Điểm nhấn chính:
- Nâng hạng TTCK là việc mà thị trường chứng khoán của một quốc gia được xếp hạng cao hơn trong hệ thống xếp hạng quốc tế.
- Hiện nay, Việt Nam đã được FTSE Russell cho vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi từ thị trường cận biên vào năm 2024. Tuy nhiên Việt Nam vẫn còn 2 tiêu chí quan trọng vẫn chưa có được biện pháp giải quyết chính thức nào.
Nút thắt cuối cùng cho mục tiêu nâng hạng
Việc TTCK chưa được nâng cấp lên thị trường mới nổi không phải do vấn đề quy mô hay thanh khoản, mà chủ yếu do các yếu tố liên quan đến khả năng tiếp cận thị trường của NĐT NN, trong đó gồm tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty Việt Nam, thứ hai là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, thứ ba là việc công bố thông tin bằng tiếng Anh.
1. Tỷ lệ sở hữu của NĐT NN tại các công ty VN
Hạn chế sở hữu nước ngoài là vấn đề gặp phải ở các thị trường lớn trong khu khu vực không chỉ riêng Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo Luật Đầu tư và Nghị định 31/2021/NĐ-CP: Đang có 25 ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường và 59 ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với NĐTNN. Quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá 51% tại nhiều ngành được cho là chưa tạo điều kiện thuật lợi cho giao dịch giữa NĐT trong nước và nước ngoài.
Điều này là bởi vì đó là những ngành nghề mang tính trọng yếu, có thể ảnh hưởng đến an toàn, an ninh kinh tế, nên Nhà nước buộc phải nắm giữ tỷ lệ sở hữu mang tính chi phối và hạn chế sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Dù Nghị định 60 được ban hành gần 2 năm, cho phép tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên đến 100% nhưng số lượng cổ phiếu chính thức nới room vẫn còn khá khiêm tốt, do những hạn chế của pháp luật và quy định liên quan cũng như cổ đông của công ty không đồng ý tăng room.
Dù vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể sẽ đề xuất một số ngành không mang tính trọng yếu, tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 70% thay vì 51% như hiện nay.
Đặc biệt, trong nỗ lực giải quyết vấn đề tỷ lệ sở hữu NĐT NN tại VN, việc sớm ban hành thông tư hướng dẫn về phát hành Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (Non-Voting Depository Receipts - NVDR) được xem là giải pháp hiệu quả vì nó cho phép NĐT NN mua cổ phiếu mà không bị hạn chế bởi các quy định về tỷ lệ sở hữu, đặc biệt trong bối cảnh thời gian gấp rút như hiện nay.
Theo quy định tại Điều 140 Nghị định 155/2020/NĐ-CP: Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết là một loại chứng khoán do công ty con của Sở giao dịch chứng khoán phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài trên cơ sở cổ phiếu của công ty niêm yết, đăng ký giao dịch. Người sở hữu NVDR có lợi ích kinh tế và nghĩa vụ tương ứng với cổ phần phổ thông cơ sở, trừ quyền biểu quyết. Tổ chức phát hành có quyền tham dự ĐHĐCĐ và biểu quyết trong trường hợp tổ chức phát hành cổ phiếu cơ sở lấy ý kiến cổ đông về việc hủy niêm yết nhưng không có các quyền khác về kinh tế liên quan đến cổ phiếu đó.
Bởi vì NVDR là loại chứng chỉ lưu ký được phát hành dựa trên tài sản cơ sở là cổ phần phổ thông, nhưng bản thân nó không phải là cổ phần, nên nó sẽ không dẫn đến sự thay đổi về tỷ lệ vốn mà các nhà đầu tư đang nắm giữ trong CTCP, đồng thời không làm ảnh hưởng đến vốn điều lệ của CTCP.
Sự xuất hiện của NVDR không chỉ mở rộng cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài, mà còn tăng cường tính thanh khoản và độ mở của thị trường chứng khoán Việt Nam. Chẳng hạn, tại Thái Lan, thanh khoản của NVDR chiếm trung bình 21% tổng giá trị thanh khoản trung bình hàng ngày của thị trường chứng khoán Thái Lan và giao dịch khối ngoại đạt tỷ trọng khoảng 40%.
2. Loại bỏ yêu cầu ký quỹ trước khi giao dịch (pre-funding) đối với NĐT tổ chức
Tỷ lệ ký quỹ pre-funding là điểm nghẽn lớn nhất đối với việc nâng hạng thị trường. Theo Thông Tư 120/2020/TT – BTC, NĐT NN khi thực hiện giao dịch chỉ được đặt lệnh mua/bán khi đã ký quỹ đủ 100% tiền hoặc chứng khoán. Yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài ký quỹ 100% tại thời điểm đặt lệnh giao dịch (prefunding) cũng được xem là đối xử không công bằng so với nhà đầu tư trong nước.
Trong khi đó, thông lệ tại các thị trường quốc tế, nhà đầu tư không bị yêu cầu đáp ứng toàn bộ số dư tiền/chứng khoán tại thời điểm giao dịch mà chỉ cần đảm bảo thanh toán giao dịch T+2. Đây được xem là công cụ đòn bẩy cho NĐT và góp phần tăng tính thanh khoản thị trường.
