Điểm nhấn chính:
- Phân tích tình hình tài chính doanh nghiệp: Mặc dù đối mặt với khó khăn từ nhiều phía song Trung Nguyên đã dần trở lại với những thành tích nổi bật.
- Sự phổ biến của cà phê Việt Nam đang mở ra cơ hội lớn hơn cho Trung Nguyên ở thị trường quốc tế.
Thương hiệu Trung Nguyên Legend bắt đầu từ đâu?
Cà phê Trung Nguyên, còn được biết đến với các thương hiệu con như G7, E- Coffee, v.v. hiện có mặt trên 80 quốc gia và nhiều vùng lãnh thổ ngoài Việt Nam (Mỹ, Canada, Nga, Anh, Đức, Nhật, v.v.).
Trung Nguyên được thành lập lập vào năm 1996 bởi ông Đặng Lê Nguyên Vũ, tại TP. Buôn Ma Thuột. Đến năm 1998, Trung Nguyên chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP. HCM và mở ra trang mới cho “ngành cà phê” Việt Nam. Để tiếp cận thị trường, Trung Nguyên đã thành công với chiến thuật “mở bán cà phê miễn phí 10 ngày” và nhanh chóng trở thành thức uống nổi tiếng của dân Sài thành. Nhờ tình hình kinh doanh thuận lợi, năm 1998, Trung Nguyên mở rộng quy mô sản xuất thông qua mô hình “nhượng quyền” và đến năm 2012, Trung Nguyên đã nắm độc quyền thị trường cà phê rang xay với gần 80% thị phần, theo khảo sát của Euromonitor. Sang năm 2013, cà phê Trung Nguyên chính thức đổi danh xưng thành “Trung Nguyên Legend”.
Đến nay, Trung Nguyên sở hữu hệ thống chuỗi cà phê với ba thương hiệu: Trung Nguyên Legend Café, Trung Nguyên E-Coffee và Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend, trong đó, Trung Nguyên E- coffee hiện có hơn 1,000 cửa hàng trên toàn quốc. Đồng thời, Trung Nguyên Legend là thương hiệu cà phê duy nhất trong ngành cà phê được Forbes vinh danh “Top 40 thương hiệu công ty Việt Nam giá trị nhất năm 2018”.
Đến cuối năm 2022, Trung Nguyên và Highlands là hai cái tên được biết đến nhiều nhất tại thị trường chuỗi cà phê Việt Nam, với tỷ lệ nhận diện áp đảo lần lượt là 75% và 67%. Trung Nguyên cũng là thương hiệu được chọn mua nhiều nhất trong ngành cà phê rang xay từ năm 2013-2022, theo Kantar.
Phân tích tình hình tài chính doanh nghiệp: Trung Nguyên
Doanh thu giai đoạn 2014-2018 của Trung Nguyên tăng trưởng khá chậm, trung bình chỉ tăng 3.3%/năm; trong khi lợi nhuận trước thuế trung bình giảm 25.7%/năm. Qua phân tích tình hình tài chính doanh nghiệp và tìm hiểu thì nguyên nhân là do trong giai đoan này Trung Nguyên bị cạnh tranh quyết liệt từ các thương hiệu mới như Starbucks, The Coffee House, Highlands, Phúc Long, Passio. Nổi bật nhất trong số này là Highlands, dẫn dẫn đầu cuộc đua doanh thu năm 2017 với hơn 1,600 tỷ đồng, tăng gần 31% svck.
Năm 2020, nhờ cải thiện hoạt động kinh doanh và mở rộng thị trường, tình hình tài chính của Trung Nguyên có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng trở lại. Doanh thu năm 2020 của Trung Nguyên đạt hơn 4,209 tỷ đồng, qua năm 2021 tăng thêm 6% và qua năm 2022 tăng thêm 38.5%, đạt 6,172 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế khá biến động, lãi ròng đạt 91 tỷ đồng (năm 2020) và tăng mạnh lên hơn 562 tỷ đồng (năm 2021). Sang năm 2022, do sụt giảm doanh thu tài chính và phát sinh khoản vay, nợ thuê tài chính ngắn hạn đã khiến lợi nhuận của Trung Nguyên giảm 23%, còn 435 tỷ đồng.
Bàn đạp đến từ sự phát triển của thị trường cà phê Việt Nam
Thông qua phân tích tình hình tài chính doanh nghiệp và phân tích thị trường cafe, có thể thấy Trung Nguyên Legend được dự đoán phát triển trong thời gian tới một phần đến từ lợi thế mà thị trường cà phê Việt Nam mang lại.
