Điểm nhấn chính:
- Để lên kế hoạch phát triển cá nhân, việc quan trọng nhất là hiểu được lý do vì sao bạn cần phải thực hiện nó.
- Các bước cụ thể để lập kế hoạch phát triển cá nhân thành công, giúp bạn hình dung cách đạt được mục tiêu thông qua phương pháp SMART.
Định nghĩa kế hoạch phát triển cá nhân
Kế hoạch phát triển cá nhân được hiểu đơn giản là việc đề ra kế hoạch hành động cụ thể để đạt được các mục tiêu mong muốn. Những mục tiêu này thường để nâng cao năng lực của bản thân, phát triển các kỹ năng cũng như mở rộng hiểu biết để có thể thực hiện được ước mơ của bản thân.
Tuy nhiên, rất nhiều người mắc phải sai lầm khi rất mong muốn phát triển bản thân nhưng lại không có kế hoạch, hoặc kế hoạch không rõ ràng, cụ thể. Điều này có thể dẫn đến việc mãi đắm chìm trong giấc mơ nhưng không thể biến nó thành hiện thực, tạo tâm lý chán nản và thất vọng về bản thân vì không đạt được mục tiêu.
Vì sao phải lên kế hoạch phát triển cá nhân?
Khi bạn đã có mục tiêu, việc lên kế hoạch rất quan trọng. Điều này giúp bạn:
- Biết rõ các cột mốc (milestone) nhỏ mình phải đạt được;
- Biêt rõ các hành động (action) phải thực hiện;
- Đo
lường được hiệu quả cũng như phương hướng cải thiện.
Ngoài ra, việc lên kế hoạch phát triển cá
nhân chi tiết cũng cho bạn hình dung một bức tranh rõ ràng hơn con đường đi đến
đích. Việc còn lại phụ thuộc vào sự kỷ luật và khả năng thực hiện các nhiệm vụ
nhỏ đó.
Quy trình 4 bước lập kế hoạch phát triển cá nhân hiệu quả nhất
Để quá trình lên kế hoạch phát triển bản thân hiệu quả, cùng điểm qua một vài bước nhỏ Tititada gợi ý sau đây nhé
Bước 1: Đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của bản thân
Một nguyên tắc đơn giản trong việc phát triển bản thân là phát huy điểm mạnh và hạn chế, khắc phục điểm yếu của bản thân. Ngay bây giờ, bạn hãy đi tìm câu trả lời cho câu hỏi sau: “3 điểm mạnh và 3 điểm yếu lớn nhất của tôi là gì?”. Việc này không hề đơn giản vì bạn phải suy xét lại bản thân trong quá khư và hiện tại rất nhiều. Tuy nhiên, đây là bước quan trọng vì nó giúp bạn hiểu được bản thân mình tốt hơn.
Đôi khi, việc tự đánh giá sẽ mang tính chủ quan. Vì vậy, để có cái nhìn đa chiều và khách quan hơn, bạn có thể kết hợp với việc hỏi và chắt lọc nhận xét từ những người xung quanh, từ đó giúp bạn khám phá ra được những điểm mạnh và điểm yếu tiềm ẩn mà bản thân mình không nhận ra.
Bước 2: Xác định mục tiêu
Sau khi xác định được điểm mạnh, điểm yếu, việc tiếp theo bạn cần là đặt mục tiêu cải thiện dựa trên những phân tích đã có về bản thân. Xác lập mục tiêu tương tự như việc bạn biết được đích đến và sẽ lên kế hoạch để đi đúng vạch đích đó. Vì vậy, đây là việc quan trọng nhất, quyết định hướng đi cho toàn bộ kế hoạch của bạn.
Tuy nhiên, việc phát triển bản thân không bị giới hạn ở năng lực bản thân mà còn ở các khía cạnh khác như sức khoẻ, vóc dáng, mối quan hệ, ... Điều quan trọng, bạn biết bản thân mong muốn điều gì và mục tiêu đó giúp bạn phát triển bản thân.
Mục tiêu có thể được phân loại thành: ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Tuỳ vào khoảng thời gian, kế hoạch sẽ có sự khác nhau.
Một phương pháp hữu ích khi đặt mục tiêu là SMART, bao gồm:
- Specific – Cụ thể, rõ ràng, đáng để nỗ lực
- Measurable – Có thể đo lường được, đem lại kết quả có ý nghĩa
- Achievable – Có thể đạt được
- Relevant – Có liên quan và thực tế với nguồn lực và khả năng
- Time-bound – Giới hạn thời gian, có thời hạn để đạt được rõ ràng
Ví dụ: nếu bạn đặt mục tiêu giảm cân, bạn có thể nói rằng: “Tôi muốn giảm 2kg trong vòng 2 tháng tới”.
Ở đây, mục tiêu của bạn vẫn còn khá chung. Vì vậy, bạn có thể cụ thể hơn rằng: “Tôi muốn chạy bộ 30 phút mỗi ngày trong vòng 2 tháng tới để giảm được 2kg”. Theo đó, mục tiêu này cụ thể, có thể đo lường được mỗi ngày, nằm trong khả năng của bạn và liên quan tới mục tiêu lớn là giảm cân, thời gian rõ ràng 2 tháng.
Bước 3: Hành động
Giấc mơ chỉ thấy trong giấc ngủ nếu bạn không hành động và biến nó thành sự thật. Vì vậy, đây là bước quan trọng giúp bạn từng bước đạt được mục tiêu của mình. Bạn nên tạo thói quen và duy trì hằng ngày thay vì thực hiện bằng cảm xúc hưng phấn nhất thời, vì cảm xúc sẽ không kéo dài lâu và chỉ có kỷ luật mới giúp bạn thành công được.
Bước 4: Tự đánh giá và điều chỉnh
Việc thiếu đi sự đánh giá hiệu suất như con tàu đi chệch hướng nhưng không ai nhận ra. Vì vậy, đánh giá hiệu quả hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng để kịp thời điều chỉnh và mang lại kết quả tốt nhất cho kế hoạch phát triển bản thân.
Nhìn chung, lập kế hoạch phát triển cá nhân thành công là một quá trình quan trọng để định hình tương lai và đạt được các mục tiêu dài hạn. Để thực hiện kế hoạch phát triển cá nhân hiệu quả, cần xác định rõ ràng mục tiêu, xây dựng lộ trình cụ thể và kiên trì thực hiện. Việc thường xuyên đánh giá và điều chỉnh kế hoạch cũng rất cần thiết để đảm bảo phù hợp với hoàn cảnh và ưu tiên cá nhân. Quan trọng nhất, thành công sau kế hoạch phát triển cá nhân không chỉ nằm ở việc đạt được đích đến mà còn ở sự trưởng thành và bài học trên hành trình phát triển. Một kế hoạch phát triển cá nhân được thực hiện nghiêm túc không chỉ giúp mỗi người khai thác tối đa tiềm năng của mình mà còn góp phần tạo ra giá trị tích cực cho xã hội.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.