Giải pháp cho vấn đề này chính là Cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (Central Clearing Counterparty – CCP). Theo đó, CTCK phối hợp với các bên liên quan hỗ trợ ứng vốn cho NĐT nước ngoài để thực hiện giao dịch mà không cần ký quỹ 100%. Ngoài ra, nếu NĐT NN mở tài khoản lưu ký chứng khoán tại Ngân hàng lưu ký khi có bảo lãnh thanh toán hoặc xác nhận của ngân hàng lưu ký về việc chấp thuận yêu cầu thanh toán GDCK của NĐT thì sẽ không cần ký qũy 100% tiền trước khi giao dịch. Tuy nhiên, tỷ lệ ký quỹ cụ thể bao nhiêu phụ thuộc vào quyết định của các CTCK.
Đồng thời, tỷ lệ ký quỹ có thể áp dụng cho các nhà đầu tư tổ chức trước và theo một rổ danh mục cổ phiếu theo quy định của UBCK để giảm rủi ro cho các CTCK và dần dần sẽ mở ra cho các nhà đầu tư cá nhân khi thị trường áp dụng một thời gian dài và dần ổn định.
Đối với hoạt động thanh toán giao dịch mua chứng khoán không ký quỹ 100% tiền của NĐT NN:
- Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài phải có đủ tiền trên tài khoản để thanh toán cho các giao dịch mua chứng khoán của mình trước thời điểm thành viên lưu ký xác nhận kết quả giao dịch chứng khoán với Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC). Việc bù trừ, thanh toán GDCK được thực hiện theo quy định pháp luật và quy chế của VSDC.
- Trường hợp nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không có đủ tiền trong thời hạn theo quy định, nghĩa vụ thanh toán giao dịch mua chứng khoán thiếu tiền của nhà đầu tư được chuyển thành nghĩa vụ thanh toán của CTCK nơi nhà đầu tư đặt lệnh để bù trừ.
- CTCK nơi nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đặt lệnh mua chứng khoán quy định tại Điều 9a Thông tư số 120/2020/TT-BTC có nghĩa vụ thanh toán đối với giao dịch mua chứng khoán thiếu tiền để thanh toán của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. CTCK phải đảm bảo đủ nguồn vốn để thanh toán, trường hợp mất khả năng thanh toán sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định pháp luật và Quy chế của VSDC.
Đây sẽ là giải pháp lâu dài để giải quyết vấn đề prefunding và kiểm soát rủi ro về thanh toán trong trường hợp giao dịch thất bại.
Ngoài ra còn có một giải pháp ngắn hạn khác là chỉ yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài đặt cọc một phần giao dịch. Số tiền còn lại sẽ được thu vào thời điểm thực hiện nghĩa vụ tài chính giao dịch.
Hiện tại, nhiều công ty chứng khoán đã sẵn sàng quy trình cho việc cung cấp dịch vụ cho NĐT tổ chức nước ngoài mua chứng khoán mà không cần ký quỹ đủ 100% tiền.
Nếu Thông tư sửa đổi về vấn đề này được ban hành, FTSE Russell sẽ lấy ý kiến từ các NĐT tổ chức đang đầu tư vào VN, nếu ko có trở ngại gì thì FTSE sẽ có quyết định chính thức về việc nâng hạng TTCK VN.
3. Công bố thông tin bằng Tiếng Anh
Yếu tố này rất khó khăn đối với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khó khăn này không chỉ nằm ở năng lực của doanh nghiệp Việt Nam mà còn ở nguồn lực và chi phí.
Theo kế hoạch, từ năm 2025, tất cả công ty vốn hóa lớn cần công bố thông tin tới nhà đầu tư bằng tiếng Anh với các tài liệu như báo cáo tài chính, báo cáo quản trị, báo cáo thường niên. Tới năm 2026, tất cả những công bố thông tin từ doanh nghiệp đều song ngữ Anh – Việt, có văn bản riêng bằng tiếng Anh với nhóm vốn hóa lớn. Đến năm 2028, tất cả công ty niêm yết vốn hóa lớn và nhỏ đều phải công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Các tiêu chí bổ sung để cải thiện TTCK VN
Ngoài ra, FTSE Russells cũng lưu ý Việt Nam cần phải cải tiến cải tiến quy trình đăng ký tài khoản mới dễ dàng, thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài theo thông lệ thị trường chung.
Đồng thời, để lọt vào mắt của NĐT quốc tế, TTCK VN cũng cần phát triển theo hướng bền vững, đòi hỏi theo sự đa dạng hóa ngành nghề, vượt lên sự phụ thuộc vào hai ngành truyền thống là BĐS và Ngân hàng. Hiện nay, hai ngành này chiếm hơn 40% tổng quy mô vốn hóa, đặt thị trường trong tình trạng rủi ro cao trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Trong khi NĐT quốc tế lại không thích sự tăng trưởng đến từ BĐS vì nếu giàu lên từ BĐS sẽ không bền vững, nó không tạo ra sản phẩm thực, không đóng góp vào GDP và đa phần các nước tư bản phát triển đều đi lên bằng sản xuất và công nghiệp chứ không phải BĐS.
