Trái phiếu là gì?
Trái phiếu là một công cụ tài chính phổ biến trong đầu tư, đại diện cho một hợp đồng nợ giữa người mua trái phiếu (trái chủ) và người phát hành trái phiếu (doanh nghiệp hoặc chính phủ). Gửi tiết kiệm bằng trái phiếu hiểu đơn giản là một cách để bạn cho một tổ chức vay tiền và nhận lại số tiền vay kèm theo lãi suất sau một khoảng thời gian nhất định.
Hai loại trái phiếu phổ biến nhất hiện nay là trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp. Trái phiếu chính phủ là loại trái phiếu do Bộ Tài chính phát hành nhằm huy động vốn cho ngân sách Nhà nước hoặc huy động vốn cho chương trình, dự án đầu tư cụ thể thuộc phạm vi đầu tư của Nhà nước. Trong khi trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, thể hiện quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành. Thông thường, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiềm năng hơn so với trái phiếu chính phủ vì nó đi kèm với mức sinh lời cao hơn nhưng rủi ro cũng sẽ cao hơn.
Tại sao nên gửi tiết kiệm bằng trái phiếu?
Trước khi tìm hiểu gửi tiết kiệm trái phiếu có an toàn không, chúng ta hãy cùng tìm hiểu tại sao chúng ta nên gửi tiết kiệm bằng trái phiếu thay vì các loại hình đầu tư khác nhé.
Nếu bạn mong muốn có thu nhập ổn định và đều đặn, trái phiếu sẽ là lựa chọn phù hợp để bạn gửi khoản tiết kiệm của mình, giúp bạn dễ dàng dự đoán thu nhập và lên kế hoạch tài chính cho tương lai. Ngoài ra, lãi suất gửi tiết kiệm bằng trái phiếu thường cao hơn so với lãi suất tiết kiệm truyền thống tại các ngân hàng thương mại, nên nó tạo ra cơ hội giúp kiếm được thu nhập lớn hơn từ vốn đầu tư ban đầu.
Trái phiếu thường được coi là một tài sản đầu tư an toàn hơn so với cổ phiếu trong điều kiện thị trường không chắc chắn. Trong khi giá cổ phiếu có thể biến động mạnh, giá trái phiếu thường ổn định hơn có thể giúp giảm thiểu mức độ biến động cho danh mục đầu tư của bạn. Khác với cổ tức, trái tức (lãi trái phiếu) được tổ chức phát hành cam kết trả đều đặn cho khách hàng và không phụ thuộc vào tình hình hoạt động kinh doanh của công ty. Dù làm ăn thua lỗ, tổ chức phát hành vẫn có nghĩa vụ thanh toán đủ tiền lãi theo đúng hạn cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nếu tổ chức phát hành có phá sản và buộc phải thanh lý tài sản thì trái chủ vẫn sẽ là người nhận tiền trước cổ đông.
Vì thế, gửi tiết kiệm bằng trái phiếu mang lại rất nhiều lợi ích, đặc biệt đối với nhà đầu tư có khả năng chịu đựng rủi ro thấp nhưng muốn có nguồn thu nhập ổn định và bảo vệ vốn trong điều kiện thị trường biến động.
Gửi tiết kiệm trái phiếu có an toàn không?
Mặc dù trái phiếu có một số ưu điểm so với các loại tài sản đầu tư khác, song gửi tiết kiệm bằng trái phiếu cũng có một số rủi ro nhất định. Dưới đây là một số rủi ro phổ biến nhất mà bạn có thể gặp nếu lựa chọn trái phiếu.
Rủi ro 1: Lãi suất và giá trái phiếu
Điều đầu tiên mà bạn cần hiểu khi gửi tiết kiệm bằng trái phiếu là mối quan hệ ngược chiều giữa lãi suất và giá trái phiếu. Theo đó, khi lãi suất giảm, giá trái phiếu sẽ tăng, và ngược lại.
Điều này xảy ra là bởi, khi lãi suất giảm, trong khi các nhà đầu tư đang nắm các khoản đầu tư trái phiếu có kỳ hạn dài, vốn có lợi suất cao hơn lãi suất hiện hành trên thị trường. Khi này, trái phiếu trở nên thu hút nhiều nhà đầu tư hơn, từ đó đẩy giá trái phiếu tăng cao hơn.
Mặt khác, nếu lãi suất hiện hành tăng lên, các nhà đầu tư đã đầu tư trái phiếu trước đó vô hình chung đang “trói buộc” số vốn của mình vào một khoản đầu tư mang lại tỷ suất sinh lợi thấp hơn (do lợi suất trái phiếu thấp hơn lãi suất hiện hành). Do đó, trái phiếu giờ đây là một khoản đầu tư có hiệu suất kém hơn so với thị trường chung, khiến chúng không còn thu hút nhu cầu của các nhà đầu tư và khiến giá trái phiếu giảm.
Rủi ro 2: Lạm phát
Khi bạn gửi tiết kiệm bằng trái phiếu, về cơ bản, bạn thường được cam kết được thanh toán một khoản lợi suất định kỳ được tính theo một mức lãi suất, cố định hoặc điều chỉnh, trong thời gian nắm giữ.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, điều gì sẽ xảy ra nếu lạm phát tăng lên đáng kể, với tốc độ cao cao hơn so với lợi suất của trái phiếu? Câu trả lời là, lúc này, nhà đầu tư sẽ cảm thấy lạm phát làm xói mòn sức mua khoản đầu tư của họ, thậm chí tỷ suất sinh lợi của khoản đầu tư có thể là một số âm nếu loại trừ lạm phát.
