Điểm nhấn chính:
- Giá vàng biến động do nhiều yếu tố như chính sách tiền tệ, lạm phát, biến động tiền tệ, và địa chính trị. Đầu tư vàng có lãi không?
- Giá vàng lập kỷ lục mới với 2,135 USD/ounce vào cuối năm 2023, được kích thích bởi kỳ vọng giảm lãi suất, đồng đô la Mỹ suy giảm, và tình hình địa chính trị căng thẳng kéo dài.
Giá vàng tăng mạnh vào cuối năm 2023
Giá vàng đạt mức cao nhất mọi thời đại vào ngày 4/12 đạt 2,135 USD/ounce, cao hơn mức kỷ lục trước đó là 2,072 USD được ghi nhận vào tháng 8/2020. Tuy nhiên sau đó đã hạ nhiệt xuống còn 2,023 USD trong cùng ngày. Vàng miếng SJC bán ra trong nước cũng tăng sốc lên mức kỷ lục 74.4 triệu đồng/lượng.
Điều này chủ yếu được thúc đẩy bởi kỳ vọng ngày càng tăng của các nhà đầu tư về việc cắt giảm lãi suất, giá trị đồng đô la giảm dần, và căng thẳng địa chính trị vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Vàng từ lâu được coi là một loại tài sản truyền thống, giúp chống lại lạm phát và những bất ổn vĩ mô. Khi lạm phát làm giảm giá trị của tiền tệ, vàng là một công cụ lưu trữ giá trị an toàn. Đây có thể là lý do tại sao giá vàng tăng, ngay cả khi lãi suất tiếp tục neo cao.
Vậy đầu tư vàng có lãi không? Nhưng bất chấp những dấu hiệu cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt, nhiều nhà đầu tư vẫn đầu tư vàng dài hạn như một sự bổ sung ổn định cho danh mục đầu tư, đặc biệt là trong thời kỳ kinh tế bất ổn.
Những yếu tố khiến giá vàng biến động
Giá vàng bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm chính sách tiền tệ, lạm phát, biến động tiền tệ, căng thẳng địa chính trị, lượng dự trữ, cung và cầu cũng như chi phí khai thác và tinh chế kim loại quý.
Vàng thường có mối quan hệ nghịch đảo với lãi suất. Khi lãi suất tăng trong chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, dòng tiền có thể chảy mạnh vào các tài sản có sinh lãi như trái phiếu và vàng là loại tài sản không sinh lãi nên sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn và bị rớt giá, và ngược lại.
Giá trị của đồng đô la Mỹ cũng thường có mối quan hệ nghịch đảo với vàng. Khi đồng đô la suy yếu, giá vàng có xu hướng tăng và ngược lại.
Mặt khác, khi lạm phát cao, giá vàng có xu hướng tăng do các nhà đầu tư tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn để bảo vệ sức mua của mình và tránh sự suy yếu của các đồng tiền quốc gia như đồng đô la.
Tương tự, khi căng thẳng địa chính trị hoặc bất ổn vĩ mô gia tăng, giá vàng có xu hướng tăng do nhà đầu tư thường tránh các tài sản rủi ro như chứng khoán và tìm tới các tài sản ổn định hơn như vàng.
Việc các ngân hàng trung ương tăng/giảm dự trữ vàng cũng có thể ảnh hưởng đến giá vàng. Bởi việc này tác động đến động lực cung và cầu tổng thể. Sự gia tăng nắm giữ vàng của NHTW, đặc biệt trong thời điểm kinh tế bất ổn, có thể thúc đẩy niềm tin vào vàng như một phương tiện lưu trữ giá trị.
Tuy nhiên, những mối tương quan này không phải lúc nào cũng đúng và giá vàng không phải lúc nào cũng tăng khi đối mặt với lạm phát hoặc bất ổn vĩ mô.
Điều gì thúc đẩy giá vàng trong năm 2023?
Chính sách tiền tệ của Mỹ thường có ảnh hưởng đáng kể đến giá trị tài sản, bao gồm vàng. Bởi đồng USD giữ vị thế là đồng tiền dự trữ chính của thế giới, trong đó giá vàng cũng thường được tính bằng đồng USD (XAU/USD). Do đó, những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Mỹ có thể tác động trực tiếp đến giá trị của đồng đô la và sau đó ảnh hưởng đến giá vàng. Tính tới quý III/2023, dự trữ vàng ở Mỹ đạt 8,133 tấn, tương đương 489 triệu USD, theo sau là Đức với 3,353 tấn và Ý với 2,452 tấn. Trong khi Trung Quốc đứng thứ 6 với 2,192 tấn.
