Điểm nhấn chính:
- Rủi ro giá hàng hóa có thể gây ra tổn thất tài chính đáng kể cho bên mua và bên bán trong các giao dịch mua bán hàng hóa.
- Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá hàng hóa bao gồm chính trị, thời tiết, vụ mùa, công nghệ và điều kiện thị trường.
Rủi ro giá hàng hóa là gì?
Rủi ro giá hàng hóa (Commodity price risk) đề cập đến sự biến động trong giá cả hàng hóa và những tổn thất tài chính phát sinh từ sự biến động đó. Hàng hóa được đề cập ở đây là nguyên vật liệu thô hoặc hàng hóa sơ cấp được trao đổi, mua bán trên các sàn giao dịch và được tiêu chuẩn hóa về chất lượng, chẳng hạn như vàng, dầu, lúa gạo, cà phê, v.v.
Các nhà sản xuất thường phải đối mặt với rủi ro giá hàng hóa. Ví dụ, nếu sau một năm trồng trọt, giá của lúa gạo tăng cao thì người nông dân sẽ nhận được lợi nhuận cao hơn. Ngược lại, khi giá lúa gạo chịu sức ép và giảm giá, người nông dân sẽ nhận được lợi nhuận thấp hơn, thậm chí là thua lỗ nặng nề.
Các loại rủi ro giá hàng hóa
Hiểu được các loại rủi ro giá hàng hóa có thể giúp các doanh nghiệp và nhà đầu tư quản lý rủi ro của họ một cách tốt nhất trước thị trường đầy biến động này.
Dưới đây là một số loại rủi ro giá hàng hóa:
Rủi ro cung và cầu: Đây là một trong những rủi ro cơ bản nhất liên quan đến giá hàng hóa. Nếu cầu vượt cung, nhiều khả năng giá hàng hóa sẽ tăng cao hơn, và ngược lại, tình trạng cung vượt cầu có thể dẫn đến giá hàng hóa giảm.
Rủi ro thị trường: Rủi ro thị trường đề cập đến sự biến động của tổng thể thị trường chung, như sự kiện bất ổn địa chính trị, thiên tai, suy thoái kinh tế và những thay đổi trong chính sách của chính phủ có thể gây ra những biến động giá đột ngột và không thể đoán trước được.
Rủi ro thời tiết và khí hậu: Điều kiện thời tiết bất lợi có thể gây ra thiệt hại cho hàng hóa nông nghiệp như ngũ cốc, trái cây và rau quả; đặc biệt, như hạn hán, lũ lụt và bão có thể gây thiệt hại nặng nề cho mùa màng và ảnh hưởng đến giá cả của chúng.
Rủi ro tiền tệ: Trên các sàn giao dịch, hầu hết các mặt hàng được định giá và giao dịch bằng đô la Mỹ. Do vậy, sự biến động trong tỷ giá hối đoái tiền tệ có thể tác động đến sức mua của các quốc gia sử dụng các đồng tiền khác, làm ảnh hưởng đến nhu cầu đối với hàng hóa và từ đó tác động đến giá của chúng.
Rủi ro logistics: Chi phí, tính sẵn có và sự thuận tiện trong hệ thống vận chuyển cũng có thể ảnh hưởng đến giá hàng hóa, đặc biệt đối với những loại hàng hóa cần vận chuyển đường dài. Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng có thể làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung thị trường.
Rủi ro pháp lý: Những thay đổi trong quy định của chính phủ và chính sách thương mại có thể ảnh hưởng đến giá hàng hóa. Ví dụ, chính phủ tăng/giảm các khoản trợ cấp, thuế quan hay hạn chế các hoạt động xuất khẩu, có thể trực tiếp làm thay đổi động lực cung cầu và từ đó ảnh hưởng đến giá hàng hóa.
Tiến bộ công nghệ: Những đổi mới, tiến bộ công nghệ trong quy trình sản xuất và khai thác hàng hóa có thể ảnh hưởng đến mức cung hàng hóa và cũng có thể tác động đến giá cả của chúng.
Ví dụ về rủi ro giá hàng hóa tại Việt Nam
1. Giá gạo
Ngành nông nghiệp tại Việt Nam là một ví dụ điển hình về rủi ro giá hàng hóa, cụ thể là lĩnh vực sản xuất lúa gạo. Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nên thường chịu ảnh hưởng đáng kể từ kinh tế toàn cầu.
Quay lại thời điểm năm 2021, khi Covid – 19 bùng phát và kéo dài đã khiến nhiều doanh nghiệp Việt xuất khẩu gạo đối mặt với nhiều thách thức. Theo hãng tin Reuters, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam đã giảm xuống 385 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 19/8/2021, giảm mạnh gần 20% so với hồi đầu tháng 7 trước đó. Giá giảm được giải thích bởi sự suy giảm mạnh mẽ về nhu cầu khi người dân đều phải thắt chặt chi tiêu.
Mặt khác, lượng cung và cầu cũng có thể tác động đến giá gạo. Ví dụ, ngày 20/07/2023, Ấn Độ, quốc gia đứng hàng đầu về lượng gạo xuất khẩu ra toàn cầu, đã đưa ra lệnh tạm dừng mặt hàng xuất khẩu lớn nhất nước này nhằm ổn định giá cả trong nước. Động thái này đã tác động đến nhu cầu gạo trên thế giới, cũng như ảnh hưởng đến quốc gia cũng nằm trong top đầu xuất gạo như Việt Nam. Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam ngay sau đó đã đạt mức cao nhất trong 15 năm là 590 – 600 USD/tấn, tăng từ mức 550 – 575 USD được ghi nhận vào một tuần trước đó.
2. Giá xăng dầu
Bên cạnh gạo, xăng dầu cũng được nhắc tới khi đề cập đến rủi ro giá hàng hóa. Trong những tháng cuối năm 2021 – đầu năm 2022, giá dầu thế giới đã tăng vọt gần 140 USD/thùng, đánh dấu mức cao nhất trong 14 năm. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu tăng cao khi nền kinh tế thế giới phục hồi sau đại dịch Covid, lệnh cấm vận xăng dầu từ Nga hay kế hoạch không tăng sản lượng xăng dầu của OPEC+ đã góp phần đẩy giá xăng dầu lên mức đỉnh.
Nguồn ảnh: VnExpress
Giá xăng tăng cao đã tác động trực tiếp đến mọi mặt nền kinh tế. Trước tiên là đơn vị bán lẻ xăng dầu trong nước, do nhận được chi phí chiết khấu quá thấp khiến họ không đủ kinh phí duy trì kinh doanh, một số cửa hàng bán lẻ buộc phải đóng cửa và dẫn đến việc thiếu hụt nguồn cung cho thị trường.
Điều này đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân, khi phải “đổ xô” và “xếp hàng dài” đi đổ xăng trước lo ngại giá xăng sẽ tiếp tục tăng, Mặt khác, các doanh nghiệp vận tải cũng chịu áp lực chi phí xăng dầu, đành phải tăng giá vé, phí vận chuyển và vô hình chung khiến nhu cầu sử dụng dịch vụ giảm sút, lợi nhuận thấp hơn.
Kết thúc năm 2022, giá xăng tại Việt Nam ghi nhận có tới 16 lần tăng giá và 16 lần giảm giá, có thời điểm giá xăng vượt mốc 30,000 đồng/lít.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.