Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Rủi ro giá hàng hóa và các tác động của chúng

Nội dung

    Điểm nhấn chính: 

    - Rủi ro giá hàng hóa có thể xảy ra đối với các nhà sản xuất, người tiêu dùng không chỉ riêng các doanh nghiệp. 

    - Hiểu rõ các rủi ro có thể giúp mọi người tìm được phương án tốt nhất để hạn chế tổn thất có thể gặp phải.    

    Tìm hiểu cùng Tititada!

    Rủi ro giá hàng hóa có tác động lớn đến nhiều khía cạnh khác nhau của nền kinh tế và thị trường. Chúng có thể ảnh hưởng rộng rãi đến nhà sản xuất, người tiêu dùng, nhà đầu tư và thị trường chung, ảnh hưởng đến quyết định và hoạt động của họ.   

    Rủi ro giá hàng hóa cho nhà sản xuất 

    - Biến động chi phí: Biến động giá hàng hóa có thể khiến dòng doanh thu nằm ngoài kế hoạch của nhà sản xuất. Ví dụ, nếu giá nguyên liệu sản xuất tăng, nhà sản xuất sẽ phải trả nhiều hơn cho việc sản xuất sản phẩm. Điều này có thể dẫn đến giảm lợi nhuận hoặc buộc họ phải tăng giá bán để bù đắp chi phí. 

    - Đầu tư và tăng trưởng: Giá hàng hóa biến động có thể ngăn các nhà sản xuất đưa ra quyết định đầu tư dài hạn hoặc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi giá hàng hóa thấp hoặc không ổn định, các nhà sản xuất thường tập trung đảm bảo nguồn lực và giảm thiểu rủi ro hơn.

    - Nghĩa vụ hợp đồng: Nhà sản xuất có thể thiết lập giá cho hàng hóa trong tương lai thông qua ký kết hợp đồng với người mua. Tuy nhiên, nếu giá hàng hóa tăng, việc đàm phán hợp đồng trước đó sẽ trở nên bất lợi cho họ vì họ phải bán với giá trên hợp đồng thấp hơn giá hiện hành. 

    - Áp lực cạnh tranh: Biến động giá hàng hóa có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất với đối thủ cạnh tranh của họ. Những người quản lý rủi ro hiệu quả hơn có thể giành được lợi thế. 

    - Gián đoạn chuỗi cung ứng: Biến động giá hàng hóa có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Ví dụ: nếu nhà sản xuất phụ thuộc vào một số nguyên vật liệu thô cụ thể, thì việc giá tăng đột ngột có thể làm gián đoạn nguồn cung hoặc buộc nhà sản xuất phải tìm kiếm các nguồn thay thế.   

    Rủi ro đối với người mua hoặc người tiêu dùng 

    Rủi ro về giá hàng hóa cũng có thể có tác động đáng kể đến người mua, bất kể là cá nhân, doanh nghiệp hay chính phủ, mua hàng hóa cho các mục đích khác nhau, chẳng hạn như sản xuất, tiêu dùng hoặc đầu tư.  

    - Biến động chi phí: Biến động giá hàng hóa tác động trực tiếp đến chi phí nguyên vật liệu đầu vào của các bên thu mua hàng hóa. Khi giá tăng, các doanh nghiệp phải chi trả cho chi phí đầu vào cao hơn, làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh và có thể dẫn đến giảm biên lợi nhuận; hoặc người tiêu dùng phải bỏ ra nhiều tiền hơn để có được loại hàng hóa như trước đây.  

    - Khả năng sinh lời và lập ngân sách: Người mua có thể gặp khó khăn trong việc dự đoán và lập ngân sách chi tiêu khi giá hàng hóa biến động mạnh, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào hàng hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ. 

    - Nhu cầu: Giá cả hàng hóa cao có thể ảnh hưởng đến hành vi và nhu cầu của người tiêu dùng. Ví dụ, nếu giá của các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, điện, nước tăng đáng kể, người tiêu dùng có thể phải cắt giảm chi tiêu trong các nhóm khác, dẫn đến những thay đổi trong thói quen chi tiêu hàng ngày của họ. 

    - Nghĩa vụ hợp đồng: Người mua nếu ký kết các điều khoản về giá cố định với nhà cung cấp, họ sẽ bị ràng buộc trong các thỏa thuận. Theo đó, nếu giá hàng hóa sau một thời gian ký kết hợp đồng giảm, họ có thể phải trả giá cao hơn mức giá hiện hành trên thị trường.   