Giả sử, nhà đầu tư đầu tư vào trái phiếu mang lại lợi suất hàng năm là 4%. Tuy nhiên, lạm phát tăng lên 6% sau khi mua trái phiếu, khiến số tiền hay khoản đầu tư lúc này thực tế đã mất 2% do lạm phát (= 4% - 6%).
Rủi ro 3: Nguy cơ mất khả năng thanh toán/vỡ nợ của tổ chức phát hành
Khi gửi tiết kiệm bằng trái phiếu, thực chất là bạn đang mua chứng khoán nợ của doanh nghiệp phát hành, đi kèm với lợi ích được doanh nghiệp thanh toán lợi tức định kỳ. Tuy nhiên, điều đáng nói là, trái phiếu doanh nghiệp không được đảm bảo bởi khả năng thanh toán của chính phủ, mà phụ thuộc vào khả năng thanh toán nợ gốc và lãi vay của tổ chức phát hành.
Do đó, điều quan trọng để biết đầu tư trái phiếu có rủi ro không, bạn cần xem xét khả năng vỡ nợ để biết mức độ rủi ro khoản đầu tư của mình vào trái phiếu. Bạn có thể dựa trên các số liệu trên báo cáo tài chính, để tìm hiểu tỷ lệ nợ cũng như khả năng thanh toán các khoản nợ qua các năm của doanh nghiệp. Đây sẽ là cơ sở quan trọng và là câu trả lời gần như hợp lý nhất cho câu hỏi đầu tư vào trái phiếu có rủi ro không.
Rủi ro 4: Rủi ro thanh khoản
Rủi ro thanh khoản đề cập đến rủi ro của bạn trong việc chuyển khoản đầu tư trái phiếu thành tiền mặt. Theo đó, trong một số trường hợp, bạn có thể không bán được trái phiếu ngay lập tức do quy mô thị trường giao dịch trái phiếu đó còn nhỏ, và điều này tác động trực tiếp đến lợi nhuận của bạn.
Tại Việt Nam, mặc dù thị trường trái phiếu còn gặp nhiều khó khăn song nhờ nhiều biện pháp tháo gỡ của Chỉnh phủ, Bộ Tài chính, thị trường trái phiếu gần như đã ổn định trở lại. Theo VBMA, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam năm 2022 đạt 14.81% GDP, còn khá khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực như Malaysia (54.3% GDP), Singapore (34.3%), Thái Lan (25.5%), v.v. Tuy nhiên, tính đến tháng 9/2023, quy mô thị trường đã đạt khoảng 35.77% GDP năm 2022, với quy mô niêm yết trên thị trường thứ cấp tiếp tục xu hướng gia tăng, đạt hơn 1.91 triệu tỷ đồng, tăng 13.2% svck và tăng 66.41% so với năm 2019.
Với những tín hiệu tích cực về quy mô, thị trường trái phiếu Việt Nam được kỳ vọng sẽ cải thiện hơn nữa tính thanh khoản, từ đó giúp việc gửi tiết kiệm bằng trái phiếu của bạn hạn chế rủi ro hơn.
Rủi ro 5: Tổ chức phát hành bị hạ xếp hạng tín nhiệm
Xếp hạng tín nhiệm được hiểu là việc đánh giá “chất lượng tín dụng” hay khả năng trả nợ của doanh nghiệp, thường được căn cứ dựa trên các chỉ số tài chính, hoạt động kinh doanh và lịch sử đi vay và trả nợ, v.v.
Nếu xếp hạng tín nhiệm của tổ chức phát hành thấp hoặc bị các cơ quan đánh giá tín dụng hạ bậc xếp hạng, các ngân hàng và tổ chức cho vay sẽ áp dụng mức lãi suất cao hơn cho các doanh nghiệp này do rủi ro lớn hơn đối với các khoản vay cho họ. Điều này có thể tác động tiêu cực đến khả năng thanh toán các khoản nợ gốc và lãi vay của tổ chức phát hành trái phiếu, làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo lợi ích cho trái chủ.
Ở các nước phát triển, xếp hạng tín nhiệm của một doanh nghiệp và trái phiếu của họ sẽ được đánh giá bởi các tổ chức xếp hạng thế giới, như Standard and Poor’s (S&P), Moody’s hay Fitch Ratings.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, xếp hạng tín nhiệm cho trái phiếu chưa được đánh giá đúng với tầm quan trọng của nó, và trái phiếu phát hành ra công chúng không bắt buộc phải được xếp hạng tín nhiệm. Điều này đã ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng chung của thị trường trái phiếu.
Vì vậy, bạn có thể tham khảo xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng trong nước (tiêu biểu là FiinRatings) hoặc đánh giá từ các tổ chức xếp hạng nước ngoài (nếu có) để cân nhắc lựa chọn trái phiếu phù hợp nhé.
Như vậy, trên đây là 5 rủi ro lớn nhất
cho câu hỏi “Gửi tiết
kiệm trái phiếu có an toàn không?” mà Titiada đã giúp bạn tìm hiểu. Nghiên cứu kỹ lưỡng
về trái phiếu, tổ chức phát hành, điều kiện thị trường sẽ giúp bạn đánh giá được
mức độ rủi ro đối với khoản đầu tư vào trái phiếu của mình.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.