Trong lịch sử, trái phiếu có thu nhập cố định là một lựa chọn an toàn cho nhà đầu tư muốn hạn chế rủi ro liên quan đến thị trường chứng khoán. Mặc dù trái phiếu mang lại nhiều lợi thế so với các lựa chọn đầu tư khác, nhưng có một số lý do khiến trái phiếu có thể không phải là lựa chọn tốt nhất cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm lợi nhuận an toàn và ổn định.
Học đầu tư trái phiếu: Trái phiếu hoạt động như thế nào?
Đầu tiên, chúng ta cần phải nắm rõ định nghĩa về trái phiếu và cách thức hoạt động của nó. Mặc dù thoạt nhìn có vẻ như là một khoản đầu tư đơn giản, nhưng cơ chế của nó có thể khiến nhiều nhà đầu tư bối rối.
Một trái phiếu điển hình sẽ gồm mệnh giá là 100,000đ, có lãi suất trái phiếu và ngày đáo hạn. Nếu bạn mua một trái phiếu có lãi suất 2% và đáo hạn trong 10 năm, bạn phải trả 100,000đ. Sau đó, bạn sẽ nhận được lãi 2% mỗi năm trong 10 năm tiếp theo trên 100,000đ đã đầu tư. Khi trái phiếu đáo hạn sau 10 năm, khoản đầu tư 100,000đ sẽ được hoàn lại.
Điều thường gây nhiều bối rối nhất là việc mua và bán trái phiếu trên thị trường thứ cấp. Ở đây, giá thị trường của trái phiếu thay đổi do cung và cầu. Giả sử một nhà đầu tư sở hữu cùng một trái phiếu 10 năm với lãi suất 2%, sau đó Ngân hàng Nhà nước bắt đầu tăng lãi suất và trái phiếu 10 năm mới có lãi suất 4%. Nếu bạn đang đầu tư vào trái phiếu, bạn sẽ muốn trái phiếu nào trả lãi suất cao hơn. Kết quả là, nhiều chủ sở hữu của trái phiếu 2% sẽ không tim được nhà đầu tư đồng ý mua trái phiếu với giá 100,000 mà phải bán nó lại với giá thấp hơn mệnh giá để lấy tiền về, qua đó khiến giá của trái phiếu có mức lãi coupon thấp bị giảm, và điều này được gọi là rủi ro lãi suất.
Giá trái phiếu và lợi suất có mối quan hệ nghịch chiều với nhau. Khi giá trái phiếu tăng lên, lợi tức giảm xuống và ngược lại. Hãy nhớ điều này khi bạn thấy các tiêu đề tin tức về lợi suất trái phiếu đang tăng lên do lạm phát cao. Điều này có nghĩa là giá trái phiếu đang giảm.
Tại sao chúng ta đầu tư vào trái phiếu? Đầu tư trái phiếu có rủi ro không?
Chứng khoán có thu nhập cố định trước đây ít rủi ro hơn và ít biến động hơn nhiều so với cổ phiếu. Điều này là do chúng là công cụ nợ. Các nhà đầu tư biết sức khỏe của công ty hoặc quốc gia phát hành trái phiếu và lợi tức của họ nhờ lãi suất niêm yết. Ngoài ra, nếu công ty phá sản, bạn sẽ là chủ nợ. Không có gì đảm bảo rằng bạn sẽ lấy lại được tiền của mình, nhưng rất có thể bạn sẽ lấy lại được, mặc dù số tiền ấy sẽ không còn được như ban đầu.
Đầu tư vào cổ phiếu rủi ro hơn nhiều vì giá trị của cổ phiếu biến động hàng ngày, vì vậy các nhà đầu tư thường phòng ngừa rủi ro bằng cách đầu tư một phần tài sản của họ vào trái phiếu. Một phân bổ phổ biến là 60% cổ phiếu và 40% trái phiếu, còn được gọi là danh mục đầu tư cân bằng.
2022 và 2023 – giai đoạn tồi tệ nhất đối với trái phiếu
Năm 2022, cho tới đầu năm 2023, được cho là năm tồi tệ nhất từ trước đến nay đối với thị trường trái phiếu Việt Nam.
Khi COVID-19 ập đến, nhiều doanh nghiệp gặp khủng hoảng thanh khoản và tìm đến thị trường trái phiếu Việt Nam. Điều này dẫn đến một bước nhảy vọt trong phát hành trái phiếu. Vào năm 2020, trái phiếu doanh nghiệp bằng đồng nội tệ của Việt Nam trị giá 12 tỷ USD. Tuy nhiên, số tiền đó đã tăng hơn gấp đôi lên 26 tỷ USD vào cuối năm 2021, phần lớn đến từ thị trường bất động sản. Tuy nhiên, quá trình tái cấu trúc vốn thành công này của lĩnh vực bất động sản của Việt Nam chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Trong phần lớn thời gian của năm 2022, việc trấn áp các hành vi sai trái trong lĩnh vực bất động sản đã tiếp tục có tác động lan tỏa đến thị trường nói chung. Nhưng mọi chuyện bắt đầu thay đổi mạnh hơn vào tháng 10/2022 khi bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn bất động sản Vạn Thịnh Phát, bị bắt liên quan đến việc phát hành trái phiếu gây ảnh hưởng đến niềm tin của công chúng.
Không chỉ dừng lại ở đó, trong bối cảnh lạm phát kéo dài, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hai lần tăng lãi suất lần lượt vào tháng 9 và tháng 10/2022. Điều này đã đẩy lợi suất trái phiếu cao hơn và giá trái phiếu thấp hơn. Cụ thể, lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng từ 3.68% vào đầu tháng 9 lên 5.19% vào cuối tháng 10/2022.
Cuối tháng 12/2022, các đơn đặt hàng sản xuất giảm, lãi suất tăng và thị trường nhà đất bị trì trệ. Thị trường trái phiếu, so với một năm trước, là gần như đóng băng và niềm tin của người tiêu dùng vẫn nhất quyết chưa quay trở lại.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng cộng 235 công ty bất động sản dừng hoạt động trong hai tháng đầu năm 2023, tăng hơn 20% so với hai tháng đầu năm 2022. Cũng theo HNX, tính đến ngày 31/1/2023, có 54 tổ chức phát hành chậm trả gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư, so với mức gần như bằng 0 trước đó. Nhà đầu tư nhỏ lẻ đang mất niềm tin và coi trái phiếu như là “đại dịch”. Tất cả các công ty phát hành trái phiếu, hay bảo lãnh phát hành trái phiếu, có khi được coi là “virus gây dịch” mặc dù tình hình tài chính ổn định. Dẫn đến việc cổ phiếu bất động sản, ngân hàng và chứng khoán có liên quan bị bán tháo vào những tháng cuối của năm 2022. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp cũng phải ồ ạt mua lại trái phiếu trước hạn và hạn chế phát hành trái phiếu. Và đầu năm 2023, theo Bộ Tài chính, trong tháng 1/2023, giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp bình quân chỉ đạt 3,549 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh 54% so với bình quân năm trước.
Bạn vẫn nên đầu tư vào trái phiếu? Có nên mua trái phiếu không?
Trái phiếu là một loại tài sản có rủi ro thấp cho danh mục đầu tư của bạn, ngay cả sau một chuỗi thời gian tồi tệ. Điều độc đáo của năm nay là sự kết hợp của tất cả các sự kiện kinh tế diễn ra cùng một lúc. Các vấn đề về chuỗi cung ứng, nhu cầu tiêu dùng cao, phong tỏa, giá dầu tăng và cuộc xâm lược Ukraine của Nga đều góp phần gây ra lạm phát. Thêm vào đó là những tin đồn về suy thoái kinh tế toàn cầu phổ biến trên mạng xã hội sẽ khiến giá cổ phiếu và trái phiếu giảm trong một thời gian.
Cũng trong thời gian này, các nhà đầu tư đang chọn cách tránh xa thị trường chứng khoán vì họ không có sự chắc chắn về lợi nhuận mà họ nhận được, hoặc thậm chí thấp hơn nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, bạn cũng có thể đầu tư vào trái phiếu mà vẫn đảm bảo được một tỷ lệ hoàn vốn nhất định, bằng cách chọn các loại trái phiếu có tài sản đảm bảo được thẩm định bởi các tổ chức có uy tín. Ngay cả khi bạn là một nhà đầu tư dài hạn, bạn nên thêm trái phiếu vào danh mục đầu tư của mình. Nếu bạn là một nhà đầu tư ngắn hạn hoặc cần một nguồn thu nhập, bạn có thể lựa chọn những giải pháp thay thế khác.
Lựa chọn thay thế cho các nhà đầu tư
Bạn sẽ giữ tiền của mình ở đâu nếu trái phiếu liên tục bị mất giá thậm chí có nguy cơ về thanh khoản? Một lựa chọn an toàn khác là tiền gửi có kỳ hạn, và tốt nhất là tiền gửi ngắn hạn. Ngày nay, bạn có thể đầu tư vào tiền gửi ngắn hạn, thường có kỳ hạn từ 12 tháng, với lãi suất lên tới 7- 9%.
Nhìn chung, trái phiếu vẫn được xem là kênh đầu tư an toàn và là lựa chọn đầu tư tốt đối với nhiều nhà đầu tư, nhưng điều quan trọng là phải xem xét cẩn thận các rủi ro liên quan. Cụ thể là rủi ro lãi suất, rủi ro tín dụng, rủi ro lạm phát và biến động thị trường. Ngoài ra, hãy nhớ đa dạng hóa danh mục đầu tư của bạn để giảm thiểu rủi ro nhất định.
Tóm tắt:
- Đầu tư trái phiếu có rủi ro không? Trái phiếu là một loại tài sản phi rủi ro, là kỳ phiếu của nhà phát hành để trả cho người nắm giữ một số tiền xác định, bao gồm cả gốc và lãi trái phiếu.
- Năm 2022 là một năm tồi tệ nhất đối với trái phiếu từ trước đến nay. Các sự kiện như bong bóng bất động sản và lạm phát cao là thủ phạm phổ biến.
- Là một nhà đầu tư dài hạn, bạn nên đầu tư vào trái phiếu để đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.