Thứ nhất, Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, với sản lượng xuất khẩu lên tới hàng triệu tấn cà phê sang nhiều quốc gia, bao gồm các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản và Brazil. Năm 2022, lần đầu tiên Việt Nam thu về hơn 4 tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu cà phê. Qua năm 2023, lũy kế 9Th2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước tính đạt 1.266 triệu tấn, trị giá 3.16 tỷ USD, giảm 7.3% về lượng, nhưng tăng 1.9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Và dự báo cả năm sẽ đạt khoảng 1.718 triệu tấn, với kim ngạch kỷ lục 4.2 tỷ USD. Trong đó, tổng doanh số xuất khẩu của Trung Nguyên Legend trong năm 2022 là hơn 100 triệu USD (hơn 2,300 tỷ đồng). Những kết quả này cho thấy sự phổ biến của cà phê Việt Nam và thể hiện chất lượng ngày càng tăng, đồng thời cũng mở ra cơ hội lớn hơn cho Trung Nguyên ở thị trường quốc tế.
Thứ hai, quy mô thị trường cà phê Việt Nam dự kiến tăng từ 472.61 triệu USD vào năm 2023 lên 706.06 triệu USD vào năm 2028, với tốc độ CAGR là 8.13% trong giai đoạn dự báo (2023-2028), theo Mordor Intelligence. Việc này có thể được một số yếu tố như, tỷ lệ tiêu thụ cà phê nhân trong nước trung bình 10 năm qua chỉ dưới mức 10%. Tới năm 2022, tỷ lệ này đã tăng lên 16%, cho thấy nhu cầu thương mại nội địa đối với cà phê đã tăng rất đáng kể. Đồng thời, theo một khảo sát, bình quân lượng cà phê tiêu thụ của Việt Nam là 2 kg/người/năm. Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Vicofa, cho biết, mục tiêu của Việt Nam là nâng tỷ lệ cà phê nội địa lên 25%-30%, tương đương với các nước sản xuất cà phê lớn trên thế giới như Brazil và Indonesia.
Ngoài ra, giá trung bình một ly cà phê ở Việt Nam là khoảng 40,000 đồng. Tuy nhiên, theo khảo sát của iPos, người Việt sẵn sàng chi từ 41,000 – 70,000 đồng cho một ly cà phê tại các chuỗi cà phê như Phúc Long, Highlands Coffee. Điều này cho thấy xu hướng cao cấp hóa dự kiến sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường trong nước. Hơn nữa, lối sống thay đổi của thế hệ millennial và dân số lao động trong nước ngày càng thêm bận rộn và mong muốn sự tiện lợi cao, cho thấy xu hướng sử dụng cà phê hoà tan và mua ngoài đang có xu hướng tăng mạnh trong những năm qua.
Những yếu tố này đều là chất xúc tác cho sự tăng trưởng của Trung Nguyên trong những năm qua cũng như trong tương lai.
Vụ ly hôn nghìn tỷ và bài toán định giá
Nhìn lại năm 2016, khi Trung Nguyên đang trên đà phát triển, sự kiện ly hôn của vợ chồng ông Vũ đã ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu. Cụ thể, phán quyết cuối cùng sau nhiều năm tranh chấp đối với khối tài sản trị giá gần 8,000 tỷ đồng (sau khi quy đổi ra tiền) như sau:
- Ông Vũ: nhận 4,687 tỷ đồng (~60%), gồm 6 BĐS (~350 tỷ đồng), nắm toàn bộ cổ phần ghi tên hai người tại các công ty thuộc hệ thống Trung Nguyên, nhưng trả lại phần chênh lệch tương đương 40% cổ phần cho bà Thảo bằng tiền.
- Bà Thảo: nhận 3,245 tỷ đồng (~40%), gồm 7 BĐS (~375 tỷ đồng) và số vàng, sở hữu ngoại tệ đang gửi đứng tên bà tại các ngân hàng là hơn 1,551 tỷ đồng (sau khi trừ phần ông Vũ đã rút) để cấn trừ vào cổ phần bà được nhận.
Do đó, ông Vũ phải thanh toán thêm cho bà Thảo số tiền chênh lệch về tài sản thực nhận và tài sản được chia là 1,318 tỷ đồng (đã hoàn tất vào ngày 20/05/2021). Ngoài ra, ông Vũ phải trợ cấp 10 tỷ đồng/năm cho 4 người con chung tính từ năm 2013 đến khi học xong Đại học.
Đáng chú ý nhất trong vụ chia tài sản trên là việc định giá cổ phần hệ thống Trung Nguyên, ~5,655 tỷ đồng. Do ông Vũ mua lại toàn bộ cổ phần của bà Thảo bằng tiền (quyết định của Tòa án) và loại hình tài sản là CTCP chưa niêm yết đã khiến việc phân chia tài sản trở nên phức tạp. Tổng tài sản trên BCTC năm 2017 là 5,696 tỷ đồng, với NPT chiếm 1,055 tỷ đồng và VCSH là 4,641 tỷ đồng. Tổng tài sản khá tương đương với mức định giá do tòa án đưa ra.