    Ảnh hưởng đối với nhà đầu tư 

    Rủi ro giá hàng hóa cũng có tác động đáng kể đến các nhà đầu tư.  

    - Tổn thất tài chính: Các nhà đầu tư rót vốn vào hàng hóa có thể thua lỗ. Giá giảm mạnh đột ngột có thể giảm đáng kể giá trị của danh mục đầu tư, ảnh hưởng đến hiệu suất danh mục cũng như tài chính của họ. Điều này cũng gây khó khăn cho việc dự đoán và lập kế hoạch chính xác về lợi nhuận đầu tư. 

    - Rủi ro tín dụng: Các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy hoặc vốn vay để đầu tư vào hàng hóa có thể gia tăng khả năng đối mặt với rủi ro tín dụng. Nếu giá hàng hóa biến động ngoài mức cho phép, nhà đầu tư có thể bị gọi bổ sung ký quỹ hoặc chịu việc bị thanh lý các vị thế để đáp ứng các yêu cầu ký quỹ nếu có. 

    - Mất niềm tin vào khoản đầu tư: Rủi ro giá hàng hóa kéo dài có thể làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư, khiến họ rút tiền hoặc tránh đầu tư vào hàng hóa, điều này làm ảnh hưởng đến tính thanh khoản và sự ổn định của thị trường. 

    - Chi phí quản lý rủi ro: Sử dụng các chiến lược để giảm thiểu rủi ro giá hàng hóa, chẳng hạn như các công cụ phái sinh, có thể phát sinh các khoản chi phí. Những chi phí này có thể bao gồm phí giao dịch, yêu cầu ký quỹ, khả năng bỏ lỡ cơ hội kiếm lợi nhuận nếu biến động giá ít nghiêm trọng hơn dự đoán.    

    Doanh nghiệp có thể phòng ngừa rủi ro giá hàng hóa bằng cách nào? 

    Sử dụng các công cụ phái sinh 

    Các doanh nghiệp có thể sử dụng hợp đồng tương lai để xác định một mức giá mua/bán cho một loại hàng hóa, và cam kết mua/bán chúng với mức giá đó vào một ngày cụ thể trong tương lai. Điều này giúp họ đề phòng những biến động giá bất lợi đối với họ và có thể dự phóng được chi phí hoặc tổn thất doanh thu mà họ sẽ phải chịu. 

    Hoặc, hợp đồng quyền chọn cũng cung cấp cho các doanh nghiệp quyền, mà không phải nghĩa vụ, mua (quyền chọn mua) hoặc bán (quyền chọn bán) một loại hàng hóa ở một mức giá xác định trong một khoảng thời gian cụ thể. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể hạn chế tổn thất trong khi vẫn kiếm được lợi nhuận từ biến động giá theo chiều hướng mong muốn.  

    Quản lý hàng tồn kho 

    Quản lý hàng tồn kho một cách phù hợp có thể giúp giảm thiểu rủi ro giá hàng hóa. Theo đó, một công ty có thể duy trì đủ lượng hàng tồn kho trong thời kỳ giá thấp và tránh mua thêm trong thời kỳ giá hàng hóa tăng. 

    Sáp nhập theo chiều dọc 

    Một số doanh nghiệp chọn hình thức sáp nhập theo chiều dọc bằng cách sở hữu hoặc kiểm soát các khâu khác nhau trong chuỗi cung ứng. Ví dụ, một công ty thực phẩm có thể sở hữu đất nông nghiệp hoặc ký thỏa thuận với nông dân để đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định với chi phí có thể kiểm soát được. 

    Đa dạng hóa 

    Doanh nghiệp có thể đa dạng hóa nguồn thu mua hàng hóa bằng cách tìm nguồn nguyên liệu từ nhiều nhà cung cấp hoặc khu vực khác nhau. Qua đó làm giảm khả năng bị gián đoạn nguồn cung và bị tác động bởi biến động giá ở bất kỳ thị trường nào. 

    Quản lý nhu cầu 

    Các doanh nghiệp có thể điều chỉnh mô hình sản xuất và nhu cầu chi tiêu của mình phù hợp với những thay đổi trong giá hàng hóa. Khi giá một loại hàng hóa tăng, họ có thể tìm cách giảm mức tiêu thụ hoặc thay thế bằng các sản phẩm khác có chi phí thấp hơn. 

    Hợp đồng dài hạn 

    Việc ký kết hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp có thể mang lại sự ổn định giá hàng hóa, bảo vệ doanh nghiệp khỏi sự biến động giá trong ngắn hạn.


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán