo các kỳ hạn gửi, và kỳ hạn gửi sẽ phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng tiền trong tương lai của bạn. Mức lãi suất hiện nay dao động trong khoảng 3.0% - 8%/năm tuỳ kỳ hạn.
- Trái phiếu Chính phủ: được Bộ Tài chính phát hành nhằm huy động vốn cho ngân sách nhà nước. Khi bạn mua trái phiếu Chính phủ, bạn sẽ nhận được phần lãi tương ứng theo thời gian. Một trái phiếu Chính phủ có mệnh giá là 100.000đ, và sẽ được mua với một số lượng theo bội số của 100.000đ. Đây là loại tài sản thu nhập cố định an toàn nhất và hoàn toàn không có rủi ro, do lãi suất được cam kết bởi Chính phủ. Tuy nhiên, lãi suất trái phiếu Chính phủ tương đối thấp và có thể thay đổi nếu Bộ Tài chính điều chỉnh lãi suất cơ bản. Ngoài ra, trái phiếu chính phủ cũng không phân phối rộng rãi cho nhà đầu tư cá nhân.
- Chứng chỉ tiền gửi: là một công cụ vay nợ ngắn hạn do ngân hàng (hoặc tổ chức tiết kiệm) bán cho người gửi tiền, được thanh toán lãi theo lãi suất đã định trước và khi đáo hạn sẽ được hoàn trả hết khoản vốn đầu tư ban đầu. Thông thường, chứng chỉ tiền gửi hoạt động giống như trái phiếu, nếu không rút tiền trước thời hạn đáo hạn của nó, bạn sẽ kiếm được một mức lãi suất cao hơn cho số tiền của mình. Trong một số trường hợp, bạn có thể rút tiền sớm hơn tùy thuộc vào các điều khoản chứng chỉ tiền gửi và thường sẽ phải trả lãi phạt.
Thời điểm thích hợp với tiết kiệm và đầu tư
Việc ra quyết định khi nào nên tiết kiệm hoặc đầu tư có thể khiến bạn gặp một vài khó khăn. Hoàn cảnh của mỗi người là khác nhau, bạn nên dựa trên tình huống cụ thể của mình để đưa ra quyết định phù hợp.
Nếu không chắc chắn phải làm gì ngay lúc này, bạn có thể bắt đầu cân nhắc thực hiện những bước cơ bản sau đây:
1. Xây dựng quỹ khẩn cấp của bạn
Bước tiếp theo là bạn cần xây dựng một quỹ khẩn cấp nhỏ từ 10 đến 30 triệu đồng trong tài khoản tiết kiệm của mình. Một quỹ khẩn cấp nhỏ là điều cần thiết để giúp bạn có thể ứng phó một cách kịp thời với các tình huống bất ngờ một cách hiệu quả. Bạn không nên mãi nhờ tới thẻ tín dụng khi có trường hợp khẩn cấp xảy ra, việc này có thể khiến bạn chìm sâu trong nợ nần nếu không có kế hoạch chi trả cụ thể.
2. Thanh toán nợ
Cùng với việc xây dựng quỹ khẩn cấp, nếu đang có các khoản nợ, bạn nên ưu tiên thanh toán các khoản nợ có lãi suất cao, nhất là những khoản cao hơn 10% hay thậm chí 20%, hãy nhanh chóng loại bỏ chúng ra khỏi gánh nặng tài chính của mình.
3. Lập mục tiêu tài chính cá nhân và lên kế hoạch đầu tư
Sau khi đã có những khoản tiết kiệm cần thiết nói trên và thanh toán bớt nợ xấu, bạn nên bắt đầu xây dựng một chiến lược đầu tư cụ thể với mục tiêu tài chính rõ ràng cũng như mức lợi nhuận kì vọng của mình. Nếu vẫn chưa quen thuộc với việc vạch ra chiến lược này, bạn có thể bắt đầu với một ngân sách đơn giản theo quy tắc 50/30/20. 50% thu nhập dành cho chi tiêu thiết yếu, 30% thu nhập dành cho những thứ bạn muốn, bất kì là thứ gì, và tối thiểu 20% còn lại sẽ dành cho đầu tư và tiết kiệm. Kho lương càng tăng, thì con số 20% này có thể tăng cao hơn. Khoản 20% cho đầu tư và tích lũy đó có thể là rất ít, nhưng theo thời gian và lãi kép, thì đây sẽ là một số tiền rất lớn.
Đối với khoản 20% này, cũng cần xem xet phân bổ bao nhiêu giữa đầu tư và tích lũy. Thong thương, có thể bắt đầu bang ti le 60% đầu tư và 40% tích lũy khi con trẻ và tỉ lệ cổ phiếu giàm dần, qua 40 tuổi có thể la 40% cổ phiếu và 60% tiết kiệm.
4. Xây dựng quỹ hưu trí cho bản thân
Bất kể độ tuổi hay thu nhập hiện tại của bạn là bao nhiêu, việc đề ra kế hoạch xây dựng một quỹ hưu trí cho bản thân là một điều cần thiết. Hầu hết chúng ta đang ở giai đoạn bắt đầu sự nghiệp, có nguồn thu nhập ổn định nên thường phớt lờ việc định hướng đến tài chính trong tương lai, đặc biệt là khi về hưu. Vì vậy ngay từ bây giờ, bạn hãy bắt đầu lên kế hoạch cho một quỹ hưu trí và dùng tới các công cụ tài chính để đảm bảo quỹ hưu trí được duy trì cũng như phát triển một cách ổn định.
5. Cân nhắc đến các mục tiêu lớn
Tất nhiên, bạn cũng có thể có các mục tiêu lớn hơn như là mua nhà hoặc mua xe. Điều này là tuỳ thuộc vào bạn, sắp xếp sự ưu tiên của những mục tiêu này vào trong những bước trên như thế nào. Những hãy nhớ rằng, để cân bằng các mục tiêu trên với nhau, bạn nên biết rõ thời gian mình cần hoàn thành những điều này là trong bao lâu và số tiền có thể phân bổ cho chúng định kỳ là bao nhiêu.
Làm thế nào để đưa ra quyết định giữa đầu tư và tích lũy?
Như đã đề cập, việc đưa ra quyết định tiết kiệm hay đầu tư cho một mục tiêu cụ thể có thể khá khó khăn.
Nếu bạn có mục tiêu ngắn hạn, hãy tiết kiệm
Nếu bạn thực sự cần tiền vào một ngày nhất định, hãy ưu tiên tiết kiệm hơn là đầu tư. Với việc gửi tiết kiệm, số dư của bạn sẽ không bị giảm đi. Ngược lại, các khoản đầu tư có thể giảm giá trị nếu thị trường có những biến động tiêu cực.
Nếu bạn có mục tiêu dài hạn, hãy đầu tư
Khác với tiết kiệm, đầu tư mang lại cơ hội thu được lợi nhuận lớn hơn nếu bạn có thời gian dài và bạn có thể trì hoãn mục tiêu của mình nếu mọi thứ diễn ra không đúng như kế hoạch. Nếu các khoản đầu tư mất giá vào thời điểm bạn dự định đạt được mục tiêu ban đầu, việc trì hoãn một vài năm có thể giúp các khoản đầu tư của bạn quay trở lại giá trị cao hơn như mong muốn.
Hoặc kết hợp cả hai
Tất nhiên, bạn cũng có thể kết hợp tiết kiệm và đầu tư. Bạn có thể tiết kiệm số tiền bạn thực sự cần và đầu tư một khoản tiền chưa cần thiết để đạt được mục tiêu cơ bản của mình. Một lựa chọn khác là đầu tư vào mục tiêu dài hạn và từ từ chuyển sang tiết kiệm khi mục tiêu của bạn đến gần hơn. Điều này giúp tránh giảm giá trị đầu tư đột ngột có thể làm trì hoãn mục tiêu của bạn.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.