Tuy nhiên, nếu phân tích tình hình tài chính doanh nghiệp và định giá theo doanh thu, thu nhập, thì giá trị cổ phần Trung Nguyên sẽ cao hơn. Vốn điều lệ năm 2018 của Trung Nguyên là 1,500 tỷ đồng, ~150 triệu cổ phần (mệnh giá 10,000đ). Lợi nhuận bình quân giai đoạn 2014-2018 ~780 tỷ đồng/năm => EPS ~5,200 đồng. Với P/E các DN thực phẩm – đồ uống lớn (Vinamilk, Sabeco, Masan Consumer, v.v.) năm 2018 ~19 lần, thì mỗi cổ phần Trung Nguyên sẽ có giá ~98,800 đồng/cp. Như vậy, với 150 triệu cổ phần, định giá của Trung Nguyên sẽ ~15,000 tỷ đồng.
Sự khác biệt trong định giá cổ phần Trung Nguyên từng gây tranh cãi. Tuy nhiên, trong xử lý tài sản ly hôn, việc phân tích tình hình tài chính công ty và định giá Trung Nguyên theo doanh thu, lợi nhuận (như định giá cổ phiếu niêm yết trên sàn) là không hợp lý. Vì phương pháp này xem xét tiềm năng của công ty hình thành trong tương lai, thay vì xem xét giá trị tài sản thực có. Do đó, mức định giá ~5,655 tỷ đồng cho cổ phần Trung Nguyên của tòa án trong vụ chia tài sản là khá hợp lý. Ngược lại, nếu đặt trong trường hợp được niêm yết trên sàn thì mức định giá hấp dẫn của Trung Nguyên có lẽ sẽ thu hút đông đảo sự chú ý của giới đầu tư bởi tiềm năng lợi nhuận mà nó mang lại.
Trung Nguyên mở rộng thị trường quốc tế
Bất chấp khó khăn trong quá khứ, Trung Nguyên tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh trên nhiều thị trường khác nhau. Tại Thượng Hải (Trung Quốc), Trung Nguyên Legend ra mắt mô hình E-Coffee - hệ thống chuỗi cửa hàng bán lẻ thế giới cà phê (2017) và mô hình Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend (T9/2022).
Tính đến cuối năm 2022, Trung Nguyên Legend đã bán được 800 triệu ly cà phê trên đất Trung Quốc, chiếm 1/18 ly cà phê được tiêu thụ ở thị trường này mỗi ngày. Trung Nguyên thâm nhập chuỗi bán lẻ và thương mại điện tử tại TQ, xuất hiện trên Alibaba, Tmall, Taobao và tại 1,000 siêu thị tại Trung Quốc và đang nắm thị phần lớn thứ 2 trên thị trường TMĐT Trung Quốc (theo Chnbrand). Trung Nguyên cũng là Top 1 hạng mục “Must Try” và đứng đầu danh sách cửa hàng cà phê hot nhất đường Tây Nam Kinh (theo ứng dụng đánh giá dịch vụ, ăn uống Dazhongdianpin của TQ). Mặt khác, tiềm năng mà thị trường TQ mang lại rất lớn. Thị trường tiêu thụ cà phê TQ dự tính sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR ước đạt 10.42% trong giai đoạn 2022-2027 (Mordor Intelligence).
Nối tiếp việc mở rộng thị trường ở Trung Quốc, Trung Nguyên Legend đã chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên tại Mỹ vào ngày 20/01/2023 tiếp nối chiến lược mở rộng ra nước ngoài. Cửa hàng rộng 1,300 mét vuông tọa lạc tại khu phố Little Sai Gon của California, nơi sinh sống của một lượng lớn người Việt hải ngoại.
Bên cạnh đó, Trung Nguyên Legend cũng mở văn phòng đại diện tại Hàn Quốc và hiện diện rộng khắp hệ thống các siêu thị lớn nhất tại Campuchia (tính đến T6/2023).
Ông Vũ kỳ vọng sẽ khai thác thị trường F&B với chuỗi cửa hàng cà phê, kế hoạch phát triển 1,000 Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend khắp Trung Quốc thông qua hình thức hợp tác đầu tư, và 100 cửa hàng ở Mỹ, và cửa hàng ở các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Dubai, Pháp và các nước khác ở châu Á và châu Âu.
Mặc dù vậy, mở rộng cũng có nghĩa là Trung Nguyên sẽ phải tìm cách để cạnh tranh với rất nhiều đối thủ. Riêng tại Trung Quốc, tính đến T6/2023, đối thủ tiêu biểu nhất là thương hiệu Luckin coffee, đứng đầu Trung Quốc về số lượng cửa hàng, lên tới 10,000 cửa hàng, và Starbucks đứng thứ 2 với khoảng 6,000 cửa hàng.
Nhìn chung, Trung Nguyên đã dần trở lại
sau thời gian khó khăn và thông qua phân tích tình hình tài chính công ty, có thể nhận thấy có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Và tên tuổi Trung Nguyên đang ngày càng được theo dõi
và mong đợi.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.