Điểm nhấn chính:
- Điểm tín dụng được tính dựa trên dữ liệu trong hồ sơ lịch sử tín dụng của bạn, cho biết khả năng thanh toán, mức độ tín nhiệm của bạn.
- Điểm tín dụng thường dựa vào lịch sử thanh toán nợ, tổng nợ tín dụng, thời gian của lịch sử tín dụng, tín dụng mới, và các loại tín dụng.
Điểm tín dụng là gì?
Tại các quốc gia phát triển như Mỹ, điểm tín dụng là một số, gồm ba chữ số, được tính từ dữ liệu trong hồ sơ lịch sử tín dụng của bạn, cho biết khả năng thanh toán cũng như mức độ tín nhiệm của bạn. Tại Việt Nam, điểm tín dụng chưa phổ biến, nhưng mỗi cá nhân có sử dụng dịch vụ ngân hàng sẽ có hồ sơ tín dụng được quản lý bởi Trung tâm thông tin tín dụng CIC, trực thuộc Ngân Hàng Nhà Nước, và được chia sẻ tới các tổ chức tín dụng và riêng từng cá nhân.
Điểm FICO là hệ thống điểm tín dụng được 90% người cho vay hiện nay sử dụng, là một thước đo đáng tin cậy để xác định xem khoản vay có được trả đúng hạn hay không. Các loại điểm khác chỉ đơn giản sử dụng lịch sử thanh toán để tính điểm của bạn, trong khi các thuật toán của FICO tính toán mức độ tin cậy của bạn dựa trên toàn bộ thông tin có trong báo cáo tín dụng của bạn.
Điểm tín dụng thường dựa vào:
- Lịch sử thanh toán nợ (35%): Phản ánh việc trả tiền đúng hạn, trả hết nợ hay trả trễ hạn. Việc trả nợ nghiêm túc và đúng hạn sẽ là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến điểm tín dụng của mỗi cá nhân.
- Tổng nợ tín dụng (30%): Phản ánh tất cả các món nợ, khoản vay của bạn. Theo các chuyên gia, người có điểm số cao có xu hướng duy trì tỷ lệ nợ tín dụng trên tổng hạn mức, trung bình khoảng 7%, tuy vậy quy tắc chung cho tỷ lệ này là nên duy trì ở mức không quá 30%.
- Thời gian của lịch sử tín dụng (15%): Phản ánh thời gian tài khoản tín dụng của bạn được mở và ngày hồ sơ tín dụng của bạn bắt đầu được tạo.Thời gian này càng dài càng tốt bởi như vậy ngân hàng hay tổ chức tín dụng có thể đánh giá được hành vi tài chính của bạn một cách tổng thể và hoàn thiện hơn.
- Tín dụng mới (10%): Việc mở thêm các khoản tín dụng mới thường không được ưa chuộng, nhất là trong một thời gian ngắn.
- Các loại tín dụng (10%): Phản ánh tất cả các loại tín dụng mà bạn có như: thẻ tín dụng, các khoản vay (vay học phí, vay mua nhà, vay mua xe …) Các chuyên gia cho rằng việc từng hoặc đang sử dụng nhiều đòn bẩy tài chính và trả nợ đúng hạn cho thấy người đi vay có khả năng xử lý tốt các loại nợ tín dụng.
Nhìn chung, tại Việt Nam, theo CIC thang điểm tín dụng thường rơi vào khoảng từ 150 đến 850 điểm. Mỗi thang điểm sẽ có những mức độ rủi ro hay mức độ ưu đãi khác nhau. Điểm càng cao, lịch sử thanh toán và mức độ uy tín của bạn càng tốt. Điểm thấp hơn có nghĩa là các ngân hàng sẽ coi bạn là khách hàng có rủi ro cao. Cụ thể là như sau:
- 150 – 321 điểm: Khách hàng không đủ điều kiện vay vốn, rủi ro tổn thất cao
- 322 – 430 điểm: Thuộc đối tượng khách hàng không có khả năng trả nợ, rủi ro cao
- 431 – 569 điểm: Rủi ro trung bình, đáp ứng điều kiện vay nhưng xem xét hạn mức và lãi suất vay
- 570 – 679 điểm: Rủi ro thấp, khả năng trả nợ đúng hạn, đủ điều kiện vay và hưởng lãi suất thấp
- 680 – 850 điểm: Điểm tín dụng lý tưởng, đủ điều kiện vay, lãi suất thấp, hạn mức cao, hưởng nhiều ưu đãi
Mất bao lâu để xây dựng một mức điểm tín dụng tốt?