Bắt đầu quý I/2023, giá vàng tiếp tục tăng 7.9%, sau khi đã tăng 11.3% trong 2 tháng cuối năm 2022, đạt 1,969 USD/ounce trong bối cảnh lạm phát trên toàn thế giới còn neo cao, căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine tiếp tục leo thang, sự sụp đổ của 2 ngân hàng ở Mỹ (SVB và Credit Suisse), và bất chấp Fed tăng lãi suất 2 lần, lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ vẫn theo xu hướng giảm. Ngoài ra, các NHTW cũng bổ sung thêm 228 tấn vàng vào dự trữ toàn cầu, là mức mua vào cao nhất trong quý đầu tiên kể từ năm 2000.
Quý II, giá vàng duy trì ở ngưỡng cao, vượt mốc 2,000 USD/ounce vào tháng 4 lần đầu tiên kể từ mức cao kỷ lục của tháng 8/2020, song chỉ giảm nhẹ xuống còn 1,920 USD/ounce.
Tới quý III, vàng giảm 3.6% còn 1,849 USD/ounce. Điều này là do Fed tiếo tục tăng lãi suất trong đầu quý và giữ lãi suất cao kỷ lục trong hơn 20 năm ở mức 5.25% - 5.50%. Chỉ số DXY cũng tăng 4% lên mức 106 điểm. Trong khi tiêu thụ trang sức giảm nhẹ khi giá vàng còn cao. Tuy nhiên mức giảm này cũng không quá lớn và vàng vẫn đươc đánh giá hoạt động khá tốt, thậm chí tốt hơn trái phiếu.
Việc này cũng một phần nhờ xu hướng phi đô la hóa ở Trung Quốc, Nga và nhiều quốc gia mới nổi khác, khi muốn thoát khỏi hệ thống tài chính phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ và chuyển sang một hệ thống khác phù hợp hơn với mục tiêu chính trị của họ. Điển hình như Trung Quốc, là người mua vàng lớn nhất trên toàn cầu trong năm 2023. Kể từ đầu năm, PBoC đã tăng lượng vàng nắm giữ thêm 181 tấn, lên 2,192 tấn (tương đương 4% tổng lượng dự trữ). Doanh số bán vàng miếng và tiền xu trong nước cũng tăng 30% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023, và vàng “nội địa” của Trung Quốc được giao dịch ở mức cao hơn vàng “quốc tế” và mức chênh lệch này là cao nhất từ trước đến nay.
Bắt đầu quý IV, vàng bật tăng hơn 7% khi chiến tranh giữa Israel và Hamas bất ngờ bùng nổ và kéo dài qua tháng 11. Mặc dù các số liệu cho thấy lạm phát ở Mỹ và châu Âu đang hạ nhiệt và dần về gần mức mục tiêu, và kể cả khi đồng đô la có lúc tăng mạnh, nhưng giá vàng vẫn xu hướng đi lên mạnh mẽ, cho thấy căng thẳng địa chính trị là lý do chính khiến tâm lý thị trường và niềm tin của nhà đầu tư bị lung lay mạnh.
Điều này không chỉ thúc đẩy nhu cầu mua vàng tăng cao mà còn dẫn tới việc đầu cơ giá vàng (XAU/USD) tăng mạnh, với khối lượng giao dịch XAU/USD trong tháng 10 đạt 3.27 triệu đơn vị, cao nhất kể từ tháng 7/2022, và XAU/USD liên tục ở vùng “quá mua” kể từ tháng 10. Hơn nữa, khảo sát gần nhất của Hiệp hội Vàng Thế giới (WGC), 24% NHTW trên thế giới dự định sẽ tăng dự trữ vàng trong 12 tháng tới.
Kể từ tháng 11, các nhà đầu tư ngày càng tin rằng FED đã kiềm chế lạm phát thành công thông qua việc tăng lãi suất và có thể bắt đầu cắt giảm chi phí vay sớm nhất là vào tháng 3 năm 2024. Việc này sẽ khiến các tài sản sinh lãi kém hấp dẫn hơn. Do vậy mà lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng đã giảm từ mức cao nhất trong 16 năm là 5% đạt được vào giữa tháng 10 xuống còn 4.1% vào ngày 7/12. Ngoài ra, đồng đô la đã giảm 3% trong tháng 11 so với rổ sáu loại tiền tệ chính. Điều này khiến khiến các nhà đầu tư ngoài nước Mỹ mua vàng ít tốn kém hơn, từ đó thúc đẩy nhu cầu và giá.
Nếu bạn bán một ounce vàng vào ngày 4/12 vừa qua, khi giá vàng chạm kỷ lục 2,135 USD, có thể bạn đã bán được ở ngay đỉnh với giá trị đồng đô la cao nhất. Nhưng nếu tính lạm phát vào giá vàng thì thực chất giá vàng đã đạt đỉnh vào năm 1980, khi nó tăng lên hơn 800 USD/ounce, trị giá khoảng 2,600 USD theo giá đô la hiện nay sau khi tính đến lạm phát.
Nhìn lại biến động giá vàng trong quá khứ
1971-1980: Kết thúc Hệ thống Bretton Woods, Mỹ
Năm 1971, Tổng thống Richard Nixon từ bỏ chế độ bản vị vàng, cắt đứt mối liên hệ giữa đồng đô la Mỹ và vàng. Động thái này là đơn phương từ Hoa Kỳ, do đó đã thay đổi toàn bộ hệ thống tiền tệ toàn cầu, từ đó làm tăng mối lo ngại về sự ổn định của tiền tệ fiat. Bất ổn kinh tế, lạm phát cao và căng thẳng địa chính trị, bao gồm cả cuộc khủng hoảng dầu mỏ, đã thúc đẩy các nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn bằng vàng trong những năm 1970.
Giá vàng tăng: Từ khoảng 35 USD/ounce năm 1971 lên mức cao nhất trên 800 USD/ounce vào năm 1980.
2008-2011: Khủng hoảng tài chính toàn cầu
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 làm mất niềm tin vào các công cụ tài chính truyền thống. Các nhà đầu tư tìm kiếm các tài sản trú ẩn an toàn như vàng trong bối cảnh kinh tế bất ổn, lo ngại về tiền tệ và các biện pháp nới lỏng định lượng của ngân hàng trung ương.
Giá vàng tăng: Từ khoảng 800 USD/ounce năm 2008 lên mức cao nhất trên 1,900 USD/ounce vào năm 2011.
2010-2012: Khủng hoảng nợ công châu Âu
Những lo ngại về sự ổn định của khu vực đồng tiền chung châu Âu đã dẫn tới việc các nhà đầu tư chuyển sang vàng như một hàng rào chống lại rủi ro nợ công, đặc biệt là ở các nước như Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.
Giá vàng tăng: Từ khoảng 1,100 USD/ounce năm 2010 lên mức cao nhất khoảng 1,900 USD/ounce vào năm 2011.
2018-2020: Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu vào năm 2018 khi Mỹ áp đặt thuế quan đối với một loạt hàng hóa Trung Quốc, với lý do lo ngại về các hoạt động thương mại không công bằng và trộm cắp tài sản trí tuệ. Xung đột ngày càng gia tăng khi cả hai nước áp dụng một loạt biện pháp thuế quan trả đũa, tạo ra sự bất ổn cho thương mại toàn cầu, tăng trưởng kinh tế và niềm tin của người tiêu dùng.
Giá vàng tăng: Từ khoảng 1,300 USD/ounce vào năm 2018 lên hơn 1,700 USD/ounce vào năm 2020.
2020-2021: Đại dịch COVID-19
Đại
dịch gây ra sự bất ổn kinh tế trên diện rộng. Các doanh nghiệp đóng cửa và chuỗi
cung ứng bị gián đoạn, dẫn đến lo ngại về suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Các
chính phủ và NHTW trên toàn thế giới phải thực hiện các biện pháp kích thích tài
chính và tiền tệ chưa từng có để giảm thiểu tác động kinh tế của đại dịch. Những
lo ngại về hậu quả lạm phát tiềm ẩn của các biện pháp này càng làm tăng thêm sức
hấp dẫn của vàng như một công cụ phòng ngừa lạm phát.
Giá
vàng tăng: Từ khoảng 1,500 USD/ounce vào đầu năm 2020 lên mức cao nhất trên 2,000
USD/ounce vào giữa năm 2020.
Tóm tắt
Khi nhìn vào dài hạn ngoài việc đầu tư vàng có lãi không, có thể thấy đầu tư vàng dài hạn thường được hưởng lợi từ những sự bất ổn lớn trên toàn cầu, mà không chỉ bị ảnh hưởng bởi lạm phát hay lãi suất, cũng là những kết quả biến động từ các sự kiện vĩ mô rộng lớn hơn.
Trong đó, rủi ro địa chính trị là yếu tố lớn nhất ảnh hưởng tới nhu cầu và giá vàng. Nó không chỉ là Nga xâm chiếm Ukraine và những gì đang xảy ra ở Israel và Gaza, mà còn là căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, những lo ngại về những gì sẽ xảy ra ở Biển Đông hoặc về những gì Trung Quốc sẽ làm ở Đài Loan hay Hong Kong.
Điều này khiến sự toàn cầu hoá dần trở nên rạn nứt và phân mảnh hơn, từ đó khuyến khích các NHTW, thường là ở các thị trường mới nổi, tích trữ vàng nhiều hơn. Thêm vào đó, kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Fed vào năm tới cũng gây áp lực giảm giá lên đồng đô la Mỹ… làm tăng thêm sức hấp dẫn của vàng.
Các chuyên gia dự đoán giá vàng có thể đạt quanh mức 2,000 USD/ounce vào cuối năm 2023, tăng lên khoảng 2,100 – 2,300 USD/ounce vào năm 2024, và từ 2025-2030 có thể chạm tới mức 3,000 – 5,000 USD/ounce.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.