Vì thế, để đạt được sự bền vững, cũng như đáp ứng được yêu cầu về khung ổn định thể chế của MSCI, thị trường cần mở rộng sang các lĩnh vực mới như viễn thông và công nghệ, vốn được coi là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển kinh tế thịnh vượng và ít rủi ro hơn.
Nhiều đề xuất rằng VN có thể tính đến niêm yết các doanh nghiệp FDI để giải quyết vấn đề quy mô và chất lượng hàng hóa của TTCK Việt Nam, đặc biệt khi làn sóng FDI dịch chuyển mạnh vào VN như hiện nay. Bởi Việt Nam là trung tâm sản xuất và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, xuất nhập khẩu là trụ cột của tăng tưởng kinh tế, nhưng vẫn chưa có một đại diện đủ lớn từ nhóm này tham gia thị trường chứng khoán.
Tiêu chí khác đó là chất lượng của các công ty niêm yết. VN có hơn 1,700 công ty niêm yết nhưng so với thị trường quốc tế thì vốn hóa vẫn còn thấp, nên vấn đề chọn lọc và quản lý chất lượng trước khi niêm yết. Nghĩa là, làm thế nào để số lượng ít hơn nhưng nó thực sự tốt hơn. Theo đánh giá, số lượng công ty có tiêu chuẩn công bố thông tin, chuẩn mực kế toán cao nhất tại Việt Nam là không nhiều. Vẫn còn khoảng cách lớn giữa các quốc gia và Việt Nam trong hoạt động quan hệ nhà đầu tư.
Điều gì xảy ra nếu việc nâng hạng bị trì hoãn?
Nếu Việt Nam không thành công nâng hạng trong đợt này, thì việc đầu tư vào VN vẫn không kém hấp dẫn vì tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế và chính cả doanh nghiệp, định giá thị trường vẫn ở mức thấp. Hiện VNIndex đang giao dịch tương ứng mức P/E 2024 là 12x, dù không còn là thị trường rẻ nhất châu Á nhưng mức định giá này vẫn hấp dẫn.
Trong quý 1/2024, VN-Index tăng trưởng vượt trội 11.3% so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Singapore, Bangladesh… dù Việt Nam đồng bị mất giá. Tỷ lệ cho vay ký quỹ/vốn hóa thị trường đạt mức 7.3% vào cuối năm 2023.
Về mặt cơ bản, TTCK Việt Nam có những nền tảng cơ bản hấp dẫn tạo triển vọng tươi sáng trong dài hạn, lợi ích đến từ cơ cấu dân số trẻ, sự tăng trưởng mạnh của tầng lớp trung lưu, tốc độ đô thị hóa cao là triển vọng vững chắc cho nhu cầu nội địa. Dòng vốn FDI cũng sẽ giúp Việt Nam thành trung tâm xuất khẩu lớn tiếp theo.
Vì thế, kỳ vọng dòng tiền chảy vào TTCK trong năm 2024 khi các công ty niêm yết được dự báo phục hồi từ không tăng trưởng trong năm 2023 lên khoảng 17% trong 2024 và 20% trong 2025 và hệ thống KRX đi vào hoạt động giúp TTCK bước vào chu kỳ tăng trưởng vững chắc hơn.
Việc nâng hạng không phải là tất cả, vì nâng hạng xong và duy trì nó cũng là một vấn đề lớn. Ví dụ về Pakistan, bị MSCI hạ mức xếp hạng chỉ 4 năm sau khi được nâng lên vị thế thị trường mới nổi, nhấn mạnh nguy cơ dòng vốn bị đảo ngược.
Như vậy, giả sử Nghị định 155/2020 hướng dẫn Luật Chứng khoán được sửa đổi trong tháng 9 năm nay, kết hợp việc hoàn thiện hệ thống KRX, FTSE Russell cũng cần thời gian để lắng nghe phản ánh của nhà đầu tư về TTCK VN. Kỳ vọng bước cuối cùng có thể thực hiện trong năm 2024, thì Việt Nam sẽ nằm trong thông báo tạm thời về nâng hạng vào T3/2025, thông báo chính thức vào T9/2025. Thời điểm có hiệu lực vào tháng 3/2026. Ở kịch bản khác, thời gian được thông báo chính thức vào tháng 9/2025 và có hiệu lực vào tháng 3/2026 hoặc muộn nhất 9/2026.
Đối với khả năng nâng bậc từ MSCI, do quy mô các doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ (chủ yếu là SME), việc các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận và tìm hiểu về tình hình quản trị và kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập. Đặc biệt, so với các quốc gia trong khu vực, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần phải nâng cao nhận thức và tích lũy thêm kinh nghiệm làm việc với các định chế tài chính nước ngoài. Do vậy, Việt Nam phải nỗ lực rất nhiều, đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe hơn nữa thì mới có thể thành công nâng hạng từ MSCI.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.