Bước đầu tiên, bạn có thể xây dựng tín dụng bằng cách thiết lập và sử dụng kết hợp các loại tín dụng khác nhau thay vì chỉ dùng một loại như là thẻ tín dụng. Đây thường là bước khó nhất bởi lúc này bạn chưa có điểm tín dụng hoặc chưa có lịch sử tín dụng và có thể gặp khó khăn trong những lần xin cấp thẻ tín dụng đầu tiên.
Có một số cách để bạn thiết lập tín dụng ngay những lần đầu tiên như:
- Nhờ ba mẹ của bạn chỉ định bạn là người dùng được ủy quyền trên một trong các thẻ tín dụng của họ.
- Vay một khoản vay sinh viên, khoản vay này thường không yêu cầu kiểm tra hồ sơ tín dụng.
- Vay với một người khác, cả hai sẽ là người đồng ký tên lên khoản vay đó.
- Tạo một thẻ tín dụng có bảo đảm, bạn sẽ cần bỏ vào đó một khoản tiền để làm bảo đảm cho hạn mức tín dụng được cấp.
- Đăng ký sử dụng tín dụng trên các ứng dụng miễn phí trực tuyến với hạn mức nhỏ và dùng thẻ tín dụng cho các khoản chi tiêu hàng ngày. Và theo thời gian, bạn sẽ đạt được điểm tín dụng tốt hơn và có thể mở thêm nhiều thẻ tín dung khác. Cần lưu ý rằng các thẻ tin dụng phải được giữ trong trạng thái tốt, nghĩa là luôn được thanh toán đúng hạn và không sử dụng quá hạn mức nhiều lần.
Sau cùng, việc tính điểm tín dụng sẽ trở nên chuẩn xác hơn theo thời gian, khi hồ sơ tín dụng của bạn có nhiều thông tin hơn và đầy đủ hơn. Thông thường phải mất ba năm sử dụng thẻ tín dụng, một cách có trách nhiệm, để có thể đạt điểm tín dụng trung bình khoảng trên 600 và có thể từ 5-7 năm để phát triển điểm tín dụng rất tốt từ 700 trở lên.
Nợ ảnh hưởng như thế nào đến điểm tín dụng của bạn?
Việc nợ quá nhiều sẽ không tốt cho tài chính của bạn cũng như không tốt cho điểm tín dụng của bạn. Bởi thường tổng nợ của bạn là yếu tố ảnh hưởng khoảng 30% đến điểm tín dụng của bạn.
Tỷ lệ sử dụng tín dụng (hay còn được hiểu là số dư nợ trên tổng hạn mức tín dụng) sẽ ảnh hưởng đến điểm tín dụng của bạn. Tổng số dư nợ của bạn càng cao so với tổng mức tín dụng của bạn, điểm tín dụng của bạn sẽ càng bị ảnh hưởng. Để có điểm tín dụng tốt nhất thì “Tỷ lệ sử dụng tín dụng” này càng thấp thì sẽ càng tốt cho bạn.
Các yếu tố khác ảnh hưởng đến điểm tín dụng của bạn
Các yếu tố khác ảnh hưởng đến điểm tín dụng của bạn bao gồm tuổi trung bình của các tài khoản tín dụng, tính đa dạng của tài khoản, yêu cầu cấp tín dụng gần đây và các hồ sơ công khai (như thuế, kiện tụng). Ngoại trừ hồ sơ công khai, mỗi yếu tố này thường sẽ chiếm khoảng 10 đến 15% điểm tín dụng của bạn.
Hãy nhớ rằng, bạn mở tài khoản tín dụng càng lâu thì điểm tín dụng của bạn càng cao và chuẩn xác hơn. Ngoài ra, điểm tín dụng của bạn sẽ không tốt bằng nếu bạn chỉ có thẻ tín dụng hoặc chỉ có các khoản vay, hãy kết hợp nhiều loại tín dụng với nhau.
Sau cùng, hãy cố gắng hạn chế xin cấp tín dụng không quá hai lần mỗi sáu tháng. Quá nhiều đơn xin tín dụng trong một thời gian ngắn có thể khiến điểm của bạn giảm xuống, bởi nó sẽ nhìn như bạn có vẻ đang rất cần tín dụng, và tài chính cá nhân không mấy cân đối.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.